Ông chủ của Tesla và SpaceX – tỷ phú Elon Musk không còn là người giàu nhất thế giới, theo thống kê mới nhất của Forbes.
Theo Bloomberg, tài sản của ông Bernard Arnault đã lần đầu tiên vượt qua mức 200 tỷ USD. Điều này khiến ông trở thành người thứ ba trên thế giới đạt được dấu mốc này, sau Elon Musk và Jeff Bezos.
Dựa trên số liệu từ Bloomberg Billionaires Index, tài sản của vị doanh nhân đứng sau Tập đoàn LVMH đã tăng thêm 2,4 tỷ USD vào ngày 4/4, lên mức 201,1 tỷ USD. Ông cũng là người không mang quốc tịch Mỹ đầu tiên đạt được thành tích này.
Ông Arnault, 74 tuổi, đã vượt qua Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 12 năm ngoái nhờ “đế chế” hàng xa xỉ LVMH. Tập đoàn này đang nắm giữ hơn 75 thương hiệu lớn nhỏ với xấp xỉ 5.500 cửa hàng trên toàn cầu. LVMH sở hữu nhiều thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior, Givenchy, Tiffany & Co, Fendi…
Giá trị tài sản ròng của ông Arnault đã tăng lên 39 tỷ USD trong năm nay khi nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp vẫn ổn định. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của LVMH cũng đang ở mức cao kỷ lục khi doanh nghiệp công bố sẽ mua lại số cổ phiếu lên tới 1,6 tỷ USD.
LVMH cũng ghi nhận mức doanh thu 79,2 tỷ euro (86,8 tỷ USD) vào năm ngoái. Con số này đạt được một phần nhờ việc Louis Vuitton có doanh thu vượt 20 tỷ euro (21,9 tỷ USD) trong năm 2022.
Từ trước đến nay, ngành thời trang và đồ da vẫn chiếm tỷ lệ đóng góp lớn nhất cùng mức tăng ổn định cho tập đoàn. Trong đó, Louis Vuitton và Dior luôn là những thương hiệu có sức tăng trưởng tốt nhất và đóng góp lớn vào doanh thu.
Các báo cáo doanh số bán hàng trong quý I của Dior và Tiffany cũng sẽ được lần lượt công bố vào cuối tháng này.
Thành công là vậy, tuy nhiên, ông Arnault vẫn không tránh khỏi các thất bại trong cuộc đời. Vị doanh nhân này từng bị coi là “con sói trong bộ đồ cashmere” sau khi ông thất bại trong phi vụ thâu tóm Hermès.
Theo Reuters, ông Arnault lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 1997, khi ông sở hữu tài sản trị giá 3,6 tỷ USD. Đến năm 2005, ông lọt vào danh sách 20 người giàu nhất hành tinh với khối tài sản tăng lên mức 17 tỷ USD. Năm 2011, ông đứng ở vị trí thứ tư với 41 tỷ USD.
Trong ba năm qua, Arnault được xếp ở vị trí thứ ba, sau Elon Musk và người sáng lập Amazon Jeff Bezos.
Cùng lúc đó, Elon Musk đã phá kỷ lục thế giới về số tài sản bị thâm hụt lớn nhất trong lịch sử. Giá trị tài sản ròng của Musk đã giảm từ mức cao nhất là 320 tỷ đô la vào năm 2021 xuống còn 138 tỷ đô la vào ngày 6/1/2023, theo Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới.
Sự sụt giảm phần lớn là do cổ phiếu Tesla mất giá. Khối tài sản của Musk cũng giảm sút đáng kể khi tỷ phú 51 tuổi mua Twitter vào năm ngoái.
Tỷ phú Thế giới là bảng xếp hạng những người giàu nhất tính theo giá trị tài sản ròng do tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ tổng hợp và xuất bản hàng năm.
Giấc mơ 250 tỷ USD với Twitter của Elon Musk
Đằng sau thương vụ Elon Musk mua lại Twitter là một âm mưu trị giá 250 tỷ USD mà vị tỷ phú đã ấp ủ từ hơn 20 năm trước: Xây dựng ngân hàng số của riêng mình.
