Theo CNBC, Nữ hoàng Anh qua đời vào thời điểm nhiều bất ổn của kinh tế Anh. Điều này tạo áp lực lớn lên hai nhà lãnh đạo mới. Đó là tân Thủ tướng Liz Truss và Vua Charles III.
Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân vương tại vị lâu nhất của Vương quốc Anh, đã qua đời tại Balmoral ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì.
Thái tử Charles sẽ là người kế vị ngai vàng, trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh sau khi Nữ hoàng qua đời.
Sự kiện này chắc chắn sẽ khiến nước Anh rơi vào một trạng thái không chắc chắn và bất định, khi người dân tại quốc gia này chưa từng tưởng tượng đến một cuộc sống mà không có Nữ hoàng Elizabeth II.
Các doanh nghiệp tại đây sẽ tạm ngừng hoạt động trong một thời gian dài, đồng tiền hiện tại cũng phải in lại, hộ chiếu, trang phục của quân đội và cả bài Quốc ca cũng sẽ được thay đổi. Theo tờ Grunge, nền kinh tế nước này có thể sẽ thiệt hại hàng tỷ bảng Anh để hoàn tất mọi việc sau khi Nữ hoàng băng hà. Đồng thời, việc duy trì khối tài sản Hoàng gia và những đóng góp cho nền kinh tế Anh cũng sẽ có một số khác biệt trong thời gian tới.
Giai đoạn bất ổn: Nền kinh tế tạm ngừng hoạt động
Theo tờ Independent, trong ít nhất 2 tuần kể từ sau khi Nữ hoàng băng hà, nước Anh sẽ tạm ngừng mọi hoạt động để tiến hành những nghi thức tang lễ.
2 tuần này sẽ khiến nước Anh thiệt hại hàng tỷ bảng do những gián đoạn trong nền kinh tế. Cả lễ tang và lễ đăng quang sau đó của Thái tử Charles cũng sẽ trở thành những ngày kỉ niệm chính thức của quốc gia, khiến các ngân hàng và thị trường chứng khoán phải đóng cửa thêm một tuần nữa.
Quốc gia này ước tính sẽ tổn thất khoảng 1,2-6 tỷ bảng Anh mỗi ngày khi các doanh nghiệp, ngân hàng và thị trường chứng khoán đóng cửa.
Ngoài ra, vào ngày 8/9, đồng bảng Anh cũng giảm ngay lập tức sau khi cung điện Buckingham thông báo tin Nữ hoàng qua đời. Đồng bảng hiện ở mức 1,1506 USD, giảm 0,3% so với hôm trước đó.
Tiền tệ phải thay đổi
Bên cạnh những thiệt hại khi tạm dừng nền kinh tế, nước Anh cũng sẽ tốn một khoản lớn cho những thay đổi về tiền tệ, hộ chiếu và quân trang trong tương lai.
Trước hết, nước này sẽ phải in lại những đồng tiền mới mang hình Vua Charles III. Mặc dù đồng tiền cũ in hình Nữ hoàng sẽ không bị khai tử ngay trong một đêm, nhưng chúng cũng sẽ được Chính phủ thu hồi lại dần và không còn giá trị lưu hành nữa. Hộ chiếu của Anh và các loại tem phiếu cũng sẽ được cập nhật và thay đổi thành hình ảnh Vua Charles ngay sau đó.
Tuy nhiên, sau triều đại kéo dài 7 thập kỷ của Nữ hoàng Elizabeth II, việc bóc tách tên, hình ảnh và biểu tượng của bà khỏi cấu trúc đời sống quốc gia ở Anh và trên toàn Khối thịnh vượng chung sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Hiện có 4,5 tỷ đồng bảng Anh đang được lưu hành có in hình Nữ hoàng, trị giá khoảng gần 100 tỷ bảng. Việc thay thế chúng bằng các tờ tiền mới có hình Vua Charles dự kiến mất ít nhất khoảng 2 năm, chưa tính đến những đồng tiền xu vì khó kiểm soát.
Ngoài ra, nước Anh cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức để sửa đổi quân trang, đồng phục cảnh sát và cả vũ khí Hoàng gia. Hiện tại, mũ và đồng phục của cảnh sát Anh, cùng với quân trang của quân đội và vũ khí đều được in tên viết tắt và số hiệu của Nữ hoàng.
Nguy cơ suy thoái
Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Anh đang gia tăng. Tuần trước, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái trong quý IV. Trước đó, BoE cũng từng đưa ra dự báo tương tự.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn khi mùa đông đến. Đồng bảng Anh đã lao dốc trong vài tháng qua. Hôm 8/9, đồng tiền này rơi xuống 1,1469 USD đổi 1 bảng Anh, mức thấp nhất trong vòng 37 năm.
