Từ một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về ô tô làm ăn phát đạt, với tham vọng không chỉ sản xuất ô tô mà cả xe bọc thép, đến nay Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên đã chỉ còn là dĩ vãng.
Ông Bùi Ngọc Huyên, ông chủ Vinaxuki – hãng sản xuất xe hơi đầu tiên tại Việt Nam nay đã hơn 80 tuổi. Sau thời vàng son, giờ đây đã cuối đời ông sống dựa vào tiền lương hưu 6 triệu đồng và gánh trên người số nợ 2.800 tỷ đồng.
VnExpress đưa tin, Vinaxuki từng là doanh nghiệp lớn trong ngành xe hơi và xây dựng nhà máy sản xuất ô tô vào năm 2004 với công suất 20 nghìn xe/năm. Giai đoạn năm 2006 đến 2009 được xem là hoàng kim của Vinaxuki khi thu lợi nhuận khủng dù chỉ cần nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất chủng loại thùng xe tải.
Có những năm, Vinaxuki lãi tới 160 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2018, khi nhận thấy cách làm này không thể bắt kịp các nước trong khu vực ông Huyên đã chuyển hướng làm.
Ông đã tự tin đầu tư 900 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được để đầu tư cho dự án sản xuất ô tô, rót vào đúc phôi, luyện kim, sản xuất khuôn mẫu, sơn tự động… Ngoài ra, nhà máy ở Thái Nguyên, Thanh Hóa cũng được đầu tư thêm.
Giai đoạn này, Vinaxuki còn hợp tác với công ty Nhật để xây dựng trung tâm thiết kế ô tô, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân, vỏ.
Tuy nhiên, vì chiến lược sai lầm cùng gánh nặng nợ khiến tham vọng này chỉ đi được nửa chặng đường. Cuối cùng sau bao biến cố, giấc mơ của ông Bùi Ngọc Huyên bị dập tắt. Mọi tham vọng vỡ vụn, người đàn ông này còn gánh trên người số tiền nợ hàng nghìn tỷ đồng dù tuổi đã xế chiều.
Ông từng chia sẻ với VnExpress: “Để có tiền trả nợ, tôi đã phải bán cả nhà do người cha trước khi qua đời di chúc để lại cho, nhà của tôi ở Láng Hạ được phân cho và cả nhà căn nhà của con gái tôi… Giờ tôi không còn gì, kể cả một mét vuông nhà cũng không còn, hiện tôi đang ở trong nhà khách của công ty”.
Đến cuối đời, người đàn ông này sống dựa vào khoản lương hưu 6 triệu đồng và số tiền kiếm được không thường xuyên từ đàn gà nuôi trong nhà xưởng. Ông phải gánh trên đôi vai gần số nợ 2.800 tỷ đồng, sống tạm trong ngôi nhà nằm tại nhà máy của Vinaxuki ở Mê Linh.
Nhắc đến Vinaxuki, người ta tiếc nuối cho một thời hoàng kim và cả tham vọng muốn xây dựng thương hiệu Việt. Tuy nhiên, câu chuyện của ông cũng là bài học cho những nhà khởi nghiệp khi muốn bắt đầu một lĩnh vực mới.
Chân dung ‘lão gàn’ Vinaxuki
Đến giờ không ít người vẫn nói “ông già làm ôtô” Bùi Ngọc Huyên là gàn, hão huyền. Còn ông thủng thẳng: “Tôi tin 3-5 năm nữa sẽ lãi. Làm ôtô kiếm tiền cũng tốt lắm”.
Mái tóc bạc, dáng người nhỏ bé, giản dị trong bộ đồng phục của nhà máy, vẻ lạc lõng trong gian trưng bày ngoài trời ở một triển lãm hoành tráng, nhưng ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), vẫn đầy nhiệt huyết khi nói về ước mơ sản xuất những chiếc ôtô “made in Vietnam”.
Chuyện trò với ông bao giờ cũng vậy, người phỏng vấn thỉnh thoảng phải vô phép ngắt lời, vì một khi đã nói về ô tô, ông rất say sưa. Sự nhiệt huyết hiếm còn gặp ở những người tuổi ngoài lục tuần như ông.
Ði lên từ sắt vụn
– Vốn là một anh bộ đội rồi một kỹ sư, cuộc sống cũng ổn định, kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, vậy sao ông vẫn còn ôm mộng làm ôtô?
