Sự khác biệt nào về tâm lý dẫn đến việc người giàu ngày càng giàu, còn người nghèo ngày càng nghèo? Sự khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở TƯ DUY.
Người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo – đó là một nghịch lý cuộc sống, hay đó là một sự thật hiển nhiên? Dĩ nhiên, bài này sẽ không nói đến những trường hợp làm giàu phi pháp, mà chúng ta sẽ nhìn nhận những người giàu có chân chính, bằng chính sức lao động, mồ hôi, nước mắt và tâm huyết của mình.
So với những người lười biếng, tiêu xài hoang phí, lười lao động và ít tạo ra giá trị. Vậy sự khác biệt nào về tâm lý dẫn đến việc người giàu ngày càng giàu, còn người nghèo ngày càng nghèo? Sự khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở TƯ DUY (Mindset).
Học thuyết cuộn giấy vệ sinh
Chẳng hạn, thay vì trả 24 USD cho 30 bịch giấy vệ sinh (khi có khuyến mãi), người nghèo chọn trả 5 USD cho 4 bịch giấy (vì không muốn bỏ ra 24 USD dù có lợi hơn nhờ khuyến mãi). Sau đó, vì không có dự trữ nên khi dùng hết, người nghèo buộc phải mua thêm dù tại thời điểm đó không có chương trình khuyến mãi.
Một lần nữa, nghiên cứu này khẳng định thêm luận điểm về thói quen chi tiêu của người nghèo: chi ít hơn nhưng rốt cuộc tốn kém nhiều hơn, chưa kể giá trị nhận lại thấp hơn.
Trong khi ở chiều ngược lại, từ góc độ của người giàu: chi nhiều hơn nhưng lại tiết kiệm hơn, còn nhận được giá trị lớn hơn. Hóa ra, người nghèo phải trả giá nhiều hơn trong cuộc sống.
Học thuyết khăn tắm
Học thuyết khăn tắm là ví dụ về việc bỏ tiền ra mua đồ “xịn” đắt gấp 3 lần nhưng lại giúp bạn tiết kiệm gấp 7 lần về sau. Giả sử bạn bỏ ra 60 USD để mua một chiếc khăn tắm so với việc bỏ ra 20 USD để mua một lố khăn tắm giá rẻ. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng nói rằng thật là khờ dại khi bỏ ra tận 60 USD để mua một chiếc khăn tắm, tại sao lại phải làm như vậy.
Nhưng sự thật, với lố khăn tắm 20 USD, chỉ dùng trong một thời gian ngắn, có thể sẽ dẫn đến việc nó bị xổ vải, bị rách chỉ, bị hỏng. Còn chiếc khăn tắm đắt tiền kia, nó có đủ thời gian và hạn sử dụng để dùng thật tốt. Và đến khi đã hết hạn sử dụng thì lúc này, nếu mua số khăn tắm rẻ tiền thì đã phải mất gấp 10 lần số tiền đó.
Không chỉ có vậy, người giàu sẽ không mất thêm thời gian để đi mua những chiếc khăn tắm mới giống như người nghèo chỉ vì nó hỏng quá nhanh. Một lần nữa người nghèo phải trả giá nhiều hơn trong cuộc sống.
Nghèo có cái giá của nó
Một người có điều kiện, khi đủ tiềm lực tài chính họ mua một món đồ chẳng hạn mua laptop, và họ có thể thanh toán ngay lập tức. Đối với người nghèo, vì họ không đủ tiền cho nên họ phải mua trả góp, mà trả góp thì phải có lãi suất.
Như vậy tính ra về tổng số tiền, họ phải trả nhiều hơn. Thêm vào đó, bởi vì chia ra thành nhiều tháng để trả góp, họ mất thêm thời gian để lo các thủ tục mỗi tháng cho công việc này. Hóa ra, cái giá phải trả của người nghèo là cao hơn.
Khi mua đồ tốt, điều đó không đồng nghĩa với việc là chúng ta đang lãng phí tiền, hay không tiết kiệm mà ngược lại việc mua đồ tốt còn làm chúng ta tiết kiệm nhiều hơn.
Khi đi học, một gia đình nghèo phải vay vốn cho con đi học, chẳng hạn là đi học đại học. Rõ ràng, vay vốn thì tốn tiền hơn, lại mất thêm thủ tục trả lãi, rồi mất thời gian hàng tháng giải quyết những vấn đề đó.
Tuy nhiên, khi gia đình có điều kiện sẽ không phải mất thời gian vào những vấn đề đó và không phải lo lắng vấn đề đó. Ở đây, chúng ta cần tư duy khách quan rằng không phán xét chuyện vay vốn hay chuyện trả góp, mà sự thật hiển nhiên đó là khi có điều kiện tài chính (giàu) thì sẽ đỡ mất thời gian và đỡ mất công sức, mất thủ tục như khi không có điều kiện (nghèo).
Và trong thời gian đó, thì người giàu có thể làm thêm nhiều việc khác để tăng thêm giá trị. Đó là sự khác biệt. Dĩ nhiên, nghèo thì có nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn đến cái nghèo, có rất nhiều người nghèo vẫn luôn luôn nỗ lực chân chính, cho nên góc nhìn này không tạo ra để phán xét người nghèo, mà chỉ đơn giản là để phân tích sự thiệt thòi nếu chúng ta nghèo khó.
