Ngày 22/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định đưa cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5/2023.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, lý do cổ phiếu VNZ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch vì VNG đã chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định.
Với việc bị đưa vào danh sách hạn chế, cổ phiếu VNG sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2023.
Giải trình về lý do chậm công bố Báo cáo tài chính kiểm toán 2022, VNG cho biết đang thực hiện song song Báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực quốc tế (IFRS).
Nguyên nhân do Công ty hiện hoạt động không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, với 33 công ty con và 7 công ty liên kết.
Trong đó, 18 công ty con và 1 quỹ xã hội – tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam và 14 công ty con ở nước ngoài với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
Do đó, VNG cho biết cần nhiều khá nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các thông tin, đảm bảo số liệu của Báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước.
Trước đó, VNZ đã có công văn xin gia hạn thời gian công bố BCTC vì lý do trên gửi tới UBCK và HNX.
Theo VNG, việc xin gia hạn này xuất phát từ nguyên nhân khách quan, cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cổ đông và nhà đầu tư.
VNG đang gấp rút hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu và kiểm toán xong số liệu để có thể phát hành báo cáo tài chính trong thời gian HNX yêu cầu và cổ phiếu VNG có thể sớm giao dịch bình thường trở lại.
VNZ là một trong số cổ phiếu gây chú ý nhiều nhất trên sàn chứng khoán gần đây bởi đà tăng chóng mặt sau khi lên sàn và xác lập kỷ lục mới trong lịch sử thị trường với thị giá trên 1 triệu đồng/cổ phiếu.
Theo đó, từ mức 240.000 đồng/cổ phiếu khi bắt đầu sóng tăng vào 1/2, thị giá VNZ đã đạt đỉnh 1.358.700 đồng/cổ phiếu vào phiên 15/2, tương ứng mức tăng hơn 4,66 lần, trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn. Định giá của VNG đạt 48.701,6 tỷ đồng, tương ứng 2,06 tỷ USD trong phiên này.
Nhưng trước khi có chuỗi tăng trần trên, cổ phiếu VNZ trải qua 14 phiên liên tục không có giao dịch (kể từ khi chào sàn vào 5/1). Trong 7/11 phiên tăng trần, chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
VNG (tiền thân là Vinagame) là doanh nghiệp chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo…
Cổ phiếu VNG được đăng ký giao dịch cổ phiếu (sàn UPCoM) với mã VNZ và ngày giao dịch chính thức 5/1.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNG của Công ty cổ phần đã có chuỗi tăng trần và lập đỉnh kỷ lục vào phiên giao dịch ngày 16/2/2023 với thị giá 1.562.000 đồng/cổ phiếu. Hiện chỉ còn giá 740.000 đồng/cp (đóng cửa phiên 24/5/2023).
Cổ phiếu này từng thu hút các quỹ ngoại vào như Mirae Asset, Temasek – những cổ đông từng mua vào cổ phần VNG tại các mức giá từ 1,7 triệu đến gần 1,9 triệu đồng/cổ phiếu.
Kết thúc quý I/2023, Công ty cổ phần VNG ghi nhận doanh thu đạt 1.852,5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty ghi nhận tiếp tục lỗ 40,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 15,9 tỷ đồng, tức giảm 24,6 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của VNG đạt 8.975,7 tỷ đồng tăng 0,9% so với đầu năm, lên. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.922,5 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.367,3 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.547,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.203,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Hiện Công ty cổ phần VNG chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán nhưng trong báo cáo tự lập, luỹ kế cả năm 2022, Công ty cổ phần VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,57 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 858,35 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 414,06 tỷ đồng.
Mới đây có thông tin Công ty cổ phần VNG đang tìm cách huy động 100 triệu USD trong vòng cấp vốn mới và hiện đang làm việc với Maybank về việc huy động vốn.
VNG đã tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư doanh nghiệp để tham gia vào vòng cấp vốn mới nhất và lên kế hoạch sử dụng số tiền thu được để mở rộng hơn nữa.
VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
VNZ được xem là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam, một startup công nghệ có mức định giá trên 1 tỷ USD.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến Tập đoàn công nghệ FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình có vốn hóa quy mô tỷ USD (đạt khoảng 3,8 tỷ USD tính vào ngày 24/5). Tuy nhiên, FPT không được gọi là kỳ lân như VNG hay VNPay bởi đã quá trưởng thành, có bề dày hoạt động hơn 25 năm, không còn tính khởi nghiệp (startup).
Hiện vốn hóa của VNZ ở mức khoảng 1,2 tỷ USD, chỉ cao hơn một chút so với mức định giá 1 tỷ USD hồi năm 2014 và thấp hơn mức 2,2 tỷ USD theo định giá của Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore hồi năm 2019.
Việc định giá công ty công nghệ không theo cách tính thông thường. Trên thế giới, nhiều trường hợp thua lỗ lớn nhưng vẫn được định giá rất cao.
Hiện, VNZ có cơ cấu cổ đông cô đặc với một cổ đông nước ngoài nắm 49%; CTCP Công nghệ Big V (19,8%) và ông Lê Hồng Minh 9,84%.
Hiện tại, giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào các dự án lớn của VNZ như: vị trí số hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi và quảng cáo trực tuyến; định hướng ZaloPay sẽ trở thành ví điện tử số 1 tại Việt Nam; trung tâm dự liệu VNG Data Center; kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ…
Theo VTCnews, Tin nhanh chứng khoán
Xem thêm bài liên quan
- 1 tháng chào sàn Upcom, tăng trần 5 phiên liên tiếp, “kỳ lân” công nghệ VNG vốn hóa vượt 21.000 tỷ, CEO Lê Hồng Minh bỏ túi hơn 1.000 tỷ một tuần
- Ông chủ “Kỳ lân công nghệ” Lê Hồng Minh kể về 3 bài học sinh tồn của VNG trong gần 2 thập kỷ: Đặt mục tiêu siêu đơn giản và liều ăn nhiều!
- Nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ lớn thứ 2 Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD: Các dịch vụ Online lên ngôi