Điều này gây áp lực lên cả bà Truss và Vua Charles III – hai lãnh đạo mới của nước Anh với vai trò củng cố niềm tin trong thời kỳ khủng hoảng. Hai người sẽ có cuộc gặp vào ngày 9/9 tại London.
Chế độ quân chủ của Anh cũng đang đối mặt với những chỉ trích vì bị cho là “lỗi thời và tiêu tốn ngân sách công”. Theo Independent, Anh sẽ thiệt hại hàng tỷ bảng do những gián đoạn đối với các hoạt động kinh tế trong thời gian tiến hành các nghi thức tang lễ.
Đất nước cũng tốn một khoản lớn để in tiền mới mang hình Vua Charles III và những thay đổi khác sau khi Nữ hoàng qua đời. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên ví tiền của người dân.
“Vua Charles đã có những kế hoạch để thu gọn Hoàng gia Anh. Chúng ta sẽ chứng kiến điều này trong các tháng tới, và chắc chắn là nhiều năm nữa”, giáo sư Andrew Roberts tại King’s College London nhận định.
“Rõ ràng là chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, và những gì mà người dân muốn thấy là Hoàng gia Anh cũng bị ảnh hưởng bởi điều này”, ông nói thêm.
Đóng góp của Hoàng gia vào nền kinh tế
Cuối cùng, nhiều nhà phân tích ước tính, thương hiệu của Hoàng gia Anh cũng là một “tài sản” lớn khi mỗi năm đều đóng góp khoảng 1,7 tỉ bảng Anh cho nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ không có gì thay đổi với khối tài sản hoàng gia này.
Tờ Wall Street Journal tiết lộ, số tiền trợ cấp Hoàng gia trong năm 2019 trị giá 107,1 triệu USD. Theo thỏa thuận, Nữ hoàng Anh sẽ nhận khoản trợ cấp và đổi lại chính phủ Anh sẽ thu về ngân khố quốc gia khoản tiền tương đương với 25% lợi nhuận từ Crown Estate, khối bất động sản lớn nhất của Hoàng gia.
Ngoài ra, những khối bất động sản thương mại khác như Duchy of Lancaster hay lâu đài Balmoral cũng đóng góp cho ngân khố Anh tới vài chục triệu bảng tiền thuế mỗi năm.
Bên cạnh đó, Hoàng gia Anh cũng được cho là sở hữu khoảng 11.000 ha rừng ở Berkshire, Somerset và Cairngorms, đế chế năng lượng ngoài khơi trị giá 1,1 tỷ bảng, trong đó có 30 khu năng lượng gió. Tài sản Hoàng gia còn bao gồm khu đánh bắt cá hồi và khai thác vàng ở Scotland, cùng với một số cánh rừng và trang trại nuôi hàu ở đây.
Cuối cùng, Công ty Hoàng gia – đế chế trị giá 28 tỷ USD, sẽ được trao lại cho tất cả các thành viên hoàng thất cùng điều hành và quản lý chứ không riêng cá nhân nào.
Theo Forbes, gia đình hoàng gia không thu lại nhiều lợi nhuận cá nhân từ việc kinh doanh. Mục đích chính của công ty này là giúp chính phủ Anh thúc đẩy nền kinh tế thông qua hiệu ứng truyền thông.
Kinh tế Anh dưới thời Nữ hoàng Elizabeth II
Theo Bloomberg, trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, nền kinh tế của quốc gia này chỉ bằng 1/5 quy mô hiện tại. Tiền được tính bằng đồng shilling, đàn ông đeo cà vạt ngay cả trong những ngày nghỉ và những người đến quán rượu chỉ được uống bia trong 6 phút.
So với nước Anh ngày nay, rượu vang và rượu gin đều trở nên phổ biến hơn. Vest và tiền mặt đã ít xuất hiện hơn trong các quán rượu ở Anh. Những ngôi nhà giờ đây cũng có giá trị cao hơn nhiều so với lúc trước.
Tuy nhiên, lạm phát lại là vấn đề không đổi theo thời gian. Khi bà Elizabeth II trở thành Nữ hoàng, lạm phát ở Anh ở mức 11,2%, các nhà kinh tế học dự đoán nước Anh sẽ đạt mức lạm phát này vào cuối năm nay.
Sau đây là các biểu đồ mô tả những sự thay đổi lớn của nền kinh tế Anh kể từ khi Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang năm 1952.
Thế hệ giàu có nhất
Những người Anh sinh năm 1952 có thu nhập cao hơn 6% so với mức trung bình của Vương quốc Anh.