– Tôi ước mơ tự tay làm ra một chiếc ôtô từ lâu lắm rồi. Thật ra khi bé thì hầu hết các cậu con trai đều có những ước mơ như vậy: làm ôtô, chế tạo máy bay… nhưng không phải ai cũng đeo đuổi những mong muốn từ thời trẻ thơ ấy. Còn tôi, ước mơ này được nhen nhóm lên từ những thước phim đen trắng về cảnh ôtô kéo pháo lên Điện Biên Phủ… Qua hết cấp I, lên cấp II rồi cấp III, vào bộ đội, học đại học, ra trường nhận công tác… tôi vẫn đeo đuổi giấc mơ xe Việt. Bận rộn với “cơm áo gạo tiền”, nhưng ước mơ từ thủa nhỏ ấy vẫn ám ảnh tôi. Vậy mà cũng phải chờ đến khi về hưu, tôi mới có đủ điều kiện thực hiện ước mơ của mình.
– Nhưng làm ôtô đòi hỏi tiềm lực rất lớn, trông cậy vào nguồn nào đây?
– Tôi và gia đình khởi nghiệp đi lên từ sắt vụn. Có thể nói như thế, nhưng đấy là sự thật. Mặt khác, tôi cho rằng, mình gặp may nhiều. Tôi mua sắt vụn về chế tạo một chiếc máy cán thép thủ công, bán cho nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Lãi lắm, đúng như các cụ nói “một vốn bốn lời”. Rồi làm pêđan xe đạp. Cái này thì một vốn tới mười lời, mua nguyên liệu hết 2 đồng thì bán được 20 đồng. Lãi thế, nhưng sản phẩm vẫn rẻ hơn hàng ngoại mà chất lượng không thua kém gì. Rồi dần dần thiết kế đến những cái máy phức tạp như máy cán thép.
Mình nhận làm rồi đặt người ta gia công từng bộ phận, đúc các chi tiết, thu mua các chi tiết khác vẫn còn chất lượng nhưng bị bỏ đi… Thành cái máy lại bán được một đống tiền. Cứ thế, từ một căn hộ riêng cho bốn người biến thành một xưởng cơ khí tại gia. Nhưng không chỉ tôi mà vợ và hai đứa con: một gái, một trai đều lao động cật lực. Thấy cái gì làm được mà có tiền là làm. Có tiền, lại đổ không ít vào mua sách kỹ thuật cơ khí để nghiên cứu, mày mò học theo, áp dụng thử vào sản xuất.
Những năm bao cấp hàng hóa khan hiếm, làm ra đến đâu bán hết veo đến đấy. Tích tiểu thành đại, các mặt hàng cứ mở rộng dần dần. Vậy là tích lũy được số vốn không nhỏ. Đến năm 1992, tôi về hưu. Không bị ràng buộc, có điều kiện lại có vốn, tôi quyết định lập “doanh nghiệp tư nhân”.
– Nghe vậy có vẻ dễ dàng. Thảo nào ông “xắn” tay vứt cả đống tiền vào làm ô tô để thỏa mãn ước mơ?
– Kể lại thì thấy dễ dàng thôi. Tôi là mẫu người nỗ lực tự mình vượt qua khó khăn, kiên trì đi lên. Thời đó, cái mác “doanh nghiệp tư nhân” thường bị hắt hủi, ghẻ lạnh, chả dễ làm ăn như bây giờ. Chẳng hạn muốn mở mang quy mô thì phải thuê đất, nhưng tư nhân làm sao thuê được?
Tôi phải thuê lại đất đang bỏ hoang của các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Thuê lại được đất, xí nghiệp của tôi dần dần đi vào ổn định, sản xuất những mặt hàng cơ khí mới do chính tôi tự thiết kế như: máy cán thép, máy công cụ, dụng cụ công nghiệp cầm tay…
10 năm ròng rã vừa lo mở rộng sản xuất, phát triển gần 100 mặt hàng cơ khí, thiết bị y tế, nội thất… vừa long đong đi thuê đất đai nhà xưởng để giữ cho dây chuyền sản xuất không bị ngắt ở khâu nào… thật không đơn giản. May là có cái tâm nên trời thương, kiên trí nên có thành quả, đúng như ông bà đã dạy.
– Vậy đến khi nào thì Vinaxuki mới “an cư”?
