Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, Shark Phú cho rằng ông chặt chẽ khi đầu tư vì bản thân rất quý trọng đồng tiền, mong muốn rót vốn đúng người, đúng chỗ.
Trong dàn “cá mập” Shark Tank Việt Nam, Shark Phú ghi dấu ấn bởi sự chặt chẽ, cẩn trọng. Ông là người thường đặt câu hỏi liên quan đến bức tranh tài chính của startup, chú ý đến từng con số về doanh thu, chi phí, lợi nhuận.
Ông nổi tiếng ở các mùa đầu tiên với câu hỏi: “Nếu thất bại, em làm thế nào hoàn lại vốn cho anh”. Thậm chí, ông còn được các shark khác gọi vui bằng tên là “Bank Tank” vì thường đưa ra các điều kiện cho vay thông qua trái phiếu hoặc khoản vay chuyển đổi đối với startup.
Tuy nhiên, phía sau phong cách đầu tư “chắc như bắp” đó, Shark Phú tự nhận là người trân quý đồng tiền và vô cùng cẩn trọng trước mỗi quyết định rót vốn.
“Bản thân tôi là người sáng lập trong một ngành vô cùng khó khăn, ngành truyền thống nên kiếm tiền rất khó, không dễ như ngành của chị Liên (Shark Liên – PV) hay ngành của Shark Bình. Vì sao có những ngành dễ kiếm tiền hơn? Vì đó là những ngành mới, tạo ra giá trị nhanh hơn cho xã hội”, Shark Phú chia sẻ tại một sự kiện diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.
“Cá mập” của Sunhouse cũng giải thích thêm rằng ông “quý tiền” vì một đồng tiền được kiếm ra chính đáng chính là thước đo sự đóng góp cho xã hội, làm ra sản phẩm được nhiều người công nhận, khách hàng mua và sử dụng.
“Tôi muốn đồng tiền đầu tư được rót đúng người, đúng chỗ, phát huy tiếp giá trị cho thế hệ tiếp theo. Đó là lý do tại sao tôi chặt chẽ”, Shark Phú phát biểu. Ông khẳng định không chỉ rót vốn mà ông còn phải dành thêm thời gian của bản thân đồng hành với startup nên càng phải chắt lọc, chắc chắn hơn nữa khi ra quyết định đầu tư.
Tất nhiên, đây không phải lần đầu Chủ tịch Sunhouse nói về thói quen cẩn trọng khi ra quyết định đầu tư. Ông từng chia sẻ phía Sunhouse có quỹ Sunhouse Invest, luôn tìm kiếm các startup hoặc các lĩnh vực đầu tư có thể sinh lời được. Tuy nhiên, Sunhouse Invest không phải tiền riêng của ông mà là thành quả của tập thể, nên càng phải trân trọng.
“Quỹ đầu tư Sunhouse Invest của tôi gồm nhiều cổ đông khác, và các khoản tiền ấy cũng là thành quả lao động của bao nhiêu con người Sunhouse, đâu đơn giản là tự dưng có được. Tôi muốn các bạn nhận được tiền cần có trách nhiệm, đặc biệt người đứng đầu (Founder), phải có trách nhiệm cá nhân trong đó”.
Hiện Shark Phú đang là một trong những nhà đầu tư chính của Shark Tank Việt Nam. Ông cũng từng ngồi “ghế nóng” trong mùa 1, mùa 2, mùa 4 và mùa 5 trước đó.
Ở mùa 4, Shark Phú đã rót vốn vào Công ty cổ phần Nhà thông minh AnHome với tỷ lệ đúng như cam kết trên truyền hình, tức 100.000 USD tương ứng 40% cổ phần. Nguồn vốn được lấy từ quỹ đầu tư Sunhouse Invest.
Trong khi đó, tại mùa 1 và mùa 2, có 13 startup được Shark Phú cam kết rót vốn trên truyền hình. Trong đó, 5 startup đã thực nhận vốn. Tuy nhiên, như Shark Phú từng tiết lộ, các startup nhận vốn xong vẫn tồn tại rất lay lắt. Cá biệt có 2 startup nhận vốn thất bại và đã mất hút, không một lời thông báo hay xin lỗi.
Dù vậy, ở mùa 5 vừa qua, Shark Phú vẫn trở lại với mong muốn tìm kiếm startup có điểm chung với doanh nghiệp về sản phẩm, hệ thống sản xuất, phân phối và kinh doanh. Ba yếu tố để Shark Nguyễn Xuân Phú quyết định có đầu tư hay không tiếp tục là: Ý tưởng – Bức tranh tài chính và Tố chất của nhà sáng lập.
