Tỷ phú Charlie Munger, “cánh tay phải” của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói rằng: “Đừng bao giờ kể với ai về khó khăn của bạn, 90% trong số họ không quan tâm, 10% còn lại thậm chí vui sướng khi nghe thấy điều này.”
Charlie Munger là ai?
Charlie Munger sinh năm 1924 ở Omaha (Nebraska, Mỹ). Ông từng tham gia quân đội Mỹ trong Thế chiến II sau khi tốt nghiệp Đại học Michigan. Sau chiến tranh, Munger học Đại học Luật Harvard.
Munger gặp Warren Buffett năm 1959 tại Omaha và nhanh chóng trở thành bạn bè. Ông gia nhập Berkshire năm 1978 với vai trò Phó Chủ tịch. Charlie là người cùng Buffett chủ trì Đại hội cổ đông của Berkshire hàng năm, trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về hàng loạt vấn đề trên thế giới.
Ông nổi tiếng với những câu nói ngắn và ấn tượng, chọc cười những người hâm mộ Berkshire. Trong Đại hội Cổ đông Berkshire năm 2015, ông từng cho biết: “Nếu mọi người không sai lầm quá thường xuyên như thế, chúng tôi đã không giàu thế này”.
“Berkshire sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay nếu không có nguồn cảm hứng, trí tuệ và sự chung tay của Charlie”, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett bày tỏ trong một tuyên bố về người cộng sự lâu năm.
Bên cạnh vai trò Phó Chủ tịch Berkshire, Munger còn là một luật sư về lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch của hãng tin Daily Journal, thành viên hội đồng quản trị của Costco, một nhà từ thiện và một kiến trúc sư.
Bài học từ Charlie Munger
Có một câu chuyện vui thế này:
Bò làm mệt, than với chó: “Tao mệt quá”
Chó gặp mèo tâm sự: “Bò nó kêu mệt, chắc làm quá sức, chắc nó đòi nghỉ 1 chút”
Mèo gặp dê tám chuyện: “Bò nó muốn nghỉ 1 ngày vì công việc làm nó mệt quá, có lẽ ông chủ bắt nó làm quá sức”
Dê gặp gà: “Bò nó đòi nghỉ làm, ông chủ bắt nó làm đến kiệt sức thì phải”
Gà gặp heo nói: “Biết chuyện gì chưa, bò nó định đổi chủ và bỏ việc đấy”
Heo mách bà chủ: “Bò nó định đổi chủ hay sao, nghe nói nó muốn bỏ việc vì công việc quá nặng”
Bà chủ nói ông chủ: “Bò nó định tạo phản, nó muốn đổi chủ”
Ông chủ tức giận quát: “Chết tiệt con bò, đã lười lại định tạo phản, thịt nó thôi”
Cuối cùng, kết quả là bò bị giết thịt. Nếu bò không kể lể khó khăn của mình với những kẻ nhiều chuyện thêm bớt, nó đã không bị giết. Ở phía ông chủ, nếu không hồ đồ nghe lời thị phi, hỏi rõ trắng đen thì cũng đã không giết chết bò.
Sống ở đời, ai ai cũng có khó khăn hay bất mãn. Đó có thể là gia đình không ủng hộ, người yêu phản bội, bạn bè đồng nghiệp ganh đua, những giấc mơ không đạt được hay công việc áp lực, bất mãn với sếp,…
Ai cũng có khó khăn, nhưng chọn đối mặt với khó khăn như thế nào là một câu chuyện khác. Có người kể lể than vãn, người thì đi xin lời khuyên, có người chọn ngồi khóc, có kẻ cắn răng chịu đựng,…Cũng chẳng có vấn đề gì với các cách xử lý đó, tuy nhiên chọn không đúng cách thì ta vô tình làm trò mừng cho những kẻ không ưa mình.
