Elon Musk đính chính việc Twitter có khả năng bị xóa khỏi App Store chỉ là hiểu nhầm, và đã được giải quyết sau một cuộc gặp trực tiếp với Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple.
“Tim nói rõ rằng Apple chưa bao giờ cân nhắc làm như vậy”, ông chủ Twitter cho biết trong một bình luận ngày 30/11.
Trong một bài đăng trên trang cá nhân, tỷ phú này còn đăng video quay khuôn viên trụ sở Apple và nói lời cảm ơn Tim Cook đã đưa ông đi thăm “trụ sở tuyệt đẹp của Apple”.
Thanks @tim_cook for taking me around Apple’s beautiful HQ pic.twitter.com/xjo4g306gR
— Elon Musk (@elonmusk) November 30, 2022
Mới 2 ngày trước, Musk cáo buộc Apple đe dọa xóa Twitter khỏi App Store mà không nói rõ lý do. “Apple đe dọa bỏ Twitter trên kho ứng dụng App Store, nhưng không giải thích lý do”, tỷ phú tỏ ra bức xúc trên Twitter.
Tỷ phú sở hữu Twitter và Tesla còn “nhắc nhở” người dùng rằng mỗi khoản thanh toán trên App Store đều phải gánh thêm 30% “thuế Apple”, và đăng ảnh thể hiện là sẽ “chiến tranh” với Apple thay vì phải chịu mức thuế này.
Ông chủ Twitter còn đánh dấu trực tiếp Tim Cook vào bài đăng, hỏi “chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?”. Thậm chí Musk còn nói rằng Apple có thể “có thù với tự do ngôn luận” khi tìm cách bài trừ Twitter bằng cách gỡ khỏi kho ứng dụng và ngừng quảng cáo trên mạng xã hội này.
Dù vậy, cả Tim Cook và Apple đều không trả lời các bài đăng của Elon Musk.
Apple nổi tiếng là mạnh tay trong việc “thu thuế” cũng như kiểm duyệt nội dung App Store. Vào năm 2021, Epic Games, nhà phát hành tựa game Fortnite, nảy sinh tranh cãi và kiện tụng với Apple vì khoản thuế 30%. Hãng game sau đó thua kiện và Fortnite bị gỡ khỏi App Store.
Đầu năm nay, Apple cũng gỡ một nền tảng mạng xã hội, Parler, khỏi kho ứng dụng vì cho rằng nền tảng này không kiểm duyệt các nội dung kích động bạo lực liên quan đến vụ bạo loạn vào tháng 1/2021 ở Đồi Capitol.
Trước khi Elon Musk và Tim Cook “bắt tay giảng hòa”, các chuyên gia cho rằng có thể Apple đang muốn né tránh Twitter vì các chính sách kiểm duyệt nội dung “thoáng” của Musk.
Từ khi tiếp quản, ông chủ Twitter đã cắt giảm nhiều nhân sự ở mảng kiểm duyệt thông tin, nói rằng định hướng của Twitter là “tự do” và ân xá cho nhiều tài khoản đăng các nội dung kích động hoặc thù ghét. Trong số đó có tài khoản của Donald Trump và Kanye West. Theo TechCrunch, kể từ khi Musk tiếp quản, ngôn từ kích động và thù địch trên Twitter gia tăng.
Twitter không bị xóa khỏi App Store, nhưng cả Musk và Apple đều không đề cập đến việc Apple có tiếp tục quảng cáo trên nền tảng này hay không.
Apple không phải nhà quảng cáo duy nhất đang né tránh Twitter do lo ngại nội dung độc hại trên Twitter. Các nhà quảng cáo đã rời bỏ Twitter còn bao gồm Audi, Ford, General Motors, General Mills, Pfizer, đại lý quảng cáo của Coca-Cola, Unilever và Google.
Những ngày qua, ông chủ mới của Twitter liên tục chỉ trích Apple về mức chiết khấu 30% đối với các ứng dụng trên App Store. Theo The Verge, chưa rõ cuộc trao đổi giữa hai CEO có liên quan đến vấn đề thu phí của App Store hay không, nhưng Musk đã xóa thông điệp chọn “tham chiến” thay vì trả tiền cho Apple.
Động thái mới diễn ra bốn ngày sau khi ông công kích nhà sản xuất iPhone. “Apple dọa gỡ Twitter khỏi App Store, nhưng không cho chúng tôi biết lý do”, tỷ phú Mỹ đăng trên mạng xã hội ngày 28/11. “Có phải họ ghét tự do ngôn luận ở Mỹ?”.
Elon Musk bị tố nói dối về việc Apple ngừng quảng cáo
Đầu tuần này, Musk cũng nói Apple gần như ngừng quảng cáo trên nền tảng. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ công ty phân tích quảng cáo kỹ thuật số Pathmatics, Apple vẫn chi 84.615 USD cho Twitter trong ngày 28/11. Một ngày trước đó, số tiền còn nhiều hơn là 104.867 USD.
Trong tháng 11, nhà sản xuất iPhone đã chi 1.005.784 USD cho quảng cáo trên Twitter, còn ngân sách tháng 10 là 988.523 USD. Khoản chi của Apple hai tháng qua chỉ thấp hơn mức cao bất thường trong mùa hè, với 2 triệu USD vào tháng 7 và 3,3 triệu USD vào tháng 8.