Khi nghèo, chúng ta không thể sử dụng những dịch vụ và sản phẩm tốt. Chẳng hạn, mua một bộ quần áo, không thể mua được đồ tốt. Mà theo học thuyết khăn tắm, mua đồ không tốt thì nhanh hỏng, nhanh hỏng thì lại phải mua đồ mới, vừa mất thời gian mà về sau tổng giá trị của những món đồ không tốt lại còn nhiều hơn.
Khi nghèo, chúng ta không thể nắm bắt và tận dụng những cơ hội. Giống như học thuyết cuộn giấy vệ sinh, chúng ta không nắm bắt được khi cơ hội đến và cuối cùng, chúng ta phải trả giá cao hơn và mất nhiều thời gian hơn trong cuộc sống.
Đi tìm một giải pháp
Vấn đề làm giàu là một vấn đề lớn, vậy nên nếu nói giải pháp thì có rất nhiều giải pháp khác nhau, nhưng sự khác biệt lớn nhất, một lần nữa nhấn mạnh ở TƯ DUY (Mindset) và trong phạm vi bài viết này nói đến ứng dụng của hai học thuyết khăn tắm và học thuyết cuộn giấy vệ sinh trong chi tiêu nói chung.
1. Khi mua đồ, hãy mua đồ tốt (Ứng dụng học thuyết khăn tắm)
Những thứ chúng ta bắt buộc phải dùng trong cuộc sống, như giày dép, quần áo, khăn mặt, bàn chải, dầu gội,… tốt nhất là hãy mua đồ tốt. Với các đồ công nghệ, chẳng hạn như điện thoại, máy tính phục vụ công việc,… tốt nhất là hãy mua đồ tốt.
Mua đồ tốt, đảm bảo cho sức khỏe hơn. Mua đồ tốt, hạn sử dụng lâu hơn, ít bị hỏng hóc nhiều hơn, thời gian bảo hành lâu hơn. Điều đó giúp chúng ta tiết kiệm được phần nhiều thời gian để giải quyết hàng tá vấn đề vì những chuyện nhỏ nhỏ như vậy.
Nếu chưa có đủ tiền, thì đơn giản là dùng tạm đồ rẻ tiền, chứ cũng không nên dùng đồ lỡ cỡ, tốt chẳng tốt hẳn. Còn những thứ phục vụ cho công việc, như quần áo công sở, điện thoại, laptop, đặc biệt là những thứ ngày nào cũng phải sử dụng, thì tốt hơn hết là hãy cố gắng đầu tư.
2. Khi mua đồ, hãy mua khi khuyến mãi và khi bạn không cần nó (Ứng dụng học thuyết cuộn giấy vệ sinh)
Thay vì mua một món đồ, hãy mua số lượng lớn, và đặc biệt là tìm lúc có khuyến mãi. Dĩ nhiên, một người chi tiêu thông minh thì đủ tỉnh táo để biết khi khuyến mãi hàng tốt và khác với kiểu bán phá giá vì hảng dởm. Khi mua khuyến mãi hoặc mua combo, hoặc mua theo gói, hoặc theo số lượng lớn bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Thứ hai cái lớn hơn là bạn tiết kiệm thời gian, ít lần phải đi mua hơn. Và đặc biệt là khi mua đồ, hãy mua khi bạn không cần nó (không cần gấp), như vậy bạn đủ tỉnh táo và bình tĩnh để nói không nếu đó không phải là lựa chọn tốt nhất. Còn một khi bạn đang cần gấp, thông thường bạn sẽ không tìm được nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, hãy định kỳ đi mua trước, lên kế hoạch mua sắm trước cho những thứ bắt buộc phải chi tiêu.
3. Hạnh phúc của giàu có
Lẽ dĩ nhiên, như đã nói ở trên thì nghèo có cái giá của nó. Do vậy, không thể nào hạnh phúc được nếu như cứ mãi mãi nghèo. Nhưng phần lớn, sự khác biệt để trở nên giàu có bắt nguồn từ tư duy. Cho nên, nếu bạn đang nghèo, thì con đường làm giàu bền vững, phải bắt đầu từ ngay bây giờ.
Tùy từng vị trí mỗi người đang ở đâu, thì con đường làm giàu cũng khác nhau ở đó. Nhưng tựu chung lại, giàu có không nằm ở tài sản đang có, mà nó đến từ phần lớn từ hai thứ là KIẾN THỨC và KỸ NĂNG.
Cho nên, khi có đủ kiến thức và kỹ năng thì trong từng hành động nhỏ, chúng ta cũng biết nên làm như nào để chi tiêu thông minh, khi nào thì nên nói không với việc tiêu xài, và nhờ có kiến thức và kỹ năng mà chúng ta được trả giá nhiều hơn. Bởi lẽ, kiến thức và kỹ năng càng cao, thì giá trị tạo ra càng lớn.
Kiến thức và kỹ năng càng hiếm thì càng ít người làm được như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc giá trị của bạn lại càng cao. Cho nên, mỗi ngày bên cạnh việc kiếm tiền, thì có một việc quan trọng hơn nhiều, đó là cập nhật kiến thức và kỹ năng.
Nguồn: Tâm lý học ứng dụng
Xem thêm bài liên quan
- Học thuyết khăn tắm, học thuyết cuộn giấy vệ sinh: Lý giải vì sao người giàu ngày càng giàu, còn người nghèo mãi không khá lên được?
- Học thuyết khăn tắm, học thuyết cuộn giấy vệ sinh và Lý giải vì sao người giàu ngày càng giàu?
- 7 tư duy bí mật của tầng lớp thượng lưu quyết định đến túi tiền “Đầy hay Vơi”: Ai muốn thoát nghèo đều nên học!