– Năm 2002, một năm đáng nhớ của chúng tôi bởi xin được đất để “an cư” là tôi quyết định thực hiện ước mơ của mình, bỏ tiền xây dựng một xưởng chế tạo ôtô. Vợ con khi ấy cũng lo, chưa hẳn đã ủng hộ, thậm chí còn bảo tôi “gàn”. Kệ! Tôi cứ làm. Nhưng mà có dễ đâu. Vẫn tại cái mác công ty tư nhân, mất ròng rã cả năm trời “chạy” thủ tục hành chính rồi mới được phê duyệt. Cuối cùng, tôi cũng được làm điều mình khao khát.
“Made in Vietnam”
– Dường như theo đuổi ước mơ cũng thật vất vả và quá tốn kém. Có người bảo thế là chơi ngông?
– Thì đúng rồi, nhưng tôi cho rằng, đấy là ước mơ của nhiều người Việt Nam, nhưng người ta không dám làm. Còn tôi thì dám mạo hiểm và nói thật là có điều kiện để đeo đuổi giấc mơ của mình. Tại sao người Việt tài giỏi, khéo tay, đất nước chúng ta có đủ nguyên liệu để làm cơ khí, sản xuất linh kiện ôtô… mà ta lại không tự mình làm lấy một chiếc ô tô? Thật ra thì hơn hai mươi năm trước, khi ấy còn là một anh kỹ sư ở Cục Ôtô, tôi đã nói đến ước mơ này, mọi người đều cười cho là “hão huyền”.
Khi đó có thể là hão huyền, nhưng bây giờ thì không. Bằng chứng là tôi đã làm ra được chiếc ô tô mang thương hiệu Việt, 3 mẫu xe du lịch tôi làm ra nội địa hóa 60-65% và tự tay tôi đã nội địa hóa được 45-48%. Là tôi tự làm lấy đấy, giá thành lại rẻ, chất lượng tốt.Tại sao người Việt Nam lại không được sử dụng những chiếc xe chất lượng tốt, giá rẻ?
– Nói đến “làm” ôtô ở Việt Nam, người ta thường nhắc đến hai cái tên: ông Dương (Trường Hải) và ông Huyên (Vinaxuki). Nhưng cũng bằng ấy thời gian, ông Dương đang có vẻ hái ra tiền, thương hiệu nổi ầm ầm trong khi ông Huyên lại vẫn đang “phá” là chính chứ chưa thu về được từ ôtô là bao nhiêu, nếu không muốn nói là lỗ?
– Đúng là bây giờ tôi chưa thu được tiền từ làm ô tô (đấy là nói làm xe du lịch, chứ xe tải tôi đang lãi rồi), nhưng tôi tin rằng, chỉ 3-5 năm nữa với sự điều chỉnh, thay đổi chính sách hợp lý từ Chính phủ, nhu cầu sử dụng ôtô tăng cao, nhất định tôi sẽ thành công.
– Ông gần như tự tay làm tất, vậy có quá ôm đồm?
– Tự tay làm thì mới yên tâm về chất lượng, nhưng quan trọng hơn là giảm được rất nhiều chi phí. Tôi tự tin rằng, mình là người Việt Nam duy nhất tự tay thiết kế xây dựng xưởng chế tạo ôtô “made in Viet Nam”. Chưa từng có ông giám đốc nào lại tự tay làm mọi thứ như tôi. Để học cái hay của thế giới, tôi đã từng ngủ qua đêm ở nhà ga Bắc Kinh, lang thang dưới cái lạnh tê tái của mùa đông ở nhà ga sân bay Pháp và những đêm màn trời chiếu đất ở những thành phố công nghiệp của Đức…
Tôi lọc lấy cái hay của công nghệ xứ người rồi áp dụng cho mình, kết hợp với sử dụng vật liệu, thiết bị, nhân công của Việt Nam nên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Chất lượng xưởng lắp ráp của tôi không thua kém bất cứ một liên doanh nào khi đó. Tôi cũng có bể sơn điện ly hiện đại không chỉ nhất ở Việt Nam mà còn được hãng Nippon (Nhật Bản) công nhận là hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á.
Bể sơn này cũng “made in Vietnam”. Khi ấy, mọi người hồ nghi lắm. Người ta không tin một ông già có vẻ bề ngoài nông dân như tôi lại có thể đầu tư nhiều thế, lại có thể làm được ô tô. Làm được tôi thực sự thấy rất vui, rất phấn khích. Tôi tự hào là người Việt. Đơn giản như tên công ty của tôi cũng vậy. Vinaxuki là cụm từ viết tắt của Việt Nam những mùa Xuân kiên cường.
