Dù đã trở thành đại gia nhưng chàng trai lang thang ngày nào vẫn không quên người chị – ân nhân giúp anh lúc khó khăn 20 năm trước để có được ngày hôm nay.
Năm 1976, tại một làng quê nghèo ở Trùng Khánh (Trung Quốc), có một cặp vợ chồng sinh sống bằng nghề mổ thịt lợn. Họ có một người con trai tên Hà Vinh Phong. Dù không giàu có nhưng gia đình sống chan hòa, vô cùng hạnh phúc.
Cả nhà sống nhờ công việc thu mua lợn, giết mổ đem bán cho khách hàng của cha.
Tuy nhiên, đầu những năm 1990, gia đình He Rongfeng trở nên khó khăn khi phải gom góp số tiền 10.000 tệ (35 triệu đồng) để trả nợ cho các hộ nuôi lợn bị mất cắp, gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn. Cha của Rongfeng sợ hãi nên bỏ trốn, không dám về nhà.
Những người đòi nợ không tìm được cha nên bắt buộc mẹ và Rongfeng phải có trách nhiệm với số tiền của họ. Chứng kiến cuộc sống ngập đầu trong nợ và liên tục bị đòi tiền, Rongfeng quyết định nghỉ học, đi làm với những người khác trong làng để đỡ đần phần nào cho gia đình.
Năm 1993, Rongfeng cầm theo 100 nhân dân tệ (350.000 đồng) vay của mẹ rồi lên đường đi tìm việc với hy vọng có thể thay đổi cuộc đời, không còn nỗi lo nợ nần bủa vây.
Ban đầu, Rongfeng cùng những người trong xóm tới vùng ven biển tỉnh Chiết Giang, song công việc không được như mong muốn, họ khăn gói tới Ôn Lĩnh.
Giữa nơi đất khách quê người, Rongfeng và cả nhóm may mắn gặp được chị Xingfen. Nghe kể về hoàn cảnh, người phụ nữ không khỏi xót xa. Chị dẫn cả nhóm về nhà, đãi một bữa cơm ấm cúng.
Sau bữa cơm ấm áp tình người, nhóm của Rongfeng nói lời cảm ơn rồi tiếp tục hành trình đi tìm việc. Thương cho hoàn cảnh, chị Dai Xingfen đưa cho mỗi người 10 tệ làm lộ phí. Số tiền đó so với bây giờ không phải là lớn nhưng với Rongfeng thật đáng trân trọng.
“Em không phải trả lại tiền đâu nhé. Sau khi tìm được việc làm, hãy viết thư cho chị để biết vẫn mạnh khỏe. Các em có thể không có nhiều tiền, nhưng phải là người tốt nhé”, Rongfeng nhớ lại lời của chị Xingfen căn dặn trước khi lên đường.
Thay đổi cuộc đời
Với khoản lộ phí ít ỏi và mong muốn thay đổi cuộc đời, Rongfeng và những người khác trong nhóm đi qua nhiều nơi ở Trung Quốc. Họ làm đủ công việc để gom góp từng đồng tiền cho tương lai.
Cuối cùng, mảnh đất Thẩm Dương là nơi được Rongfeng chọn gắn bó lâu dài. Ban đầu, người đàn ông này chỉ làm một nhân viên học việc với đồng lương ít ỏi 300 tệ/tháng (1 triệu đồng), dần dần anh bước chân vào lĩnh vực kinh doanh và trở thành doanh nhân thành đạt. Hiện tại, He Rongfeng có 3 nhà máy sản xuất đồ nội thất và sơn với hơn 100 công nhân.
“Cuối năm 1994, tôi trở thành ông chủ, kiếm được 3000-4000 tệ/tháng (10,7 triệu đồng – 14,3 triệu đồng). Tôi gửi tiền về giúp cha mẹ trả nợ. Năm 1996, tôi kiếm được 100.000 nhân dân tệ/tháng (359 triệu đồng). Thời điểm đó, tôi gửi thư cho chị Xingfen – người đã giúp mình lúc khó khăn. Lúc rời khỏi nhà của chị ấy, tôi mang trong mình sự cảm kích và nghĩ sẽ báo đáp”, Rongfeng chia sẻ.
