Tình hình kinh doanh bất ổn tại Tesla và Twitter đã khiến vị trí người giàu nhất thế giới của Elon Musk bị đổi chủ đến 2 lần trong ngày hôm nay bởi một cái tên quên thuộc.
Theo Reuters, ông Elon Musk đã mất danh hiệu người giàu nhất thế giới trong một thời gian ngắn sau khi giá trị cổ phần của ông ở Tesla và Twitter giảm mạnh.
Căn cứ theo bảng xếp hạng từ tạp chí Forbes, danh hiệu người giàu nhất thế giới đã thuộc về ông Bernard Arnault, Giám đốc điều hành của LVMH – công ty mẹ của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton, cùng gia đình trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ông Bernard Arnault với khối tài sản cá nhân lên tới 185,3 tỷ USD đã nhanh chóng tụt lại xuống vị trí người giàu thứ hai trên thế giới.
Ông Elon Musk, người giữ vị trí đứng đầu trong danh sách tỷ phú của Forbes kể từ tháng 9/2021, có tài sản ròng trị giá 185,7 tỷ USD. Người đứng đầu hãng xe điện Tesla đã giành được danh hiệu người giàu nhất thế giới từ tay ông Jeff Bezos, người sáng lập Amazon.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Elon Musk đã giảm khoảng 99 tỷ USD trong năm nay, đây là mức giảm lớn nhất trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh. Hiện tài sản của CEO Tesla đã giảm gần 50% so với mức đỉnh 340 tỷ USD vào năm ngoái, thời điểm giá cổ phiếu Tesla lập kỷ lục 410 USD/cổ phiếu.
Trước đó, vào ngày 8/11, giá trị tài sản ròng của Elon Musk đã giảm xuống dưới 200 tỷ USD khi các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu của Tesla vì lo ngại ông chủ hãng xe đang dành sự chú ý nhiều hơn đến Twitter và bỏ bê công ty.
Chính Tesla cũng đang gặp những khó khăn trong chặng đường phát triển của mình. Cổ phiếu Tesla đã mất hơn 47% giá trị kể từ khi Elon Musk đưa ra đề nghị mua lại Twitter vào đầu năm nay. Hiện giá cổ phiếu của công ty xe điện này tiếp tục giảm 2,7%.
Theo S&P Global Mobility, trong quý III vừa qua, tỷ lệ xe điện đăng ký mới của Tesla ở mức 65%, giảm 6% so với năm 2021. Không chỉ vậy, S&P dự đoán thị phần của hãng xe điện này sẽ giảm xuống dưới 20% vào năm 2025 khi số lượng các mẫu xe điện tăng từ 48 lên 159.
Tình hình của Twitter cũng không khả quan hơn khi chính Elon Musk cho biết doanh thu của nền tảng mạng xã hội này đã giảm mạnh do “sức ép của các nhà hoạt động đối với những công ty quảng cáo”. Theo New York Times, trong tuần đầu tiên của World Cup, doanh thu quảng cáo của Twitter vẫn giảm mạnh, không đạt 80% mục tiêu đề ra.
Chân dung “ông trùm hàng hiệu” soán ngôi Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới
Nếu như bạn là một tín đồ thời trang thì chắc hẳn bạn phải biết đến Louis Vuitton, Dior hay Hermes Đằng sau những thương hiệu huyền thoại này chính là tập đoàn LVMH dưới quyền quản lý của Bernard Arnault.
Bernard Arnault có tên gọi đầy đủ là Bernard Jean Étienne Arnault. Ông được biết đến như một nhà đầu tư người Pháp, ông trùm kinh doanh thời trang xa xỉ, nhà sưu tầm nổi tiếng. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ chủ tịch và giám đốc điều hành của Moët Hennessy – Louis Vuitton (LVMH).
LVMH là một tập đoàn thời trang khổng lồ đứng sau hàng loạt các thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Céline, Givenchy,…. Doanh nghiệp này cũng sở hữu hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm cao cấp, nước hoa, đồng hồ, hãng trang sức, các nhãn hàng kinh doanh rượu.
Việc Bernard Arnault tiếp quản tập đoàn hàng xa xỉ LVMH là một tham vọng to lớn. Ông ấy thể hiện quyết tâm và tiếp quản công ty một cách có hệ thống và có tính toán. Ông đã tích hợp thành công các thương hiệu nổi tiếng khác vào tập đoàn. Điều này đã truyền cảm hứng cho một số công ty thời trang khác trên khắp thế giới làm điều tương tự.
Bernard Arnault có đóng góp to lớn khi xây dựng thành công đế chế LVMH với sức mạnh cạnh tranh khủng khiếp của hơn 70 thương hiệu nổi tiếng. Ông cũng đóng vai trò giải quyết các mâu thuẫn giữa các thương hiệu lớn bên trong tập đoàn và thực hiện những thương vụ M&A khó khăn bậc nhất thế giới.
Sau khi gia nhập công ty của cha mình, Bernard Arnault đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc mở rộng và phát triển của công ty. Năm 1974, Bernard Arnault trở thành giám đốc phát triển công ty.
