Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vingroup diễn ra ngày 17/5 vùa qua, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã có chia sẻ tâm huyết khi làm VinFast từ con số 0.
Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 17/05/2023 của Tập đoàn Vingroup (mã: VIC), ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT đã chính thức chia sẻ về lý do tại sao Vingroup đang phát triển bất động sản lại lấn sân sang mảng sản xuất ô tô. Ông Vượng cũng chia sẻ với cổ đông về lý do bỗng dừng xe xăng để phát triển xe điện.
Ông Vượng cho biết: “Nhiều người hỏi tại sao Vingroup lại làm VinFast. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu đóng góp của Vingroup cho xã hội chứ không đơn thuần nhắm đến câu chuyện kinh doanh. Một doanh nghiệp lớn, thành đạt, có năng lực nhất định thì phải hướng đến đóng góp cho Đất nước.
Đó là xây dựng thương hiệu công nghệ đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, được quan tâm trên trường quốc tế. Nếu kinh doanh kiếm tiền thì không dại gì Vingroup lao vào một lĩnh vực khó. Nếu dễ thì cũng không đến lượt chúng ta làm”.
“Chúng tôi quyết định làm VinFast là vì trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước của mình, không có toan tính trong chuyện này ở giai đoạn đầu”, ông Vượng nhấn mạnh.
Yếu tố thứ 2 mà ông Vượng đưa ra khi quyết định làm xe điện là cơ hội của cách mạng xanh, rõ ràng xe điện là một cơ hội lớn, kỳ vọng hết năm 2024 hòa và 2025 có lãi. Ông cũng kỳ vọng định giá của VinFast không phải 23 tỷ USD.
Chia sẻ về lý do bất ngờ chuyển từ xe xăng sang xe điện, Chủ tịch Vingroup giải thích: “Ban đầu chúng ta không thể làm ngay xe điện vì cách đây 5 năm rất ít người mong muốn dùng xe điện. Xe điện cũng rất khó làm, mỗi chiếc xe điện có khoảng 40 máy tính, chúng ta mất cả năm trời để kết nối các máy tính này với nhau”.
“Sau khi thấy cơ hội của xe điện mạnh, lập tức chúng tôi chuyển từ xe sang sang xe điện, dồn toàn tâm toàn lực. Chính vì thế, giả sử VinFast niêm yết thành công, chúng ta sẽ là hãng xe điện lớn thứ ba thế giới, thậm chí xa hơn nhiều. Tương lai xe điện cũng sẽ còn mạnh hơn rất nhiều”, ông Vượng chia sẻ.
“Chính vì vậy, Vingroup quyết định bỏ sản xuất xe xăng và điện thoại có lý do. Cái gì là đúng và cần chúng ta phải làm. Chúng tôi nhìn vào lời chê hơn là lời khen, cái nào đúng sẽ sửa, nâng cấp, cái gì bôi nhọ vu khống sẽ chiến đấu. Bất cứ doanh nghiệp nào khi làm thấy hướng đi sáng phải đẩy mạnh còn nếu không thấy sáng phải đóng”, ông Vượng cho biết.
Nói về giá cả, ông Vượng cho rằng, sản phẩm đắt hay rẻ phụ thuộc vào hợp hay không hợp, thích hay không thích – phụ thuộc vào nhu cầu thị yếu của khách hàng. “Tôi cho rằng ở Việt Nam rất nhiều người yêu nước, nhiều người ủng hộ VinFast chỉ cần sản phẩm tốt, phù hợp là mọi người sẽ ủng hộ. Hơn nữa, Vingroup có hệ sinh thái rất tốt để ủng hộ người mua xe của mình”, ông Vượng nói.
Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh việc làm xe điện: “Chúng tôi cảm thấy thực sự mình đã làm chủ được công nghệ, sức sáng tạo càng ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt. Về mặt kinh doanh, đây cũng là một dự án tiềm năng, sau này có thể sẽ là dự án tốt nhất của Vingroup. VinFast sẽ sớm mang lại niềm vui tài chính cho mọi người”.
VinFast sẽ có lãi sớm
“Khi nào thì VinFast có lãi? Đâu là lĩnh vực khó, liệu có phải là kênh đầu tư mạo hiểm hay không?”, cổ đông hỏi.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trả lời: “Khi sản lượng tăng cao, chúng tôi sẽ tối ưu chi phí và dần có lãi. Thu hồi vốn có 2 hình thức, vừa từ sản xuất kinh doanh, hai là huy động thêm vốn. Nếu định giá 23 tỷ USD sau khi niêm yết với mức đầu tư 8 tỷ thì chi phí đó không phải quá lớn. Đợi khi thị trường sầm uất trở lại, VinFast có đầy đủ dải sản phẩm, kinh doanh có lãi thì sẽ sớm mang lại niềm vui về tài chính cho mọi người”.
Tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%
Cổ đông tiếp tục hỏi về tham vọng với lĩnh vực xe điện, ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh đến 2 yếu tố. Thứ nhất là nhu cầu đóng góp của Vingroup cho xã hội, cho đất nước.
“Chúng tôi Không phải đơn thuần nhắm đến việc kinh doanh. Vingroup đã là doanh nghiệp lớn và thành đạt, có năng lực nhất định và muốn đóng góp thêm cho đất nước. Chúng tôi muốn xây dựng một thương hiệu công nghệ đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng trên thế giới”, ông nói.
