Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài bày tỏ: Thế giới Di động khởi nguồn quản lý con người bằng Pháp trị, sau bổ sung Kỹ trị để nâng cao hiệu suất, và sau cùng dùng Nhân trị, lấy cái tâm đối đãi với người lao động để đưa doanh nghiệp hướng tới sự trường tồn…
Tại hội thảo “Tinh hoa tam trị – Ứng dụng tư duy Nhân trị – Pháp trị – Kỹ trị vào điều hành và phát triển doanh nghiệp” do JCI Hà Nội tổ chức trước đây, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động Nguyễn Đức Tài chia sẻ: Nhìn lại câu chuyện vận hành 15 năm của doanh nghiệp, các phương thức quản lý, quản trị đều được đưa vào một cách tự nhiên.
Cách quản lý “tam trị” của Thế giới Di động
Để quản trị doanh nghiệp với đội ngũ hơn 50.000 người, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới Di động đã sử dụng khôn khéo tam trị bao gồm: Pháp trị, Kỹ trị và Nhân trị.
Khởi đầu là Pháp trị
Mới đây, ông Nguyễn Đức Tài Chủ tịch Thế giới di động đã có buổi chia sẻ về quản trị doanh nghiệp với các doanh nghiệp trẻ tại Hà Nội. Nói về chủ đề này ông chủ Thế giới di động tâm sự: Nếu như nhìn lại quá trình mà Thế giới di động quản trị doanh nghiệp, mọi người sẽ thấy rất rõ khi còn nhỏ pháp trị được công ty sử dụng rất nhiều. Pháp trị ở đây nghĩa là dùng phương pháp quản trị bằng các quy trình những nội quy và những chính sách thưởng phạt rõ ràng.
“Khi mới thành lập công ty cá nhân Tài và một số người đã ngồi rất tập trung để viết những quy trình. Để mọi thứ có thể chạy theo đúng theo luồng của nó, chứ không nó sẽ có hiệu ứng tuỳ tiện. Lúc đó, mình đâu có tiền đâu mà đầu tư vào công nghệ, còn chưa biết quản trị là gì?”, ông chủ Thế giới di động vui vẻ nói.
Một lý do khác mà sử dụng Pháp trị ở thời điểm doanh nghiệp còn nhỏ, theo ông Tài, bởi vì Pháp trị là cái dễ làm nhất, ngồi mở google ngồi viết một ngày cũng được cả mấy chục trang.
Bên cạnh đó, Pháp trị là thứ được viết ra bằng văn bản và được áp dụng một cách triệt để. Không có chuyện, cấp trên không áp dụng cấp dưới lại áp dụng. Mặt khác, nó Acũng mang tính nhất quán làm gương rất là cao.
“Người càng cao bao nhiêu, phải làm gương bấy nhiêu. Pháp trị không phải chuyện viết ra để có ngoại lệ có một số người không áp dụng. Ví dụ như khi họp nhân viên có thể vào trước 5 phút nhưng sếp phải ngồi ở đó trước 10-15 phút đó mới là pháp trị đúng nghĩa, chứ không phải nhân viên vào hết chán chê rồi sếp mới vào cho oai”, ông Tài nói.
Lớn dần là Kỹ trị
Tuy nhiên đến khi quy mô công ty tăng lên, cửa hàng mở nhiều, nhân viên thêm nhiều thì Thế giới di động gặp bài toán về quản trị mới.
“Trước đây nếu tuyển nhân viên với số lượng ít 50-100 người, phòng nhân sự với 10 người có thể làm tốt, nhưng với quy mô lớn dần của Thế giới di động có khi 1 tháng tuyển đến 4.000 người, lớn hơn 1 công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dung về nhân sự. Vậy nếu mà, không có công nghệ vào cuộc thì làm sao làm được việc đó. Bao nhiêu người đi khắp 63 tỉnh thành để tuyển”, ông chủ Thế giới Di động đặt vấn đề.
Vậy đã đến lúc phải sử dụng công nghệ – Kỹ trị vào doanh nghiệp. Và mọi người vào Thế giới di động đã bắt đầu phát triển dần, bắt đầu bằng việc nộp hồ sơ trên mạng.
Thế giới di động có máy móc duyệt hồ sơ online và đưa vào vòng trong mà con người không phải tác động vào. Ông chủ Thế giới di động còn đang ước mơ tiến tới là kiểm tra luôn giọng nói, đánh giá khuôn mặt….
