Shark Hưng cho biết đọc sách là cách tốt nhất để đưa bản thân thoát khỏi những vụn vặt của đời sống.
Shark Hưng cho biết các bạn đam mê khởi nghiệp nên chia sách làm 3 nhóm: Nhóm sách tạo động lực và kỹ năng sống, Nhóm sách quản trị và Nhóm sách chuyên ngành. “Người Israel đang dẫn đầu thế giới, với 60 cuốn sách/người/năm. Đứng thứ 2 hoặc 3 là người Nhật, khoảng 40 – 50 cuốn/năm. Người Việt Nam chúng ta đọc 8 cuốn/năm…”, Shark Hưng nói.
Trò chuyện với Trí thức trẻ, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group chia sẻ về cách đọc sách và những đầu sách nên đọc.

Nói về các cuốn sách “gối đầu giường” cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, Shark Hưng cho rằng nên chia sách ra làm 3 nhóm:
1. Những cuốn sách tạo động lực và kỹ năng sống:
Gồm những cuốn sách rất kinh điển như Đắc nhân tâm, Nhà giả kim, 7 thói quen của những người thành đạt, Cha giàu cha nghèo.
“Mỗi nhóm sách bạn nên có 5 – 10 cuốn. Chứ không thể nói đọc một cuốn nào sẽ thay đổi cuộc đời được“, Shark Hưng nói.
2. Những cuốn sách liên quan đến quản trị:
Ví dụ Từ tốt đến vĩ đại, các cuốn về Marketing của Philip Kotler – đấy là những cuốn rất kinh điển phải đọc. Ngoài ra còn các cuốn về thuật quản trị, thuật dùng người…
3. Nhóm sách chuyên ngành
Shark Hưng lấy ví dụ ông làm bất động sản thì phải đọc rất nhiều sách liên quan đến bất động sản trong nước và quốc tế.
Với 3 nhóm sách trên, ông khuyến nghị mỗi nhóm các bạn trẻ đọc ít nhất 5 – 10 cuốn.
“Không nhiều đúng không? Người Israel đang dẫn đầu thế giới, với 60 cuốn sách/người/năm. Đứng thứ 2 hoặc 3 là người Nhật, khoảng 40 – 50 cuốn/năm. Người Việt Nam chúng ta đọc 8 cuốn/năm, trong đó ít nhất 5 – 6 cuốn liên quan đến sách giáo khoa…”
“Đấy là tính trung bình đầu người. Các bạn phổ thông đi học có thể đọc nhiều hơn, nhưng tính trung bình ra con số ấy bởi có người không đọc gì cả. Văn hóa đọc của chúng ta có vấn đề. Mặc dù vẫn nói chúng ta là những người yêu sách, nhưng sách để trưng bày là chính, chứ đọc thì tôi nghĩ thực tế không nhiều“, Shark Hưng nói.
Ông cũng cho rằng đọc sách không chỉ dừng lại ở việc đọc, mà còn phải ghi chép và ứng dụng được.

Nên ĐỌC sách chứ không nên NGHE sách
Vị cá mập của chương trình Shark Tank Việt Nam cũng khuyên các bạn trẻ nên học văn hóa đọc , và hạn chế văn hóa nghe nhìn.
Ông Hưng phân tích, khi tiếp thu kiến thức từ “nghe – nhìn”, khu vực não bộ xử lý thông tin nằm ở vùng não khác, khác với việc xử lý thông tin từ “đọc”.
“Bạn có thể hình dung đọc là sự ghi nhận. Khi bạn đọc, ngôn ngữ, kiến thức vang trong đầu bạn. Nghe và nhìn là từ ngoài đưa vào. Đọc là từ bên trong ra. Cho nên, sự kích hoạt của não khi “đọc” sách khác hơn rất nhiều so với “nghe” và “nhìn””, Shark Hưng phân tích.
Tại sao bận rộn đến mấy tôi cũng phải đọc sách? Không đọc sách, xin bạn đừng than trách khi cuộc sống ngày một buồn khổ
(1)
Tôi có thói quen đọc sách. Hàng ngày, trong khoảng thời gian ngồi trên xe buýt để di chuyển từ nhà đến công ty, tôi luôn lấy ra một cuốn sách trong balô, nghiền ngẫm và đắm mình trong đó, cảm thấy tâm hồn thư thái như được thoát li khỏi bầu không khí ồn ào, huyên náo của thực tại.
Bản thân tôi luôn coi việc đọc sách là một việc đơn giản. Không cần phải chào hỏi hay trò chuyện xã giao với bất kì ai, mình chỉ cần đọc và học những gì mình thích. Bạn có thể tùy ý mở ra, đóng lại một cuốn sách mà không cần suy nghĩ quá nhiều. Những cuốn sách tựa như cánh cổng tri thức luôn rộng mở chào đón chúng ta và tuyệt nhiên không hể níu kéo khi chúng ta rời đi.
Đọc một cuốn sách tốt hơn việc đi tán gẫu trên mạng xã hội. Chúng ta có cơ hội học hỏi một người thầy vĩ đại hay các vị học giả nổi tiếng mà không cần gặp mặt trực tiếp để làm phiền họ. Mở cuốn sách, ta như đang bước qua một cánh cửa. Lật giở từng trang sách, ta như đang từng bước trải nghiệm xứ sở đằng sau cánh cửa ấy.
Nếu như chúng ta luôn đòi hỏi bản thân phải chu toàn trong đối nhân xử thế, thì đọc sách không chỉ giúp ta mở mang vốn hiểu biết, tầm nhìn và tư duy suy nghĩ, mà còn đem đến sự thư thái tự do, không vướng bận phiền muộn.

