Nhắc đến thương hiệu bút bi “quốc dân” Thiên Long thì người Việt ta ai cũng biết, nhưng mấy người biết được thời cơ hàn của người sáng lập nên công ty văn phòng phẩm hàng đầu khu vực – ông Cô Gia Thọ.
Nhắc tới Thiên Long, ắt hẳn ai cũng nhớ ngay tới hãng bút bi “quốc dân” được nhiều thế hệ người Việt sử dụng và ưa chuộng.
Trong gần 40 năm phát triển, Thiên Long không chỉ gói gọn là một hãng sản xuất có tiếng ở nội địa mà đã vươn tầm ra thế giới, giữ vị trí hàng đầu tại khu vực và xuất hiện tại 65 quốc gia, trở thành 1 trong 17 đối tác kinh doanh tốt nhất của thị trường văn phòng phẩm trên khắp thế giới.
Với những thành công và tăng trưởng bền vững suốt 4 thập kỷ qua, ít người có thể tưởng tượng rằng đế chế nghìn tỷ đồng ấy lại được xây dựng từ xe bán bút bi dạo của ông Cô Gia Thọ, người hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long.
Ông Gia Thọ là con lớn trong một gia đình có tới 10 anh chị em nên ngay từ nhỏ, ông đã có ý thức giúp đỡ cha mẹ bằng cách bán vé số, bán thuốc lá rồi trở thành công nhân cơ điện khi đã trưởng thành.
Khởi nghiệp từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tàng
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long là ông Cô Gia Thọ sinh năm 1958 tại Tp. Hồ Chí Minh. Là con trai cả trong một gia đình gốc Hoa có tới hơn 10 người con, ông Cô Gia Thọ sớm phải bỏ dở việc học hành khi đang học cấp 3 để phụ giúp bố mẹ kiếm tiền bằng cách bán vé số, bán thuốc lá dạo…
Khi trở thành một thanh niên, ông làm công nhân cơ điện tại Quận 6. Khi đó, cũng như bao thanh niên Sài thành khác, ông Thọ chỉ nghĩ rằng bản thân cần nỗ lực hết sức để phụ giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn.
Tiếp nối truyền thống buôn bán ở khu chợ người Hoa của cha mẹ, ông Thọ hàng ngày đạp chiếc xe cà tàng đi bán bút bi dạo khắp Sài Gòn.
Vừa lao động vất vả vừa góp nhặt từng đồng, tới khi có được 2 chỉ vàng trong tay, ông Thọ bắt đầu nghĩ tới việc làm một cái gì đó lớn hơn. Trong quá trình bán bút bi dạo, ông Thọ nhận thấy thị trường văn phòng phẩm tại Việt Nam lúc ấy còn là một khoảng trống rất lớn, ai cũng cần có cây bút để học chữ, nhưng nguồn cung lại khá khan hiếm.
Năm 1981, ông thành lập một xưởng sản xuất bút bi nhỏ với chỉ 20 nhân công. Ban đầu, vốn liếng của ông rất ít ỏi, tài sản lớn nhất khi khởi nghiệp của ông chỉ là 2 chỉ vàng và một chiếc xe đạp cũ, nên cùng với những công nhân của mình, ông chủ Thiên Long lúc ấy cũng kiêm nhiệm rất nhiều công đoạn: từ trực tiếp sản xuất, đi bán hàng và thu tiền.
Vì số vốn ban đầu rất hạn hẹp nên ông Thọ luôn phải dùng tiền xoay vòng. Trong 1 tuần, ông chỉ đủ chi phí sản xuất cho 3 ngày, tới ngày thứ 4 thì phải mang sản phẩm đi bán dạo tại khắp các sạp báo trong thành phố và chờ thu tiền luôn tại chỗ.
Sau đó, ông dùng số tiền thu được để tiếp tục sản xuất còn lợi nhuận thì gom góp để trả lương cho nhân công. Do ít vốn và đòi hỏi tiền quay vòng liên tục nên ông Thọ không dám bỏ mối ở chợ Tân Bình dù biết làm thế sẽ có lợi hơn nhiều, bởi nếu bán theo đơn sỉ thì ông phải chờ thu tiền sau. Cứ loay hoay như thế mãi, rồi giai đoạn khó khăn nhất cũng qua đi, tới năm 1996 thì xưởng sản xuất của ông bắt đầu có doanh thu ổn định.
Cũng trong năm đó, Công ty TNHH sản xuất – thương mại Thiên Long ra đời. Tới tháng 3/2005, công ty chính thức được chuyển đổi thành Công ty cổ phần sản xuất – thương mại Thiên Long với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Trải qua chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, Thiên Long đã “kinh qua” đầy đủ các mô hình phát triển kinh tế: từ kinh tế hộ gia đình, cá thể, cơ sở sản xuất, công ty TNHH rồi đến công ty cổ phần và sau đó là tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bí quyết thành công là sự vị tha và không ngừng học hỏi
Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, ông Cô Gia Thọ đã khiêm tốn chia sẻ: “Thành công của tôi không có bí quyết gì đặc biệt cả, đó chỉ là sự học hỏi. Tôi thấy mình thiếu cái gì thì học cái đó. Tôi luôn khát khao học hỏi, khôgn chỉ học người ngoài mà còn học từ chính nhân viên của mình. Khi công ty lớn mạnh, tôi tuyển kĩ sư, chuyên viên giỏi về làm cùng để học hỏi nhiều thứ từ họ”.
