Ít ai ngờ rằng ngôi sao Michelin – bảo chứng cho chất lượng nhà hàng và tay nghề của đầu bếp lại là “đứa con tinh thần” của một công ty sản xuất lốp xe đa quốc gia – Michelin Tyres.
Hàng năm, các đầu bếp trên khắp hành tinh đều háo hức ngóng chờ ấn bản mới của cuốn cẩm nang ẩm thực Michelin. Trong cuốn cẩm nang này, danh sách những cơ sở ăn uống tốt nhất thế giới sẽ được công bố.
Ngôi sao Michelin danh giá được coi là giải thưởng cao nhất mà một nhà hàng có thể nhận được, tương đương như giải Oscar của giới ẩm thực. Điều đặc biệt là cẩm nang Michelin và sao Michelin danh giá lại được tạo ra bởi một tổ chức không liên quan chút nào đến ẩm thực, nhà hàng – công ty lốp xe Michelin. Vậy câu chuyện thú vị này bắt đầu như thế nào?
Sự hình thành của cuốn cẩm nang và ngôi sao Michelin
Trở lại năm 1900, một vài năm sau khi anh em người Pháp là Andre Michelin và Edouard Michelin bắt đầu kinh doanh lốp xe, họ nhận ra cần phải khuyến khích mọi người ra đường du lịch thường xuyên để bán được nhiều lốp xe Michelin hơn.
Từ đây, họ nảy ra ý tưởng xuất bản cuốn sách hướng dẫn dành riêng cho những người lái xe đi du lịch. Cuốn sổ tay cung cấp thông tin cần thiết cho những chuyến hành trình qua vùng nông thôn nước Pháp, bao gồm các thông tin như bản đồ, danh sách khách sạn, nhà hàng, trạm xăng, và một số địa điểm tham quan cùng lời khuyên du lịch hữu ích. Khách du lịch mê đắm cuốn cẩm nang đến mức về sau chúng trở thành vật bất ly thân của dân du lịch châu Âu.
Ban đầu, cẩm nang được tặng miễn phí nhưng khi công ty lốp xe Michelin ngày một phát triển, họ đã bắt đầu tính phí cho các cuốn sách. Tuy nhiên, nó không mang lại nhiều lợi nhuận mà mục đích chủ yếu là xây dựng thương hiệu.
Đến thời điểm này, lý do chính khiến người lái xe tiếp tục mua sách là vì tò mò với danh sách nhà hàng và các địa điểm ẩm thực khác. Chính vì vậy mà anh em nhà Michelin cũng chuyển hướng tập trung khai thác chủ đề nhà hàng trong các ấn bản về sau.
Công ty đã tuyển dụng các nhà phê bình ẩm thực để đánh giá nhà hàng trên khắp lục địa. Họ là người có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật ẩm thực, nhiều người từng là đầu bếp và kể cả được tuyển chọn rồi họ vẫn phải vượt qua khóa đào tạo nghiêm ngặt của Michelin Guide tại Pháp.
Những thanh tra này sẽ dành hàng tháng trời để tìm kiếm những món ăn chất lượng nhất, đánh giá chúng trên các tiêu chí khắt khe và xác định xem nhà hàng có đáng để đưa vào cẩm nang hướng dẫn hay không.
Để phân cấp rõ ràng, vào năm 1931, công ty Michelin tạo ra một hệ thống xếp hạng đặc biệt cho nhà hàng bao gồm:
– 1 sao: Nhà hàng được đánh giá là có thực đơn chất lượng và chuẩn bị các món ăn theo tiêu chuẩn cao. Nếu gặp nhà hàng này trong lúc đang lái xe, bạn nên ghé qua trải nghiệm.
– 2 sao: Ngoài chất lượng hàng đầu, món ăn cũng được phục vụ theo cách độc đáo, đáng để cất công lái xe đến thử.
– 3 sao: Nhà hàng phục vụ các món ăn đặc biệt, hiếm có và được chế biến theo cách hoàn hảo. Đây không phải là một điểm bạn ghé qua khi đi du lịch mà chính là lý do để bạn đi du lịch.