Ông chủ Thế giới di động cũng chia sẻ: Nếu động đến bài toán quy mô Thế giới di động luôn sử dụng công nghệ để giải quyết. Đơn cử như chấm công, khi các bạn còn nhỏ, các bạn có thể kiểm duyệt qua ký giấy, nhưng để hàng ngàn con người ngày nào cũng làm việc đó bao nhiêu giấy cho đủ. Và bạn có chắc thông tin qua giấy đó có chính xác hay không? Hay người ta đi trễ người ta ghi sớm, người ta về sớm chấm về đúng giờ.
“Hệ thống công nghệ được đặt ra chúng tôi bảo đảm với các bạn, khi mới xây dựng nó còn hơi “ngố ngố” nhân viên ở nhà mở úng dụng ra bảo em chấm công, chúng tôi mới thấy cái định vị cách cửa hàng tới 3km mà đã ấn đến rồi. Đến một ngày đẹp trời chúng tôi xây một công nghệ chỉ đến siêu thị mới có thể chấm công.
Đó ta thấy được hiệu của của công nghệ đã vào cuộc, chúng tôi đã sử dụng để có thể hoạt động với mức “tải” rất cao và không cần sử dụng quá nhiều người. Dùng công nghệ có thể quản trị một cách hiệu quả hơn”, ông Tài nói.
Ông Tài cũng khẳng định, việc ứng dụng công nghệ vào trong công việc là không thể thay đổi. Nhưng ngược lại nếu cái gì cũng dùng công nghệ vào đôi khi lại không được, có những thứ vẫn nên sử dụng bằng con người.
Trưởng thành hơn là đến lúc cần Nhân trị
Từ Pháp trị đến tăng quy mô áp dụng công nghệ – Kỹ trị,đến một bước thì Thế giới di động tiếp nhân rộng quy mô phát triển quá mạnh, lúc đó chủ Thế giới di động mới nghĩ tới Nhân trị.
“Khoảng năm 2009, lúc đó chúng tôi có vài ngàn nhân viên tôi luôn luôn cảm thấy có hai nhóm rất rõ ràng. Số rất ít con người trong doanh nghiệp lúc nào cũng suy tư làm sao doanh nghiệp có thể phát triển nhưng vài ngàn người còn lại gồm cả quản lý và nhân viên hình như họ đến đây để có một công việc làm để cuối tháng nhận lương đi về.
Vậy tôi mới nhận ra là thiếu cái gì đó? họ là cộng sự với mình nhưng họ không xem doanh nghiệp như hơi thở và sự thành công của họ. Lúc ấy cũng là lúc tôi suy nghĩ về chính sách và cách thức để cho doanh nghiệp có thể thể lớn lên”, ông Tài tâm sự.
Và kế sách lúc đó để quản trị doanh nghiệp, ông chủ thì Thế giới Di động nhận ra cần phải quản trị bằng cái nhân bằng cái đức, chứ không đơn thuần bằng luật pháp bằng công nghệ. Bởi theo ông luật pháp và công nghệ không tạo ra được một nụ cười chân thành của nhân viên.
“Niềm tịn của tôi là khi chúng ta làm cái gì tốt đẹp cho ai đó, thì những người đó sẽ không bao giời quay lưng lại với mình. Người ta sẽ có khuynh hướng làm cái gì tốt đẹp cho những người mang đến điều tốt đẹp cho mình. Nên nền tảng nhân trị của Thế giới di động chúng tôi tin vào con người.
Chúng tôi xây dựng hai thứ để tạo nên cái nhân trị và sự phát triển mạnh mẽ của Thế giới di động, đó là xây dựng văn hoá yêu thương và xây dựng chính sách đãi ngộ.Ở đây là đãi ngộ từ tâm, chứ không phảo đãi ngộ kiểu kỹ thuật để giữ người”, ông thì Thế giới Di động nói.
“Phần lớn người Việt thích giải toán theo kiểu ngắn hạn”
“Phần lớn người Việt hay giải bài toán theo kiểu ngắn hạn. Tôi từng thấy có doanh nghiệp trong ngành này có 100 cửa hàng mới xây dựng hệ thống quản trị. Mọi thứ trước đó được dùng Excel, gửi email sang nhà cung cấp đặt hàng… Trong khi đó, chúng tôi mở cửa hàng thứ 2 đã đặt nền móng để xây dựng hệ thống quản trị rồi”, ông Tài nói.
Có những câu chuyện khá hài hước trong ngành kinh doanh bán lẻ giữa người dẫn đầu (leader) và những kẻ theo sau (followers).