Nhìn chung, nền kinh tế nước Anh đã tăng trưởng mạnh. Theo Viện Nghiên cứu Tài chính Anh, nhóm những người sinh năm 1952 có thu nhập cao hơn mức trung bình của các đồng nghiệp trong suốt cuộc đời của họ. Ở tuổi 70, đàn ông và phụ nữ được kỳ vọng sẽ sống lâu hơn 7 năm so với 7 thập kỷ trước.
Nền kinh tế nước Anh hiện tại đã lớn hơn gấp 5 lần so với năm 1952. Tuy nhiên, năng suất làm việc đã giảm rõ rệt.
Hiện tại, kinh tế Anh đã có những đợt bùng nổ và suy thoái. Những cú sốc về dầu mỏ, khủng hoảng tiền tệ cùng với những biến cố như việc Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và đại dịch đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng của Vương quốc Anh.
Tỷ lệ việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo ở Anh đã giảm từ 29% xuống 7%.
Nguyên nhân của điều này bắt nguồn từ sự bùng nổ của ngành dịch vụ, vốn đã phát triển mạnh khi lĩnh vực sản xuất suy thoái. Ngoài ra, việc Anh trở thành trung tâm tài chính toàn cầu cũng đã khiến tỷ lệ việc làm trong các nhà máy giảm xuống chỉ còn 7%, từ mức gần 30% vào năm 1952.
Giá nhà bùng nổ
Giá nhà ở Anh đã tăng gấp 4 lần trong suốt 70 năm qua. Sự chuyển mình của Anh thể hiện rõ ràng nhất ở thị trường nhà ở. Theo Nationwide Building Societ, giá nhà trung bình đã tăng từ dưới 2.000 bảng Anh, tương đương khoảng 60.000 bảng Anh ngày nay (gần 70.000 USD), lên mức kỷ lục 270.000 bảng Anh (312.000 USD).
Giá nhà ở đã vượt xa lạm phát và mức tăng trưởng thu nhập của người dân. Để mua được nhà vào thời điểm hiện tại, nhiều gia đình ở Anh phải góp tiền của 2 người trở lên, trong khi vào năm 1952, tiền mua nhà chủ yếu là từ lương của nam giới.
Một ngôi nhà hiện có giá cao gấp 7 lần mức lương trung bình. Thậm chí ở London, con số này còn cao hơn nữa.
Số người sở hữu nhà đã tăng mạnh trong nửa sau của thế kỷ 20. Sự thay đổi này đã tăng tốc dưới thời Margaret Thatcher, người đã thúc đẩy “nền dân chủ sở hữu bất động sản” bằng cách khuyến khích những người thuê nhà đi mua nhà vào những năm 1980.
Tuy nhiên, xu hướng này đã đi ngược lại trong 20 năm qua do giá nhà tăng mạnh. Ngày càng ít người mua được nhà do mức giá đã vượt quá thu nhập của nhiều người.
Sự bùng nổ về giá nhà trong thập kỷ qua được tăng thêm bởi lãi suất thấp kỷ lục. Kể từ khi được thành lập vào năm 1694, lãi suất cho vay chuẩn của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) chưa bao giờ xuống dưới mức 2%, con số này được giữ nguyên đến tận năm 2009.
Vai trò thương mại ít hơn
Lạm phát Anh ở mức cao nhất trong 40 năm, lãi suất vẫn gần với mức thấp lịch sử. Trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và đại dịch Covid-19, BOE đã phản ứng bằng cách đẩy lãi suất gần về 0 và mua trái phiếu để hạ lãi suất thị trường.
Trong suốt 70 năm, lạm phát trung bình chỉ ở mức 5%, giá cả đã cao hơn gần 24 lần trong suốt thời gian qua.
Vương quốc Anh đã không còn là trung tâm giao dịch hàng hóa hàng đầu. Năm 1960, Anh chiếm gần 9% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thế giới. Bây giờ, thị phần của nước này chỉ ở dưới mức 2%.
Sự sụt giảm diễn ra khi các hoạt động sản xuất chuyển dịch sang các nước có chi phí sản xuất thấp hơn như Trung Quốc. Không chỉ vậy, Anh còn đối mặt với giai đoạn suy yếu tiếp theo thời hậu Brexit, việc xuất khẩu phục hồi sau đại dịch của Anh cũng kém mạnh mẽ hơn so với các nước láng giềng.
Xem thêm bài liên quan
- Kinh tế Argentina đón tin xấu giữa “Tiệc mừng World Cup”: Khi Messi được coi là một “mặt hàng xuất khẩu”
- Tiến sĩ Alan Phan: Những câu hỏi giúp bạn thấu hiểu nền kinh tế Việt Nam
- Việt Nam thăng hạng nhiều nhất trong các điểm kinh doanh hàng đầu thế giới, có tiềm năng trở thành “con hổ mới của châu Á”