Ngoài sự nhạy bén trong kinh doanh, “tượng đài” của nền kinh tế Hồng Kông Lý Gia Thành còn có nhiều bí mật về tài chính có thể trực tiếp truyền cảm hứng cho các thế hệ người trẻ.
Phía sau sự thành công của mỗi tỷ phú đều là những truyền kỳ và những bài học mà ở đó, chính chúng ta cũng có thể đúc rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình. Câu chuyện về tỷ phú Lý Gia Thành – người mệnh danh là “siêu nhân” hay “Warren Buffett châu Á” không phải ngoại lệ.
Ông là người luôn giữ vững ngôi vị người giàu nhất Hong Kong (Trung Quốc) hơn 2 thập kỷ qua. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông trùm kinh doanh Hong Kong hiện dao động quanh mốc 34,3 tỷ USD và xếp thứ 43 trên thế giới.
Nói về quan điểm sống và làm giàu, tỷ phú Lý Gia Thành cho biết: “Khi bạn nghèo, hãy ở nhà ít hơn và ra ngoài nhiều hơn. Khi bạn giàu có, hãy ở nhà nhiều hơn và ít ra ngoài hơn. Đây là nghệ thuật sống. Nếu là người nghèo, bạn nên chi tiền cho người khác, khi đã là người giàu, bạn mới chi tiền cho chính mình. Tuy nhiên, rất nhiều người đang làm điều ngược lại”.
Bạn chỉ có thu nhập 2.000 CNY/tháng (tương đương khoảng 7 triệu đồng)? Tỷ phú Lý Gia Thành tin rằng bạn vẫn có thể mua nhà và xe trong vòng 5 năm bằng cách mỗi tháng chia đều số tiền này ra làm 5 phần cho 5 mục đích khác nhau. “Sau khi nỗ lực nghiêm ngặt trong vòng 1 năm, nếu thu nhập vào năm thứ 2 của bạn vẫn như cũ, hãy tự thấy xấu hổ vì điều đó”, tỷ phú Lý Gia Thành nói.
Sau đây là bí quyết chi tiêu hiệu quả của tỷ phú Lý Gia Thành với thu nhập 2.000 CNY/tháng (khoảng 7 triệu đồng):
Phần đầu tiên (600 CNY – 2 triệu đồng) cho các chi phí ăn uống
Bạn chỉ nên chi cho việc ăn uống ở mức dưới 20 CNY/ngày: ăn sáng với các loại bún hoặc mì, một quả trứng, 1 ly sữa; ăn trưa với một khẩu phần cơ bản, sau đó là một bữa ăn nhẹ và trái cây; tự nấu bữa tối chỉ với 2 loại rau và uống một ly sữa trước khi ngủ.
Tổng cộng chi phí ăn uống trong tháng nên dao động từ 500 – 600 CNY. Việc duy trì chế độ ăn uống này trong một vài năm gần như không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người trẻ.
Phần thứ hai (400 CNY – 1,4 triệu đồng) cho việc kết bạn, mở rộng mạng lưới quan hệ
Chi phí cước điện thoại của bạn nên ở mức 100 CNY. Bên cạnh đó, bạn cũng nên mời bạn bè 2 bữa trưa mỗi tháng, mỗi bữa khoảng 150 CNY.
Nên nhớ rằng, những người bạn được mời phải là người hiểu biết rộng hơn bạn, giàu có hơn bạn hoặc những người có thể giúp đỡ bạn trong sự nghiệp. Hãy làm việc này đều đặn mỗi tháng. Sau một năm, mạng lưới quan hệ này sẽ mang lại giá trị to lớn. Đồng thời, uy tín và sự ảnh hưởng của bạn cũng sẽ được nâng lên.
Phần thứ ba (300 CNY – 1 triệu đồng) để học hành
Bạn phải dành ra từ 50 – 100 CNY mỗi tháng để mua sách. Vì không có nhiều tiền nên bạn phải chú ý đến việc học hành. Hãy đọc sách một cách cẩn thận và tìm hiểu về các bài học và chiến lược hữu ích trong đó.
Sau khi đọc mỗi cuốn sách, hãy “chuyển thể” nội dung của nó sang “ngôn ngữ” của riêng bạn bằng cách kể lại những câu chuyện thú vị với người khác. Việc chia sẻ những giá trị như vậy cũng góp phần nâng cao độ tin cậy và tăng cường các mạng lưới quan hệ của bạn.
Ngoài ra, bạn phải dành 200 CNY mỗi tháng để tham gia một khóa đào tạo. Khi có thu nhập cao hơn, bạn cũng nên tham gia vào những khóa đào tạo nâng cao hơn. Việc này không chỉ giúp bạn tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích mà còn tạo cơ hội gặp gỡ bạn bè cùng chí hướng – những người bạn không dễ dàng được tiếp xúc hàng ngày.
Phần thứ tư (200 CNY – 700 nghìn đồng) cho kỳ nghỉ ở nước ngoài
Hãy tự thưởng cho mình bằng cách đi du lịch nước ngoài ít nhất một lần trong năm để phát triển vốn sống. Nhằm tiết kiệm chi phí trong kỳ nghỉ, bạn có thể ngủ lại tại các nhà trọ giá rẻ.
