Cuộc tranh luận nảy lửa của dân mạng xung quanh vấn đề “Có bằng đại học nhưng thu nhập thua cô bán hủ tiếu lề đường”: Nghề nào cũng có nỗi khổ, quan trọng là bạn cố gắng đến đâu.
Đối mặt những thách thức thực tế từ cuộc sống, không ít cử nhân mới ra trường hoài nghi liệu học đại học có phải là một lựa chọn sáng suốt để thành công trong tương lai?
Lương cử nhân thua xa người bán hủ tiếu
Người bán hủ tiếu, thu nhập 800 nghìn đồng mỗi ngày, đã tốn rất nhiều công sức, thức khuya dậy sớm, rủi ro mặt bằng, còn cử nhân thì sao?
Tôi cho rằng việc so sánh lương cử nhân đại học làm văn phòng với bà bán xôi kiếm 50 triệu đồng một tháng nói riêng, với người làm các nghề lao động chân tay khác nói chung (nhưng kiếm nhiều tiền hơn) là rất khập khiễng.
Tuy nhiên, gần đây, tôi có đọc một chia sẻ khá gây chú ý trên Facebook, xin trích một phần như sau: “Em học xong đại học, tiếng Anh giao tiếp được. Nhưng hiện tại thu nhập 10 năm đi làm thấp hơn chị bán hủ tíu ăn sáng trước nhà. Mỗi ngày bán 80 tô, giá 30.000 đồng/tô. Sau khi trừ các chi phí, chị thu về trọn 800.000 đồng/ngày…”.
Nhìn chung, ta cũng có thể so sánh lương nhân viên văn phòng (tốt nghiệp đại học, giỏi ngoại ngữ) là thấp hơn nhiều so với những nghề chân tay lao động khác như anh bán cà phê, cô giúp việc chạy sô theo giờ, anh tài xế xe khách đường dài…với một hệ quy chiếu “sân si” như thế.
Trước khi vào vấn đề chính, tôi xin kể trường hợp gia đình của một người bán hủ tíu gõ mà tôi hay ăn. Hai vợ chồng anh này ở miền Trung, vào Sài Gòn đã lâu và từng làm đủ nghề, chồng chạy xe ôm, vợ làm công nhân trước khi đóng chiếc xe hủ tíu gõ rồi bán trước cửa phòng trọ.
Tôi là khách quen nên sau khi ăn thì hay bắt chuyện và hỏi thăm. Anh chị kể trước khi quyết định chuyển nghề, hai vợ chồng đã tốn một tháng trời lân la khắp Sài Gòn, ăn hủ tíu của hàng chục xe khác nhau.
Đó là chưa kể việc tốn thời gian nghiên cứu địa điểm bán, để ý xem con đường đó có đông người qua lại không, họ có thói quen ăn tại chỗ hay mua về, rồi con đường đó có nhiều xe hủ tíu gõ chưa?
Đó là chưa kể phải tốn “học phí” để biết cách nấu nước lèo như thế nào cho ngọt, xắt thịt, bóc hủ tíu như thế nào để bán với giá 15 nghìn một tô mà vẫn có lời. Rồi vào chợ gần đó làm quen với sạp thịt heo để đặt hàng xương, thịt, da, bò viên.
Rồi nào là giá đỗ, cải xanh, chanh, ớt…cũng phải tìm sạp hàng bông nào bán rẻ, bán nới để đặt hàng. Muốn dọn hàng bán lúc 6h sáng thì 3h phải dậy bắt nồi nước, ra chợ lấy xương thịt về nấu…
Bán xong cử sáng lúc 10h thì chuẩn bị tiếp cho cử bán lúc 3h chiều đến tối, quần quật chứ chẳng có nghỉ thứ bảy, chủ nhật nào. Hôm nào mưa bán ế thì vợ chồng con cái ăn đỡ hủ tíu trừ cơm rồi ngồi nhìn mưa rơi.
Còn làm nhân viên văn phòng thì sao? Nhiều người bình thường sáng 7h mới ngủ dậy, uể oải ngáp ngắn ngáp dài vì tối hôm trước thức tới 3h sáng lướt Facbook tám chuyện hoặc xem Tiktok không hồi kết.