“Bất chấp nhận định Twitter không an toàn dưới thời Musk, Apple vẫn là một trong số ít công ty đi ngược xu hướng khi tăng chi tiêu quảng cáo trên nền tảng những ngày qua”, Angelo Carusone, Chủ tịch Media Matters, đơn vị ủy thác báo cáo của Pathmatics, cho biết.
Theo Gizmodo, thực hiện chiến dịch truyền thông chống lại nhà quảng cáo đem lại nguồn thu hàng đầu là quyết định mạo hiểm, nhất là khi hoạt động quảng cáo chiếm 90% doanh thu của công ty.
Từ khi Musk tiếp quản Twitter cuối tháng 10, nhiều nhà quảng cáo đã rời đi do lo ngại những bất ổn do tỷ phú gây ra.
Theo Media Matters, một nửa trong số 100 nhà quảng cáo hàng đầu của Twitter đã dừng chi tiêu trên nền tảng kể từ khi tỷ phú Mỹ nắm quyền, như Audi, Pfizer, General Motors, Volkswagen… Sau khi ông khôi phục tài khoản cho cựu tổng thống Mỹ Donal Trump, lãnh đạo cấp cao của Apple là Phil Schiller cũng đã đóng tài khoản hơn 200.000 người theo dõi.
Trong vài tuần đầu tiên điều hành Twitter, Musk đã làm nhiều việc khiến các nhà quảng cáo lo lắng. Ông bắt đầu bán dịch vụ xác minh tài khoản, dẫn đến việc xuất hiện hàng loạt tài khoản mạo danh, điều khiến nhiều thương hiệu kinh hãi.
Musk cũng đã cắt giảm các nhóm nhân viên chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trên nền tảng cũng như hầu hết nhân viên bán hàng của công ty. Kết quả là, trong một số trường hợp, các khách hàng lâu năm phàn nàn rằng họ không còn ai để gọi khi cần hỗ trợ.
Musk cũng đã tuyên bố “ân xá” hàng loạt cho các tài khoản bị cấm, đồng nghĩa với việc trả lại hàng chục nghìn người dùng gây tranh cãi, nhiều người trong số họ đã khiến cuộc sống trên nền tảng trở nên khốn khổ đối với những người dùng khác. Nói rộng hơn, Musk đang hướng Twitter tập trung vào mục tiêu bán thuê bao thay vì tập trung vào quảng cáo như trước đây.
Điều này khiến toàn bộ các nhà quảng cáo lớn xa lánh họ, quyết định rút lui khỏi nền tảng này, một phần vì sự thận trọng và cảm giác “an toàn cho thương hiệu” nhưng cũng một phần nữa bởi vì, trong kế hoạch quảng cáo trực tuyến lớn của họ, Twitter cũng… không quan trọng lắm. Trong số các công ty giảm chi tiêu có Apple, được cho là nhà quảng cáo lớn nhất của Twitter trong những quý gần đây.
Tuy nhiên, điều này không đủ để giải thích tại sao Musk lại nói một cách hoa mỹ về “trận chiến vì tương lai của nền văn minh” và về việc tạo ra một “chiếc điện thoại thay thế” để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Apple không chỉ là một nhà quảng cáo lớn – mà còn là một công ty có ít nhất một số quyền kiểm soát về mặt lý thuyết đối với hầu hết các khía cạnh kinh doanh của Twitter.
Apple quyết định ai có quyền truy cập vào App Store, qua đó người dùng Twitter trên iPhone và iPad có quyền truy cập vào ứng dụng của nền tảng truyền thông xã hội này. Apple cũng tính phí hoa hồng khi mua hàng trong ứng dụng, nghĩa là bất kỳ hoạt động kinh doanh đăng ký nào trong tương lai cho Twitter sẽ phải tính đến khoản phí 30% của Apple. Các nền tảng truyền thông xã hội có các quy tắc về loại nội dung mà người dùng có thể đăng tải. Apple cũng có các quy tắc riêng.
Ví dụ, nguyên tắc trên App Store của Apple cấm nội dung “có thể phản cảm”. “Các ứng dụng không được bao gồm nội dung gây khó chịu, thiếu nhạy cảm, khó chịu, rùng rợn…”. Apple thừa nhận rằng nội dung do người dùng tạo đưa ra “những thách thức cụ thể” và giải quyết chúng bằng cách nhấn mạnh rằng các mạng xã hội và ứng dụng tương tự phải triển khai các phương pháp chặn và báo cáo nội dung phản cảm cũng như một số loại phương pháp để lọc nội dung đó ngay từ đầu.
Một Twitter không đủ nhân lực hoặc cố ý không kiểm duyệt nội dung sẽ vi phạm các quy tắc này và lịch sử cho thấy, Apple từng cấm các ứng dụng của các công ty thậm chí lớn hơn Twitter.
Người đứng đầu bộ phận tin cậy và an toàn cuối cùng của Twitter (người không còn ở công ty) đã viết về kinh nghiệm của mình khi đối phó với Apple và Google trên tờ New York Times như sau: “Các hướng dẫn của Apple dành cho các nhà phát triển là hợp lý và rõ ràng. Trong thực tế, việc thực thi các quy tắc này là rất khó khăn”.