Về quy trình đánh giá, Michelin Guide sẽ chọn một số nhà hàng ở một địa điểm cụ thể rồi bí mật gửi người đánh giá ẩm thực đến. Sau quá trình thanh tra đến thăm nhà hàng và thử đồ ăn, họ sẽ viết một bản báo cáo đánh giá tổng thể trải nghiệm ẩm thực. Tiếp theo, nhóm các thanh tra của Michelin cùng họp mặt để phân tích các báo cáo và thảo luận xem nhà hàng nào xứng đáng nhận sao Michelin.
Tranh cãi sao Michelin
Trong những năm gần đây, Michelin Guide gây ra một số tranh cãi trên thế giới. Một số đầu bếp và nhà phê bình ẩm thực lên án sự kiện trao sao Michelin dường như đã trở thành một sự kiện tiếp thị, nhằm truyền thông cho các đầu bếp hơn là một lễ công bố ẩm thực.
Sự nổi tiếng, uy tín và sự chú ý mà một ngôi sao Michelin đem lại khiến cho các đầu bếp và nhà hàng đôi khi cảm thấy quá nặng nề. Các đầu bếp Joël Robuchon, Alain Senderens, Marc Veyrat hay Jean-Paul Lacombe đều quyết định từ chối gắn sao Michelin trước nhà hàng của họ.
Tối 6/6, Michelin Guide đã chính thức công bố danh sách gợi ý quán ăn, nhà hàng ở Việt Nam cho năm nay. Trước kết quả từ Michelin, nhiều tranh cãi đã diễn ra.
Thực khách Xuân Thành (quận 10, TP.HCM) cho biết: “Có vẻ những người mà Michelin chọn đi đánh giá và đối tượng sẽ xem cuốn cẩm nang này là thực khách đến từ nước ngoài, vì thực tế như tại TP.HCM có rất nhiều quán ăn ngon và lâu đời nhưng không được nhắc tới”.
Tranh luận cách đánh giá của Michelin Guide
Đồng quan điểm, P.T.H. (Hà Nội), nhận định nhiều cái tên trong danh sách có hương vị không hấp dẫn. Ngoài ra, thực khách này cho rằng những thành viên trong hội đồng đánh giá sao Michelin đã hơi gấp gáp trong việc thẩm định các quán ăn tại Việt Nam.
“Với quán bún chả Hương Liên, cựu tổng thống Mỹ Obama đã đến, gia đình tôi cũng đã ăn, nhưng không ấn tượng bằng nhiều quán bún chả khác tại Hà Nội”, chị P.T.H. chia sẻ.
Thực khách này cũng cho rằng một số quán vỉa hè có tên trong cẩm nang Michelin Guide cũng không đảm bảo vệ sinh.
Mặt khác, một số ý kiến cho rằng một số nhà hàng xứng đáng được đánh giá cao hơn. Bếp trưởng một nhà hàng ở TP.HCM có tên trong danh sách đề cử Michelin cho hay số lượng nhà hàng được trao sao Michelin quá ít, khiến anh bất ngờ.
“Nếu lấy 4 nhà hàng đã được trao sao làm tiêu chuẩn đánh giá, tôi tin ở TP.HCM còn một số cái tên khác cũng đủ điều kiện như La Villa French Restaurant, Hervé Dining Room, Da Vittorio Saigon hay Esta Saigon”, vị này nói.
Bếp trưởng này cũng đặt câu hỏi về quá trình đánh giá của Michelin Guide tại Việt Nam khi nhiều nhà hàng trong danh sách Selected (Michelin đề xuất) chỉ mới mở được nửa năm.
Bà Vân Anh, đại diện đơn vị tổ chức Michelin Guide Việt Nam, khẳng định hệ thống đánh giá sao Michelin từ trước đến nay rất công bằng. Các nhà hàng đã được đánh giá công tâm dựa trên 5 tiêu chí bao gồm chất lượng sản phẩm, tài nghệ nấu ăn, sự hài hòa hương vị, cá tính của đầu bếp thể hiện qua món ăn, sự nhất quán của món ăn theo thời gian và trên toàn thực đơn.
“Việc có nhiều nhà hàng tại Hà Nội đạt sao Michelin hơn TP.HCM không nói lên ẩm thực miền nào tốt hơn. Năm sau, Michelin Guide còn về Việt Nam nữa, khi đó có thể những nhà hàng tại Việt Nam có thể được đánh giá 2 sao hoặc thậm chí là 3 sao”, bà Vân Anh cho hay.
