Tân tổng giám đốc David Riddle đã tham gia hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát hơn 13 năm.
Ngày 10/4/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh, Người sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty.
Ngày 11/4, Tân Hiệp Phát phát đi thông cáo báo chí: Giao dịch của các cá nhân trong sự việc trên không liên quan đến hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát.
Hiện tại, ông David Riddle đã đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Tân Hiệp Phát. Theo thông tin gửi đi của thông cáo, ông David Riddle đã tham gia hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát hơn 13 năm với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.
Nội dung thông cáo phía Tân Hiệp Phát đưa ra như sau:
“Ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương là những người sáng lập, điều hành Công ty Tân Hiệp Phát nhiều năm qua, sự việc trên chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát.
Tuy nhiên, với hệ thống quản lý và đội ngũ được xây dựng nhiều năm qua, với trách nhiệm của mình, Công ty Tân Hiệp Phát sẽ nỗ lực hết sức để giảm tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ sự việc này với hoạt động của Công ty và các đối tác có liên quan.
Công ty Tân Hiệp Phát đảm bảo tiếp tục duy trì, thực hiện đầy đủ các cam kết của mình với khách hàng, đối tác trong nước và nước ngoài “.
Theo giấy đăng ký kinh doanh mới nhất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát (THP Group), ông David Riddle sinh năm 1950, quốc tịch Anh trong vai trò Phó giám đốc cũng đồng thời là người đại diện pháp luật cùng ông Trần Quí Thanh – Tổng giám đốc công ty.
Trước đó, bà Trần Ngọc Bích giữ vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cùng phó giám đốc David Riddle.
Với sự tôn trọng với khách hàng, đối tác, các cơ quan nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng, vì trách nhiệm với xã hội và người lao động, Công ty Tân Hiệp Phát thông tin: “Ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương là những người sáng lập, điều hành Công ty Tân Hiệp Phát nhiều năm qua, sự việc trên chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát.
Tuy nhiên, với hệ thống quản lý và đội ngũ được xây dựng nhiều năm qua, với trách nhiệm của mình, Công ty Tân Hiệp Phát sẽ nỗ lực hết sức để giảm tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ sự việc này với hoạt động của Công ty và các đối tác có liên quan”.
Hiện Công ty Tân Hiệp Phát có hàng ngàn người lao động trực tiếp, hàng chục ngàn đối tác khác trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ, xây dựng, vận tải, hàng chục ngàn hộ nông dân trồng trà và thảo mộc trên cả nước…
Trong 03 năm qua, không chỉ tham gia cùng Nhà nước chống dịch, dù gặp nhiều khó khăn, Công ty Tân Hiệp Phát vẫn nỗ lực, thậm chí hy sinh lợi ích trước mắt để đảm bảo 100% người lao động không bị mất việc làm, không bị giảm thu nhập. Qua đó, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho các đối tác như xây dựng, vận tải, kênh phân phối, nhà cung cấp, nông dân …
Dù dịch bệnh, Công ty Tân Hiệp Phát đã đóng góp ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng trong 3 năm. Công ty Tân Hiệp Phát có sản phẩm 14 năm liên tục đạt Thương Hiệu Quốc gia, cung cấp sản phẩm đều khắp 63 tỉnh thành Việt Nam và xuất khẩu đến hơn 16 quốc gia, vùng lãnh thổ, cả những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật, Mỹ, Đài Loan… Hàng năm, Công ty chi hàng chục tỷ đồng cho công tác xã hội, từ thiện.
“Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng Công ty Tân Hiệp Phát thành một doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu châu Á về nước giải khát, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực khác, Công ty Tân Hiệp Phát tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Công ty Tân Hiệp Phát xác định tồn tại không chỉ vì mình, còn là trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với những người có liên quan”, Tân Hiệp Phát nêu.
Theo Tân Hiệp Phát, giao dịch của các cá nhân trong sự việc trên không liên quan đến hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát. Công ty Tân Hiệp Phát luôn tin tưởng vào sự công minh của các cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết sự việc, tin tưởng vào sự khách quan của các phương tiện thông tin đại chúng, quý khách hàng, đối tác khi đánh giá về sự việc.
Dù gặp khó khăn, Công ty Tân Hiệp Phát luôn cam kết: “Đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã công bố, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đối tác, bà con nông dân trồng nguyên liệu; tiếp tục đóng góp ngân sách và làm từ thiện”.