Trong một vài năm, bạn có thể sẽ ghé thăm vài quốc gia và có nhiều trải nghiệm khác nhau. Hãy sử dụng những trải nghiệm đó để tái tạo năng lượng và cải thiện niềm đam mê công việc.
Phần thứ năm (500 CNY – 1,7 triệu đồng) để đầu tư
Số tiền 500 CNY/tháng sẽ đóng vai trò như một khoản vốn khởi nghiệp ban đầu. Đến khi số vốn này đã được kha khá, hãy tìm kiếm sản phẩm/dịch vụ phù hợp để kinh doanh.
Để an toàn, bạn có thể chỉ mở một doanh nghiệp nhỏ. Bởi vì thậm chí nếu kinh doanh thất bại, bạn cũng không bị mất quá nhiều tiền.
Việc bắt đầu kiếm tiền sẽ thúc đẩy sự tự tin và lòng can đảm, giúp bạn có một trải nghiệm học hỏi mới mẻ về cách điều hành một doanh nghiệp nhỏ.
Hãy kiếm nhiều tiền hơn, sau đó bạn có thể tiếp cận với các kế hoạch đầu tư dài hạn để có được một sự ổn định tài chính lâu dài cho bản thân và gia đình.
3 triết lý quản lý tài chính của tỷ phú Lý Gia Thành
1. Tích cực biến sinh hoạt phí bình thường thành một nguồn vốn
Một người mua 50 đôi dép với giá 300.000 đồng, và bán mỗi đôi với giá 9.000 đồng ngoài sạp bán vỉa hè, tổng cộng thu về 450.000 đồng. Một người khác rất nghèo và được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng 300.000 đồng, tất cả số tiền đó đều được dùng để mua gạo, mắm, muối.
Cùng là 300.000 đồng, 300.000 đồng phía trước đã được định giá thông qua hoạt động giao dịch và trở thành một nguồn vốn còn 300.000 phía sau không thay đổi bất cứ điều gì về giá trị, nó đơn thuần là một khoản sinh hoạt phí.
Triết lý rút ra: Ham muốn là động lực lớn nhất của cuộc đời. Chỉ những người tràn đầy khao khát làm giàu và tận hưởng niềm vui từ việc kiếm tiền trong quá trình đầu tư mới có thể biến chi phí sinh hoạt bình thường của mình thành một nguồn vốn. Đồng thời, họ cũng có thể tích lũy được nhận thức và cách quản lý vốn. Những kinh nghiệm cùng kỹ năng về vốn này sẽ giúp họ đạt được thành công cuối cùng.
2. Những năm đầu tiên là khó khăn nhất
Thực tế, khó khăn lớn nhất với những người không có tiền đang trong quá trình làm giàu là khoảng thời gian những năm đầu tiên. Có một quy luật giàu có trong trí tuệ tài chính như thế này: Với những người làm giàu từ 2 bàn tay trắng, nếu muốn kiếm 1 tỷ đầu tiên họ sẽ cần tới 10 năm, nhưng từ 1 tỷ biến thành 100 tỷ thì chỉ cần 3 năm là đủ.
Quy luật này cho chúng ta biết vì bạn đã có nhiều kinh nghiệm và vốn khởi nghiệp rồi nên bạn giống như một xe đã chạy giờ được tăng tốc, chỉ cần đạp nhẹ ga, xe sẽ vọt nhanh. 5 năm đầu tiên có thể là khó khăn nhất và những năm tiếp theo sẽ ngày càng nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
Triết lý rút ra: Người không có tiền không chỉ không có vốn làm giàu mà đáng buồn hơn, họ còn không có hiểu biết về khái niệm vốn, không có kinh nghiệm và kỹ năng để quản lý số vốn đó. Nếu người không có tiền không thể biến tiền của mình trở thành một khoản vốn thì họ sẽ càng ngày càng không có tiền.
3. Khoản đầu tư giá trị nhất là đầu tư vào chính mình
Theo cách nói của một vĩ nhân, giá trị của một con người lớn hay nhỏ không dựa vào việc người đó lấy được bao nhiêu từ xã hội, mà là đóng góp được bao nhiêu cho xã hội. Tương tự như vậy, năng suất công việc không dựa vào công sức bạn bỏ ra mà dựa vào việc bạn tạo ra được bao nhiêu giá trị.
Chính vì vậy, đầu tư cơ bản nhất mà người không có tiền nên nhắm tới đầu tiên phải là đầu tư vào khả năng của chính mình.
Triết lý rút ra: Chỉ cần bạn cố gắng, năng lực làm việc càng ngày càng được nâng cao, càng ngày càng tạo ra nhiều giá trị thì thu nhập của bạn cũng theo đó mà tăng lên.
Theo DNSG/Addicted2success, Pháp luật và bạn đọc
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Lý Gia Thành “mách nước” giúp người trẻ thoát nghèo: Thu nhập 7 triệu vẫn có thể mua nhà và xe sau 5 năm
- Tiết lộ 7 bí thuật kiếm bội tiền của tỷ phú Lý Gia Thành: Trước 30 tuổi dùng trí tuệ, sau 30 tuổi kiếm tiền bằng tiền!
- Làm giàu cũng như đánh trận: Tiết kiệm là “Thủ”, đầu tư là “Công” – 2 việc trong ngoài kết hợp thì làm giàu ắt thành công