Thư được gửi đi nhưng Xingfen không hề nhận được. Mọi nỗ lực liên lạc bất thành khiến anh Rongfeng phải nhờ mọi người giúp đỡ, tìm đến công an để tra theo danh sách hộ khẩu mà vẫn không có kết quả. Mãi tới 10 năm sau, nam doanh nhân mới có cơ hội gặp lại ân nhân thông qua sự kết nối của một đối tác làm ăn.
Trong cuộc gọi đầu tiên sau nhiều năm xa cách, Rongfeng đã bật khóc, còn ở đầu dây bên kia, giọng của Xingfen cũng nghẹn ngào không kém.
Với Rongfeng, chính tấm lòng trắc ẩn của chị Xingfen đã giúp anh cảm nhận được ý nghĩa và sự tốt đẹp trong cuộc sống. Sự biết ơn được Rongfeng mang trong mình cho đến khi đã thành một doanh nhân thành đạt.
Ngày hôm sau, Rongfeng dẫn theo vợ đến nơi Xingfen sinh sống. Để đền đáp sự giúp đỡ của người phụ nữ này, anh tặng cô số tiền 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng) nhưng Xingfen từ chối.
“Khi chị giúp em, chị chưa bao giờ nghĩ có ngày gặp lại, huống chi là trả ơn thế này. Một bữa cơm mà em nhớ lâu vậy, chị thấy vui rồi”, Xingfen bày tỏ.
Thành công của He Rongfeng có sự nỗ lực của bản thân, song không thể phủ nhận chính Dai Xingfen đã tiếp thêm động lực cho chàng trai trẻ bước trên con đường đi tới thành công.
“Hiện tại, tôi sống rất tốt. Mặc dù, gia đình không giàu có nhưng thật sự không thiếu tiền. Em ấy nhớ việc làm tốt khiến tôi vui. Tôi còn nhớ đã đưa cho Rongfeng 10 tệ… nhưng tôi không nhận tiền trả ơn”, chị Xingfen bày tỏ.
Nhiều lần He Rongfeng muốn tặng quà đền đáp nhưng chị Xingfen từ chối. Cho đến nay, 2 gia đình vẫn giữ liên lạc, Rongfeng coi ân nhân như chị gái của mình. Cho dù, sự nghiệp kinh doanh tiếp tục phát triển, tiền kiếm được ngày càng nhiều, song nam doanh nhân luôn khắc cốt ghi tâm sự giúp đỡ của Xingfen, đó là một phần để có được thành công hôm nay.
Người đàn ông cho bạn vay hơn 3 triệu đồng, 25 năm sau được trả ơn 33 tỷ
Tôn Thắng Vinh (SN 1972) là người Chiết Giang, Trung Quốc. Vì điều kiện gia đình nghèo khó, anh chỉ học hết tiểu học rồi đến Từ Châu (Giang Tô) học cắt tóc trong cửa tiệm của anh trai.
Trong quá trình học việc, Thắng Vinh không ít lần bị khách quát vào mặt vì trình độ non kém của mình.
Một lần, anh cũng cắt hỏng tóc của một vị khách và rất sợ hãi. Nhưng thay vì mắng chửi, người này nói lời động viên Thắng Vinh và hẹn sẽ quay lại tiệm. Vị khách tên là Trương Ái Dân (khi đó 24 tuổi).
Một thời gian sau, đúng như lời hẹn, Trương Ái Dân quay lại và yêu cầu Thắng Vinh trực tiếp cắt tóc cho mình. Kể từ đó, hai người quý mến, coi nhau như anh em.
Năm 1987, do việc kinh doanh không tốt, anh trai của Thắng Vinh dẹp tiệm về quê sống. Thắng Vinh không muốn về nên đến Ôn Châu (Chiết Giang) làm việc trong một nhà máy. Tham vọng của Thắng Vinh là sẽ tiết kiệm đủ tiền để mở tiệm tóc cho riêng mình.
Nhưng công việc ở nhà máy vất vả, đồng lương lại ít ỏi khiến Thắng Vinh rất phiền lòng.
Một lần, khi đang lang thang trên phố, anh bất ngờ gặp lại Trương Ái Dân đang đi công tác ở đây. Hai anh em cùng nhau đi ăn và tâm sự nhiều chuyện.
Biết được mơ ước trở thành ông chủ của Thắng Vinh, Trương Ái Dân không ngần ngại chi ra 1000 tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) giúp em hoàn thành ước nguyện.