Vị tỷ phú rất ít khi để lộ về tham vọng này và cũng ít chia sẻ về kế hoạch Twitter 2.0 mà ông từng đề cập khi mới mua lại công ty. Nhưng mới đây, Elon Musk đã công bố kế hoạch của mình với các nhân viên Twitter.
Tầm nhìn của ông là đưa Twitter trở thành một công ty có giá trị vốn hóa gấp 10 lần con số 20 tỷ USD hiện tại. Để làm được điều đó, ông muốn biến Twitter thành trung tâm tài chính của người dùng.
Hiện thực hóa ước mơ dang dở vào 20 năm trước
Theo Wall Street Journal, kế hoạch này tương tự dự định của ông từ những ngày đầu lập nghiệp, đồng thời giống với dịch vụ tài chính đầu tay của ông có tên là X.com, nay đã trở thành PayPal.
Sự thành công của X.com từng giúp Elon Musk vững mạnh về mặt tài chính, đủ sức tạo ra startup xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX. Nhưng sự kết thúc của X.com cũng đã chính thức chấm dứt giấc mơ đó của ông.
Nhưng sau khi thâu tóm Twitter, Elon Musk lại tiếp tục vẽ ra viễn cảnh mà người dùng mạng xã hội này để thanh toán cho nhau, vay tiền, nhận lãi và hàng loạt tác vụ khác chỉ trong một ứng dụng. “Tôi nghĩ nó có thể sẽ trở thành trung tâm tài chính lớn nhất thế giới”, vị tỷ phú nói trong hội nghị Morgan Stanley hồi tháng 3.
Tại sự kiện, ông đã nói về tham vọng muốn đa dạng hóa tiềm năng của Twitter sau khi cải tổ mảng quảng cáo của công ty mạng xã hội. Các nhà phân tích đều cho rằng, nếu Twitter trở thành một cổng thanh toán, doanh thu của công ty có thể sẽ đạt cột mốc tăng trưởng thần kỳ.
Nhưng điều đáng quan ngại là với vai trò là chủ tịch tại Tesla và SpaceX, tham vọng của ông sẽ gặp phải không ít thách thức từ những đối thủ trên thị trường và sự kiểm soát của các nhà làm luật.
Kịch bản chung của Elon Musk từ Tesla, SpaceX đến Twitter
Từ ngày Elon Musk thâu tóm, Twitter rất ít khi để lộ kế hoạch liên quan đến lĩnh vực giao dịch và tài chính mà ông đang ấp ủ. Trong đó, sự kiện Twitter làm việc, ký kết giấy tờ với Kho bạc nhà nước Mỹ hồi tháng 11/2022 chính là động thái rõ ràng nhất cho thấy âm mưu của Elon Musk. Hiện, Twitter đã đăng ký giấy phép hoạt động ở tất cả bang mà họ muốn kinh doanh, ngoại trừ California.
Hồi cuối tháng 3, Elon Musk tuyên bố sẽ thưởng đậm những nhân viên còn ở lại, có đóng góp lớn cho công ty. Họ còn có thể nhận khoản thưởng cổ phiếu khi Twitter trở thành công ty tư nhân. Elon Musk nói rằng con đường phía trước tuy chắc chắn nhưng sẽ rất khó khăn, ám chỉ rằng việc nâng giá trị thị trường Twitter lên 250 tỷ USD là điều không hề dễ dàng.
Con số này có thể sánh ngang với các ông lớn ngành tài chính như JPMorgan Chase trị giá 380 tỷ USD hay Bank of America.
Theo Wall Street Journal, khuyến khích nhân viên bằng những khoản thưởng khổng lồ là kịch bản Elon Musk đã dùng đi dùng lại cho các công ty của mình. Năm 2015, ông từng bị cho là khoác lác khi nói rằng startup xe điện Tesla hiện trị giá 25 tỷ USD sẽ sớm vượt qua Apple trị giá 700 tỷ USD vào thời điểm đó.
Thực tế cho thấy giá trị thị trường Tesla đã vượt ngoài con số 700 tỷ USD và trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa vào năm 2021. Nhưng kể từ đó, giá trị thị trường Tesla đã giảm xuống chỉ còn 620 tỷ USD.
