Nhiều bạn trẻ gọi việc làm việc lâu tại một tổ chức là “an phận” và đã liên tục nhảy việc, nhưng thực ra từ đó chỉ dành cho những người không có kế hoạch.
Đọc bài viết “Con tôi nhảy việc sáu lần sau 5 năm ra trường” cùng nhiều bình luận của độc giả, tôi cho rằng nhiều người trẻ đang có những lầm tưởng về chuyện nhảy việc nhiều.
Theo tôi, việc mới chỉ làm vài ba tháng cũng chưa thể giúp bạn biết chính xác về công việc của mình, nhất là với sinh viên mới ra trường. Bất cứ công việc gì, bạn cũng phải bỏ thời gian và công sức vào thì mới thấy nó đáng hay không? Còn nếu chỉ nhìn mức lương và làm vài tháng thử việc mà bảo rằng công việc này không tốt rồi chăm chăm nhảy việc thì chắc chắn đó sẽ là một quyết định vội vàng.
Ở đây, đương nhiên là các bạn nhân viên đều được quyền nhảy việc, nhưng các công ty cũng có quyền không tuyển dụng các bạn sau này dựa trên lịch sử nhảy việc của họ.
Công ty tôi luôn thống nhất một quan điểm chung, đó là với tất cả những CV ứng tuyển theo kiểu làm 6-7 chỗ khác nhau trong 2-3 năm thì chắc chắn sẽ bị loại ngay, không cần gọi phỏng vấn, vì nhiều khả năng họ cũng sẽ không gắn bó gì với mình.
Lộ trình phát triển thì tôi tin là công ty bài bản nào cũng có, liên quan đến nhiệm vụ của nhân viên từ lúc mới vào làm cho đến lúc lên chức, và mỗi năm đều có đánh giá của cấp trên về thể hiện cũng như mục tiêu công việc.
Nếu đã tìm hiểu kỹ mà bạn vẫn muốn nghỉ làm thì không sao, nhưng thực tế có một số bạn trẻ chỉ nhìn mức lương tăng trong năm đầu rồi đã lập tức thất vọng, thể hiện thái độ bất mãn rồi đòi nghỉ luôn, đó là một suy nghĩ rất không nên.
Hãy tự hỏi liệu bạn qua chỗ mới, lương mỗi năm có tăng đều 20-30% như kỳ vọng không? Hay họ tăng một năm đầu cho bạn, rồi dậm chân tại chỗ trong 2-3 năm tiếp theo?
Tôi chỉ khuyên các bạn trẻ nên có kế hoạch lâu dài để phát triển sự nghiệp, chứ đừng chạy theo đồng tiền trước mặt rồi sau 5 năm nhìn lại, cái gì cũng lỡ cỡ thì không hay lắm. Bạn sẽ đi làm trong 30-40 năm chứ không phải vài ba năm đâu nên đừng so kè cái trước mắt.
Nhiều bạn trẻ gọi việc làm việc lâu tại một tổ chức là an phận, nhưng thực ra từ đó chỉ dành cho những người đúng nghĩa là không có một kế hoạch nào để thăng tiến cả. Còn người có kế hoạch, họ sẽ làm tốt nhất với những gì mà họ có, và sẽ chỉ thay đổi khi họ thấy không còn có khả năng làm tốt hơn với những gì ở hiện tại.
Tôi đang nói các công ty đàng hoàng, hoặc doanh nghiệp nước ngoài với mọi thứ đều đạt chuẩn. Còn nếu bạn vào làm mà công ty “lừa đảo” thì nên nghỉ ngay mà luôn không cần đắn đo.
Thứ mà một nhân viên cần nhất là một công ty đánh giá chính xác sự đóng góp của họ và cho họ một hướng phát triển tốt. Còn cái gọi là “chế độ hấp dẫn” thì chẳng qua là để lừa thiên hạ thôi.
Bạn tôi từng vào làm cho một doanh nghiệp chủ đầu tư, lương cứng của bạn gấp rưỡi tôi cách đây ba năm, thưởng Tết những ba tháng lương. Nhưng làm được một năm rưỡi thì bị thẳng tay cho nghỉ việc vì lý do “công ty hết dự án”. Còn tôi thì duy trì công việc vuc, giờ được lên hai bậc, lương gấp đôi ba năm trước, tôi có công việc ổn định và tiếp tục được định hướng phát triển.
Bạn tôi giờ phải đi làm ngoài công trường, nắng nôi, cực khổ, với mức lương chỉ bằng một nửa lúc trước. Lấy một ví dụ như vậy để các bạn hiểu rằng, nhảy việc nhiều chưa chắc đã bằng gắn bó với một công ty lâu dài.
