Chữ cái “X” có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời của tỷ phú Elon Musk, từ những ngày đầu khởi nghiệp đến cuộc sống cá nhân của ông và với cả thương vụ sở hữu Twitter.
Hồi tháng 4, khi thương vụ trị giá 44 tỷ USD vẫn đang diễn ra, Elon Musk cho biết ông muốn sở hữu Twitter để mọi người có thể nói chuyện tự do hơn trên nền tảng này.
Tuy nhiên, vào tuần trước khi quyết định nối lại thương vụ, ông lại khẳng định trên Twitter cá nhân rằng việc mua lại công ty chỉ là một cú hích để ông tạo ra “X”.
X là gì?
Trước đó, tỷ phú giàu nhất thế giới kiêm giám đốc điều hành Tesla tiết lộ rất ít về X – dự án mà ông gọi là “ứng dụng cho mọi thứ”.
Ông đã bày tỏ tầm nhìn về một nền tảng mạng xã hội toàn cầu theo mô hình của WeChat, ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent.
Tại Trung Quốc, ứng dụng WeChat được hơn một tỷ người sử dụng như một mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và nền tảng thanh toán di động. Ngoài ra, người dùng WeChat cũng có thể đặt thức ăn, gọi xe taxi và tìm tin tức.
Ứng dụng này dường như đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. Bởi vậy, Musk khẳng định nếu một ứng dụng tương tự được sử dụng bởi người dùng trên toàn cầu để giao tiếp, nó cũng có thể thiết lập một hệ thống thanh toán.
“Đây sẽ là một ứng dụng không có spam, nơi bạn có thể đăng video, đưa ra bình luận… Tôi nghĩ rằng điều quan trọng đối với những người sáng tạo nội dung là việc được hưởng doanh thu”, Musk nói trên một podcast hồi tháng 5.
Vào tháng 8, khi một người dùng Twitter hỏi Elon Musk rằng liệu ông có cân nhắc việc tạo ra mạng xã hội của riêng mình hay không, ông đã trả lời: “X.com”.
Cũng vào đầu tháng đó, tại một cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla, tỷ phú cho biết ông có “tầm nhìn khá lớn” đối với X và khẳng định ứng dụng sẽ là “thứ gì đó sẽ rất hữu ích cho thế giới”.
Twitter là cú hích để tạo ra X
Tỷ phú công nghệ đã không công khai đưa ra kế hoạch hoặc thời gian phát triển cho X. Nhưng ông khẳng định rằng, mặc dù không nhất thiết phải dùng Twitter để tạo ra X ngay lập tức, việc mua lại công ty này “có thể tăng tốc độ phát triển X 3-5 năm”.
Tuy vậy, vẫn chưa rõ liệu ông sẽ phát triển X từ đầu bằng cách lấy Twitter làm nền tảng hay biến Twitter thành X.
Trong một cuộc nói chuyện với các nhân viên Twitter hồi tháng 6, Elon Musk nói rằng ông coi công ty như một quảng trường kỹ thuật số, nơi “cần thiết cho một nền dân chủ hoạt động”. Ông cũng cho biết thêm rằng để khuyến khích mọi người tiếp tục sử dụng nền tảng này, nó phải toàn diện hơn giống như WeChat.
Vào năm 2020, một người dùng Twitter đã đề xuất với Elon Musk tạo ra X “để đảm bảo sự tồn tại và tiến bộ của con người”. Phiên bản này của X sẽ là công ty mẹ của Tesla, SpaceX, Neuralink và công ty xây dựng Boring Company, người dùng gợi ý.
Tỷ phú sau đó cho rằng đây là một “ý tưởng rất hay”. Tuy vậy, liệu X sẽ là một tập đoàn lớn bao gồm các công ty của Musk, một WeChat phiên bản quốc tế hay một nền tảng mạng xã hội giống Twitter vẫn là ẩn số.
X cũng là tên của 3 công ty mà tỷ phú đăng ký tại bang Delaware để mua lại Twitter. Nếu việc mua lại diễn ra, X Holdings I sẽ hoạt động như công ty mẹ của Twitter, X Holdings II sẽ mua lại Twitter và X Holdings III sẽ tài trợ cho thỏa thuận này, theo hồ sơ pháp lý.
Lịch sử đằng sau chữ cái đặc biệt
CEO Tesla đã từng nói rằng ông có “một niềm yêu thích đối với chữ cái X”. X là cách ông gọi đứa con đầu lòng của mình với Grimes, ngôi sao nhạc pop người Canada.
