Sự kết hợp giữa giấc mơ thượng lưu Mỹ, chất ‘thực dụng’ trong lối thiết kế cùng chất lượng cao cấp đã tạo nên biểu tượng Ralph Lauren vững chắc trong làng mốt xứ cờ hoa.
Không một thương hiệu thời trang nào có thể sánh được tính biểu tượng mạnh mẽ đối với nước Mỹ và môn thể thao polo như những gì Polo Ralph Lauren đã làm. Người, ngựa, thời trang và quan trọng nhất, đẳng cấp là bốn trụ cột tạo nên một Ralph Lauren với logo thương hiệu kinh điển hình người chơi mã cầu, một cái tên đại diện cho phong cách học đường xa xỉ và lối sống thượng lưu Mỹ.
Ralph Lauren: Từ vải vụn đến cà vạt và hiện thân của giấc mơ Mỹ
Lauren, được sinh ra vào năm 1939 với cái tên Ralph Lifshitz trong gia đình có cha mẹ là người nhập cư Do Thái, những người đã trốn khỏi Belarus để đến Mỹ. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Lauren đã bị thu hút bởi quần áo và sức mạnh biến đổi con người đến từ những bộ trang phục khoác lên người: ông mô phỏng dáng vẻ sành điệu của những đứa trẻ giàu có ở New York, sau đó lang thang tại các cửa hàng đồ cũ để tìm những món đồ như quần denim, giày cao bồi hay những chiếc áo khoác da. Ánh hào quang của các ngôi sao Hollywood bấy giờ như Cary Grant, Steve McQueen, Fred Astaire và Katharine Hepburn cũng trở thành niềm cảm hứng và khao khát bất tận cho Ralph Lifshitz.
Khi 16 tuổi, Ralph và anh trai cùng đổi họ thành Lauren nhằm xóa bỏ danh tính Do Thái để được nhìn nhận nhiều hơn như một nhà thiết kế thời trang tương lai. Mối lương duyên giữa Ralph Lauren và ngành công nghiệp thời trang bắt đầu khi ông theo học tại trường cấp ba DeWitt Clinton. Ralph vừa làm thêm tại Alexander’s, nay là một chuỗi cửa hàng tại New York, vừa kiếm tiền bằng cách bán cà vạt cho các bạn học đồng trang lứa với lợi nhuận từ 7 đến 10 đồng đô la một chiếc. Tiếp tục hết cấp ba và phục vụ trong quân ngũ hai năm sau đó, Lauren kiên trì theo đuổi việc học tại các lớp buổi tối ở Brooklyn’s Baruch College trước khi trở thành nhân viên bán cà vạt tại Brooks Brother.
Chính tại Brooks Brother, khao khát và hoài bão trở thành nhà thiết kế đã tạo nên một Ralph Lauren của tương lai. Lauren bắt đầu đi sâu vào công việc thiết kế và tạo ra dòng cà vạt của riêng mình, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thẩm mỹ thanh lịch và năng động kiểu Ivy League của nhà Brook Brothers và hình ảnh ngôi sao màn bạc Douglas Fairbanks Jr. với bộ suit khuy đúp với cổ áo spread collar thay vì hình ảnh đặc trưng của nam giới Manhattan giữa thập niên 60 với những chiếc sơ mi kiểu button-down đi cùng cà vạt bản nhỏ.
Không nhận được sự chấp thuận từ Brooks Brothers, Lauren tìm đến những nhà sản xuất khác trước khi “về một nhà” với một boutique chuyên sản xuất cà vạt nam cao cấp tại New York, Beau Brummell. Từ đây, Ralph Lauren bắt đầu thiết kế và cho ra đời những mẫu cà vạt chỉ với một “ngăn kéo” khiêm tốn được thuê tại tòa nhà Empire State, một showroom khởi đầu của thương hiệu Polo Ralph Lauren. Ralph Lauren bắt đầu với việc thiết kế cà vạt, sau đó đến những bộ suits.
“Thời điểm đó, một công ty sản xuất áo sơ mi sẽ chỉ sản xuất áo sơ mi, một công ty sản xuất cà vạt sẽ chỉ sản xuất cà vạt, một công ty may suit sẽ chỉ may suit. Nhưng tôi làm tất cả mọi thứ. Đó là một tư tưởng cấp tiến”, Lauren đã trả lời trong một bài phỏng vấn.
Đến năm 1970, dòng sản phẩm The Polo dành cho nam giới của Lauren được bày bán độc quyền bởi bách hóa Bloomingdale tại khu vực thượng lưu của New York, Manhattan.
Năm 1971, Ralph Lauren tung ra dòng áo sơ mi được thiết kế riêng cho phụ nữ, đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của biểu tượng logo thương hiệu kinh điển của Ralph Lauren – cầu thủ Polo, trên cổ tay áo. Bộ sưu tập đầy đủ dành cho nữ giới cũng được ra mắt vào năm sau đó. Cũng trong năm này, cửa hàng riêng đầu tiên của Polo by Ralph Lauren không trực thuộc bách hóa nào ra mắt trên phố Rodeo Drive tại Beverly Hills.
