Tự sự của một người giàu: “Tôi lái BMW, đi giày hàng hiệu, lương tháng vài nghìn đô, bạn có phẩm chất gì để nói chuyện với tôi?”
Hai hôm trước tôi cùng ăn cơm với N., 1 người bạn của tôi, cậu ấy than phiền rằng bây giờ có nhiều người quả thực là quá khoe mẽ, kiếm được có chút tiền là bắt đầu vênh váo, không coi ai ra gì, làm như kiểu họ là thánh vậy.
Quen biết cậu ấy đã lâu, cậu ấy vốn dĩ là một người rất ôn hòa, điềm đạm. Tôi cũng biết thường ngày cậu ấy phải tiếp xúc với rất nhiều người trẻ nhưng trước giờ chưa bao giờ thấy cậu ta dùng từ ngữ nặng nề như vậy.
Tôi vừa ăn cũng vừa thấy chột dạ. Tách ra khởi nghiệp cũng có kiếm được gọi là chút tiền, thỉnh thoảng bạn bè nói chuyện với nhau, tôi cũng khoe khoang một chút nhưng nói chung là vẫn trong khoảng chừng mực.
“Hai hôm trước, tôi được rủ đi ăn tiệc tối. Trong lòng nghĩ rằng nên tranh thủ cơ hội quen biết nhiều người hơn một chút. Vì vậy, cậu nên biết một điều đó là không được tùy tiện đi ăn tiệc tối. Tôi dù đã 40 tuổi rồi nhưng vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm cho bài học này!”
Cậu ấy nói, hôm đó không khí khá là vui vẻ. Có một cô gái trẻ, là một quản lý cao cấp của một doanh nghiệp mới nổi, trông khá có khí chất. Lúc mọi người cùng nhau chụp ảnh còn tự nói rằng mình là phó tổng, mặc dù chỉ là đùa thôi nhưng cái dáng vẻ vẫn rất là cao ngạo.
Bữa tối bắt đầu, người khác thì im lặng ngồi ăn cơm, không khí lúc này vẫn chưa náo nhiệt. Cô gái đó đột nhiên gợi chủ đề, chia sẻ với mọi người một tháng cô ta kiếm được bao nhiêu tiền, đi bao nhiêu nơi, 2 tháng trước vừa đổi một chiếc BMW, tháng trước nữa vừa mua một chiếc túi xách Chanel, đồng hồ cũng là hãng đó. Giày cô đi dưới chân cũng phải của nhà mốt Christian Louboutin lừng danh…
Những người còn lại âm thầm nhìn nhau, trong chỗ này không ai kiếm được nhiều tiền như cô ta cả.
Tiếp theo cô ta nói: “Những người bạn học trước đây, những người mà mỗi tháng chỉ kiếm được 10-12 triệu, ăn một bữa ăn trong nhà hàng cũng phải suy nghĩ đắn đo thì giờ tôi đã nghỉ chơi rồi, họ thật nghèo khổ. Nói thật ra thì họ cũng không đủ tư cách để nói chuyện với tôi.” Câu chuyện của cô bạn đó khiến tôi có nhiều suy nghĩ về sự thành công của một người.
Xã hội hiện nay thực ra đang khá là khoan dung với cái gọi là “giấc mộng giàu sang” của người trẻ.
Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, cũng từng chứng kiến một cô bé hơn 20 tuổi, bằng sự cố gắng của bản thân đã tự mua được cho mình những chiếc xe đắt tiền, túi xách hàng hiệu, nhà cao tầng. Cô bé giỏi giang và cô cần nói với cả thế giới biết điều đó. Thật ra, chuyện tự hào về sự thành đạt của bản thân chẳng có gì sai. Giỏi có quyền mà.
Tuy nhiên, có tiền và tiêu xài hào phóng nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân để bù đắp cho những tháng ngày vất vả trước đó sẽ tốt thôi, nếu như không tỏ ra khinh thường những người nghèo khó hơn. Rõ ràng, đó không phải là hành động đẹp.
Xã hội càng ngày càng có nhiều người dùng tiền, dùng hào nhoáng bên ngoài để đánh giá thành công của một người. Giàu – nghèo đâu phụ thuộc vào bộ cánh bạn mặc, đôi giày bạn mang, chiếc túi bạn xách… mà còn thể hiện ở cách cư xử văn minh, chừng mực của bạn trước đám đông.
Dẫu biết, cuộc sống tất nhiên cần tiền: đi ra ngoài cần tiền, mua quần áo cần tiền, nuôi con cần tiền… cái gì cũng cần đến tiền. Vì vậy mọi người chỉ có một lựa chọn duy nhất là liều mình kiếm tiền, và sẵn sàng đi con đường tắt để kiếm được tiền thật nhanh chóng. Nhưng thực chất, thành công lâu dài phải dựa vào nỗ lực, may mắn và nên được nhìn nhận từ hai phía:
– Thứ nhất, thành công là mỗi ngày mới, bạn nhận thấy sự tiến bộ của bản thân, ví dụ như bạn đã có thể kiếm được nhiều tiền hơn ngày trước, bạn cảm thấy hạnh phúc hơn ngày trước, gia đình hòa thuận, sự nghiệp thuận lợi…
– Thứ hai, thành công nghĩa là ngoài tiền ra, bạn cống hiến được bao nhiêu cho xã hội, xã hội công nhận bạn ra sao, vị trí của bạn trong xã hội là ở đâu.
Ví dụ như những người làm công việc mà nhiều người nghĩ là thấp kém như nhân viên dọn vệ sinh, ở một phương diện nào đó họ cũng được xem là những người thành công bởi dù lương tháng không nhiều thì ít nhất họ cũng đang làm một công việc mà sự cống hiến, vai trò của họ đối với xã hội lớn hơn rất nhiều ngành nghề khác.
Đừng bao giờ dùng tiền để định nghĩa thành công của một người, những người dùng tiền để đánh giá người khác là những người nông cạn.
Những người càng thành công thì càng khiêm tốn, đây là sự thật. Và chỉ những người thực sự thành công đó mới có thể đánh giá người khác từ nhiều góc độ.
Tiền không đủ thì cứ từ từ kiếm, có gì to tát đâu!
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Theo Trí thức trẻ