Mới đây, ông Đoàn Hiếu Minh – một đại gia từng nổi tiếng trong việc phân phối Rolls-Royce đã viết một bài chia sẻ chuyện gặp Shark Thủy hôm nay.
Đoàn Hiếu Minh – cái tên không còn xa lạ trong giới chơi xe bởi ông chính là người đưa những chiếc xe siêu sang Rolls-Royce về nước phục vụ giới nhà giàu. CTCP ô tô Regaldo ông Minh làm chủ tịch đã trở thành đại lý phân phối chính hãng xe Rolls-Royce tại Hà Nội vào năm 2013.
Đến tháng 10/2020, ông Đoàn Hiếu Minh đột ngột thông báo ngừng hợp tác với Rolls-Royce Motorcars. Điều đó có nghĩa ông Đoàn Hiếu Minh dừng phân phối dòng xe này tại Việt Nam. Là người bán xe siêu sang cho giới nhà giàu suốt 7 năm qua, ông Đoàn Hiếu Minh tích luỹ cho mình rất nhiều kinh nghiệm và thường xuyên chia sẻ những bài viết thu hút được sự chú ý của dư luận.
Mới đây trên trang facebook cá nhân, ông Đoàn Hiếu Minh đã chia sẽ về cuộc gặp và giao lưu với Shark Thủy.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn được biết đến là shark Thủy) đang là cái tên được nhiều người quan tâm gần đây do trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin cho rằng ông Thuỷ lừa đảo sau những lùm xùm của Apax Leaders…
Được biết, những thông tin trái chiều hàng loạt đó đến từ các nhà đầu tư “rót tiền” vào các công ty liên quan hệ sinh thái của Shark Thủy bằng hình thức góp vốn qua Hợp đồng hợp tác đầu tư, mua trái phiếu…Tuy nhiên, đến kỳ hạn thanh toán, các nhà đầu tư không rút được lãi, gốc lại càng không.
Dù CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup đã lên tiếng khẳng định các thông tin thất thiệt về ông Nguyễn Ngọc Thủy trên các trang mạng xã hội như kể trên là sai sự thật, nhưng vẫn gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ông Thủy, tâm lý của nhà đầu tư và các đối tác cũng như hoạt động kinh doanh của Egroup.
Trong cuộc gặp gỡ mới đây của ông Đoàn Hiếu Minh và Shark Thủy, cả hai người đã có những chia sẻ về “tai nạn” của mình. Theo ông Minh, vụ việc trung tâm Anh ngữ Apax Leaders vừa rồi cũng là một “tai nạn”.
Ông Đoàn Hiểu Minh nhận định: “Ông Thủy không phải là người xấu và “chắc chắn không phải kẻ lừa đảo”. Căn nguyên của những vấn đề hiện tại là do tham vọng của ông quá lớn khi ông muốn “đưa Apax trở thành một điểm đến để học ngoại ngữ cho mọi trẻ em ở Việt Nam”. Từ đó dẫn đến việc Apax Leaders phát triển nhanh chóng. Ông Thủy không còn đủ tiền nên phải huy động vốn để đảm bảo cho chất lượng của trung tâm.
Với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn, nhiều người đã đầu tư tiền vào Apax Leaders. Khi mọi chuyện đang tiến triển rất thuận lợi thì đột nhiên Covid-19 bùng phát. Cũng giống như các doanh nghiệp khác, hoạt động kinh doanh của trung tâm cũng bị đình trệ, phải đóng cửa và không có doanh thu.
Trong khi đó, các khoản chi thường xuyên khiến ông Thủy và trung tâm Apax rơi vào cảnh lao đao, khó khăn, nhà đầu tư cũng hoang mang như ngồi trên đống lửa. Thậm chí khi đến kỳ hạn thanh toán, các nhà đầu tư không rút được tiền lãi và gốc. Nhiều trường hợp đã lâm vào cảnh khốn cùng.
Theo ông Minh, nhà đầu tư nên cho ông Thủy cơ hội để làm lại. Bởi ông là một người rất tâm huyết và có khát vọng lớn với giáo dục Việt Nam. Apax cũng là một trung tâm với dịch vụ tốt. Và hơn tất cả, đây cũng là một cơ hội để cho đồng tiền của nhà đầu tư có cơ hội hồi sinh.
Nguyên văn bài viết của ông Đoàn Hiếu Minh như sau:
THA THỨ ĐỂ THU HỒI
Hôm nay ngồi với Nguyễn Ngọc Thuỷ Egroup, em không gọi Thuỷ là “shark” vì đấy là một tai nạn. Vừa rồi Apax cũng gặp nhiều tai nạn. Và hôm nay 2 anh em nói về những tai nạn của mình.
Con người ai cũng có tham vọng, và tham vọng của Thuỷ là đưa Apax trở thành một điểm đến để học ngoại ngữ cho mọi trẻ em ở Việt Nam. Và tham vọng đấy đã hại Thuỷ.
Với tốc độ mở trung tâm rất thần tốc nhưng chất lượng, Thuỷ không thể nào có đủ tiền. Việc huy động vốn từ xã hội là lựa chọn duy nhất để đáp ứng tốc độ đấy. Và nhiều người đã chung tiền với Thuỷ để đẩy, hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Trời đang đẹp, Apax đang được yêu mến, nhà đầu tư đang vui, quỹ đang chuẩn bị vào…thì Covid.
