Thất bại hun đúc bản lĩnh cho những doanh nhân thành công như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Jack Ma. Jack Ma đi xin việc bị KFC từ chối, tỷ phú Phạm Nhật Vượng trầy trật lúc khởi nghiệp, người trẻ muốn thành công nên học gì từ họ?
Chuyện thất bại của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Jack Ma
Trong nhiều năm gần đây, “Phạm Nhật Vượng” và “Vingroup” đã trở thành những từ khóa nóng bỏng trên Google với nhiều sự kiện đình đám, như ra mắt xe hơi VinFast tại Paris, giới thiệu những mẫu xe máy điện VinFast, ra mắt điện thoại thông minh Vsmart, khánh thành hạng mục đầu tiên của tòa nhà chọc trời Landmark…
Nếu nhìn vào những thành công mà vị tỷ phú này đạt được, ít ai nhớ đến thất bại mà ông từng trải qua. Nhưng đây mới lại là những điều hun đúc nên bản lĩnh của những người thành công như ông. Trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ năm 2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng trải lòng về những thất bại của mình.
“Tôi chỉ là một người bình thường thôi. Tôi đi học ở Liên Xô, rồi ở lại làm việc. Bắt đầu khởi nghiệp thực ra là từ năm thứ 3 đại học. Ở Matxcơva, tại Dom 5, mình cũng đi thuê một cái phòng để bán hàng nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Sau đó mới mở cái nhà hàng tại Dom ấy luôn.
Đến đoạn sau thì nhập hàng từ Việt Nam sang. Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn, vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp. Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Matxcơva đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD“, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết.
“Mình nhạy hơn với thị trường. Mình “ăn đòn” nhiều nên khôn hơn“, ông rút ra giá trị từ những thất bại đó.
Một ví dụ khác là người giàu nhất Trung Quốc Jack Ma cũng không ít lần chia sẻ về thất bại trong cuộc đời mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ông chủ Alibaba tiết lộ rằng mình đã trượt đại học tới hai lần. Tệ hơn, sau khi tốt nghiệp ông đã xin việc ở 30 công ty khác nhau và bị từ chối tất cả.
Thậm chí trong 24 người nộp đơn xin vào làm tại KFC, có 23 người được nhận và trường hợp duy nhất bị loại là Jack Ma. Ông cho rằng nguyên nhân chính là vì mình không ưa nhìn và thấp bé. Jack Ma cũng từng bị trường đại học danh giá bậc nhất thế giới như Harvard từ chối 10 lần.
Sau này khi thành lập Alibaba năm 1998, Jack Ma thậm chí còn gặp phải nhiều trở ngại hơn. Trong ba năm đầu, doanh nghiệp không đem lại lợi nhuận và điều đó khiến ông phải sáng tạo để duy trì việc kinh doanh. Một trong những thách thức chính của công ty là không có cách nào để thanh toán và cũng không có ngân hàng nào muốn làm việc với họ.
Chính vì vậy, Jack Ma quyết định tạo ra ứng dụng thanh toán của riêng mình tên là Alipay giúp chuyển các khoản thanh toán thuộc nhiều đơn vị tiền tệ khác nhau giữa người mua và người bán trên khắp thế giới.
Khả năng kiên trì đối mặt với thất bại
“Khả năng của bạn kiên trì trong việc đối mặt với những thất bại và thất vọng là mức độ niềm tin của bản thân bạn và khả năng thành công của bạn”, tác giả nổi tiếng Brian Tracy đưa ra nhận xét trong cuốn sách “100 Quy luật bất biến trong Kinh Doanh”.
Sự kiên trì là phẩm chất sắt đá của thành công. Tài sản quan trọng nhất mà bạn có thể có – một phẩm chất làm cho bạn khác với những người khác: Là khả năng kiên trì chịu đựng của bạn lâu hơn những người khác.
Một đặc trưng đầu tiên của phẩm chất chính được Brian Tracy đề cập đến: Kiên trì là một hành động kỉ luật tự giác. Khi bạn kiên trì chịu đựng trong sự đối mặt với những thất bại không thể tránh được, những trì hoãn, những thất vọng, và những chiến bại tạm thời mà bạn sẽ trải nghiệm trong cuộc sống, và bạn tiếp tục kiên gan bất chấp những khó khăn đó, bạn đã chứng minh cho bản thân mình và cho những người xung quanh rằng bạn có phẩm chất của kỉ luật tự giác và sự tự chủ và những phẩm chất này là vô cùng quý giá đối với sự gặt hái bất kì thành công vĩ đại nào.
Winston Churchill đã tổng kết bài học quan trọng nhất của cuộc đời ông về đặc trưng thứ 2 của kiên trì khi ông nói: “Đừng bao giờ đầu hàng; đừng bao giờ chịu thua.“
Churchill đã tin và đã chứng minh đi chứng minh lại trong suốt cuộc đời ông, rằng người kiên gan ngoan cường đối mặt với những gì dường như là sự thất bại thảm hại thường là phẩm chất quan trọng để chuyển thất bại đó thành thắng lợi. Churchill có lẽ được xem là lãnh tụ chính trị vĩ đại nhất của thế kỉ 20 bởi vì sự sẵn sàng cam chịu không than phiền của ông và bám chặt một cách bền bỉ ở giữa những gì dường như là chiến bại hay thất bại chắc chắn.
Khi bạn ủng hộ tất cả những mục tiêu và kế hoạch của bạn với sự quyết tâm và bền bỉ không gì lay chuyển được, cuối cùng bạn sẽ nhận thấy rằng không có gì trên thế giới này có thể chặn bạn lại. Bạn sẽ trở thành một sức mạnh không thể kháng cự được của bản năng. Mục tiêu thành đạt của bạn sẽ trở thành hiện thực của bạn.
Brian Tracy chỉ ra 2 cách giúp người trẻ muốn thành công làm rèn luyện tính kiên trì ngay lập tức:
1. Liệt kê một danh sách bao gồm những vấn đề và thử thách bạn đang đối mặt ở hiện tại. Bạn đang cảm thấy chán nản hay không chắc chắn ở những điểm nào? Bạn cần phải kiên gan thậm chí nhiều hơn những gì bạn đang làm hôm nay ở những điểm nào? Hãy luôn tự nhắc nhở rằng “Thất bại không phải là một sự chọn lựa.”
2. Trước hết hãy đề ra quyết tâm rằng, dù có chuyện gì xảy ra, bạn sẽ không bao giờ từ bỏ. Hãy nhớ rằng nếu bạn tiến lên một cách tự tin theo phương hướng những giấc mơ của bạn, và bạn đã đề ra quyết tâm trước là bạn sẽ không bao giờ từ bỏ, cuối cùng thì thành công vĩ đại sẽ đến với bạn.
Ngoại trừ bạn ra, không ai có thể chặn con đường đi của bạn. Hãy vững bước trên con đường của mình!
Theo Nhịp sống kinh tế