Nhưng lịch sử của ông với chữ cái đặc biệt này này bắt nguồn năm 1999, khi ông đồng sáng lập X.com, một ngân hàng trực tuyến có trụ sở tại California.
Vào năm 2000, X.com hợp nhất với công ty phần mềm Confinity. Một năm sau đó, Peter Thiel, nhà đồng sáng lập Confinity, đưa Musk lên làm Giám đốc Điều hành của X.com và công ty được đổi tên thành PayPal.
Vào năm 2017, Elon Musk đã mua lại miền X.com từ PayPal. Hiện tại, khi truy cập X.com, người dùng sẽ được chuyển hướng đến một trang web trống với chữ cái “x” màu đen ở góc trên bên trái.
Một tên miền khác có địa chỉ “X.com/x”, sẽ chuyển hướng người dùng đến một trang web có chữ cái “y” tương tự. Đây cũng là biệt hiệu của người con thứ 2 của ông với Grimes.
“Cảm ơn PayPal đã cho phép tôi mua lại X.com! Hiện tại không có kế hoạch nào, nhưng nó có giá trị tinh thần rất lớn đối với tôi”, tỷ phú đăng trên Twitter cá nhân sau khi mua tên miền.
Động thái khó hiểu của Elon Musk
Elon Musk đã thuê người sơn chữ ‘w’ trong bảng hiệu Twitter tại San Francisco, biến tên công ty thành ‘Titter’.
Ngày 9/4, Elon Musk chia sẻ ảnh chụp bảng hiệu Twitter bên ngoài trụ sở công ty tại San Francisco (Mỹ). Chi tiết đáng chú ý khi chữ “w” trên bảng hiệu được sơn màu trắng, biến tên công ty thành “Titter”.
“Chủ thuê nhà của chúng tôi tại SF HQ (trụ sở San Francisco) yêu cầu giữ bảng hiệu là Twitter, không được bỏ chữ ‘w’ do pháp lý. Vậy nên chúng tôi sơn màu nền cho chữ cái ấy. Vấn đề đã được giải quyết!”, vị tỷ phú cho biết.
Một số người dùng cho biết việc sơn màu trắng cho chữ “w” trong bảng hiệu Twitter diễn ra được vài ngày. Vào 6/4, lập trình viên William LeGate đã đăng ảnh chữ “w” bị che khuất.
“Để thể hiện sự trưởng thành, Elon Musk đã loại bỏ chữ ‘w’ khỏi logo Twitter bên ngoài trụ sở San Francisco”, LeGate viết.
Chủ sở hữu tòa nhà là SRI Nine Market Square LLC chưa có phản hồi về lý do cấm thay đổi tên công ty trên bảng hiệu, cũng như việc sơn sửa có được chấp nhận hay không.
Từ khi tiếp quản Twitter vào tháng 10/2022, Musk đã áp dụng nhiều thay đổi tại trụ sở công ty. Hồi tháng 1, vị tỷ phú rao bán hàng trăm thiết bị, đồ dùng văn phòng và nội thất để trang trải chi phí.
Trước đó một tháng, Twitter còn cắt giấy vệ sinh tại trụ sở do không còn người thay, buộc nhân viên tự mang giấy vệ sinh lên văn phòng, Business Insider cho biết.
Musk được cho có mâu thuẫn lớn với chủ sở hữu tòa nhà. Vào tháng 1, SRI nộp đơn kiện Twitter với cáo buộc không chi trả 3,4 triệu USD tiền thuê nhà.
Tuần trước, Musk còn thay đổi logo chim xanh của Twitter trên website thành mặt chó Shiba. Giá trị tiền mã hóa Dogecoin tăng 20%, nhưng nhanh chóng sụt giảm sau khi Twitter trở lại logo cũ.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Cuộc đời “thiên tài trăm năm có 1” Elon Musk: Con người của tất cả những điều phi thường cộng lại!
- Tỷ phú Elon Musk trở thành người “không thể đụng đến” kể cả chính phủ Mỹ: Sở hữu hàng loạt công ty trên khắp các lĩnh vực với tầm ảnh hưởng quá lớn
- “Gã ngông thiên tài” Elon Musk – Cuộc đời và sự nghiệp của Tỷ phú dân chơi công nghệ Top 1 thế giới trăm năm có 1