Kinh doanh quán Cafe, Trà sữa là lĩnh vực nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi muốn khởi nghiệp. Thế nhưng các quán mọc lên ngày một nhiều rồi được một thời gian cũng dẹp tiệm, đóng cửa quán vì thua lỗ.
Rõ ràng ngày nào cũng có khách ra khách vào nhưng sao vẫn không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ vốn. Trong kinh doanh, đặc biệt kinh doanh ở lĩnh vực F&B, có những tiệm đông khách nhưng vẫn lỗ, cuối ngày cộng sổ có lãi là mừng…
1/ Không phải cứ thấy quán người khác đông là nôn nao “nhảy” vào làm
Quán đông nhưng chưa chắc đã lời. Lời hay lỗ chỉ ông chủ mới biết. Chỉ cần bất cẩn một chút là rất dễ thất bại.
Đầu tiên, trước khi đầu tư, hãy tính toán kỹ lưỡng. Nắm kỹ và tính toán số lượng khách vào ra, tiêu xài đầu người bao nhiêu. Kết quả tổng doanh thu có thể không lại chi phí chi ra.
Thứ hai, lưu ý thêm về mô hình kinh doanh bạn định làm. Nếu mô hình kinh doanh thiếu uyển chuyển cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Tại vì sao có những quán cafe rất đông khách nhưng cuối ngày đếm tiền vẫn lỗ? Nếu làm F&B mà chỉ bán cafe thôi thì rất khó lời. Nếu như không bán kèm đồ ăn, thì việc bán một ly cà phê mà cách ngồi cả ngày thì chắc chắn sẽ lỗ.
Hãy tính toán thật kỹ sao cho phù hợp với thực tế.
Thứ ba, làm F&B phải bán ít nhất cho khách 2 lần/ngày (buổi trưa và tối). Nếu chỉ tập trung bán một buổi sáng, trưa hoặc tối, bạn hãy xác định khách phải thật sự đông và bán với mức giá cao.
2/ Nghiên cứu kỹ thị trường
Ngoài lựa chọn khu tập trung đông dân cư, gần trường học, bệnh viện, công ty… thì nên để ý tới thời điểm mở nhà hàng. Đấy cũng là yếu tố vô cùng quan trọng mà bạn không nên chủ quan.
Thử đặt câu hỏi: Nếu như bạn mở một nhà hàng rất tiềm năng rồi nhưng lại không tìm hiểu kỹ thị trường.
Trong khi nhà hàng của bạn đối tượng phục vụ chủ yếu là các món sinh viên yêu thích mà lại mở đúng dịp sinh viên nghỉ hè. Chắc chắn nhà hàng của bạn sẽ đóng cửa trong thời gian ngắn mà thôi.
Thứ hai, nên trả lời được các câu hỏi khách hàng của mình là ai, phục vụ ai. Sản phẩm có đáp ứng được nhu cầu của khách. Tất cả khách hàng đều có nhu cầu ăn ngon, an toàn và sạch sẽ…
Thứ ba, phân định rõ ràng đối tượng và phân khúc của mình muốn nhắm tới, tất cả cần thống nhất và có tính nhất quán. Không thể nào lẫn lộn hàng bình dân và cao cấp. Nhà hàng sẽ không thể trụ nổi trên thị trường khi bạn còn không biết mình là ai.
3/ Nên có phương án dự phòng
Trước tiên, tìm hiểu kỹ thói quen ăn uống của khách hàng khu vực mình mở quán và tìm phương án dự phòng ngay khi cần.
Ví dụ: Khi tính toán mở một quán phở, bạn có thể bán trưa và tối, thế nhưng có thể chỉ buổi trưa đông còn tối thì lại vắng khách. Hãy tính toán thêm phương án dự phòng bán thêm món gì kèm phở vào buổi tối để khéo khách tới.
Lưu ý nho nhỏ, ban đầu khi thiết kế quán phở, không nên thiết kế đặc thù cấu trúc chỉ để làm phở, hãy linh hoạt để có phương án backup dự phòng.
4/ Vị trí mặt bằng
Nhà hàng có đẹp, món ăn có ngon đi chăng nữa nhưng sai vị trí thì cũng thất bại. Bạn thử suy nghĩ xem, nếu mở một nhà hàng thiết kế độc đáo, đẹp mắt nhưng lại nằm sau trong con hẻm và là đường một chiều, khách sẽ cảm thấy rất bất tiện và ngại di chuyển đến nhà hàng của bạn.
Bạn cũng nên lưu tâm đến chỗ để xe của khách, tốt nhất là nên có khu để xe rộng rãi hoặc gần chỗ để xe tiện cho khách để được ô tô.
Nhiều khi mô hình kinh doanh không xuất sắc nhưng chọn lựa đúng vị trí tốt cũng là yếu tố quyết định đến thành công nhà hàng.
Nếu như lựa chọn mô hình hướng đến thực khách là các đối tượng sang chảnh, có thu nhập cao, bạn đừng nên ham mặt bằng giá rẻ.
Nếu như chọn sai vị trí ngay từ đầu thì chắc chắn bạn sẽ thất bại thảm hại đấy.
Kinh doanh quán cà phê: Dễ mở mà cũng dễ “toang”! Đâu là giải pháp?
Có nhiều người nghĩ kinh doanh quán cà phê chỉ cần có tiền, có mặt bằng, đặt vài bộ bàn ghế, vài cái kệ, rồi “phơi” ra cái gì đó, có người đi qua đi lại nhìn thấy thì sẽ bán được…
Em định sang nhượng quán cafe mà lỗ 30 triệu, tính sao giờ anh?