Chủ tịch Vingroup cho biết doanh nghiệp không đơn giản chỉ kinh doanh kiếm tiền mà muốn thể hiện trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước của mình.
Thứ hai, khi thấy cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế xanh, Vingroup đã chuyển đổi và bắt đầu với mảng sản xuất, sau đó là xe điện. Ông Vượng bày tỏ vui mừng khi đội ngũ VinFast đã phát triển nhanh, làm chủ được công nghệ. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của Vingroup đã đạt 60%.
“Khi thấy mảng xe điện có cơ hội, chúng tôi dồn toàn tâm toàn ý vào. Chúng tôi cảm thấy mình thực sự làm chủ được công nghệ, cảm hứng và sức sáng tạo ngày càng quyết liệt. Về mặt kinh doanh đây là dự án rất tiềm năng, đây sẽ là dự án tốt nhất của Vingroup”, ông Vượng nói.
Theo kế hoạch, đến tháng 8, VinFast sẽ phủ hết dải xe các phân khúc từ A đến E, là hãng xe điện đầu tiên trên thế giới có đủ dải sản phẩm. Khi nói về việc phát triển các mẫu xe mới hay không, Chủ tịch Vingroup biết sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, kể cả nhân nhắc làm mẫu xe siêu nhỏ, giá rẻ.
Nói về chuỗi cung ứng của VinFast, ông Vượng cho biết đang cố gắng giảm số lượng các nhà cung cấp, bằng cách tối ưu hóa linh kiện dùng chung cho các mẫu xe, tạo ra sản lượng lớn, kéo giảm chi phí xuống. Hãng này cũng cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ nhiều nhà sản xuất mở nhà máy ở Việt Nam.
Ông Vượng cũng cho biết không quan tâm đến ý kiến của nhiều người về việc Vingroup có thể mở ra một số mảng kinh doanh và đóng lại nhanh chóng nếu không hiệu quả. “Người có tư duy sẽ hiểu tại sao nên làm như vậy. Tôi quan tâm ý kiến những người hiểu biết hơn những người còn lại. Cái gì đúng và cần thì làm thì chúng tôi làm”, Chủ tịch Vingroup nói.
Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh VinFast niêm yết thành công thì đây sẽ là hãng xe thuần điện lớn thứ 3 thế giới.
“Giá cổ phiếu VIC rất thấp so với giá trị”
Nói về giá cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đánh giá giá trị đang rất thấp so với giá trị thật. Ông nói với cổ đổng rằng “chưa mất gì khi chưa bán. Chỉ thực sự mất khi đã bán”.
“Vingroup là chủ các công ty lớn. Các lực lượng, hệ sinh thái của VIC đều dồn lực vào phát triển các công ty con. Nếu giá trị cổ phiếu của VIC không tăng có thể do thị trường, thời cuộc, tin đồn, nhiều nhà đầu tư không vui và tháo chạy. Chúng tôi chẳng thấy lý do nào cả, bản thân tôi có bán đồng nào đâu”, Chủ tịch Vingroup nói.
Kết thúc năm tài chính 2022, doanh thu thuần của Vingroup đạt 101.794 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 12.756 tỷ đồng và 2.044 tỷ đồng.
Sau khi loại đi các khoản chi phí tài chính đến từ việc trích lập dự phòng lỗ tỷ giá, chi phí liên quan đến quyết định dừng sản xuất xe xăng, rút khỏi lĩnh vực sản xuất điện thoại, lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 5.278 tỷ đồng, thực hiện 88% kế hoạch.
Trong năm 2022, Vingroup đã huy động gần 1,1 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế.
Vingroup cho biết doanh số bán bất động sản chưa ghi nhận của toàn tập đoàn (gồm Vinhomes và các công ty con) vào khoảng 110.500 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu lớn trong năm 2023 nhờ việc bàn giao lượng lớn căn hộ sau khi hoàn thành xây dựng.
Tương tự, VinFast cũng kỳ vọng có một năm đột phá về doanh số nhờ 68.000 đơn hàng đặt cọc cho các mẫu xe điện VF 8, VF 9, VF e34 và VF 5. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng dự kiến ghi nhận tăng trưởng cao trong năm 2023.
Trong năm 2022, VinFast đã bàn giao tổng cộng 7.400 ôtô điện và hơn 60.000 xe máy điện. Trong năm, bộ phận sản xuất và các dịch vụ liên quan cũng mang về 13.564 tỷ đồng doanh thu thuần cho Vingroup. Đây hiện là bộ phận kinh doanh mang lại nguồn thu lớn thứ hai cho tập đoàn sau bộ phận kinh doanh chuyển nhượng bất động sản với 54.861 tỷ đồng năm qua.
Kết thúc chương trình, đại hội đồng cổ đông Vingroup đã thông qua các tờ trình báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án phát hành trái phiếu, bầu bổ sung thành viên HĐQT…
Theo Nhịp sống thị trường, Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- 6 năm từ số 0 đến “khổng lồ” của VinFast: Vốn hóa bằng tổng các ông lớn VNM, CTG, VPB, HPG, SAB cộng lại?
- Chuyên gia Mỹ nhận xét: VinFast khơi gợi tinh thần tự tôn trong doanh nghiệp và xã hội, củng cố vị thế dẫn đầu của Việt Nam tại Đông Nam Á
- Triết lý Jeff Bezos điều hành đế chế Amazon suốt 27 năm qua như cách Phạm Nhật Vượng áp dụng với VinGroup