Tương tự với Tesla, Elon Musk cũng sử dụng chung kịch bản ở Twitter khi hứa hẹn về một tương lai tăng trưởng vượt bậc của công ty. Ông vẽ ra một viễn cảnh đẹp về việc Twitter sẽ vượt xa những gì nó đang có với mảng bán quảng cáo.
Trong kế hoạch của ông, Twitter sẽ có hàng trăm triệu người dùng và hoạt động như một siêu ứng dụng có tất cả trong một từ mạng xã hội đến ngân hàng số.
Tham vọng siêu ứng dụng trị giá 250 tỷ USD của Elon Musk
Vào thời điểm thành lập, X.com từng được kỳ vọng là một ngân hàng đa ngành bởi Elon Musk muốn kết hợp tất cả người dùng từ các dịch vụ tài chính khác nhau vào chỉ một trang web. Trong đó, tính năng đáng chú ý nhất là khả năng người dùng chuyển tiền qua email với nhau.
“Tôi sẽ hiện thực hóa tham vọng từ thời X.com vào 22 năm về trước nhưng với nhiều sự cải tiến. Trong kế hoạch viết vào năm 2000, tôi đã từng nghĩ việc tạo ra một trung tâm tài chính giá trị nhất thế giới là điều hoàn toàn khả thi. Giờ đây, chúng ta sẽ biến nó thành hiện thực và cũng là người đầu tiên làm điều này”, ông nói tại sự kiện giới thiệu tầm nhìn năm 2022.
Với Twitter, ông đã thay đổi kế hoạch công ty ngân hàng trên nền tảng website thành một hệ sinh thái trên ứng dụng điện thoại, từ bỏ tên gọi mạng xã hội để đến với siêu ứng dụng. Đây sẽ là nền tảng nơi có mọi thứ từ nội dung, công cụ giao tiếp đến mua sắm giống với cách các ông lớn Trung Quốc đang làm như WeChat của Tencent và Alipay của Ant Group.
“Chúng ta còn chẳng có ứng dụng nào đủ mạnh như WeChat ở Trung Quốc. Do đó, ý tưởng của tôi là chúng ta thử sao chép WeChat xem sao”, Elon Musk nói tại sự kiện All-In Summit hồi tháng 5/2022. Ở Trung Quốc, lợi thế của các siêu ứng dụng này là các hệ thống ngân hàng và nhắn tin trực tuyến vẫn còn non kém so với Mỹ. Trong khi đó, lượng người dùng thiết bị di động tại quốc gia này lại rất khổng lồ.
“Với mô hình của Alipay và WeChat, quảng cáo không phải là yếu tố quan trọng nhất mà chủ yếu dựa trên các giao dịch, tức là tương tác người dùng”, Nhà phân tích Jason Wong tại Gartner Inc. cho biết.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu vị tỷ phú có muốn tạo ra một WeChat 2.0 hay không. Khác với Trung Quốc, hệ sinh thái iOS của iPhone và Android của Google luôn ưu tiên người dùng Mỹ. Do đó, họ đã quen với việc loạt app ngân hàng và nhắn tin tranh nhau miếng bánh của thị trường thanh toán kỹ thuật số.
Nhưng nếu theo đuổi kế hoạch này, Twitter vẫn có nhiều tiềm năng nhất định bởi thanh toán chính là khoản cược đáng giá dành cho mọi siêu ứng dụng. Đây cũng là chìa khóa để tăng khả năng kiếm tiền từ người dùng hoạt động trên nền tảng.
Theo chuyên viên tư vấn ngân hàng số Richard Crone, doanh thu Twitter có thể tăng gấp đôi nếu bổ sung những tính năng này. “Ông ấy hoàn toàn có khả năng tạo ra một ứng dụng kết hợp mạng xã hội và tài chính”, chuyên gia nhận định.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Tài sản của tỷ phú Elon Musk bị “thổi bay” 13 tỷ USD chỉ trong 24 giờ sau loạt biến động từ Tesla, SpaceX và Twitter
- Elon Musk chính thức bị Ông trùm sở hữu Louis Vuitton, Dior, Bvlgari,… soán ngôi giàu nhất thế giới
- Tỷ phú Elon Musk mất hơn 100 tỷ USD chỉ trong một năm: Vẫn chễm chệ ngôi vị giàu nhất hành tinh