Mình: Quán cafe đâu mà sang vậy em?
Bạn trả lời: 2 tháng trước em sang lại quán café 100 triệu, sửa sang lại hết 20 triệu, tổng cộng 120 triệu, bây giờ em tính sang lại 90 triệu, lỗ 30 triệu.
– Vì sao em lại kinh doanh café?
– Em tính mặt bằng 9 triệu/ tháng, điện nước và chi phí khác trung bình 500k/ ngày. Em tính mỗi ngày em bán 100 ly, mỗi ly 15k, trừ hết mọi chi phí em vẫn lời ít nhất 500k. Nhưng bữa giờ mỗi ngày bán được 30 – 50 ly, cứ bù lỗ ngày mấy trăm ngàn nên em tính dừng.
– Em nghĩ đơn giản quá, vậy thì ai cũng bỏ ra 100 triệu (có thể vay mượn) mở một quán café, sau 6 tháng sẽ huề vốn, từ tháng thứ 7 trở đi cứ ngồi hốt 15 – 20 triệu ngon lành, khỏi phải đi làm gì cho áp lực, mưa nắng… Quán café của em có gì khác biệt?
– Café mà khác biệt gì anh? Quán em nhượng quyền café M, không có gì khác biệt cả. Ở đây không phải khu dân cư nên người ta uống một lần, không quay lại.
– Vậy em có biết có những quán café trong hẻm, ở trên rừng, ngoài ruộng đâu có nằm trong khu dân cư đâu mà vẫn đông khách?
– Người ta có nhiều tiền, đầu tư lớn, khác biệt, em sửa sang có 20 triệu lấy gì khác biệt?
– Khác biệt hay không là ở em ấy. OK, anh sẽ ghé quán em xem sao.
Vài ngày sau mình ghé quán, rất nhiều vấn đề.
– Khách tới, chủ ngồi trong quán vừa ”chọt” vừa nói vọng ra “Cứ để xe đó đi anh, không sao đâu’’.
– Pha café xong mang ra đặt trên bàn cho khách và không nói năng gì.
– Khách vừa café vừa “chọt’’ và chủ quán cũng tranh thủ “chọt’’.
– Ly thủy tinh màu trong trắng nhưng hơi ngả vàng
– Muỗng café sau gáy có những vệt café bám đen.
– Một vài ly café khi pha làm vướng café lên miệng ly.
– Nhà vệ sinh bẩn, không có giấy.
– Khách về xong không lau bàn ngay…
– Khách về không chào hỏi, cảm ơn…
Sau khoảng 3h giờ ngồi quan sát và ghi chép, mình bắt đầu “phán”:
– Khi thấy khách tới, em phải chạy ra và nói “Mời anh vào, để xe đó em dắt cho”.
– Khi pha café phải cẩn thận, không được làm café vướng lên miệng ly, pha xong mang cho khách và nói “Dạ, anh ơi! Em mời anh, café … của anh đây ạ!”
– Sau khoảng 5 – 10 phút thì hỏi khách “Dạ, anh ơi! Em mới học pha café, không biết café em pha có vừa với anh không ạ? Có nhạt quá hay đậm quá không?” Sau khi khách góp ý rồi thì nhớ hỏi khách tên gì và cảm ơn khách, khi cảm ơn nhớ nhắc tên khách.
– Ly, thìa, muỗng, dụng cụ, vật dụng trong quán, nhà vệ sinh phải luôn lau chùi, đ.ánh rửa sạch sẽ hàng ngày, hàng giờ. Không để dơ bẩn với bất kỳ lý do gì.
– Khi khách ra về thì chạy ra dắt xe và nói: “Cảm ơn anh ABC đã ghé quán, lần sau anh tới em sẽ pha café đậm/ nhạt hơn để phù hợp với anh hơn ạ”. Cúi chào tạm biệt sau đó vào dọn và lau bàn ngay.
Sau một hồi “giảng đạo”, người bạn của mình trách móc: “Anh khó tính, khắt khe quá, có ly café 15k mà phải thế này thế kia”… Mình nói rằng: “Với cách làm của em hiện tại ly café của em bán 5k anh thấy vẫn rất đắt”.
Trước khi ra về mình dặn người bạn “Em cứ làm đúng như những gì anh dặn, tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Làm được như vậy rồi 2 tháng nữa em muốn sang nhượng 150tr hay 180tr anh nghĩ không khó.”
Tuần trước người bạn gọi lại “Anh ơi! Hai tháng vừa rồi em lời được 11tr. Bữa nào anh rảnh ghé qua em uống café nhé, em mời’’.
Có nhiều người nghĩ kinh doanh chỉ cần có tiền, có mặt bằng, đặt vài bộ bàn ghế, vài cái kệ rồi “phơi’’ ra cái gì đó có người đi qua đi lại nhìn thấy thì sẽ bán được. Họ không biết rằng, muốn kinh doanh thành công thì phải thấu hiểu khách hàng, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm thú vị và phục vụ khách hàng vượt mong đợi.
Theo Tổng hợp và biên soạn, VBI
Xem thêm bài liên quan
- 10 bài học kinh doanh “nhớ đời” khi mở quán kinh doanh nhỏ: Câu chuyện có thật là bài học kinh doanh cho bất cứ ai ấp ủ khởi nghiệp
- Bí kíp giúp chủ quán trà sữa, cafe thoát khỏi “kiếp nạn” khách gọi 1 ly ngồi lì cả ngày ở quán
- Kinh doanh ăn uống: Bí kíp gì để quán luôn nườm nượp khách khi không có gì khác biệt