Trên tinh thần đó, slogan của Thiên Long trong suốt nhiều năm liền chính là “Sự học là trọn đời” sau này đổi thành “Sức mạnh của tri thức” như một lời tâm niệm của chính những thành viên trong công ty và truyền cảm hứng tới khách hàng.
Khởi nghiệp theo nhu cầu của thị trường lúc ấy, không có nhiều kiến thức về kinh doanh và cũng không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng ông chủ Thiên Long luôn không ngừng học hỏi, tích cực nắm bắt cơ hội tham gia các khoá học về quản trị kinh doanh và tham quan các mô hình nhà máy tại nhiều nước phát triển như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…
Để điều hành một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chỉ có 20 nhân công trở thành một “đế chế” hùng mạnh với 3.500 nhân sự là một hành trình rất dài. Trong hành trình đó, bên cạnh sự học tập không ngừng, ông chủ Thiên Long còn khẳng định: điều then chốt để tạo nên một doanh nghiệp vững mạnh chính là yếu tố con người.
Theo ông, người đứng đầu phải có sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng cấp dưới thì mới có thể xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, cùng hướng tới mục tiêu chung.
Trong suốt 40 năm quản trị doanh nghiệp, phương pháp hữu hiệu nhất mà ông áp dụng với nhân viên của mình chính là sự đãi ngộ thoả đáng. Bên cạnh đó, ông luôn đảm bảo sự tín nhiệm với nhân viên trên tinh thần “nghĩ cho người trước rồi mới nghĩ cho mình”.
Là người lãnh đạo song ông Cô Gia Thọ cho rằng, có những lúc nên lùi về sau 1 bước, chấp nhận chịu thiệt hơn một chút, “cho đi trước rồi nhận về sau” để có được sự tin tưởng và cống hiến lâu dài của cấp dưới.
Tuy nhiên, ông Thọ cũng cho rằng, người đứng đầu doanh nghiệp phải tỷnh táo, sáng suốt để nhận ra lúc nào có thể nhún nhường và lúc nào cần cứng rắn; có những lúc, người lãnh đạo sẽ phải đi trước, thẳng thắn phân xử trách nhiệm.
Ông chia sẻ: “Có những trường hợp mình không lùi được. Trong tập thể cần sự lãnh đạo. Mình lùi bước cho anh em cơ hội phát huy nhưng đôi khi người lãnh đạo phải đi trước. Trong quan hệ người với người là sự cam kết, tôi là người đứng đầu thì nhất định phải là người cam kết cao nhất và mạnh nhất”.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân khởi nghiệp, Chủ tịch tập đoàn Thiên Long cho rằng: quan trọng nhất vẫn là không ngừng học hỏi. Người đứng đầu là người phải học nhiều nhất, làm chủ kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau để dẫn dắt công ti lớn mạnh. Trong một công ty, ai cũng có công việc, vị trí riêng, nhưng người đứng đầu phải thấu hiểu từng công đoạn, từng vị trí để biết cách xử lý khi có tình huống bất ngờ.
Với tinh thần học hỏi trọn đời cũng như chế độ trọng dụng nhân tài, Tập đoàn Thiên Long liên tục phát triển và lớn mạnh, từng bước lấn át nhiều đối thủ cạnh tranh để trở thành tên tuổi nổi bật nhất trong lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam và vươn ra thế giới.
Tính đến quý I năm 2021, tổng tài sản của Thiên Long vượt ngưỡng 2.348 tỷ đồng, vốn sở hữu là 1,806 tỷ đồng. Cá nhân ông Cô Gia Thọ đang ở hữu 4,594,605 cổ phiếu TLG tương đương 171.4 tỷ đồng.
Nếu có ý chí, cái nghèo chỉ là một thử thách
Những tấm gương như ông chủ của nhãn hiệu Thiên Long chính là lời khẳng định cho việc cái nghèo không phải là thứ cản trở người ta đến với thành công.
Ngược lại, nếu ai đó coi nó như một động lực, kèm thêm sự nhanh nhạy, sáng suốt nắm bắt thị trường, dám thực hiện những điều mà chưa ai làm, thử những điều chưa ai thử cũng như chấp nhận rủi ro, người đó ắt hẳn sẽ thành công rực rỡ.
Bởi vậy, đừng bao giờ đổ tội rằng bạn sinh ra trong một gia đình thiếu điều kiện nên không thể đạt được những điều mà người khác đạt được, thành công hay thất bại, tất cả những điều đó đều phụ thuộc phần lớn vào bản thân bạn mà thôi.
Xem thêm bài liên quan
- Chuyện đời “Ông vua bút bi” Việt Nam: Từ chuỗi ngày bán dạo đến tập đoàn Thiên Long nghìn tỷ
- “Ông vua văn phòng phẩm” bút bi Thiên Long lãi gần 1,5 tỷ đồng/ngày: 5 tháng hoàn thành 38% chỉ tiêu doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
- “Ông trùm” bút bi Thiên Long phá kỷ lục doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm 2022: Lãi tới 1,2 tỷ đồng/ngày