Con tôi nhảy việc sáu lần sau 5 năm ra trường
Nếu trách người trẻ nhảy việc nhiều thì cũng phải đặt câu hỏi ngược lại rằng nhà tuyển dụng đã làm gì để nhân viên muốn gắn bó lâu dài?
Đọc bài viết “Ảo tưởng sức mạnh khi nhảy việc liên tục” cùng bình luận của độc giả VnExpress, tôi cho rằng nhiều người đang có cái nhìn không thật toàn diện về câu chuyện người trẻ nhảy việc nhiều hiện nay. Nhảy việc, có thể đối với vài người thuộc thế hệ trước là khó chấp nhận, nhưng giới trẻ ngày nay lại có cái nhìn khác với những người đã làm nhiều năm.
Tại sao mình còn trẻ mà không tranh thủ nhảy qua nhiều công ty khác nhau, để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, đến lúc nào đó kiếm được một chỗ đứng đủ tốt thì mới dừng lại? Đó là suy nghĩ của nhiều bạn trẻ bây giờ.
Biết rằng chuyện nhảy việc sẽ là không đúng nếu công ty đó đã bỏ nhiều tâm sức, tiền bạc để đào tạo nhân viên mới, nhưng chưa kịp “hái quả ngọt” thì thì người ấy đã xin nghỉ việc mất rồi. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại rằng nhảy việc cũng là một nhu cầu chính đáng để bạn có được một mức lương cao hơn, nhất là khi công ty cũ có chế độ đãi ngộ không tốt.
Không phủ nhận có nhiều chủ doanh nghiệp luôn mang tư tưởng coi thường nhân viên trẻ, nghĩ người đó vẫn còn non lắm, nên mặc nhiên chỉ chấp nhận trả mức lương thấp, bất kể đó có phải người tài hay không?
Con tôi ra trường tới nay cũng được 5 năm rồi, nhưng nó đã nhảy việc qua sáu công ty khác nhau, đi từ công ty nhỏ nhất đến công ty lớn nhất trong môi trường nó thích, đi từ lương thấp nhất đến lương cao đáng mơ ước với chức vụ mà nó đang đảm nhiệm.
Khi mới vào làm cho công ty đầu tiên (thuộc lĩnh vực công nghệ), con được trả lương rất thấp. Người ta cũng chẳng đạo tạo hay dạy bảo gì nhiều mà chủ yếu để cho nhân viên “tự bơi”, cùng lắm chỉ dạy vài cái chưa biết để quen việc thôi. Họ để cho nhân viên làm việc đến kiệt sức, khi không chịu được nữa thì xin nghỉ và lại tuyển người khác. Cứ như vậy, họ duy trì được quỹ lương ở mức thấp, không phải lo trả lương cao cho mấy người làm việc nhiều năm, lão luyện.
Tuy nhiên, con tôi nhảy việc cũng không hoàn toàn là vì mức lương, mà vì môi trường đó không hợp với tính cách của con. Càng doanh nghiệp lớn, càng được trả mức lương cao thì áp lực và trách nhiệm của bạn cũng sẽ càng lớn. Ở đâu cũng có những khó khăn riêng, nhưng cái quan trọng là tính chất công việc phải phù hợp, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên phải ổn. Còn không mỗi ngày đi làm về là lại áp lực, căng thẳng, thì tiền lương có cao đến mấy cũng chằng còn quan trọng nữa.
Nhân sự không đơn giản chỉ phải tuyển người mà còn phải làm sao để người đó muốn cống hiến lâu dài, dù mệt mà vẫn vui, chứ không thể cứ cố vắt hết chất xám của rồi thải loại và tìm người khác thay thế. Nếu người tuyển dụng cứ trách ứng viên hay nhảy việc thì đây sẽ mãi là câu chuyện chẳng có hồi kết.
Tóm lại, hãy nhìn vào cả hai mặt của vấn đề. Nếu trách người trẻ nhảy việc nhiều thì cũng phải đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng xem họ đã làm gì để nhân viên muốn gắn bó lâu dài? Tôi tin ai cũng muốn cống hiến cho công ty lâu dài, nhưng nếu công ty chăm sóc nhân lực tốt thì sẽ chẳng ai muốn đi chỗ khác dù lương mới có thể cao hơn.
Ảo tưởng sức mạnh khi nhảy việc liên tục
Nhiều bạn trẻ ngày nay nghĩ rằng mình có năng lực, không thiếu chỗ để làm, sẵn sàng nhảy việc ngay khi có nơi khác đãi ngộ tốt hơn.