Chạy thật nhanh tới công ty check vân tay rồi đủng đỉnh đi ăn sáng, uống cà phê. 9-10h mới bắt đầu làm việc. Trong thời gian làm việc thì mở Yotube, Facbook, một trang thương mại điện tử nào đó để mua hàng online. Tới giờ trưa thì đi ăn rồi về ngủ. Chiều lại lặp y chang như buổi sáng, trông hết giờ làm rồi về nhà. Tối thì đi cà phê, đi trà chanh chém gió. Cuộc sống quá nhẹ nhàng đúng không?
Một cách thẳng thắn mà nói, đây chính là hình ảnh của một số người mang tiếng tốt nghiệp đại học rồi bình thản sống, khi thấy thu nhập của một số người lao động cao hơn mình thì đâm ra sân si như sân si với bà bán xôi và cô bán hủ tíu như trên.
Trong khi không chịu cố gắng và nhìn nhận lại vấn đề của bản thân thì một số cử nhân có ý nghĩ lệch lạc lại than thở và có ý đổ lỗi cho cuộc sống, cho giáo dục khi cố tình đặt ra vấn đề thu nhập thấp hơn so với cô bán hủ tíu trong khi mình học đại học, biết tiếng Anh.
Với việc có nhiều ưu thế hơn nhưng một số người tốt nghiệp đại học lại có ý so sánh, sân si với bà bán xôi, cô bán hủ tíu và có ý hạ thấp việc học đại học cho thấy điều gì? Theo tôi, thật buồn, nó cho thấy nhiều người trẻ tuy mang tiếng học đại học nhưng có lẽ là học đại cho có, làm việc thì hời hợt, nhìn cuộc sống qua lăng kính lười biếng của bản thân.
Được học và tốt nghiệp đại học, tức là các bạn trẻ đã có bước khởi đầu tốt hơn so với rất nhiều người lao động phổ thông khác. Các bạn đã có trong tay loại bột loại ngon, việc nhào nặn và nướng thành bánh ngon hay dở, tuỳ thuộc vào các bạn.
Trong khi những người lao động, buôn bán chỉ có trong tay loại bột kém hơn nhiều, nhưng bằng sự nỗ lực và kiên trì (một phần do may mắn) họ lại cho ra những loại bánh lạ hơn (lạ ở đây là bán đồ ăn ngon, trúng khẩu vị nhiều người hoặc chọn mặt bằng đông khách…) để rồi khi thấy họ kiếm được nhiều tiền hơn thì cho đó là sự bất công và tỏ ý nghi ngờ, cổ vũ cho lối nghĩ thà buôn bán mà giàu hơn theo đuổi con đường tri thức, học vấn.
Nhưng, để có được mức thu nhập 800 nghìn đồng bằng việc bán hủ tíu, họ đã tốn bao nhiêu thời gian và công sức, họ đã đánh đổi những gì, lỡ mai này mặt bằng bị lấy lại hoặc không tìm vị trí đẹp để buôn bán thì sao?
Trong khi những cử nhân kêu ca lương thấp thì một ngày làm việc tối đa tám tiếng, trong một môi trường máy lạnh, thang máy, máy tính tiện nghi hơn nhiều. Chưa kể đó là họ thường không xài hết tám giờ lao động toàn tâm toàn ý cho công việc mà thường xén bớt để làm việc cá nhân…
Rồi đây, thật hết sức nguy hiểm khi những người này làm cha làm mẹ rồi lại truyền nhiễm vào đầu con cái rằng làm nghề gì kiếm nhiều tiền là được, còn hơn đi học đại học mà lương thấp hơn cả cô bán hủ tíu.
Mà chính ra, sự phủ nhận tiến thân bằng con đường tri thức đã tồn tại sẵn trong tâm lý các phụ huynh đời trước rồi. Nay chỉ là tái diễn lại cảnh cũ mà thôi. Bởi tôi từng nghe một bà mẹ mắng con rằng:
“Học đại học xong đi làm 8 triệu, biết vậy cho ở nhà đi buôn rau chứ học bốn năm tốn bao nhiêu tiền mà giờ lại vậy”.