Đến năm 1972, mẫu áo thun di sản mang phom dáng tay ngắn cổ bẻ với logo thương hiệu hình người chơi mã cầu được thêu trên ngực áo – “the Polo shirt” huyền thoại của Polo Ralph Lauren chính thức được ra mắt. Mẫu polo shirt được ra mắt với 24 màu sắc, trở thành ADN của riêng thương hiệu. Điều kì lạ là dù polo được chọn làm cái tên đại diện cho thương hiệu của mình, song Ralph Lauren lại chưa bao giờ đặt chân lên sân bóng lần nào, thay vào đó, ông chọn polo vì tình yêu thể thao và vì phải lòng dáng vẻ thanh lịch của bộ môn nói trên.
Tầm ảnh hưởng của ông ngày càng được lan rộng với thiết kế phục trang kinh điển dành cho The Great Gatsby vào năm 1974 và sau đó là Annie Hall vào năm 1977. Lauren chịu trách nhiệm phục trang cho toàn bộ nam diễn viên trong bản điện ảnh The Great Gatsby năm 1974 với những mẫu trang phục được tuyển lựa từ dòng thời trang Polo của riêng mình, những bộ suit và áo len mang đặc trưng thập niên 20 và kinh điển nhất phải kể đến bộ suit hồng được thiết kế riêng cho chàng Jay Gatsby thủ diễn bởi nam tài tử Robert Redford, đến nay vẫn được xem là một mẫu mực về thời trang nam giới. Thiết kế trang phục cho The Great Gatsby cũng mang về cho Ralph Lauren giải Oscar dành cho Thiết kế phục trang xuất sắc nhất, khẳng định sức ảnh hưởng của ông trên cả địa hạt thời trang lẫn điện ảnh.
Ralph Lauren cũng là người tạo nên hình ảnh menswear mang tính cách mạng cho Diane Keaton với vai diễn trong bộ phim Annie Hall.
Ba thập kỉ tiếp sau đó chứng kiến Ralph Lauren mở rộng quy mô toàn cầu với sự đánh chiếm ồ ạt sang những lĩnh vực khác như thời trang xa xỉ, sản xuất nước hoa và các dòng sản phẩm denim.
Tập đoàn chính thức thâm nhập thị trường châu Âu và vươn ra quốc tế vào năm 1981 với việc khai trương cửa hàng đầu tiên ở tại New Bond, West End, London. Tiếp tục chứng minh mình là cái tên góp phần tạo nên lối sống Mỹ, Ralph Lauren cho ra mắt Ralph Lauren Home vào năm 1983, trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên dấn thân vào cuộc chơi nội thất.
Cửa hàng flagship xa hoa của Ralph Lauren cũng được mở vào năm 1986 tại dinh thự Rhinelander, tọa lạc tại Đại lộ Madison và Phố 72, New York, tạo ảnh hưởng không nhỏ đến ngành bán lẻ. 12 tháng 6 năm 1997 Ralph Lauren Corporation chính thức lên Sàn giao dịch Chứng khoán New York với cái tên Ralph Lauren.
“Không chỉ là vải vóc, đó là giấc mơ”
“Với các thiết kế của mình, Lauren không bán vật chất, mà thay vào đó là sự huyễn hoặc về một hình tượng mốt đậm chất học đường và mang khát vọng thượng lưu Mỹ. Thế giới mà Ralph Lauren tạo ra được lấp đầy bởi những khẩu súng săn kiểu cũ, những con tuấn mã bóng loáng, những căn phòng ốp gỗ xa hoa và những gã trai mang vẻ ngoài kiểu Hollywood xưa” – trích từ trang Highsnobiety.
Bắt nguồn từ gốc rễ của thương hiệu, từ tuổi thơ của cậu bé Ralph Lifshitz, không quá ngạc nhiên khi thẩm mỹ Ralph Lauren luôn song hành với văn hóa học đường của Ivy League, những học viện danh giá nhất nước Mỹ. Từ những chiếc áo khoác blazer lịch lãm nhưng không kém phần thoải mái đến các mẫu sơ mi oxford hay quần âu thanh lịch hay những chiếc áo khoác ‘varsity’ đại diện cho những đội tuyển bóng bầu dục, bóng vợt và đặc biệt là mã cầu – polo, thương hiệu Ralph Lauren là sự kết hợp linh hoạt của tất cả những gì người ta tưởng tượng khi nghĩ đến về những hội trường xa hoa tại những tổ chức học thuật ưu tú và bậc nhất Hoa Kỳ.
Nói một cách đơn giản nhất, Ralph Lauren đã chắt lọc tất cả những cảm hứng từ phim ảnh, âm nhạc, thể thao, truyền thông và văn hóa thành một thứ ngôn ngữ hoàn chỉnh, tạo ra một phong cách ăn mặc có thể định nghĩa một cách hoàn hảo và mộng mơ nhất về giới học thuật thượng lưu Mỹ.
