Câu chuyện một phóng viên đến phỏng vấn ông chủ một tiệm bán cháo về mô hình kinh doanh đã để lại cho chúng ta những bài học kinh doanh sâu sắc.
Bạn hãy đọc câu chuyện về người bán cháo sau:
Một phóng viên nọ đến gặp một chủ quán cháo người Hoa để thực hiện một cuộc phỏng vấn khảo sát về mô hình kinh doanh.
Phóng viên: Thưa ông, trước khi mở quán cháo này thì ông làm gì?
Chủ quán: Ngộ bưng cháo cho cha ngộ bán.
Phóng viên: Vậy quán cháo này đã mở được bao nhiêu năm?
Chủ quán: Quán cháo này không có năm, chỉ có đời. Mấy đời lận. Bà cố ngộ, ông nội ngộ, cha ngộ, ngộ đều bán cháo. Con trai ngộ…
Phóng viên: Không có gì khác sao ạ?
Chủ quán: Khác nhiều chứ, ngày trước có một cửa hàng ở Quảng Châu, bây giờ có hai cái ở Sài Gòn, ba cái ở Hoa Kỳ, bốn cái ở Úc.
Phóng viên: Người ta thành công thì sẽ cho con cái làm ông này bà kia, còn ông?
Chủ quán: Ngộ có thành công thì vẫn cho con làm chủ quán cháo.
Phóng viên: Ông không muốn con mình đi học sao?
Chủ quán: Tôi muốn chứ, con ngộ một đứa có bằng Thạc sĩ kinh doanh cháo, đứa khác vừa bảo vệ luận án Tiến sĩ cơm.
Phóng viên: Ở trong bếp à?
Chủ quán: Ở Đại học Havard, Mỹ.
Phóng viên: Học xong chúng nó về làm gì?
Chủ quán: Về lại nhà này, thành người rửa bát cho ngộ.
Phóng viên: Ông gọi khách hàng là vua hay thượng đế?
Chủ quán: Gọi không quan trọng. Quan trọng là đối xử thế nào?
Phóng viên: Nhiều người kể lại rằng nhiều tỷ phú người Hoa đi lên từ một thùng đậu phụng rang, đúng không ạ?
Chủ quán: Không phải đâu, những ngày đầu tiên làm gì có tới cả thùng, chỉ vài trăm hột thôi.
Phóng viên: Cũng dư dả sao ông mặc bộ đồ vải thô thế này à?
Chủ quán: Người vô đây chủ yếu là người bình dân. Họ sẽ còn vô nếu thấy chủ quán cũng giống như họ.
Phóng viên: Vì sao người Hoa hay chọn kinh doanh ăn uống?
Chủ quán: Thưa, đơn giản vì kinh doanh đó phục vụ cái bụng con người. Nếu phục vụ cái đầu sẽ phát sinh nhiều rắc rối lắm.
Phóng viên: Ông bán cháo tim gan mà sao sáng ra nhà ông ăn toàn cháo trắng với củ cải muối?
Chủ quán: Dạ, nếu ngộ cứ ăn cao hơn khả năng của ngộ thì thế nào cũng tới lúc ngộ phải nhảy vào nồi cháo.
Phóng viên: Chắc là ông ít vay vốn ngân hàng?
Chủ quán: Nhà băng có tiền, nhưng không bao giờ có cách nấu cháo để mượn cả.
Phóng viên: Bây giờ tôi muốn ăn một tô, nhưng tôi chưa có tiền mai thanh toán được không, thưa ông?
Chủ quán: Không cần phải là ngày mai đâu, 20 năm sau trả cũng được.
Phóng viên: Nhưng lúc ấy lãi suất tính thế nào đây ạ?
Chủ quán: Dạ, cái lãi lớn nhất là ông luôn nghĩ tới hàng cháo này.
Mỗi thế hệ đều có cách nấu cháo để kiếm tiền khác nhau
20 năm sau, phóng viên quay lại quán cháo, gặp ông chủ quán lúc này đã trên tuổi 70.