Nếu để ý sẽ thấy, người có đầu óc thường sẽ tự chịu trách nhiệm cho những vấn đề, một mình suy nghĩ giải pháp, một mình âm thầm giải quyết khó khăn. Nhà đầu tư tỷ phú người Mỹ Charlie Munger từng nói “Đừng bao giờ kể ai về khó khăn của bạn, 90% trong số họ là không quan tâm, 10% còn lại thậm chí còn vui sướng khi nghe thấy điều này”.
Có điều buồn cười thế này, bạn kể có thể là chuyện buồn, nhưng nghe vào tai họ sẽ vẽ ra hàng trăm câu chuyện cười, rồi hàng trăm câu chuyện được thêm gia vị khi lan truyền. Ngay cả chính bản thân bạn còn không bảo vệ được nỗi bí mật, vấn đề của mình thì làm sao trách họ được? Cho nên ta cần hiểu, ai cũng có nhu cầu được trò chuyện, tâm sự với hy vọng được hiểu, cảm thông.
Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng muốn trở thành “thùng rác”, cũng chẳng ai muốn nghe những điều tiêu cực, nên họ cũng chẳng có trách nhiệm phải quan tâm, giữ kín hay giải đáp và an ủi cho người khác. Xấu hơn, khi chọn kể không đúng người, vô tình lại thành trò chế nhạo và vui mừng cho kẻ khác, họ vui mừng với những khó khăn của người mình ganh ghét, đố kỵ.
“Đừng bao giờ kể ai về khó khăn của bạn, 90% trong số họ là không quan tâm, 10% còn lại thậm chí còn vui sướng khi nghe thấy điều này”.
Tỷ phú Charlie Munger
Ở một mặt khác, khó khăn nhưng kể với người không đúng chuyên môn thì lại vẽ ra nhiều viễn cảnh thậm chí còn xấu hơn. Câu chuyện của những người có ý chí, kinh nghiệm, kiến thức, khi khởi nghiệp không nên chia sẻ với gia đình hay cha mẹ, những người làm công ăn lương, làm nông hay có tư duy ổn định, họ sẽ vì thương mà sợ mình thất bại rồi ngăn cản, thậm chí khi ý tưởng chỉ mới ở “trong trứng nước”.
Cũng có thể tốt hơn, sẽ có người ủng hộ nhưng sau đó họ khuyên “trớt quớt” vì họ có làm bao giờ. Thấy anh ba, chị bảy làm thất bại, người xung quanh làm thất bại nên sợ dùm mình kết quả cũng chẳng đi đến đâu, rồi thấy thương nên ra sức cản. Họ sẽ “tích cực khuyên” theo góc nhìn của họ. Kết quả sau đó, khó khăn chẳng những không được giải quyết mà vấn đề lại mù mịt và tâm trí cũng chẳng còn nhiệt huyết.
Bản chất của khó khăn là việc không ai muốn xảy ra. Việc bạn kể ra để giải thoát hay né tránh thì khó khăn sẽ chuyển sang phần người khác. Và cũng chẳng ai muốn nhận khổ về phần mình.
Vậy nên trưởng thành là học cách biết khi nào chấp nhận, khi nào cần sống cô đơn, khi nào cần im lặng và nên âm thầm tự tìm câu trả lời để giải quyết cho khó khăn của mình. Nếu ta đang có bao nhiêu muộn phiền vây quanh, hãy giữ chúng cho riêng mình và tìm cách giải quyết. Hãy suy nghĩ tích cực và nói về những đề tài vui vẻ hơn để cả bạn và những người xung quanh cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng.
Vậy nên, nếu cả ngày chỉ mãi phiền lòng và kể lể về những khó khăn thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc lớn. Bạn là người thế nào sẽ thu hút được những người thế ấy.
Xem thêm bài liên quan
- “Bố già phố Wall” Charlie Munger: Đừng bao giờ kể với ai về khó khăn của bạn, họ chẳng quan tâm đâu!
- “Cụ tỷ phú” 99 tuổi tiết lộ cách lật ngược ván bài cuộc đời: Càng nghèo, ít quan hệ, càng phải làm 3 việc này
- Câu chuyện kinh doanh: Người đàn ông nghèo và Thượng Đế – Bài học “Mượn được sức người, chắc thắng”