Ðừng sợ tôi lừa
– Nhưng có một thực tế, đã đành là xe Vinaxuki tốt, ăn ít xăng, máy khỏe, tiêu chuẩn khí thải đạt mức châu Âu I, II, nội địa hóa cao nên giá thành rẻ… nhưng hiện xe chưa được dùng nhiều trên thị trường?
– Mọi người, kể cả gia đình cứ nghĩ, vì ước mơ hão huyền của mình mà tôi đang đốt tiền. Thật ra làm ô tô sẽ thu về được rất nhiều tiền nếu thực sự làm nghiêm túc. Chỉ là thời gian đầu tư lâu! Người tiêu dùng vẫn có tâm lý mua ôtô là mua những thương hiệu sang, giá trị lớn. Nhưng rồi tâm lý đó sẽ thay đổi. Vì sao phụ nữ Việt Nam không thể mua một chiếc ôtô nhỏ gọn, giá chỉ hơn 200 triệu đồng để đi lại cho đỡ mưa nắng, đưa đón con cho an toàn? Một chiếc xe máy nhập khẩu có giá tiền gần bằng ngần ấy rồi mà lại phải chịu mưa, chịu nắng. Còn đi ôtô của tôi giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, khí thải Euro 2, tôi lại bảo hành 3 thậm chí 5 năm, linh kiện phụ tùng thay thế do tôi sản xuất giá chỉ bằng 20% so với các thương hiệu cùng loại.
Chiếc xe Việt đầu tiên mang nhãn hiệu Vinaxuki xuất xưởng. Người đầu tiên dùng thử là tôi. Khi đi giao tiếp làm việc, để giữ hình ảnh cho đối tác tin cậy thì tôi đi loại xe sang trọng, có thương hiệu. Còn bình thường tôi sử dụng chính sản phẩm do mình làm ra, rất tự tin, rất yên tâm. Khách hàng tiếp theo là một người bạn doanh nghiệp làm đồ nhựa ở Hải Phòng, tiếp theo là một doanh nghiệp Đài Loan…
– Liệu có phải ông quá say sưa sản xuất mà quên đi mảng thương mại. Chỉ cần ví dụ ngay tại triển lãm này, gian hàng của Vinaxuki có vẻ lạc lõng và lép vế rất nhiều so với các nhà sản xuất khác?
– Là tôi chưa làm thôi. Tôi bán hàng thực chất không màu mè. Mọi thứ đều phải dần dần. Tôi đang chú trọng cho sản xuất. Cái này mới thực sự tốn kém tiền của và thời gian, chứ đầu tư cho bán hàng thì chả hết mấy. Khi nào sản phẩm bán được nhiều tôi sẽ đẩy mạnh thương mại. Khách hàng cứ yên tâm. Tôi là doanh nghiệp Việt, không bỏ chạy đi đâu mất. Tham gia triển lãm, dù chỉ còn mỗi gian hàng ngoài trời tôi cũng chấp nhận. Ít nhất, ngành ôtô vẫn có doanh nghiệp Việt tham dự cho dù là duy nhất.
Tôi mạo hiểm, nhưng tôi có niềm tin
– Ông có bao giờ ngó sang bên Trường Hải và thắc mắc vì sao họ kiếm bộn tiền còn mình vẫn lỗ?
– Ồ cũng là làm, nhưng chúng tôi làm khác nhau. Trường Hải là lắp ráp và thương mại. Con đường đó đương nhiên thu lợi nhuận nhanh. Còn tôi sản xuất từ linh kiện, phụ tùng, từ đầu tư khuôn dập thân vỏ, sơn, hàng… Vậy nên, khác nhau lắm. Và đương nhiên đường đi của tôi dài hơn, mạo hiểm hơn, nhưng chắc và chuẩn.
– Lúc này, dường như niềm tin vào ngành ôtô Việt đang tàn lụi. Một mặt, ông vẫn “kêu” về những bất hợp lý trong chính sách, nhưng vẫn không lụi tắt niềm say mê của mình?
– Chính sách của chúng ta hiện chưa khuyến khích đầu tư sản xuất ô tô trong nước, chưa khuyến khích nội địa hóa. Nhìn sang các nước trong khu vực sẽ thấy họ có chính sách khuyến khích hỗ trợ rất rõ ràng. Nội địa hóa đến đâu, thuế giảm theo đến đó… Còn ở ta thực sự là chưa hợp lý. Thuế phí nhiều quá, chiếm tới quá nửa xe, lại không có sự phân biệt phương tiện trong nước sản xuất dùng đi lại hàng ngày và xe sang trọng nhập khẩu.