Năm 1976, ông đã thuyết phục thành công cha mình thanh lý bộ phận kinh doanh không hiệu quả của công ty và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Với tầm nhìn kinh doanh của mình, ông đã giúp công ty của gia đình thu lợi lớn từ lĩnh vực bất động sản bùng nổ vào thời điểm đó. Ferret-Savinel đã trở thành một công ty thành công với thế mạnh cung cấp bất động sản nghỉ dưỡng.
Đến năm 1974, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ CEO của công ty. Vào 1979, Bernard Arnault thành công kế nghiệp cha mình trở thành chủ tịch công ty. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông đã vấp phải những trắc trở đầu tiên.
Năm 1981, đảng xã hội Pháp lên nắm quyền và gia đình Arnault buộc phải chuyển đến Hoa Kỳ. Ở nơi đất khách, Bernard Arnault gần như phải bắt đầu công việc kinh doanh lại từ đầu. Vốn là một doanh nhân sắc sảo, ông đã phát triển hàng loạt các khu chung cư ở Palm Beach, bang Florida. Công việc kinh doanh thuận lợi cũng giúp ông tích lũy một số lượng tiền mặt rất lớn.
Năm 1983, nền tảng chính trị tại nước Pháp thay đổi và môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn trước. Ông đã nhận thấy cơ hội đầu tư khi hàng loạt các doanh nghiệp dệt may, thời trang lớn lâm vào cảnh khó khăn hoặc phá sản. Vì vậy, ông quyết định trở về nước và thực hiện mua lại các doanh nghiệp lớn trong đó có Boussac Saint-Frères.
Cùng với sự giúp đỡ của Antoine Bernheim, ông đã đầu tư hàng chục triệu đô la để mua lại cổ phần kiểm soát của Boussac Saint-Frères và Financière Agache. Sau khi sở hữu Boussac Saint-Frères, ông đã bán hết phần lớn tài sản của cty và thu về khoản tiền 400 triệu đô la. Ông chỉ giữ lại thương hiệu Christian Dior, cửa hàng bách hóa Le Bon Marché. Năm 1985, ông trở thành CEO của Dior.
Năm 1987, chủ tịch LVMH đã mời ông đầu tư vào tập đoàn này. Năm 1988, ông đầu tư 1.5 tỷ đô la vào LVMH thông qua công ty liên doanh Guinness. Trong những năm tiếp theo, ông tiếp tục chi hàng trăm triệu đô để sở hữu cổ phần của LVMH. Vào năm 1989, ông đã nắm quyền kiểm soát 43,5% cổ phần của LVMH và 35% quyền biểu quyết. Sau đó, ông được nhất trí bầu vào vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.
Sau khi nắm quyền, ông tiến hành sa thải hàng loạt giám đốc và tuyển chọn nhân tài để hồi sinh công ty. LVMH dưới thời Bernard Arnault đã đề ra một kế hoạch mở rộng và tăng trưởng đầy táo bạo bằng việc thường xuyên thực hiện các thương vụ mua lại như công ty nước hoa Guerlain (1994), Loewe (1996), Marc Jacobs (1997), Sephora (1997), Celine (1988), Berluti và Kenzo (năm 1993), Guerlain (năm 1994). LVMH tiếp tục thâu tóm Emilio Pucci (năm 2000), Fendi, DKNY (năm 2001), 17% cổ phần của Hermes (năm 2010) và gần đây nhất là toàn bộ cổ phần của nhà mốt Christian Dior (tháng 4/2017).
Những năm tiếp theo, Bernard Arnault đã dẫn dắt LVMH trở thành một tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ khổng lồ, lợi nhuận tăng trưởng gấp 5 lần, giá trị doanh nghiệp tăng 15 lần.
Tính từ tháng 3/2020 đến nay, tài sản của ông Arnault tăng hơn 110 tỷ USD. Bất chấp đại dịch Covid-19, LVMH – sở hữu các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Fendi, Christian Dior và Givenchy – vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng.
Thống kê của Jefferies cho thấy trong quý I năm nay, LVMH đạt doanh số kỷ lục 17 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu LVMH tăng 0,4% trong phiên giao dịch 24/5, đẩy định giá tập đoàn lên 320 tỷ USD.
Business Insider cho biết, trong những tháng gần đây, tỷ phú Arnault đã chi 538 triệu USD để mua thêm cổ phần của thương hiệu LVMH mà ông và gia đình đang nắm quyền kiểm soát.
Hồi tháng 1, LVMH cũng thực hiện thương vụ mua lại nhà sản xuất trang sức lớn nhất nước Mỹ Tiffany & Co với giá 15,8 triệu USD.
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Elon Musk lấy lại vị trí giàu nhất thế giới từ Vua hàng hiệu Bernard Arnault ngay sau chuyến thăm Trung Quốc
- Chuyện đời ít người biết về “vua xa xỉ” vừa soán ngôi Elon Musk lên vị trí giàu nhất thế giới
- Bí quyết làm nên thành công của Bernard Arnault – “Ông trùm xa xỉ” vừa đoạt ngôi giàu nhất thế giới từ Elon Musk