Trong những năm qua, Tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault đã chia sẻ suy nghĩ của mình về tiền bạc, thành công, lãnh đạo và quyền lực. Quan điểm của ông là những lời khuyên quý báu cho các doanh nhân khởi nghiệp khao khát đi theo bước chân thành công của ông.
Ông hoàng xa xỉ lấy ngôi giàu nhất thế giới của Elon Musk
Tính đến sáng 9/12 (giờ Việt Nam), tỷ phú Bernard Arnault và gia đình, những người sở hữu khối tài sản ròng trị giá 186,2 tỷ USD, dẫn đầu bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của Forbes. Tỷ phú Elon Musk – ông chủ Tesla, vẫn là người giàu thứ hai, với khối tài sản ròng trị giá 185 tỷ USD.
Ông chủ của tập đoàn xa xỉ Pháp LVMH đã vượt qua tỷ phú người Nam Phi tới 3 lần trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh trong ngày 8/12.
Khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa lúc 4h chiều theo giờ ET, Elon Musk vẫn được xếp hạng là người giàu thứ 2 thế giới, với giá trị khối tài sản ròng ước tính là 185 tỷ USD, thấp hơn 1,2 tỷ USD so với khối tài sản ròng giá trị 186,2 tỷ USD của Arnault & Gia đình vào thời điểm đó.
“Khoản vay ký quỹ Tesla dành cho Twitter vẫn là một vấn đề lớn trong câu chuyện của Tesla nói chung và Elon Musk nói riêng”, Dan Ives, chuyên gia phân tích của công ty Wedbush Securities đánh giá.
Tỷ phú Bernard Arnault và gia đình sở hữu khối tài sản ròng giá trị ước tính khoảng 185,1 tỷ USD vào lúc 9h30 sáng 8/12 theo giờ ET, thời điểm Elon Musk đứng ở vị trí thứ hai, sở hữu khối tài sản ròng trị giá ước tính là 184,1 tỷ USD.
Tỷ phú người Pháp – chủ sở hữu LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Bulgari và Tiffany & Co., trước đó đã vượt qua Elon Musk 2 lần vào ngày 7/12, nhưng vào thời điểm thị trường Mỹ đóng cửa lúc 4h chiều cùng ngày theo giờ ET, Musk đã giành lại vị trí dẫn đầu, sở hữu khối tài sản ròng ước tính 185,4 tỷ USD, nhiều hơn 700 triệu USD so với tỷ phú Bernard Arnault và gia đình tại thời điểm đó.
Bernard Arnault hiện là Giám đốc điều hành của LVMH – công ty mẹ của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton.
Phong độ và bản lĩnh của ông trùm thời trang Bernard Arnault
Nhà lãnh đạo Steve Jobs của hãng Apple từng nói rằng không biết trong 50 năm tới người ta có còn phát cuồng với chiếc điện thoại của mình hay không, nhưng chắc chắn họ vẫn thích uống Dom Perignon (loại rượu của hãng Moet & Chandon thuộc Tập đoàn LVMH).
Lời nhận định đó cùng mạng lưới thương hiệu xa xỉ đạt con số 70 bao gồm Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Celine, Bulgari, Hublot… nằm dưới sự chỉ đạo của Bernard Arnault cho thấy không phải đơn giản mà người đàn ông này có khối tài sản hơn 187 tỷ USD.
Tài năng về kinh doanh của Bernard sớm bộc lộ ở độ tuổi đôi mươi khi ông bắt tay vào những công việc đầu tiên để chuẩn bị kế thừa sự nghiệp của gia đình.
Ông từng thuyết phục cha bán tài sản để tập trung vào kinh doanh bất động sản hay xâm nhập thị trường Mỹ hồi thập niên 1970, thời kỳ nước Pháp còn khá bảo thủ và đó không phải là những quyết định nông nổi của một chàng trai trẻ.
Sự nghiệp của Bernard cũng như LVMH bắt đầu trỗi dậy vào cuối những năm 1980 – đầu thập niên 1990 cùng với “cơn lốc” thu mua và sáp nhập thương hiệu, bao gồm Louis Vuitton, Celine, Givenchy, Emilio Pucci, Kenzo, Fendi, Loewe, trong đó thương hiệu được xem là “con cưng” chính là Christian Dior.
