Giám đốc điều hành Apple Tim Cook được biết đến là một người có khả năng ngoại giao xuất sắc và điều đó đã được thể hiện đầy đủ trong “mối quan hệ tay ba” giữa Mỹ và Trung Quốc – giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới mà công ty đang hưởng lợi.
Apple và “mối quan hệ tay ba” giữa Mỹ và Trung Quốc
Kể từ khi Timothy D. Cook tiếp quản Apple từ người đồng sáng lập Steve Jobs vào năm 2011, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu người đàn ông 57 tuổi này có thể tái tạo được sự kỳ diệu giống như việc người tiền nhiệm đã tạo ra iPod và iPhone hay không.
Qua thời gian, Tim Cook đã có một sự đột phá, nhưng nó không đến từ một công cụ, hay thiết bị cụ thể mà đến từ một vùng địa lý: Trung Quốc.
Theo CNBC, dưới sự lãnh đạo của Cook, hoạt động kinh doanh của Apple tại Trung Quốc phát triển từ vị thế non trẻ thành một đế chế với doanh thu hàng năm khoảng 50 tỷ USD. Nếu con số này không cụ thể, hãy hình dung nó bằng doanh thu của một phần tư số công ty có trên toàn thế giới.
Đặc biệt, điều này được thực hiện trong hoàn cảnh Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát Internet và đóng cửa một loạt các công ty công nghệ khác của Mỹ.
Tuy nhiên, thành công cũng đẩy Tim Cook vào một tình thế khó khăn, khi phải tìm cách chèo lái con thuyền Apple sinh tồn giữa chính phủ của hai quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bởi nếu có một cuộc chiến thương mại xảy ra, Apple và ông có rất nhiều thứ để mất. Công ty hiện có 41 cửa hàng và hàng trăm triệu iPhone được bán ra ở Trung Quốc, chưa kể hệ thống sản xuất và nhà cung cấp lớn đặt tại quốc gia này. Có thể nói rằng hiện không có công ty nào của Mỹ thành công tại Trung Quốc, được như Apple.
Trước đây, Tim Cook đã đến phòng Bầu dục để cảnh báo tổng thống Donald Trump rằng những “cuộc nói chuyện khó khăn” với Trung Quốc trong vấn đề thương mại có thể đe dọa vị trí của Apple trong nước.
Trước đó hồi tháng 3, tại một cuộc họp lớn ở Bắc Kinh, ông kêu gọi “những người đứng đầu bình tĩnh” để cùng nghiên cứu cách thức giúp Mỹ – Trung cùng tiến lên về mặt kinh tế.
Tuy nhiên mới đây, trái với mong đợi, chính quyền Trump cho biết có thể sẽ áp thuế bổ sung với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ nói đây là động thái nhằm đáp trả việc Trung Quốc áp thuế quan lên 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Trong khi đó, kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng Mỹ mà Bắc Kinh đưa ra là nhằm đáp trả việc ông Trump đã quyết định đánh thuế 50 tỷ USD hàng Trung Quốc ngay trong tuần trước đó. Trước những động thái “ăn miếng trả miếng” thương mại liên tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, Apple bị kẹt ở giữa.
Một nguồn tin từ phía chính quyền cho biết Mỹ sẽ không đặt thuế trên iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc. Nhưng điều này không cản được việc Apple lo lắng Trung Quốc sẽ trả đũa theo những cách khác, làm xáo trộn hoạt động kinh doanh của hãng.
Bởi thứ công ty lo ngại là “bộ máy quan liêu của Trung Quốc”, nghĩa là chính phủ nước này có thể gây ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và tăng việc giám sát các sản phẩm của Apple dưới vỏ bọc các vấn đề an ninh quốc gia, một nguồn tin thân cận với công ty chia sẻ.
Cũng có lo ngại rằng Apple có thể phải đối mặt với những khó khăn về pháp lý, giống như Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã phải đối mặt khi muốn bán điện thoại và thiết bị viễn thông tại Mỹ.
Những lý do trên khiến cho giám đốc điều hành của Apple và đội ngũ nhân sự đặc biệt của mình ở hai thành phố Bắc Kinh và Washington, đang phải căng sức làm việc để giữ được mối quan hệ tốt với cả hai chính phủ. Một bên, Apple thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền và người lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, trong một nỗ lực được gọi tên là Red Apple (Táo đỏ – với màu đỏ tượng trưng cho chính quyền Trung Quốc). Đồng thời, Tim Cook cũng “nói khó” với Nhà Trắng để tổng thống Trump hiểu rằng một cuộc chiến thương mại là điều xấu cho nền kinh tế, cũng như thứ tệ hại cho Apple.
Tim Cook, người biết một chút tiếng Quan thoại, đã tham dự các sự kiện chính trị lớn nhất của Trung Quốc trong một năm vừa qua, quãng thời gian được xem là quan trọng đối với ông Tập Cận Bình.