Dẫu vậy, việc làm ăn không bao giờ dễ dàng. Mặc dù Thắng Vinh rất nỗ lực nhưng lượng khách đến tiệm rất ít và lợi nhuận thấp. Cuối cùng, anh buộc phải đóng cửa tiệm, đăng ký nhập ngũ mà không nói với Trương Ái Dân một lời nào.
Trong quân ngũ, Thắng Vinh viết thư kể mọi chuyện cho Ái Dân nghe. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, lá thư không tới được tay Ái Dân. Hai người mất liên lạc với nhau từ đó.
Hết 2 năm nghĩa vụ, Thắng Vinh trở về quê hương. Lúc này, quê anh đang có phong trào đi xuất khẩu lao động. Thắng Vinh cũng quyết định đi nước ngoài kiếm tiền. Anh đến Tây Ban Nha và làm việc chăm chỉ.
Sau nhiều nỗ lực, Thắng Vinh đã tiết kiệm được một khoản tiền và bước chân vào lĩnh vực kinh doanh cửa hàng bách hóa. Tiếp đó, anh thành lập công ty riêng và gặt hái được nhiều thành công ở xứ người.
Khi giấc mơ trở thành ông chủ giàu có đã thành hiện thực, Thắng Vinh ngồi nghĩ lại những năm tháng khốn khó và nhận ra, mình cần phải trả ơn một người.
Năm 2008, Thắng Vinh về nước. Anh bỏ công đi tìm Trương Ái Dân – người đã tin tưởng và cho anh vay 1000 tệ năm xưa. Tuy nhiên, dù đã đi rất nhiều nơi, Thắng Vinh vẫn không thể tìm được vị ân nhân của mình.
Năm 2010, Thắng Vinh lại về Từ Châu, Trung Quốc để tìm Trương Ái Dân. Nhưng kết quả vẫn như lần trước.
Năm 2012, Thắng Vinh nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát để tìm Trương Ái Dân. Buổi sáng chuẩn bị bay về Tây Ban Nha, anh nhận được tin vui từ cảnh sát.
Hôm đó, Thắng Vinh ở lại khách sạn để chờ Trương Ái Dân. Khi người anh xuất hiện, Thắng Vinh chạy vội về phía trước. Hai người ôm nhau, rơi nước mắt vì xúc động.
Thời điểm đó, họ đã không gặp nhau 25 năm.
Tỷ phú trả ơn
Sau khi gặp lại người anh, Thắng Vinh đề xuất mua 1 chiếc xe hơi và 2 căn nhà ở Từ Châu cho Ái Dân để anh hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp. Nhưng Trương Ái Dân từ chối và nói rằng, anh không cần những thứ đó.
Thấy đề nghị của mình bị từ chối, Thắng Vinh lập tức chuyển hướng. Anh nói rằng, từ lâu đã muốn trở về Trung Quốc mở một đại lý rượu. Nhưng vì công việc ở nước ngoài bận rộn nên anh muốn nhờ Trương Ái Dân đến giúp.
Trước yêu cầu này, Trương Ái Dân không trốn tránh nữa mà đồng ý giúp em.
Sau đó, Thắng Vinh đã bỏ ra hơn 10 triệu tệ (hơn 33 tỷ đồng) để mở một đại lý chuyên bán rượu vang đỏ của Tây Ban Nha và người quản lý đại lý này chính là Trương Ái Dân.
Thực chất, cửa hàng rượu là món quà của Thắng Vinh dành cho ‘’đại ca” của mình.
Có lẽ, Trương Ái Dân không bao giờ nghĩ rằng, 25 năm trước anh chỉ đầu tư 1000 tệ mà bây giờ anh được nhận một món quà lớn như thế này.
Tất nhiên, lòng tốt không thể đo được bằng tiền nhưng việc làm của Trương Ái Dân và Thắng Vinh khiến mọi người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tháng 2/2019 Trương Ái Dân cũng được trao giải Người tốt Giang Tô và tên của anh cũng nằm trong danh sách Người tốt Trung Quốc.
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Lý Gia Thành: Người thành công thật sự không phải nhiều tiền hay quyền lực đến đâu, mà là khiêm tốn và có một trái tim nhân hậu
- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ vay 200 triệu trả suốt 23 năm và bài học từ cách “trả nợ”: Có thể nghèo nhưng không thể bội tín
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền: Không nợ thì làm sao mà giàu, người nợ càng nhiều càng uy tín!