Trong bài viết “Tôi từ chối khi công ty bắt cam kết không nghỉ việc”, tác giả Phúc Nguyễn đề cập đến một thực trạng diễn ra khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, đó là xu hướng nhảy việc nhiều. Thậm chí, nhiều người chỉ mới vào làm việc ở công ty được vài ba tháng đã xin nghỉ việc để chuyển sang nơi khác. Cũng từ đó, không ít doanh nghiệp đề ra quy định yêu cầu nhân viên mới cam kết không nghỉ việc trong thời hạn sáu tháng.
Cá nhân tôi hiểu cho lo lắng của các chủ doanh nghiệp trước tình trạng nhân viên trẻ tuổi nhảy việc nhiều như hiện nay. Điều đó xuất phát từ việc một bộ phận các bạn trẻ ngày nay thường ảo tưởng sức mạnh về bản thân, nghĩ rằng mình có năng lực nên không làm chỗ này thì làm chỗ khác, sẵn sàng vứt bỏ công việc hiện tại ngay khi có nơi khác cho họ mức đãi ngộ tốt hơn.
Để hiểu rõ hơn về suy nghĩ của người sử dụng lao động, chúng ta cần biết rằng, tùy theo phòng ban trong công ty mà thời gian đào tạo và dạy việc cho các nhân viên mới vào làm thường phải mất khoảng 2-3 tháng, bất kể trình độ hay kinh nghiệm thế nào. Mục đích là để họ làm quen với môi trường, quy trình và các máy móc hay phần mềm ứng dụng dùng trong công việc.
Sau thời gian đó, nếu các lãnh đạo, “tiền bối” nhận thấy rằng những người này đã sẵn sàng, họ mới bắt đầu giao cho nhân viên mới các việc nhỏ hay làm việc phụ trong các đề án lớn như một cách học hỏi kinh nghiệm. Dần dần, nhân viên làm tốt mới được giao làm các đề án bậc trung hay độc lập, tùy theo khả năng học hỏi nhanh hay chậm của mỗi người.
Nói như vậy để thấy, khoảng thời gian sáu tháng thử thách kia chỉ mới là giai đoạn công ty đầu tư cho nhân viên mới, chứ họ hoàn toàn chưa được hưởng thành quả gì từ sức lao động của nhân viên.
Thế nên, trừ khi nhân viên sau giai đoạn thử việc cảm thấy không thích hợp hay công việc không đúng như những gì đã mô tả về vị trí được tuyển, thì việc xin nghỉ để tìm công việc khác phù hợp hơn mới có thể chấp nhận được. Còn nếu bạn chỉ muốn được đào tạo “miễn phí” cấp tốc để rồi dùng nó làm bàn đạp nhảy việc, lên lương cho nhanh thì đó là một loại vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Những nhà tuyển dụng hiện nay hẳn sẽ không mấy có thiện cảm với những ứng viên nhảy việc thường xuyên (mỗi nơi dưới một năm đổ lại). Với những người như thế, người ta sẽ phải đặt dấu hỏi về mục đích của ứng viên. Tuy rằng, thời buổi ngày nay, không ai đặt nặng chuyện bạn phải trung thành với công ty, nhưng họ cũng không muốn đầu tư đào tạo kỹ năng cho nhân viên mới để rồi bị “mất trắng” như thế được.
Tôi biết một công ty cung cấp nhân sự hợp đồng tay nghề cao thậm chí còn đề nghị được ký hợp đồng với vài hãng xưởng và cam kết trong thời kỳ đào tạo (2-3 tháng) họ không lấy tiền của các hãng xưởng này cho tới khi nhân viên của họ bắt đầu làm vào đề án. Nếu hãng xưởng không ưng ý với khả năng hay cách làm việc của người nào họ đề cử, họ sẵn sàng thay người khác.
Vậy nên, với những người trẻ thường xuyên nhảy việc hãy xem lại mình trước khi chỉ trích các doanh nghiệp về việc yêu cầu nhân viên mới ký cam kết làm việc đủ số tháng quy định.
Theo quan điểm của các độc giả trên VnExpress
Xem thêm bài liên quan
- Gen Z bộc bạch: “Tôi từ chối khi công ty bắt cam kết không nghỉ việc”
- Vừa trả thưởng Tết, tôi đã nhận 2 lá đơn xin nghỉ việc: Thất vọng như bị phản bội, nghỉ việc ngay sau Tết là vô ơn?
- Vừa trả thưởng Tết chưa đầy 1 tuần, tôi đã nhận 2 lá đơn xin nghỉ việc: Thất vọng như bị phản bội, Nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là vô ơn?