Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk một người thường xuyên phá vỡ các quy tắc. Ông đã nhiều lần làm những điều mà người khác nghĩ là không thể.
Là doanh nhân có nghĩa là trong phần lớn thời gian, bạn có thể phải phá vỡ các quy tắc. Đó có thể đơn giản là những vấn đề thử thách với trí tuệ truyền thống và được thể hiện đa dạng, cho đến việc thử nghiệm mà không phá vỡ các giới hạn của luật pháp.
Những khó khăn, thách thức vốn có trong quá trình xây dựng doanh nghiệp buộc doanh nhân luôn sáng tạo trên cơ sở những quy định và ràng buộc có sẵn.
“Có một sự thật đơn giản, trước đây Thung lũng Silicon không dựa vào nơi khác để tìm kiếm chỉ dẫn và tạo nguồn cảm hứng. Vì vậy, chúng tôi chào đón việc vi phạm các quy tắc có sẵn và xây dựng nguyên tắc mới nếu cần.
Ngày nay, cộng đồng khởi nghiệp khắp nơi trên thế giới sẽ quan sát những gì đang xảy ra ở đây và làm theo”, Mark White, công ty luật White Summers Caffee & James, nói.
Ở Thung lũng Silicon, quỹ đầu tư mạo hiểm không chỉ là những người phá vỡ quy tắc mà họ còn chủ động đi tìm kiếm. Việc phá vỡ phương thức kinh doanh của các ngành truyền thống thường là điểm mấu chốt để xây dựng doanh nghiệp lớn, thành công và có được lợi nhuận lớn.
Nhiều doanh nhân bên ngoài Thung lũng thấy khó khăn khi phải phá vỡ các quy tắc. Vì thế, họ thường làm theo và thích nghi với các quy tắc truyền thống, hành vi và phong tục của địa phương. Ở đây chúng tôi không làm như vậy.
Doanh nhân thường xuyên phá vỡ các nguyên tắc cơ bản khi làm việc với hiện trạng. Có nhiều người nghĩ rằng vấn đề mà đáng giải quyết thì ai đó đã xử lý rồi. Nhưng một doanh nhân thành công sẽ không chấp nhận suy nghĩ đó.
Họ xác định vấn đề, đổi mới để giải quyết, xây dựng một sản phẩm sáng tạo và công ty giải quyết thành công cơ hội thị trường. Đôi khi, cơ hội nằm ở thị trường chưa được phục vụ, nhiều khi tạo nên thị trường hoàn toàn mới. Ngày nay, gọi taxi thật cổ lỗ sĩ, chúng tôi tự hỏi sao không có ai đó nghĩ ra Uber sớm hơn.
Uber là ví dụ hay về những gì chúng tôi muốn nói ở đây. Công ty này đã chuyển đổi ngành vận tải taxi truyền thống. Trước đây, các công ty taxi cần phải có giấy phép để được cung cấp dịch vụ taxi. Uber xem xét dịch vụ “giao thông theo yêu cầu” và coi lái xe là các nhà thầu độc lập chứ không phải là nhân viên (một tình trạng có thể không tồn tại).
Uber đã “phá vỡ” quy định truyền thống đòi hỏi lái xe phải có giấy phép vận tải. Do vậy, xe của Uber không bị điều chỉnh giống như taxi truyền thống. Hiện nay, Uber đã có hơn 327,000 tài xế đăng ký hoạt động, họ đặt lịch làm việc và cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo yêu cầu. Ứng dụng đã có ở 300 thành phố và 60 quốc gia (theo dữ liệu của Uber, 2015).
Salesforce.com là một công ty khác đã vượt qua các quy tắc truyền thống. Trước thời điểm Saleforce được thành lập, có một nguyên tắc chung là muốn bán phần mềm cho các doanh nghiệp lớn phải có đội ngũ bán hàng trực tiếp. Và bạn chắc chắn, bạn không thể bán phần mềm như một dịch vụ (SaaS).
Giám đốc điều hành Marc Benioff đã rời Oracle – công ty thành công với phần mềm doanh nghiệp, và chứng minh ông có thể bán phần mềm qua mạng Internet. Hiện nay, Salesforce có nhiều khách hàng thuộc danh sách 500 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ (Fortune 500), doanh thu năm 2015 đạt 5,37 tỷ đô la.
Một ví dụ khác là công ty AirBnB. Trước đây, các thành phố trên thế giới có quy định chủ nhà bị cấm cho thuê tất cả hoặc một phần diện tích nhà ở dưới 30 ngày. Ngày nay, nhiều thành phố đang thay đổi quy định để thích ứng với AirBnB, và một số thành phố cũng đang yêu cầu khách sạn phải đóng thuế đối với các hợp đồng cho thuê ngắn hạn.
AirBnB đã có hơn 2 triệu khách sạn trên toàn thế giới và gần đây công ty mở rộng, cung cấp dịch vụ bao gồm cả nhà ở tại Cuba.
Cuối cùng là Elon Musk một người thường xuyên phá vỡ các quy tắc. Ông đã nhiều lần làm những điều mà người khác nghĩ là không thể. Elon Musk đã xây dựng thành một công ty xe điện và công ty cạnh tranh với NASA trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vũ trụ. Sự “phá vỡ” quy tắc của ông đã mang lại những đóng góp quan trọng.
Đó là việc phát triển xe điện, cho dù đắt đỏ nhưng có thể đi từ San Francisco đến Los Angeles trong một lần sạc. Điều mà trước đây là không thể. Và ông đang thử nghiệm phóng tên lửa đã sử dụng.
Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân: Các công ty như Uber, Salesforce.com và Tesla sẽ như thế nào nếu họ tuân theo các quy tắc truyền thống? Họ cần phải nghĩ theo một cách khác để thoát khỏi sự khôn ngoan thông thường, để làm những điều trái với “quy tắc”. Và đôi khi việc “phá vỡ” quy tắc của họ rơi vào vùng màu xám hợp pháp.
Tuy nhiên, hãy ghi nhớ rằng có các quy tắc để phá vỡ quy tắc. Bạn không thể làm những điều được coi là bất hợp pháp như ăn cắp một chiếc xe (không có vùng màu xám ở đó) và bạn không nên làm những điều vô đạo đức.
Bạn cũng không nên làm những điều gây nghi ngờ về uy tín hoặc sự chính trực của bạn. Nhưng vẫn còn nhiều không gian để bạn hoạt động và thách thức những gì mọi người vẫn nghĩ là “đúng”.
Chúng tôi gọi những ví dụ trên là phá vỡ quy tắc chiến lược, trong đó những gì đã xảy ra được đặt câu hỏi, luật pháp và các quy định bị thách thức và tạo ra cơ hội cho những ngành chuyển đổi. Các quy tắc khác có thể và nên bị “phá vỡ” nguyên tắc chúng tôi gọi là “lựa chọn”.
Michelle E. Messina – Jonathan C. Baer / Alpha Books – NXB Thế giới/Zingnews
Phải phá vỡ quy tắc và rào cản, đó là suy nghĩ của những người siêu giàu
Chuyên gia tâm lý Brad Klontz là người đã nghiên cứu sâu sắc về hoạt động, tính cách và xác định kế hoạch tài chính cho nhiều doanh nhân giàu có tại Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Brad Klontz tiết lộ lối suy nghĩ của phần đông triệu phú và tỷ phú sau một thời gian dài ông có cơ hội hợp tác với họ.
Theo chuyên gia tâm lý Brad Klontz, những người siêu giàu thường có lối suy nghĩ khá lập dị. Họ không thích phải tuân theo bất cứ quy tắc nào. Họ cảm thấy thỏa mãn, thành công khi phá vỡ được rào cản trên con đường sự nghiệp và luôn tìm đến những thách thức mới.
“Tôi đã làm việc với rất nhiều người cực kì giàu có, thành công trong sự nghiệp. Có một đặc điểm chung giữa họ là không thích bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc và luật lệ nào.
Thường là như vậy, nếu họ nhận thấy một vấn đề không thể giải quyết bằng một phương án thì nhất định sẽ đưa ra hàng trăm phương án khác nhau. Họ sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề đó bằng được thay vì buông xuôi hay phó mặc cho người khác” – Brad nói.
Không chỉ Brad Klontz, triệu phú tự thân lập nghiệp Steve Siebold cũng đã dành 26 năm để tìm hiểu về thói quen, quan điểm và lối suy nghĩ khác biệt của những người giàu có nhất thế giới. Và ông nhận thấy một điều rằng, những người càng thành công thì càng có suy nghĩ phải phá vỡ những luật lệ cũ để thay đổi bằng những cái mới tốt hơn. Đó là quy luật của sự phát triển.
Rất nhiều người giàu là minh chứng rõ ràng cho lý thuyết này như tỷ phú Elon Musk – người đã thách thức nhiều thương hiệu xe hơi lớn nhất thế giới khi ông tạo ra Tesla Motors. Ông bác bỏ những mô hình được coi là tiêu chuẩn trong ngành sản xuất xe hơi khi cho ra mắt mẫu siêu xe điện, một trong những phát minh vĩ đại của năm.
Chưa dừng lại ở đó, ông chủ của tập đoàn công nghệ khám phá vũ trụ SpaceX còn là người tiên phong thực hiện loạt dự án táo bạo khác như: đưa con người lên sao Hỏa, chinh phục không gian, khám phá lòng đất… Chính vì vậy mà ông được đánh giá là người sẽ làm thay đổi tương lai của thế giới bằng công nghệ.
Ông chủ của tập đoàn Virgin – Richard Branson, một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới cũng nổi tiếng là người làm nên những điều không tưởng. “Tôi cho rằng doanh nhân là người luôn thích sự thay đổi, sáng tạo, không muốn bị bó buộc tư duy. Táo bạo và mạo hiểm nhưng không ngu ngốc.
Trước đây tôi quyết định đầu tư vào hãng hàng không vượt Đại Tây Dương Virgin Atlantic trong khi nhiều người phản đối vì khả năng rủi ro cao. Tôi muốn sống hết mình và hướng đến mục tiêu mới. Tôi muốn gây dựng từ ý tưởng của chính mình mà không phải phụ thuộc vào hãng đã thành lập”, Richard Branson từng chia sẻ trong cuốn tự truyện.
Phân tích về khía cạnh tâm lý của những người giàu có, ông Brad Klontz giải thích rằng mục đích làm việc của họ – ít nhất với những người mà ông từng tiếp xúc – là sự đam mê và khát khao vượt qua mọi thử thách. Họ cảm thấy công việc mang đến cho họ niềm vui chứ không phải là tiền bạc.
Theo Trí thức trẻ/CNBC
Xem thêm bài liên quan
- Làm giàu từ 2 đô đến 20 tỷ đô: Bí quyết thành công ai cũng biết nhưng mấy ai làm được
- HLV trí nhớ của tỷ phú Elon Musk: “Giết kiến” là thói quen tỷ phú làm được, để thành công và thông minh hơn bạn nhất định cần làm được
- Quy tắc quan trọng trong làm giàu rất nhiều doanh nhân thành công thực hiện: Hành động giống như loài nhện!