Vài ngày sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, với quyết định sẽ đưa tư tưởng và tên của vị chủ tịch này vào hiến pháp, nâng ông lên cùng vị thế như Mao Trạch Đông, Tim Cook đã tham dự một cuộc họp nhỏ với các quan chức lớn của Mỹ và Trung Quốc, để nghe ông Tập giảng về “sự đổi mới và cải cách”.
Sau đó, CEO của Apple tham dự Hội nghị Internet toàn thế giới của Trung Quốc, một nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tạo ra hội nghị giống như Davos (Diễn đàn kinh tế thế giới) về công nghệ. Vào tháng 3, Tim Cook tiếp tục tham dự một cuộc họp thượng đỉnh lớn, nơi tập hợp các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc.
Có thể nói, Tim Cook từ lâu đã bảo vệ sự hiện diện của Apple tại Trung Quốc như một cách để giúp thay đổi đất nước này từ bên trong. Chia sẻ tại một sự kiện ở Trung Quốc hồi tháng 12/2017, ông nói: “Mỗi quốc gia trên thế giới đều quyết định luật pháp và các luật lệ của họ.
Vì vậy, lựa chọn của bạn là: Có tham gia không hay chỉ đứng bên cạnh và la hét rằng mọi thứ phải nên thế này hoặc thế kia. Bạn phải bước vào đấu trường, bởi vì sẽ không có gì thay đổi nếu chỉ đứng bên lề”.
Còn với bộ máy quyền lực ở Washington, ông cũng dành nhiều thời gian để tới thăm Nhà Trắng và trò chuyện cùng Donald Trump, cùng cố vấn kinh tế hàng đầu Larry Kudlow. CEO của Apple thường bắt đầu bằng cách hoan nghênh các quy tắc thuế doanh nghiệp mới và nhắc nhở tổng thống Mỹ rằng công ty sẽ đóng góp 350 tỷ USD cho nền kinh tế trong năm năm tới, theo một người quen thuộc với Tim Cook chia sẻ.
Sau đó, ông sẽ chuyển sang giải thích lý do tại sao mình nghĩ rằng một cuộc chiến thương mại sẽ đảo ngược sự tiến bộ của luật thuế mới. Tiếp đó là việc thuyết phục tổng thống rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã bị thổi phồng vì những sai sót trong cách tính toán.
“Ông ấy (Tim Cook) rất hữu ích trong việc đưa ra một số gợi ý và tôi cũng có thể nói thêm là ông ấy yêu thích việc cắt giảm và cải cách thuế”, Kudlow chia sẻ. “Apple sẽ xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất, bổ sung việc làm, thêm nhiều khoản đầu tư kinh doanh. Đó là những điểm đầu tiên ông ấy làm cho tổng thống Trump”.
Theo một nguồn tin quen thuộc, ngoài tổng thống Mỹ, CEO của Apple cũng tiếp cận với các thành viên nội các trong chính quyền Trump nhiều hơn so với thời Obama, ví dụ Kudlow, rồi Steven Mnuchin, Bộ trưởng tài chính và cả Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại.
Trên thực tế, theo một số chuyên gia phân tích, sự “năng nổ” của Tim Cook và Apple một phần xuất phát từ các bài học trong quá khứ. Năm 2014, chính quyền Obama truy tố 5 tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc với tội danh do thám mạng của 6 công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, sản xuất kim loại và các sản phẩm năng lượng mặt trời.
Vài tháng sau đó, Trung Quốc đã trì hoãn việc phát hành iPhone 6 với các lý do cần thêm các đánh giá bảo mật. Theo một nguồn tin từ người quen thuộc với Apple, công ty đã nhận thức được rằng đây là một động thái trả đũa.
Vào năm 2016, chính quyền nước này đột nhiên loại bỏ iTunes Movies và iBooks Store của Apple. Bắt đầu từ đó, Tim Cook thường xuyên thực hiện các chuyến thăm tới Trung Quốc.
Apple sau đó thành lập hai trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc, đầu tư 1 tỉ USD vào công ty vận hành dịch vụ chia sẻ xe buýt Didi Chuxing. Công ty cũng tuân thủ quy định lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc và loại bỏ một số ứng dụng nhất định khỏi App Store theo yêu cầu của chính quyền, trong đó chủ yếu là các ứng dụng cho phép người dùng nước này tiếp cận Facebook và Twitter.
Nhưng “bóng ma” về sự trả thù của Trung Quốc đối với Apple đã quay trở lại gần đây, kể từ khi chính quyền Mỹ nhắm vào ZTE vì đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Sau đó là việc nhắm vào công ty viễn thông lớn của Trung Quốc là Huawei, khi gây áp lực để ngăn chặn thỏa thuận trong đó cho phép AT&T sẽ bán điện thoại của hãng này ở Mỹ.
Gene Munster, một nhà phân tích cho biết: “Tim Cook sẵn sàng sử dụng một khuôn mặt dũng cảm khi làm việc với chính quyền Trump bởi vì Apple có thể bị đe dọa nhiều hơn bất kỳ công ty công nghệ nào khác khi đề cập tới Trung Quốc và các vấn đề thuế quan”.
