Hình ảnh đại gia giàu nhất Thâm Quyến Diêu Chấn Hoa ăn tô mỳ 35 nghìn đồng khiến dân mạng bàn tán “sục sôi” về sự thật cách người giàu tiêu tiền và điều gì khiến họ càng giàu thêm.
Hầu hết chúng ta có sự hiểu lầm rất lớn về cuộc sống của người giàu có. Tư duy khác biệt cũng là thứ khiến cho người giàu càng giàu hơn trong khi rất nhiều người khác vẫn mãi giậm chân tại chỗ.Cách đây không lâu, có người tình cờ gặp được Diêu Chấn Hoa – một trong những vị đại gia giàu có nhất Thâm Quyến – đang ngồi xì xụp ăn một bát mì trong một quán ăn ven đường.
Hình ảnh về Diêu Chấn Hoa lập tức gây chấn động sau khi được cư dân mạng lan truyền. Một ông trùm bất động sản sở hữu gia tài hơn 200 tỷ tệ (khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng) mà chỉ ăn vận giản dị, ăn bát mì 35 nghìn đồng như tất cả mọi người hay sao?
Nhiều dòng bình luận từ cư dân mạng nức nở khen ngợi sự giản dị của vị đại gia, không ít người cho rằng thói quen sống tiết kiệm và đơn giản của ông là một bài học truyền cảm hứng đáng ca ngợi.
Không ít người tặc lưỡi bĩu môi cho rằng, giàu có đến “nứt đố đổ vách” như ông ta, sao lại phải chui vào quán xá nhỏ xíu để ăn mì giống như người bình thường? Thật khó hiểu!
Thế nhưng, sự thật là cho dù người giàu có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, họ cũng không thể nào ăn bò bít tết, nấm truffle hay trứng cá caviar mỗi ngày được. Những bình luận từ cộng đồng mạng cũng cho thấy rằng, hầu hết chúng ta đều đang có một sự hiểu lầm rất lớn về cuộc sống của những người giàu có.
Kỷ nguyên tiêu dùng thực dụng, quan tâm đến các giá trị vật chất đã kết thúc từ lâu. Tầng lớp thượng lưu hiện nay quan tâm nhiều hơn đến “tiêu dùng vô hình” hay những thứ có giá trị về tinh thần, mang lại cho họ sự phát triển ở tầm cao hơn về tư duy, sức khỏe hay các vấn đề về tinh thần khác. Đó cũng là thứ khiến cho những người giàu lại càng giàu.
Trong cuốn “Thời đại thứ tư của chủ nghĩa tiêu dùng”, tác giả Nhật Bản, Atsushi Miura cho biết từ năm 1912, thế giới trải qua 4 giai đoạn:
– Giai đoạn thứ nhất là giải quyết vấn đề cơm ăn, áo mặc.
– Giai đoạn thứ hai là nhấn mạnh sự quý giá của vật chất.
– Giai đoạn thứ ba là sự hài lòng về tâm lý.
– Giai đoạn thứ tư nhấn mạnh sự giàu có về mặt tinh thần.
Trong thời đại khan hiếm vật chất, cách để người giàu phô trương sự giàu có chính là họ ăn những món ngon và mặc những bộ quần áo đắt tiền. Ở giai đoạn kế tiếp, giới nhà giàu thích thể hiện bản sắc của mình bằng cách lái những chiếc xe sang phiên bản giới hạn và mua những chiếc túi hàng hiệu xa xỉ.
Ngày nay, giới thượng lưu giàu có đã rời xa kỷ nguyên tiêu dùng thực dụng. Họ có thể đến hàng quán nhỏ ven đường mà không cần để ý đến ánh nhìn của người khác. Họ cũng có thể mặc những chiếc áo phông giá vài chục nghìn mà không chút ngượng ngùng.
Thế nhưng, họ sẽ không tiếc tiền chi cho những thứ có thể nâng cao đời sống tinh thần và giúp họ trở nên vượt trội hơn, có trí tuệ hơn.
Chẳng hạn, những doanh nhân giàu có lên sân khấu phát biểu một cách lưu loát. Sẽ không ai biết họ đã phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm nghìn tệ thuê người dạy kèm để luyện tập.
Những nữ nhân giàu có duy trì một thân hình cân đối, tinh thần tràn đầy năng lượng và rạng rỡ mỗi ngày. Chúng ta không biết rằng huấn luyện viên Pilates mà họ thuê có giá ít nhất cả nghìn tệ cho mỗi tiếng.
Một đứa trẻ giàu có có thể viết nhật ký bằng tiếng Anh khi 8 tuổi, đọc “The Economist” khi 9 tuổi, và nói về các dự án phúc lợi công cộng và bảo vệ môi trường trên thế giới khi 10 tuổi. Những người khác sẽ không biết rằng những vị phụ huynh đã thuê riêng một số gia sư có trình độ học vấn cao cho con cái của họ. Họ sẵn sàng chi tiền trong việc giáo dục cho thế hệ con cháu, bao nhiêu cũng chẳng tiếc.
Có thể nói, tiêu tiền để phát triển bản thân, nâng cao nhận thức bản thân, sức khỏe và giáo dục là cách để tầng lớp giàu có thời đại này phô trương sự giàu có của mình. So với hàng hóa xa xỉ vô dụng, loại “tiêu dùng vô hình” này có thể làm cho cuộc sống hiệu quả hơn, đầu tư xứng đáng hơn, tiêu dùng có ý nghĩa hơn và cũng khiến cho sự giàu có thịnh vượng của họ tiếp tục phát triển không ngừng.
Học gì về cách tư duy như người giàu có?
Sử dụng nguyên lý “Dao cạo của Occam”
Nguyên lý này có thể được ứng dụng trong rất nhiều mặt của cuộc sống. Nó chủ yếu đề cập đến việc đơn giản hóa mọi thứ: “Nếu không cần thiết, đừng thêm thực thể”.
Lối sống tối giản đã và đang được nhiều người giàu có áp dụng. Họ chọn cách loại bỏ những điều xa xỉ, những thứ không thật sự cần thiết khiến họ mất thời gian hay những thứ vật chất tốn kém bởi họ nhận ra rằng, có những thứ khác quan trọng và đáng để đầu tư hơn trong cuộc sống.
Chỉ sau khi mạnh dạn cắt bỏ những ham muốn vật chất không cần thiết, chúng ta mới có thể cống hiến hết mình cho những điều giá trị hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tự thân vận động, hiện thực hóa khát vọng
Có một thực tế là hầu hết các triệu phú nổi tiếng trên thế giới đều dậy làm việc từ rất sớm và không có kế hoạch nghỉ hưu. Đối với họ, công việc là công cụ để họ nhận ra giá trị bản thân và là một phần quan trọng trong cuộc sống. Và không ai khác, chính họ sẽ là người tự thúc đẩy bản thân, sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc cho lý tưởng và hoài bão của mình.
Những người tự thân vận động ở nơi làm việc không mang tâm lý “nhân viên” mà phải có tư duy “ông chủ”. Họ làm việc là để phát triển bản thân chứ không phải chỉ để kiếm tiền.
Nếu đề cao những giá trị xây dựng đó, bạn sẽ thấy rằng mình sẽ có đủ động lực để cố gắng hết sức cho công việc, hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng cải thiện kỹ năng của bản thân và buộc công ty phải đáp ứng cho bạn mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn.
Theo Pháp luật và bạn đọc