Ông cũng thẳng thắn chia sẻ mong muốn startup cần trung thực khi gọi vốn: “Điều quan trọng nhất mà tôi cần từ các bạn startup là sự trung thực. Trung thực về tài chính, về định hướng và con đường kinh doanh. Việc hay thử các bạn với những điều kiện thế chấp khắt khe cũng là một yếu tố để kiểm tra sự trung thực đó”.
Shark Phú cho rằng việc thiếu minh bạch của startup là một phần nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư ngần ngại và việc rót vốn thực tế cũng gặp khó khăn.
Vì vậy, chỉ khi các startup trung thực thì nhà đầu tư mới có thể đánh giá đúng năng lực, nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của startup để tư vấn, hỗ trợ, định hướng cho startup phát triển.
Shark Phú: Những người vay tôi chưa ai trả tôi hết tiền, khởi nghiệp có 30 triệu cho bạn vay 10 triệu từ 24 năm trước, đến giờ bạn chưa trả
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse – đã chia sẻ câu chuyện chữ tín khi đi vay trong lúc đưa ra lời khuyên tận dụng nguồn lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Tại tọa đàm “Kinh tế 2023 – Nhận diện và Hành động của Doanh nhân trẻ” do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức mới đây, Shark Phú cho biết ông khởi nghiệp năm 1999.
Khi ấy, ông có 30 triệu, cho bạn vay 10 triệu nên chỉ còn 20 triệu khởi nghiệp. Người bạn ấy đến giờ vẫn không trả tiền.
Chia sẻ kinh nghiệm tận dụng nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ, ông Phú cho rằng khi doanh nghiệp nhỏ cần lưu ý 2 điểm:
– Một là phải tự làm, cố gắng tiết kiệm nhất có thể. Người ta lãi 10 đồng thì mình phải lãi gấp 3. Tiết kiệm mọi chi phí có thể, ví như khi doanh nghiệp nhỏ, người chủ có thể quản trị bằng mắt, thay vì bằng quy trình. Khi ấy, có lãi phải lập tức tích vào vốn, bởi doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
– Khi bắt đầu có lời, bắt đầu chia sẻ với những người thân cận nhất để họ có lòng tin, từ đó vay vốn từ họ.
“Đầu tiên tôi vay của mẹ vợ 70 triệu để đủ tiền nhập công hàng đầu tiên”, vị cá mập của Shark Tank Việt Nam tiết lộ.
Khi công ty dần phát triển, vẫn chưa đủ điều kiện vay ngân hàng thì ông Phú bắt đầu nhập ủy thác, ông gọi là hình thức “mượn vốn” từ bên ngoài. Và đến bước phát triển tiếp theo mới là tiếp cận vốn ngân hàng.
“Đấy là cách huy động vốn chân thực nhất và nhanh nhất với SMEs. Đầu tiên phải tự lực cánh sinh chứng minh mô hình kinh doanh hiệu quả, khi đã chứng minh được thì chia sẻ cho người khác mình mới có cơ hội vay. Và chỉ khi mô hình hoạt động mới có tiền để hoàn trả người ta, để giữ uy tín”.
“Còn kinh nghiệm của tôi thì tất cả người tôi giúp, ngay cả doanh nghiệp trẻ, những người vay tôi, chưa ai trả tôi hết tiền. Đấy là sự thật”, ông Phú chia sẻ.
Ông cũng tiết lộ, khi cho vay lần đầu bao giờ người ta cũng cho vay ít để thử lòng người, nhưng ngay lần đầu vay, các bạn đã không trả đúng hẹn, không giữ chữ tín thì không thể huy động thêm được.
“Cuộc đời này tôi chả tin ông nào cả. Chúng ta tin thì khi mất lòng tin đau khổ lắm, đau khổ hơn mất tiền, cho nên quan điểm của tôi khi cho vay thì xác định là mất. Người ta trả hay không tôi không quan tâm thì mới ngủ ngon được”, ông Phú nói.
“Và nếu mất, phải nhận được giá trị vô hình nào đó lớn hơn, thì tôi chơi. Đó là cách nhẹ nhàng để chúng ta vẫn cười tươi, mất tiền vẫn vui như Tết, không có gì phải đau đầu”.
Theo Nhịp sống kinh tế, Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Shark Phú chỉ ngồi 1 chỗ với chiếc điện thoại có thể điều hành và nắm toàn bộ dữ liệu về Sunhouse dù bận rộn đến đâu
- Shark Phú: “Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ, nhiều tiền có khi là khổ chứ không hạnh phúc”
- “Tuyệt kỹ” giúp Shark Phú chỉ với 1 chiếc điện thoại có thể điều hành và nắm toàn bộ dữ liệu về Sunhouse dù bận bịu đến đâu