Ví như chuyện mở cửa hàng. Cửa hàng thứ 7 của Thế giới Di động được lựa chọn đặt ở Buôn Ma Thuột. Lý do là họ muốn kiểm tra hệ thống quản trị từ xa. Nhưng các đối thủ không hiểu nguyên nhân sâu xa mà cứ thế lên Buôn Ma Thuột đặt cửa hàng bên cạnh.
“Vì sao chúng tôi đặt cửa hàng ở đấy? Nó rất xa xăm, không thể sáng đi chiều về, để mấy em ở trung tâm không thể lên đó tác động gì hết. Lúc đó, thời cuộc đặt ra cho chúng tôi bài toán phải quản trị từ xa như thế nào.
Chúng tôi cố gắng giải những bài toán rất sơ khởi cho một doanh nghiệp với hướng nhìn sẽ xây một chuỗi rất lớn mạnh trong tương lai. Chỉ có điều, những người khác không hiểu”.
“Họ thấy chúng tôi lên Buôn Ma Thuột đặt cửa hàng, họ cũng lên đó đặt bên cạnh. Không hiểu theo tôi lên đó làm gì khi chỉ quản trị bằng Excel? Chúng tôi có mục tiêu để test hệ thống quản trị từ xa. Nhưng họ không hiểu, cũng cứ cố đặt cửa hàng lên đấy”, ông Tài kể lại.
Ông Tài cho biết bản thân Thế giới Di động mắc rất nhiều sai lầm, và điều hài hước là những người khác cũng bắt chước theo những sai lầm đó.
“Về việc bán phụ kiện, nếu vô cửa hàng các bạn thấy ốp lưng của chúng tôi nhiều lắm, nhưng hiện nay đang bị lỗi rất lớn là các ruột khác nhau, nhưng cái vỏ ngoài rất giống nhau, bởi chúng tôi làm biếng.
Suốt một thời gian dài chúng tôi mắc sai lầm đó. Giờ chúng tôi làm lại là ruột bên trong có thể giống nhau, nhưng vỏ ngoài phải khác nhau, để mặt hàng phụ kiện trông phong phú đa dạng”.
“Nhưng những người theo sau chúng tôi đang làm đúng những việc chúng tôi đã mắc sai lầm. Rõ ràng chúng tôi hiểu rất rõ mình đang làm cái gì, và đang điều chỉnh cái gì, nhưng người khác cứ làm theo sai lầm của chúng tôi và không học được gì từ những cái đó”, ông Tài chia sẻ.
Quay trở lại câu chuyện tam trị, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cho rằng không cần thiết phải đi học nhiều, hay cần phải tách bạch chuyện dùng phương thức gì, chỉ cần mọi thứ xuất phát từ tâm.
Một phong cách Pháp trị từ tâm sẽ khác với một phong cách Pháp trị giới hạn không được đi toilet 2 lần trong một ca làm việc. Một phương thức Nhân trị từ tâm sẽ đưa ra những chính sách đãi ngộ từ tâm, chứ không phải đưa ra những “chiêu trò”, “kỹ thuật” để giữ người.
“Các công ty nhân sự sẽ dạy các bạn rất nhiều “chiêu” để giữ người, chúng tôi thì không”, ông Tài nói. Ông cho rằng trong một doanh nghiệp, không nên có kiểu quan hệ người lao động và người sử dụng lao động.
Bởi khi đó, quan hệ giữa ông chủ và nhân viên sẽ trở thành một quan hệ mua bán – một người mua sức lao động, một người bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt.
Kẻ muốn mua rẻ thật thì phải có chiêu trò, kẻ muốn bán đắt cũng phải giở chiêu trò, và doanh nghiệp đó chỉ toàn một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau.
“Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ đó thành quan hệ đồng hành. Chúng ta cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh”, ông Tài nói.
Theo Trí thức trẻ, Báo đầu tư
Xem thêm bài liên quan
- Hé lộ cách quản lý “Tam trị” và thuật quản trị hơn 50.000 người ở Thế Giới Di Động của chủ tịch Nguyễn Đức Tài
- Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói về chuyện quản trị 55.000 người ở Thế Giới Di Động từ thuở “lọt lòng” đến khi thành đế chế tỷ USD
- 3 lần thay đổi cách quản trị đế chế khổng lồ Thế Giới Di Động của chủ tịch Nguyễn Đức Tài trong chặng đường gần 20 năm lịch sử