Tại sao lại coi một chiếc xe giá trên 200 triệu đồng là hàng xa xỉ như một chiếc xe giá 3-4 tỷ đồng để thuế phí tính như nhau, áp dụng chính sách như nhau? Phải có chính sách hỗ trợ khuyến khích thực sự cho nội địa hóa sản phẩm. Như doanh nghiệp nội địa hóa bao nhiêu phần trăm thì giảm thuế bấy nhiều phần trăm hay có chính sách ưu đãi cho dòng xe được xác định là xe quốc gia…
Nhưng tôi cho là Việt Nam chưa làm chứ không phải là không khuyến khích phát triển ngành ôtô trong nước. Tôi tin sau khi nghe được các ý kiến phản ánh đúng đắn, tham mưu hợp lý, kịp thời, Chính phủ sẽ nhìn thấy và có các chính sách hợp lý. Tôi đặt niềm tin vào điều đó bởi phát triển sản xuất trong nước là bước đi đúng đắn, vững chắc nhất.
Tới đây, tôi vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị để có chính sách hỗ trợ cho dòng sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt phù hợp với kinh tế và giao thông đi lại tại Việt Nam. Kiến nghị này của tôi cũng rất được Bộ Công Thương ủng hộ. Nếu có sự hỗ trợ về chính sách, thuế của nhà nước, sản phẩm của tôi sẽ rẻ hơn bây giờ khá nhiều. Nhất định các sản phẩm mang thương hiệu Việt như của Vinaxuki có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
– Vậy ông có đủ sức thuyết phục ngay chính các thành viên gia đình của mình, những người cũng đang tham gia vào điều hành doanh nghiệp?
– Cũng đúng thôi, đang lỗ nên các con tôi không muốn làm. Nhưng tôi tin 3-5 năm nữa tôi sẽ lãi. Và lãi không ít. Làm ôtô kiếm tiền cũng tốt lắm. Chỉ là phải cần có thời gian!
Trên bàn làm việc của ông Huyên:
Có một chiếc đồng hồ khá lớn chạy bằng bánh răng truyền động. Bên cạnh đó là một cuốn sách cũ có nhan đề “30/4/1975, Bản anh hùng ca thế kỷ XX”. Ông bảo: “Tất cả những bánh răng truyền động phải liên kết tốt để kéo cả dây chuyền chạy. Tôi là người quản lý nên tôi muốn các bộ phận, phòng ban, phân xưởng của công ty phải hoạt động nhịp nhàng như chiếc đồng hồ. Còn cuốn sách để nuôi dưỡng ước mơ của tôi, ngay từ những ngày chạy trên chiếc xe chở bộ đội vào Nam giải phóng đất nước.
Quyết định táo bạo của ông Bùi Ngọc Huyên:
Năm1992, Đầu tư gần 10 triệu USD cho nhà máy sản xuất khuôn mẫu dập ép vỏ và đúc phụ tùng xe ô tô. Vinaxuki hiện là nhà máy ô tô duy nhất trong nước chế tạo được khuôn mẫu dập vỏ ô tô.
Năm 2003, Vinaxuki đầu tư gần 20 triệu USD một xưởng dập ép vỏ xe hiện đại. Hiện nhà máy này đã nội địa hóa được toàn bộ cabin, thùng, chassic với giá thấp hơn nhập khẩu tới 40%.
Năm 2004, Vinaxuki đầu tư hoàn thiện dây chuyền sơn nhúng điện ly, được hãng Nippon (Nhật Bản) công nhận là hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á.
Năm 2005 Vinaxuki đưa ra thị trường những chiếc xe đầu tiên với qui trình sản xuất khép kín hiện đại từ khâu làm khuôn, dập vỏ xe, hàn và sơn, công suất thiết kế 25.000 xe/năm.
Theo Thể thao văn hóa, Doanh Nhân
Xem thêm bài liên quan
- Ông chủ Vinaxuki với giấc mơ ô tô Việt còn dang dở: Sống qua ngày với 6 triệu tiền lương hưu, công xưởng giờ để nuôi gà
- Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên: “Có tiền, tôi sẽ khôi phục lại ô tô con, chỉ 6 tháng là sẽ ra mắt xe mới ngay”
- Chủ tịch hãng xe hơi Việt đầu tiên Vinaxuki: “Những người nói tôi thất bại do thiếu năng lực là không có hiểu biết”