Nhiều người nói chúng ta có tinh thần ham học. Nhưng qua những điều trên tôi thấy không hẳn vậy, họ chỉ cố ham học với mong muốn duy nhất là kiếm nhiều tiền mà thôi. Khi không đạt được mục đích sẽ đâm ra thoái chí rồi sân si vẩn vơ.
Trong khi với người ham học và có cố gắng thật, quả ngọt (lương cao, thu nhập ổn) sẽ tự chín và rụng vào túi mà không phải trông mong gì.
Đầu tư cho giáo dục là con đường chậm, nhưng không bao giờ sai lầm
Phép so sánh lấy tiền làm thước đo giá trị, sự thành công ở trên, đáng buồn là phản ánh suy nghĩ có thật của một nhóm người trong xã hội. Tôi đã từng chứng kiến một bà bán bún đậu mắm tôm quát con sa sả: “Tao tốn bao tiền cho mày đi học, bây giờ lương 6 triệu thì sống thế nào? Biết thế tao dồn tiền đấy làm vốn cho mày mở quán”.
Ở một vài nơi, thanh niên vẫn có tư tưởng học hết cấp 3 sẽ đi xuất khẩu lao động cho nhàn hạ vả lương cao. Sự chênh lệch thu nhập (trước mắt) cũng khiến nhiều người theo đuổi tri thức chạnh lòng, nản chí vì ăn học đàng hoàng nhưng tiền thua kém hơn.
Đó là một so sánh nông cạn, chỉ thấy cái lợi trước mắt. Cần hiểu rằng, học tập không phải con đường nhanh nhất để thoát nghèo, nhưng sẽ mở ra vô số cơ hội để phát triển bản thân và sự nghiệp. “Có bột mới gột nên hồ”, việc được học hành nghiêm túc không chỉ mang lại khởi đầu tốt hơn so với những người lao động phổ thông, mà còn có thể tạo nhiều mối quan hệ hơn, mở mang kiến thức cho tương lai.
Nói như vậy không có nghĩa những người lao động phổ thông là thấp kém hơn. Để có được thu nhập tốt, họ cũng phải có tích lũy kinh nghiệm bản thân, quỹ thời gian trau dồi tay nghề, để bật lên từ xuất phát điểm có phần thua thiệt. Chớ thấy họ kiếm được nhiều tiền hơn thì cho đó là sự bất công và tỏ ý ngờ vực, cổ vũ cho lối suy nghĩ thà buôn bán nhỏ mà giàu còn hơn theo đuổi con đường học vấn.
Nhưng có bột rồi, muốn gột nên hồ còn tùy thuộc vào bản thân mỗi người nữa. Dù có học tập hay kinh doanh mà bản thân không có mục tiêu, không có lý tưởng, không nỗ lực thì cũng không thể thành công được.
Cứ giữ cái tư tưởng làng nhàng, “ăn cắp” giờ làm của cơ quan để lướt mạng, mua hàng online, tán dóc vô bổ… để nhận lương hàng tháng, rồi than thở sao người này người khác thu nhập tốt hơn, có việc nhàn hơn, thánh công mới là chuyện lạ!
Dù sao thì, tất cả công việc đều đáng quý, nhưng nhìn về dài hạn, có học vẫn hơn. Đầu tư cho giáo dục là mối đầu tư lâu “sinh lời” (hoặc sinh lời theo một cách đặc biệt), nhưng không bao giờ sai lầm.
Theo Trong Nhan Nguyen/Pháp Luật và Bạn Đọc
Xem thêm bài liên quan
- Tiết lộ trọn bộ công thức thành công 6-7-8-9-10: Những bài học giúp bạn sớm cán đích ngay khi còn trẻ
- “Cụ tỷ phú” 99 tuổi tiết lộ cách lật ngược ván bài cuộc đời: Càng nghèo, ít quan hệ, càng phải làm 3 việc này
- Phương pháp “Quả cà chua Pomodoro” thần thánh như nào mà giúp bạn hoàn thành công việc của 1 ngày trong 1 giờ?