Đóng cửa! Đóng cửa! Và đóng cửa! Không học sinh, không doanh thu.
Nhưng tiền nhà có phải trả không? Tiền giáo viên có phải trả không? Các thứ tiền khác có phải trả không? Thế là lãi mẹ đẻ lãi con, Apax mất dòng, Thuỷ lao đao, nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa. Mọi người kéo đến Apax, đầu gấu cũng kéo đến, đơn thư khắp nơi, báo đài rôm rả. Thuỷ bị vây và càng ngày càng mất lực.
Thuỷ không phải người xấu, và chắc chắn không phải là kẻ lừa đảo. Thuỷ có tâm huyết, có khát vọng rất lớn về giáo dục, và Thuỷ rất thông minh. Cái sai của Thuỷ là quá tham vọng, không lường hết được rủi ro (nhưng cũng không ai lường được Covid nó lại dã man thế!), và cái sai cuối cùng là chưa đối diện để nói lên tiếng nói và tâm can của mình.
Hôm nay hai anh em ngồi nói chuyện cả tiếng, và cuối cùng Thuỷ quyết định. Thuỷ sẽ nói lên tâm tư, tình cảm, tình trạng, quyết tâm và đề nghị của mình với mọi người.
Hãy cho Thuỷ cơ hội và thời gian nhất định để làm lại! Điều đấy không phải chỉ để hồi phục một công ty cung cấp dịch vụ tốt, để trả các khoản nợ. Mà điều đấy còn là cho chính đồng tiền của chúng ta 1 cơ hội, cơ hội để hồi sinh!!!
Vì nếu đẩy Thuỷ đến đường cùng, Thuỷ sẽ không thể có cơ hội gượng dậy để làm những điều đó! Không bàn đến điều gì to tát, không bàn đến nhân nghĩa, không bàn đến tiếng Anh hay trẻ em, chỉ nói đến tiền thôi, chắc chắn không có cửa về!
Ông Nguyễn Ngọc Thủy không còn tham gia Shark Tank Việt Nam
Nhà sản xuất Shark Tank Việt Nam vừa có thông tin chính thức về hoạt động kinh doanh của tập đoàn Egroup, Apax Holdings – công ty mẹ của Apax English, doanh nghiệp do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm chủ tịch HĐQT.
Theo đó, đơn vị sản xuất cho biết ông Nguyễn Ngọc Thủy từng tham gia chương trình với vai trò là nhà đầu tư khách mời từ 2017 đến 2019. Tuy nhiên việc tham gia này đã kết thúc được 3 năm.
“Ông Thủy đã hoàn thành và kết thúc vai trò ‘Shark’, hiện chương trình không còn có sự hợp tác nào với ông Nguyễn Ngọc Thủy hay các doanh nghiệp do ông sở hữu điều hành”, nhà sản xuất cho biết.
Thông tin thêm, đơn vị này cho hay tại thời điểm ông Thủy tham gia chương trình, ông là một doanh nhân giỏi trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh và có đủ điều kiện pháp lý để tham gia chương trình. Đồng thời, ông Thủy đã hoàn thành vai trò của một nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp trong chương trình.
“Còn các hoạt động sau khi tham gia chương trình là việc cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Thủy và doanh nghiệp do ông điều hành, hoàn toàn không liên quan đến chương trình Shark Tank Việt Nam”, nhà sản xuất nhấn mạnh.
Tại Shark Tank Việt Nam trong mùa một, Shark Thủy là “cá mập” chi nhiều tiền thứ 4 trong tổng số 7 người tham gia với số tiền cam kết rót vốn lên tới 19,2 tỷ đồng. Nổi bật nhất là thương vụ đầu tư 15 tỷ đồng cho startup Soya Garden.
Trong mùa 2, ông cũng tham gia rót vốn nhiều startup trong lĩnh vực giáo dục. Thương vụ lớn nhất chính là cam kết rót tổng cộng 500.000 USD vào Công ty Magic Book, trong đó 200.000 USD để đổi lấy 30% vốn công ty và 300.000 USD là trái phiếu chuyển đổi.
Ngoài ra là các thương vụ giá trị nhiều tỷ đồng như rót 5 tỷ đồng cho 36% vốn của We Escape; 5 tỷ đồng cho 46% của Talk cafe English; 3 tỷ đồng cho 80% chuỗi nhà hàng chay Pema… Trong mùa 3, ông cũng quyết định chi 43,15 tỷ đồng đồng hành cùng startup.
Thời gian gần đây, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax – công ty con của Apax Holdings vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên… Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận những vấn đề trên đang là những tồn tại của Apax English và lãnh đạo của Apax English cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
Theo Người quan sát, Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Shark Liên và triết lý kinh doanh “tham vọng” như một bông sen: Không an phận hay biết hài lòng mà bởi khao khát được bung tỏa hết mình
- Shark Hưng và vợ Á hậu kém 16 tuổi kỉ niệm 5 năm ngày cưới, ai ai cũng tấm tắc khen vì hành động quỳ gối xin “gia hạn” hôn nhân
- Thời khởi nghiệp gian truân của “Vua chảo” Nguyễn Xuân Phú: Tôi từng vừa làm bốc vác, vừa làm Sale, vừa làm giám đốc