Công ty Tân Hiệp Phát đảm bảo tiếp tục duy trì, thực hiện đầy đủ các cam kết của mình với khách hàng, đối tác trong nước và nước ngoài, các chương trình từ thiện như nuôi dạy các cháu mồ côi do dịch Covid vừa qua
Hiện tại, ông David Riddle đã đảm nhận vai trò Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Tân Hiệp Phát. Ông David Riddle có nhiều kinh nghiệm quản lý ở các tập đoàn lớn trên thế giới, đã tham gia hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát hơn 13 năm qua với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Tân Hiệp Phát.
“Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, Công ty Tân Hiệp Phát rất mong được các cơ quan hữu quan, các phương tiện thông tin đại chúng, Quý khách hàng, các đối tác hỗ trợ, đánh giá khách quan để Công ty Tân Hiệp Phát tiếp tục tồn tại, vượt qua khó khăn này. Công ty Tân Hiệp Phát cam kết luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và phận sự của mình”, thông báo của Tân Hiệp Phát cho biết.
“Đại gia” nước giải khát Tân Hiệp Phát kinh doanh ra sao?
Tân Hiệp Phát “bước chân” vào ngành nước giải khát kể từ năm 1994, thời gian đầu, doanh nghiệp hướng đến sản xuất bia mang thương hiệu Laser nhưng thất bại. Đến năm 2001, Tân Hiệp Phát gây tiếng vang trên thị trường và được nhiều người biết đến nhờ sản phẩm nước tăng lực Number 1.
Thời gian sau đó, hàng loạt sản phẩm của Tân Hiệp Phát được người tiêu dùng biết tới như trà xanh 0 độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành Soya…
Việc kinh doanh thuận lợi đã giúp Tân Hiệp Phát bứt tốc mạnh mẽ, trở thành “ông lớn” trong ngành nước giải khát Việt Nam và trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ lớn đến từ nước ngoài như Pepsi, Cocacola…
Năm 2012, Tân Hiệp Phát được Coca-Cola đề nghị hợp tác sản xuất, kinh doanh với trị giá 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hợp tác này không thành vì Tân Hiệp Phát cho rằng hai bên có tầm nhìn khác nhau.
Năm 2018, trong một buổi chia sẻ với truyền hình quốc tế, ông Trần Quí Thanh xác nhận Tân Hiệp Phát đang đạt doanh thu 500 triệu USD/năm với 4.000 công nhân đang làm việc. Mục tiêu đến năm 2030 đạt doanh thu 3 tỷ USD.
Theo số liệu kinh doanh của Tân Hiệp Phát, doanh thu của doanh nghiệp này giai đoạn 2014 – 2017 đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng/năm, sau đó tăng lên 8.300 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng tiếp lên 9.200 tỷ đồng năm 2019.
Về lợi nhuận, Tân Hiệp Phát báo lãi khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2014 – 2016, sau đó tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2018 và 3.300 tỷ đồng năm 2019. Doanh thu của Tân Hiệp Phát tương đương Coca-Cola và bằng 1/2 so với Pepsi, nhưng lợi nhuận lại bỏ xa cả hai đối thủ này nhờ tỷ suất sinh lời vượt trội.
Đối với việc sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, nhà máy ở Bình Dương có doanh thu đạt 5.300 tỷ đồng năm 2017 và tăng lên gần 5.900 tỷ đồng trong hai năm 2018 và 2019. Lợi nhuận hai năm 2017 – 2018 là gần 1.000 tỷ đồng và tăng mạnh trong năm 2019, lên trên 1.500 tỷ đồng.
Nhà máy Number One Chu Lai có doanh thu năm 2019 vừa qua đạt gần 1.400 tỷ đồng, lãi 489 tỷ đồng. Còn tại nhà máy Number One Hà Nam, doanh thu năm qua giảm nhẹ so với 2018, xuống 2.000 tỷ đồng và lãi 872 tỷ đồng.
Tại thời điểm 9/9/2022, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ “khủng” lên tới 1.706 tỷ đồng với các cổ đông như Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quí Thanh) nắm hơn 54%, con gái Trần Uyên Phương nắm hơn 29% và Trần Ngọc Bích nắm hơn 16%. Thế nhưng chỉ 2 tuần sau, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ còn 276 tỷ đồng.
Tham khảo: Nhịp sống thị trường, VTC