(2)
Một người hiện đang đi làm xa nhà, sống cuộc đời vất vả. Mỗi khi nghỉ lễ, nhìn bạn bè đồng nghiệp xúng xính đi du lịch khắp nơi, gặp gỡ nhiều người, trải nghiệm nhiều thứ, còn mình thì chỉ ở nhà với bốn bức tường, anh ấy luôn đem lòng ngưỡng mộ người khác và cảm thấy tự ti về bản thân.
Sau này, anh ấy lại có sở thích đọc sách. Trong sách có cả một thế giới mà chẳng cần phải bước chân ra khỏi nhà. Bằng kinh nghiệm và lăng kính của tác giả, đi theo dấu chân kẻ lữ hành, anh được trèo đèo lội suối, băng rừng vượt sông để thấy vẻ đẹp hũng vĩ, tráng lệ của quê hương.
Đọc sách để hiểu chuyện đời chuyện người, cảm nhận và chiêm nghiệm những triết lý được cô đọng trong tác phẩm. Bản thân như được chắp thêm đôi cánh bay lượn tự do giữa bầu trời, vượt qua giới hạn không gian và thời gian, nhìn về quá khứ mà thấy được tương lai. Tất cả đều không tốn một xu nào.
Có lẽ, bạn rất muốn được tự mình đi đến nơi đó, nhưng lại có nhiều điều đang cản bước. Vậy thì hãy mạnh dạn tham gia vào chuyến du lịch 0 đồng bằng những quyển sách. Bất cứ lúc nào sách cũng có thể dẫn bạn vào một thế giới mới, được in dấu chân trên mọi hành trình và kết giao với các bậc hiền triết của nhân loại.
(3)
Một người bạn của tôi hiện nay đã có gia đình, cả ngày chỉ quanh quẩn chuyện bếp núc bữa ăn. Mặc dù tất bật như vậy, nhưng cô ấy vẫn không hề từ bỏ thói quen đọc sách mỗi ngày. Lúc đầu, cô ấy từng bị nhiều người nhìn với ánh mắt khinh thường, thậm chí bị gán cho cái mác “làm màu“. Họ không hiểu cô ấy thu được những gì từ việc đọc sách.
Nhưng cô ấy lại ý thức rõ việc đọc sách ảnh hưởng lớn đến cô thế nào. Nhờ đọc sách, cô không còn tha thiết hư vinh, sinh lòng đố kị hay tự ti khi bị người khác chê cười. Từ một con người thích khoe khoang, hào nhoáng, cô trở thành người khiêm tốn, biết chừng mực. Từ một con người luôn rối lên mỗi khi gặp chuyện hay lúc nào cũng tính toán chi li, cô học được cách sống thanh thản, bao dung với thái độ lạc quan.
Cùng đối mặt công việc phức tạp nhưng mỗi người lại có những tâm thế khác nhau. Sống trong cùng một gia đình nhưng tình cảm tư tưởng của mỗi người cũng khác nhau. Mỗi đứa con, cho dù cùng được hưởng điều kiện nuôi dưỡng như nhau, thì cũng sẽ phát triển theo cách không ai giống ai. Đọc sách chính là cách khơi nguồn ra sự đặc biệt đó, cũng là cách đưa bản thân giải thoát khỏi những vụn vặt của đời sống.

(4)
Sau này lớn lên, chúng ta sẽ hiểu được sự hữu dụng của việc đọc sách. Ban đầu tôi đọc sách chỉ để nâng cao khả năng viết lách, nhưng dần dần sách lại trở thành người bạn thân thiết gắn bó với tôi.
Trong những trang sách, ta sẽ tìm thấy những niềm vui thuần khiết và trong sáng. Sách vừa là tấm gương phản chiếu chúng ta, lại cũng vừa là người thầy dạy dỗ bảo ban chúng ta sống tốt hơn. Sách sẽ giúp ta xua tan mây đen u tối những khi ta mất phương hướng để đưa ta tới ánh sáng nơi cuối con đường – ánh sáng của hạnh phúc đề huề, của sự hài lòng và tin tưởng.
Sách giúp chúng ta thỏa thích khám phá thế giới xung quanh mà chẳng tốn chi phí đắt đỏ. Tất cả được vẽ nên bằng một cuộc phiêu lưu qua những con chữ. Vượt lên sự chật chội của không gian sống, chúng ta vẫn sẽ nhìn thấy một thế giới rộng lớn với tầm nhìn rộng mở.
Sách giúp chúng ta được gặp gỡ với muôn vàn chúng sinh và gặp lại cả chính mình giữa trời đất bao la. Mỗi ngày ta đều phải đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền, và sách sẽ cung cấp cho ta đủ dũng khí để không bị cuốn theo những cám dỗ, cạm bẫy ngoài kia. Chúng ta sẽ trở nên thông suốt và ung dung, không mơ tưởng hão huyền, cũng không lươn lẹo lọc lõi.
Vì sao phải đọc sách? Vì đọc sách là để trở thành một con người có lòng bao dung độ lượng, biết suy xét kĩ càng, sống có trước có sau và còn để nhìn thấy một phiên bản tốt hơn của chính mình trong đó.
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Giải mã bí thuật đọc sách không “rơi rụng” thông tin của tỷ phú Bill Gates dù đọc 3 giờ mỗi ngày, 1 quyển mỗi tuần
- Tỷ phú Mark Cuban: “1 thứ duy nhất trong cuộc sống mà bạn có thể hoàn toàn kiểm soát, đó là nỗ lực của bản thân”
- Từ 177 triệu phú tự thân rút ra 15 “đường tắt” giúp người bình thường trở nên giàu có phi thường