Nhận thấy một thương hiệu đậm chất cổ điển Pháp nhưng lại quá nhàm chán, Bernard liền chuyển John Galliano từ Givenchy đến Christian Dior để làm giám đốc sáng tạo với mong muốn vực dậy và truyền một nguồn năng lượng mới cho thương hiệu này.
Quyết định của ông hoàn toàn sáng suốt khi Christian Dior dưới bàn tay ma thuật của Galliano đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang cao cấp mạnh nhất, có thể đứng ngang hàng với những đối thủ như Chanel, Gucci.
LVMH giống như một thương hiệu mẹ sở hữu nhiều thương hiệu con khác nên mô hình kinh doanh của nó cực kỳ phức tạp. Bernard Arnault đã “bật mí” hai bí quyết thành công của mình trong việc điều hành mô hình đó.
Thứ nhất, tập trung những thương hiệu có tính cạnh tranh với nhau. Theo cảm nhận của nhiều người thì việc sở hữu nhiều thương hiệu có mô hình kinh doanh giống nhau sẽ dẫn đến sự tương khắc, giống như nhà đông con nhưng anh em không hòa thuận.
Nhưng theo logic của Bernard thì việc có nhiều thương hiệu lại là sự đa dạng để thu hút nhiều tài năng hơn, làm nền tảng cho bí quyết thứ hai: Hãy làm việc cùng những người tài giỏi!
Những người tài giỏi ở đây không chỉ là các nhà thiết kế, mà còn là giới đầu tư. Việc có được sự đa dạng thương hiệu “cùng DNA” phong phú giống như một vùng đất màu mỡ mà nhiều người tài có thể cùng làm việc. Rất nhiều cái tên nổi danh đều bước ra từ LVMH như Alexander McQueen, John Galliano, Nicolas Ghesquiere, Raf Simons, Phoebe Philo, Riccardo Tisci…
Sau nhiều năm đi đầu trong “cuộc chiến hàng xa xỉ”, Bernard Arnault vẫn luôn nhạy cảm với thị trường. Giới trẻ – đối tượng khách hàng mới tiềm năng của thời trang đang phát cuồng với thời trang đường phố (streetwear), vậy tại sao không làm một cuộc cách mạng streetwear tại những thương hiệu của mình?
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sự thay đổi nhân sự tại các thương hiệu mạnh của LVMH đã diễn ra, trong đó vị trí giám đốc sáng tạo đều được trao cho những nhà thiết kế có thế mạnh về thời trang đường phố như Hedi Slimane, Kim Jones và Virgil Abloh. Điều này vừa giữ được vị trí của LVMH trong cuộc đua với những tập đoàn khác, mà vừa đem lại thêm nhiều lợi nhuận về cho Bernard.
Thường xuyên điều hành tập đoàn một cách trực tiếp nhưng Bernard không quên nuôi dưỡng thế hệ kế thừa. Ba trong số năm người con của Bernard hiện đang giữ những vị trí chủ chốt trong tập đoàn và có khả năng một trong số đó sẽ là người kế thừa sự nghiệp của ông.
Thế nhưng, không vì huyết thống mà ông nuông chiều họ bởi ông cho rằng họ phải được rèn giũa để luôn khao khát vươn lên và có đủ trình độ vượt qua những đối thủ của mình. Vì vậy, ai cũng phải cật lực làm việc để chứng tỏ bản thân.
Thế nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại Bernard Arnault vẫn là một doanh nhân với tầm nhìn bao quát và luôn trong tư thế sẵn sàng đương đầu với bất kỳ thách thức nào. Không ngừng nghỉ, cũng không lặp lại chính mình, bị hấp dẫn bởi những thứ có thể sắp xảy ra chính là những cá tính đáng nể của ông chủ này.