Tim Cook khiến ‘kẻ nổi loạn’ như Elon Musk cũng phải xuống nước
Quan hệ giữa Elon Musk và Apple đi “tàu lượn” vào tuần trước. Ông chủ mới của Twitter khởi đầu một tuần bằng hàng loạt tweet chỉ trích Apple và Tim Cook dừng quảng cáo, gợi ý họ “ghét tự do ngôn luận”.
Đối với Apple, đây là một thảm họa PR khi Musk kích động “đội quân” người theo dõi bắt đầu “cuộc cách mạng chống kiểm duyệt trực tuyến tại Mỹ” và kêu gọi Apple “công khai mọi hành động kiểm duyệt đã thực hiện gây ảnh hưởng đến khách hàng”.
Musk còn khẳng định Apple “dọa rút Twitter khỏi App Store” mà không giải thích lý do. Thay vì tham gia vào một trận chiến trên mạng trước công chúng, đích thân Tim Cook mời Musk đến Apple Park để gặp mặt. Sau đó, Musk lên Twitter cảm ơn CEO Apple vì cuộc họp và chuyến đi quanh trụ sở. Ông còn nói thêm tất cả chỉ là “hiểu nhầm”.
Tờ Financial Times đã nói chuyện với “cựu binh hơn 10 năm tại Apple” về năng lực xoa dịu một người như Musk của Cook.
“Tôi dám chắc Tim đã ‘bỏ bùa’ Cook. Ông ấy muốn lắng nghe Musk. Tôi cũng chắc chắn Tim đưa ra quan điểm của mình. Đó là điều Tim làm: xắn tay áo và giải quyết các vấn đề. Ông ấy không tham gia vào các tranh cãi công khai, dù đó là tranh chấp PR hay thứ gì đó tranh cãi hơn. Nó không phải phong cách của ông ấy. Ông ấy không giống như Elon”, người này chia sẻ.
Một tuần sau khi ông Joe Biden nhậm chức, Cook viết thư ca ngợi hành động bảo vệ người nhập cư của tân Tổng thống Mỹ. Cũng chính sự khôn khéo này mà ông được mời đến bữa tối tại Nhà Trắng vinh danh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đồng sáng lập Apple Steve Wozniak nói thêm rằng, “kỹ năng tốt nhất của Cook chỉ là thấu hiểu nhu cầu được quan tâm của tất cả mọi người” và không đặc biệt thích gì.
John Sculley, CEO Apple trước khi Steve Jobs quay về, giải thích rõ hơn: “Nghìn tỷ đầu tiên đến từ Jobs và Ive, nghìn tỷ tiếp theo đến từ những gì Tim Cook đã làm. Ông ấy làm điều đó một cách âm thầm, không gây chú ý cho bản thân nhưng xuất sắc. Khi cầm iPhone trên tay, cái tên xuất hiện trong tâm trí bạn ngay lập tức là Steve Jobs và Jony Ive, song những cống hiến của Tim Cook cũng tương tự”.
Trong 5 năm qua, chủ nghĩa thực dụng của Cook đã giúp Apple tránh bị đánh thuế dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump; những lập luận về quyền riêng tư của người tiêu dùng đã giúp ông có được đồng minh ở Brussels trong bối cảnh tâm lý phản đối công nghệ đang lan rộng; các khoản đầu tư của Apple vào Trung Quốc cho phép hoạt động sản xuất hầu như hoạt động tốt trong thời kỳ đại dịch.
Năng lực của Cook cũng được một nhân vật nổi tiếng công nhận. Khi Apple trong tay Jobs, Warren Buffet chưa từng đầu tư vào công ty. Song, ông hiện là cổ đông lớn nhất của “Táo khuyết” với 140 tỷ USD cổ phần, tương đương hơn 40% danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway.
Dù đã trấn áp được một “kẻ nổi loạn” như Musk, Financial Times lại lưu ý Cook chưa xử lý được khủng hoảng lớn nhất hiện nay của Apple. Đó là Apple lệ thuộc vào Trung Quốc và bị ảnh hưởng sâu sắc trước các hỗn loạn thời gian qua tại “thành phố iPhone” Trịnh Châu.
Một bài báo mới trên Thời báo Phố Wall cho biết Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc sang những nước như Việt Nam, Ấn Độ. Song, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với “Táo khuyết” xét về doanh số iPhone.
iPhone chiếm chưa tới 1/5 doanh số smartphone toàn cầu nhưng “bỏ túi” 80% lợi nhuận thị trường. Dưới thời của Cook, vốn hóa Apple tăng thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD.
Hoạt động sản xuất trơn tru là động lực tăng trưởng hai thập kỷ qua tại Apple, trong đó Trung Quốc phụ trách 95% sản lượng iPhone. Với những gì đang diễn ra ở Bắc Kinh, các nhà đầu tư đặt câu hỏi về Kế hoạch B của CEO Tim Cook.