Cơ hội nâng tầm ẩm thực Việt
Đầu bếp Sam Tran, người đạt giải đầu bếp trẻ tài năng, thành viên của nhà hàng từ nhà hàng GIA (Hà Nội) đạt một sao Michelin, xúc động bởi thành tựu trong sự kiện.
“Tôi biết ơn đồng đội đã luôn sát cánh. Việc nhà hàng được gắn sao vừa là cơ hội vừa là thách thức. Tôi và tất cả các thành viên trong nhà hàng sẽ cố gắng để mang ẩm thực Việt Nam đi xa hơn. Tôi mong muốn khách quốc tế sẽ có cái nhìn khác về ẩm thực Việt, hương vị truyền thống nhưng hiện đại hơn”, đầu bếp Sam Tran chia sẻ.
Trong buổi lễ trao giải, chủ Ănăn Saigon (TP.HCM), nhà hàng đầu tiên sở hữu một sao Michelin ở Việt Nam, chia sẻ: “6 năm trước khi tôi mở nhà hàng không dễ dàng. Trong 6 tháng đầu, khách hàng không đón nhận thực đơn của quán bởi sự mới mẻ. Tôi cùng cộng sự đã trải qua nhiều khó khăn để có được ngôi sao ngày hôm nay”.
Đại diện cả hai nhà hàng đều cho rằng việc nhận được sao Michelin là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Đây cũng là thách thức với các đầu bếp. Đồng thời, sự kiện mang đến cơ hội cho các nhà hàng mang ẩm thực Việt vươn tầm thế giới.
Ngoài ra, một số quán ăn truyền thống lâu năm tại Hà Nội và TP.HCM kỳ vọng Michelin tổ chức trao giải cho hạng mục món ăn đường phố. Bởi, hai thành phố này có những món ăn rất ngon ngoài vỉa hè. Văn hoá vỉa hè cũng là một phần bản sắc riêng của ẩm thực Việt.
Bùi Chí Thành, đại diện Phở Thìn Bờ Hồ (Hà Nội), một quán phở gia truyền lâu đời tại Hà Nội, chia sẻ: “Đa phần du khách đến Hà Nội ngoài việc thử những địa điểm du lịch, thức ăn đường phố là một thứ để níu chân du khách. Hy vọng thời gian sắp tới Michelin sẽ có thêm hạng mục ‘quán ăn đường phố’ tại Việt Nam”.
Michelin Guide là cuốn cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới, với tham vọng định vị những nhà hàng, quán ăn xuất sắc và uy tín khắp thế giới nhằm “chỉ đường” cho khách du lịch và những người đam mê ẩm thực địa phương. Tối 6/6, Michelin Guide đã chính thức công bố danh sách những nhà hàng, quán ăn đầu tiên được tuyển chọn tại Việt Nam ở khu vực Hà Nội và TP.HCM.
Sự kiện của Michelin Guide bao gồm 3 nội dung chính: Công bố danh sách nhà hàng được Michelin đề xuất (Michelin Selected); Công bố danh sách quán ăn ngon với giá cả phải chăng (Bib Gourmand); Công bố những đại diện đạt giải trong hệ thống giải thưởng đặc biệt (Michelin Guide Special Awards); Công bố danh sách nhà hàng nhận Sao Michelin (Michelin Stars).
Danh sách nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và TP.HCM được Michelin Guide vinh danh:
4 nhà hàng đạt sao Michelin: Ănăn Saigon, GIA, Hibana by Koki của Khách sạn Capella Hanoi, Tầm Vị
29 nhà hàng, quán ăn Bib Gourmand (chất lượng tốt, giá cả phải chăng):
70 nhà hàng, quán ăn Michelin Selected (được Michelin đề xuất):
Xem thêm bài liên quan
- 10 thủ thuật giúp các quán ăn, nhà hàng “Rút sạch ví” của thực khách mà họ vẫn hài lòng, mãn nguyện: Chủ kinh doanh ăn uống nên học hỏi
- “Ông trùm ăn uống” chủ chuỗi 400 nhà hàng Gogi, Kichi Kichi đổi tên sau 18 năm thành lập
- “Ông trùm ăn uống” Golden Gate đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 650 tỷ: Mỗi ngày bỏ túi 1,8 tỷ tiền lãi, mỗi tháng khai trương 6 nhà hàng mới