13 câu nói tiết lộ triết lý về tiền, thành công và quyền lực của tỉ phú Bernard Arnault
“Tất cả những gì tôi quan tâm là quảng bá các thương hiệu của tôi, không phải là quảng bá chính tôi”. (Nguồn: The Telegraph)
“Công việc của tôi là giúp các nhà sáng tạo và nhà thiết kế hiểu rằng thành công từ sự sáng tạo của họ phần lớn dựa trên thành công của các sản phẩm. Sáng tạo – vâng, nhưng phải được thực hiện theo cách mọi người thích và có thể sử dụng”. (Nguồn: Forbes)
“Mục tiêu của một startup không phải cứ là một startup. Mục tiêu của một startup là phát triển và trở thành một công ty lớn, nếu có thể”. (Nguồn: Bloomberg)
“Hạnh phúc đối với tôi là được dẫn dắt đội ngũ và, nếu có thể, đưa họ lên đỉnh”. (Nguồn: Forbes)
“Tiền chỉ là hệ quả. Tôi luôn nói với đội của mình, đừng lo lắng quá nhiều về lợi nhuận. Nếu bạn làm tốt công việc của mình, lợi nhuận sẽ đến”. (Nguồn: Forbes)
“Tôi nhớ mọi người nói với tôi, thật không hợp lý khi kết hợp quá nhiều thương hiệu. Và đó lại là một thành công, một thành công được công nhận, và trong 10 năm qua, mọi đối thủ đều cố gắng bắt chước. Tôi nghĩ họ không thành công, nhưng họ cố gắng”. (Nguồn: CNBC International)
“Tôi có niềm vui khi cố gắng chuyển đổi sự sáng tạo thành hiện thực kinh doanh trên toàn thế giới. Để làm điều này, bạn phải kết nối với các nhà đổi mới sáng tạo và nhà thiết kế, nhưng đồng thời cũng làm cho ý tưởng của họ trở nên sống động và cụ thể”. (Nguồn: Forbes)
“Trong kinh doanh, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là định vị bản thân với tầm nhìn dài hạn và không quá nôn nóng, mà bản chất tôi là như thế, và tôi phải kiểm soát bản thân mình”. (Nguồn: Forbes)
“Tôi thường nói với đội ngũ của mình rằng chúng ta nên cư xử như thể chúng ta vẫn còn là một công ty khởi nghiệp. Đừng ngồi ở văn phòng quá nhiều. Nên đi thực tế, ở cùng với khách hàng hoặc với các nhà thiết kế khi họ làm việc. Tôi ghé thăm các cửa hàng mỗi tuần. Tôi luôn tìm kiếm các quản lý cửa hàng. Tôi muốn nhìn thấy họ tại cửa hàng, không phải trong văn phòng của họ với mớ giấy tờ”. (Nguồn: Forbes)
“Tôi rất cạnh tranh. Tôi luôn muốn chiến thắng”. (Nguồn: CNBC International)
“Điều gì mà ta cảm thấy tốt là sự lựa chọn. Có quyền tự do lựa chọn. Điều duy nhất được áp đặt cho tôi, nếu nói một cách chuyên nghiệp, là tầm nhìn dài hạn của riêng tôi về mọi thứ”. (Nguồn: The Telegraph)
“Mọi người nghĩ rằng các chính trị gia có quyền lực thực sự, nhưng điều đó càng ngày càng ít đúng. Rốt cuộc, họ thường bị gò bó hoặc bị dồn vào một góc bởi cả một loạt các tình huống bất ngờ… Nói về chuyện đó thì có thể nói rằng tôi là người may mắn, “Tôi muốn công ty của mình ở trong tình huống như thế, và như thế trong vòng 10 hoặc 20 năm nữa” và thế rồi tôi vạch ra một kế hoạch để làm cho điều đó xảy ra”. (Nguồn: The Telegraph)
“Bạn phải ngờ vực sự hợp lý đơn giản trong kinh doanh khi bạn làm theo cách tiếp cận độc đáo của riêng mình”. (Nguồn: The Telegraph)
Tổng hợp, Theo Doanhnhanplus
Xem thêm bài liên quan
- 2 từ gói gọn bí quyết kinh doanh đưa Tỷ phú hàng hiệu giàu nhất thế giới: “thâu tóm” và liên tục “thâu tóm”
- Bí quyết làm nên thành công của Bernard Arnault – “Ông trùm xa xỉ” vừa đoạt ngôi giàu nhất thế giới từ Elon Musk
- Chuyện đời ít người biết về “vua xa xỉ” vừa soán ngôi Elon Musk lên vị trí giàu nhất thế giới