Phóng viên: Chào cụ, tôi đến trả tiền bát cháo 20 năm về trước. Cụ còn nhớ tôi không?
Chủ quán: Ngộ nhớ. Cám ơn cậu đã quay lại.
Phóng viên: Cụ vẫn nhớ thật sao?
Chủ quán: Làm cho khách nhớ mình đã khó, mình phải nhớ khách bội phần khó hơn. Nhưng bản quán làm được điều đó.
Phóng viên: Quán của cụ vẫn không có gì thay đổi.
Chủ quán: Không có gì thay đổi cả.
Phóng viên: Các quán khác ở Mỹ, ở Úc… vẫn không có gì thay đổi chứ.
Chủ quán: Nếu còn thì cũng không thay đổi.
Phóng viên: Tại sao lại là nếu còn ạ?
Chủ quán: Không có ai trong nhà này nấu cháo ở những nơi đó nữa.
Phóng viên: Các con cụ đâu?
Chủ quán: Ngộ yếu rồi, các con ngộ phải về đây nấu cháo thay ngộ.
Phóng viên: Cụ từng nói rằng: cụ, ông, cha của cụ và cụ đều nấu cháo, con cụ làm tiến sĩ cũng nấu cháo, vậy các cháu cụ thì sao?
Chủ quán: Các cháu ngộ không nấu cháo nữa.
Phóng viên: Các cháu cụ làm gì khác ư?
Chủ quán: Chúng thành lập tập đoàn và thuê người nấu cháo.
Các cháu ngộ sản xuất cháo ăn liền với hơn 100 nhãn hiệu khác nhau. Đứa phụ trách một loạt các nhà máy sơ chế nguyên liệu, đứa khác quản lý hàng loạt nhà máy bao bì, đứa thì chuyên công đoạn thành phẩm, đứa chuyên phụ gia, đứa chuyên truyền thông, đứa chuyên phân phối sản phẩm trên toàn thế giới…
Phóng viên: Nhưng trước đây cụ nói…
Chủ quán: Ngày xưa nấu mỗi bát cháo nấu mất nửa giờ, lãi 1 đô. Các cháu ngộ chúng nó nói chúng cũng nấu cháo. Chúng nó “nấu cháo điện thoại”, mỗi lần nấu mất 1 giờ, lãi tỉ đô.
Phóng viên: Vậy bây giờ cụ có thèm lấy tiền bát cháo 20 năm trước của tôi không?
Chủ quán: Ngộ vẫn xin nhận. Cháu ngộ có cách kiếm tiền của cháu ngộ. Ngộ và các con ngộ vẫn giữ cách kiếm tiền của mình.
Ý nghĩa câu chuyện:
1. Muốn làm gì thì phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất.
2. Muốn đi khắp 5 châu thì phải làm tốt từ 1 nơi.
3. Không ai thành công mà không học nhiều hiểu rộng.
4. Đứng vào vị trí khách hàng để hiểu tâm lý họ đang gặp là gì.
5. Đừng chạy theo nhu cầu của của đời hãy tập trung vào khả năng của chính mình.
6. Chức danh không có nghĩa lý gì cả, cái mà bạn làm được sẽ cho biết bạn là ai.
7. Có tiền chưa chắc thành công, có trí tuệ mới thành công.
8. Người ta có thể cho ta cá, nhưng không ai cho cần câu, ta phải tự kiếm.
9. Cách giữ khách hàng là làm cho họ tin rằng mình tin tưởng họ tuyệt đối.
Theo alphabooks
Xem thêm bài liên quan
- 9 bài học bất hủ từ triết lý kinh doanh bậc thầy của người bán cháo: Dân kinh doanh không thể bỏ qua
- 9 bài học để đời từ triết lý kinh doanh bậc thầy của người bán cháo: Dân kinh doanh không nên bỏ qua
- Triết lý kinh doanh triệu đô của “Vua bán lẻ” Nguyễn Đức Tài: Khách hàng là số 1, nhân viên là số 2, nhà đầu tư là số 3