Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa công ty phát triển như kỳ vọng và đã để xảy ra vài sự việc rất đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ban lãnh đạo.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) – vừa có thư gửi cổ đông trước thềm phiên họp Đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra ngày 27/6 tới.
Mở đầu nội dung gửi cổ đông, Chủ tịch Hòa Bình đã đưa ra đánh giá năm 2022 và 2023 là thời kỳ khó khăn nhất của Hòa Bình trong suốt hành trình qua hơn 3,5 thập kỷ.
Ông Hải nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa công ty phát triển như chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của các cổ đông.
Đồng thời, ông xin nhận trách nhiệm của người giữ vị trí cao nhất trong doanh nghiệp khi đã để xảy ra một số sự việc rất đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình.
“Tuy vậy, tôi không hổ thẹn với chính mình hoặc bất cứ một ai khi khẳng định rằng tôi đã đem hết nỗ lực và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp công ty vượt qua mọi khó khăn trong mấy năm qua. Những quyết định của tôi trong bất cứ tình thế nào đều được đưa ra trên nguyên tắc bảo vệ cho quyền lợi cao nhất của cổ đông, dù lắm khi phải hy sinh quyền lợi của riêng mình”, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình bày tỏ.
Bên cạnh đó, ông cho biết doanh nghiệp phải lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện. Theo ông, hiện kế hoạch tái cấu trúc toàn diện đã được Hội đồng Quản trị và Ban điều hành Hòa Bình bắt tay vào triển khai.
Đến ngày 23/6, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Ông Hải khẳng định khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng. “Qua đó, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước”, ông Hải nhấn mạnh.
Với nguyên tắc thận trọng, ông cho biết đơn vị kiểm toán đã căn cứ vào tuổi nợ để xác định giá trị trích lập dự phòng nói trên.
“Thực tế trong suốt lịch sử kinh doanh của mình, Hòa Bình chưa hề xoá bất cứ khoản nợ nào. Hầu hết khoản nợ đã từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập”, ông viết rõ trong thư gửi cổ đông.
Chủ tịch Hòa Bình nhấn mạnh thời gian qua, Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ được xét xử, Hòa Bình đã thành công cả 10 vụ. Tổng giá trị Hòa Bình sẽ thu về qua kết quả xét xử cao hơn tổng nợ gốc lên đến gần 50%.
Với nhiều tín hiệu lạc quan, HĐQT Hòa Bình vẫn quyết định giữ mục tiêu doanh thu 2023 ở mức 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận là 125 tỷ đồng.
Mới đây, ông Hải vừa đề cử ông Lê Văn Nam – Tổng giám đốc Hòa Bình – và ông Mai Hữu Thung – Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thành Ngân – vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024.
Tuy nhiên, sau đó vài ngày, ông Mai Văn Thung đã xin rút khỏi danh sách đề cử và ông Hải đã đề cử ứng viên thay thế là bà Nguyễn Thị Lượt. Bà Lượt sinh năm 1976, có trình độ cử nhân kinh tế. Hiện bà đang là Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Queen Hotel.
Cùng lúc này, Xây dựng Hòa Bình vừa tiếp nhận thêm thông tin ứng viên Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024 do nhóm cổ đông nắm giữ 5,38% cổ phần tại doanh nghiệp đề cử là bà Vũ Thị Hòa (sinh năm 1960). Cá nhân này hiện làm việc tại Công ty Luật TNHH ALB & Partners.
Như vậy, danh sách ứng viên cho vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024 mới của Hòa Bình hiện gồm có ông Lê Văn Nam, bà Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hòa.
Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm gần 1.500 tỷ đồng sau kiểm toán
Sau kiểm toán, khoản lỗ ròng sau thuế của nhà thầu xây dựng này tăng thêm hơn 1.450 tỷ đồng lên mức âm 2.594 tỷ đồng. Mức lỗ này thậm chí còn giảm hơn 26 lần so với năm 2021.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mới đây đã công bố các tờ trình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 27/6.
Theo tờ trình này, công ty hiện đã có báo cáo tài chính hợp nhất 2022 đã được kiểm toán với những số liệu biến động mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần sau kiểm toán tăng 26 tỷ đồng, đạt mốc 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021.
Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đã được điều chỉnh về mức âm 2.594 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.450 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Trong khi đó, vào năm 2021, doanh nghiệp này từng báo lãi 103 tỷ đồng.
Theo tờ trình, tổng tài sản của nhà thầu xây dựng này tại thời điểm 31/12/2022 là 15.573 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với trước kiểm toán và giảm 6,05% so với năm 2021.
Vốn chủ sở hữu cũng giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với trước kiểm toán về còn 1.196 tỷ đồng, con số này giảm hơn 70% so với năm trước đó.
Sang năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu này đều giảm mạnh so với kế hoạch doanh thu thuần 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng trong năm 2022.
Cũng trong tờ trình này, Xây dựng Hòa Bình dự kiến trình đại hội về việc hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu phổ thông theo phương thức phát hành riêng lẻ. Giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, số tiền thu về tối thiểu là 3.288 tỷ đồng.
Theo đó, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.
Trong đợt mâu thuẫn nội bộ của thượng tầng Xây dựng Hòa Bình đầu năm, ông Lê Quốc Duy đã cùng ông Albert Antoine và ông Dương Văn Hùng ủng hộ ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT.
Tại đại hội sắp tới, cổ đông sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm cho bốn thành viên trên và ông David Martin Ruiz (quốc tịch Tây Ban Nha – được bầu vào năm 2022). Trong 5 thành viên này, hầu hết đều đã nộp đơn xin từ nhiệm, trừ ông Dương Văn Hùng.
Công ty dự kiến bầu bổ sung ông Lê Văn Nam – Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình và ông Mai Hữu Thung – Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thành Ngân vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- “Trung Quốc chỉ giỏi copy thôi” – Họ đang viết nên câu chuyện kỳ tích trong lĩnh vực máy tính lượng tử, mạng 5G, AI, thương mại điện tử, ô tô điện, kính viễn vọng,…
- Từ 100 đến 20.000 Taxi điện: Nhìn lại những cột mốc ghi dấu ấn cho tốc độ tăng trưởng “Thần tốc” của xu hướng dịch chuyển Taxi “bỏ xăng sang điện” tại Việt Nam
- VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và câu chuyện “Mãnh long quá giang”: Từ bãi đầm lầy ven biển Hải Phòng đến loạt kỳ tích vươn ra Thế giới