Điều Ralph Lauren đã tạo ra không hẳn là một cú nổ, tuy nhiên cách ông thực hiện lại vô cùng tiên phong với cách marketing hiệu quả khi o bế bộ phận khách hàng mà thương hiệu hướng đến. Trang phục của Ralph Lauren là sự phối ngẫu giữa chất Ivy League ưu tú, hào nhoáng và phong cách country club wear có thể áp dụng được với những món đồ hàng ngày. Kết quả tạo ra là một thẩm mỹ tinh tế nhưng cũng vô cùng đơn giản mà tất cả người Mỹ đều có thể khao khát. Ông đã mang đến một danh tính Americana hoàn hảo và chân thực, mở đường cho hàng loạt thế hệ nhà thiết kế sau này. Tất cả những cư dân Hoa Kỳ, từ Maine đến Long Island đều có chung một khao khát – một chiếc polo shirt huyền thoại của Ralph Lauren.
Mối duyên của Ralph Lauren và bộ môn nghệ thuật thứ 7 – điện ảnh vẫn còn khăng khít đến hiện tại với những thiết kế trang phục thảm đỏ thanh lịch, cổ điển gợi nhớ Hollywood xưa được hàng loạt ngôi sao ưa chuộng tại các liên hoan phim và lễ trao giải.
Polo dành cho tất cả mọi người
Polo và chất đường phố với Lo Life
Vốn gắn liền với hình ảnh thượng lưu Mỹ đầy xa hoa, lịch lãm tuy nhiên Ralph Lauren không đứng ngoài những chuyển động và nhu cầu của số đông.
Làn sóng sportswear bắt đầu nổ ra vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 với sự xuất hiện của hàng loạt chất liệu vải mới. Và đó là lúc Polo Sport vào cuộc. Một lần nữa nhạy bén nắm bắt thấy cơ hội trên thị trường, Lauren ngay lập tức ra mắt bộ sưu tập thể thao, và nhanh chóng được đón nhận bởi văn hóa đường phố, chìa khóa dẫn đến sự lan rộng toàn cầu của cái tên Ralph Lauren.
Nhắc đến Ralph Lauren và văn hóa đường phố không thể không nhắc đến Lo Life, được xem như biểu tượng của sự bùng nổ văn hóa đường phố bấy giờ. Vào những ngày hoàng kim của mình, Lo-Life luôn xuất hiện đóng bộ Ralph Lauren từ đầu đến chân, không phải hình ảnh những đứa trẻ khu thượng lưu Hamptons mà là những màu sắc rực rỡ nổi bật trên chất nền đô thị xám xịt tồi tàn của bối cảnh xung quanh.
Những dòng thời trang của Polo Sport và Polo Silver nhanh chóng thu phục khách hàng với chất punk và phong cách đầy tính lan tỏa. Hãng chưa bao giờ thực sự tái tạo hình ảnh của chính mình với những phong cách mới, thay vào đó là những cuộc thay đổi để phù hợp với thị hiếu khách hàng. Một cách khéo léo, Ralph Lauren đã giữ lại được chất polo kinh điển trong khi vẫn hòa nhập hoàn hảo với văn hoă đường phố, thu phục các khách hàng từ những tay chơi polo đến cao bồi, giới rapper đến những học sinh Ivy League và tất cả mọi người ở mọi lĩnh vực, trở thành một thương hiệu được mọi tầng lớp nam giới yêu thích.Áo polo dưới sự gợi ý của ELLE Man trong bài viết lần này sẽ giúp bạn update phong cách phối đồ dành cho mùa thu một cách nhanh nhất
Bộ sưu tập 1992 Polo Sport Stadium
Dù đã ra đời được 28 năm, bộ sưu tập Stadium vẫn được tung hô và không ngừng săn lùng bởi những người yêu Ralph Lauren và những tay chơi streetwear nhờ đạt đến đỉnh cao về phong cách, thiết kế và thẩm mỹ đậm chất Ralph Lauren.
Cách sử dụng logo thương hiệu cỡ lớn và các chi tiết graphic với gam màu nổi bật và cách phối đồ ăn rơ hoàn hảo với sneaker và những hiện tượng streetwear khác đang gây bão trên khắc bờ tây và bờ đông nước Mỹ. 1992 Polo Sport Stadium đã tạo ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà thiết kế thậm chí trong cả thế kỉ 21.
Sự quay lại mạnh mẽ của phong cách thập niên 90 cũng góp phần tô đậm tính kinh điển của chất sportwear nhà Ralph Lauren. Logo thương hiệu ‘P-wing’ với hình tượng đôi chân mọc cánh của vị thần Hi Lạp cổ đại Hermes đặt trên cùng của những chiếc áo ‘đội tuyển’ varsity cùng ngồn ngộn những chiếc túi đắp hay những chi tiết đậm chất ‘tech’ và graphic ấn tượng được xem là mẫu mực hoàn hảo cho thẩm mỹ maximalist – tối đa đang được áp dụng bởi hàng loạt thương hiệu hiện nay.
__
Theo: ELLEMan Việt Nam