Tập tành bán hàng dạo trước khi khởi nghiệp thì tỷ lệ thành công của bạn có thể lên đến 99% bởi bán dạo là môi trường rèn luyện tuyệt vời cho người chuẩn bị khởi nghiệp.
Nếu nói rằng tôi từng là thằng “đầu đường, xó chợ” thì hơi quá, nhưng sự thật là tôi đã từng lê lết ở các con đường, khu chợ công nhân từ Trảng Bom, Biên hoà, và Dĩ An tận hơn hai tháng để đi tìm một trải nghiệm mà có lẽ với mọi người là rất Điên. Tôi muốn thử thách bản thân và để đốt cháy tính “sĩ diện” trong mình.
Nếu bạn phải ra đứng đường, cẩm bó Hành hay thứ gì đó trên tay, miệng thì hò hét: Hành 10 ngàn nửa ký, nửa ký 10 ngàn. Tôi dám chắc đa số mọi người sẽ không dám đâu nhỉ. Vì sao vậy? (cho phép tôi loại bỏ yếu tố Pháp lý, mà chỉ nói về tâm lý thôi nhé).
Vì đó là điều bạn không thể chấp nhận được. Bạn có ăn học, bạn có bằng cấp, bạn quen kiểu”tay cầm bút, chân đút gầm bàn”, bạn đã quen với việc nói về những điều to tát, vĩ đại rồi.
Mọi người đang chờ đợi, kỳ vọng vào bạn biết bao. Vậy thì dễ gì bạn chịu làm những việc đó, nếu bạn có thất nghiệp, nếu bạn có đói nhăn răng bạn cũng sẽ không chịu làm.
Bạn có hàng tá lý do để biện bạch, tôi vẫn phải nói với bạn, bạn chỉ đang sĩ diện thôi. Như căn bệnh “sĩ” mà tôi đã từng mắc phải. Và tôi phải tìm cách đốt sạch nó để bắt đầu khởi nghiệp từ việc nhỏ với một số tiền nhỏ. Như cách mà những người thành đạt vẫn nói: Nghĩ lớn nhưng hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất.
Đúng. Việc bán dạo ngoài đường không thể là một định hướng lâu dài của bạn, nhưng những chuyến đi buôn, những ngày ngồi vỉa hè… Sẽ làm bạn trưởng thành hơn rất nhiều.
Thứ nhất: bạn sẽ tốn chi phí rất ít vì chẳng phải bỏ tiền thuê mặt bằng, các chi phí cố định khác. Chỉ cần một chỗ ngồi vỉa hè và vài món đồ gì đấy. Vốn liếng bạn bỏ ra chắc chỉ đôi triệu có khi ít hơn. Và bạn sẽ học được nhiều thứ. Nếu bạn chuyên tâm, chịu khó quan sát và học hỏi.
Ban đầu tôi lựa chọn nó để đốt hết cái sĩ diện trong mình, nhưng khi vào làm thì hoá ra, bán dạo là cả một kho tàng kiến thức tuyệt vời cho khởi nghiệp mà không ông thầy nào, không cuốn sách nào có thể chỉ cho bạn.
– Điều đầu tiên nó dạy bạn: Bạn không giỏi hơn ai đâu và bạn phải học nhiều thứ lắm. Bạn sẽ phải học các lấy lòng khách hàng từ một thằng nhóc bán vé số 10 tuổi. Bạn phải học cách chọn điểm bán để có nhiều khách hàng nhất, bạn phải học cách phân loại khách “sang”, khách nghèo để định giá bán, bạn phải học cách kiềm chế bản thân và niềm nở vì nhiều khách rất thích dùng tiếng “Đan Mạch”…
Rồi cách mời chào, rồi cách ghi bảng giá, gắn đèn, đọc loa sao cho gây sự chú ý với khách hàng… Tất cả những thứ đó ở trường lớp bạn đã được khái quát bằng những thuật ngữ cao siêu: khách hàng tiềm năng, phân khúc thị trường, khách hàng mục tiêu, kỹ năng xử lý từ chối, Marketing, truyền thông…
Ngoài đường sẽ dạy bạn hết, nó chỉ không có hệ thống theo kiểu một là, hai là… thôi chứ chẳng thiếu thứ gì cả.
– Điều thứ hai nó dạy bạn: Chưa làm được việc nhỏ đừng nghĩ tới việc lớn. Bạn quen nói tới bạc vài trục triệu, bạc tỷ rồi, nhưng với nghề này bạn chỉ lượm bạc cắc thôi, tất nhiên có những người giỏi họ vẫn kiếm được đoi triệu/ngày.
Nhưng bạn thì chưa đâu. Bạn sẽ kiếm được bạc cắc là giỏi rồi. Và bạn sẽ làm nó thế nào để mỗi ngày mang hàng đi, khi về sẽ giải phóng được càng nhiều càng tốt, và với một tay “gà mờ” như bạn, bạn sẽ làm thế nào. Việc nhỏ này sé dạy cho bạn cách để làm việc lớn hơn đấy.
– Thứ ba Tính kiên nhẫn: Ngày đầu bạn dám vác mặt ra đường bán, bạn sẽ Sale off nhiều lắm, một thủ đoạn lôi kéo khách hàng, thế nhưng bạn vẫn ngồi trơ mỏ ra vì khách không ghé chỗ bạn, không dễ để bạn có khách hàng ngay đâu.
Phải đánh đổi cả thời gian và chi phí để mua được khách hàng đấy. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn. Chỉ như thế dần dần sự có mặt của bạn mới được chú ý, rồi thành quen mặt, rồi thành bạn hàng mối. Còn bạn hấp tấp, nóng vội cứ vài ngày bạn lại nhảy chỗ khác, bạn không thể bán cho ai đâu.
– Thứ tư Quý đồng tiền bạn làm được: Nếu bạn từng là người phá cả một gia sản hay không hề có ý thức trong chuyện tiết kiệm tiền, nghề này sẽ dạy cho bạn bài học tiết kiệm tiền.
Vì không biết tính toán hay thói quen vung tay quá chán sẽ làm bạn ăn thâm vào vốn. Vì hầu như công việc này là làm ngày nào, ăn ngày đó, Số tiền cứ vơi đi hàng ngày sẽ làm bạn có lo lắng và biết quý trọng tiền hơn.
– Thứ năm Chẳng thứ gì là ổn định cả, vì thế đừng tự mãn.
Điều thú vị của công việc này là có thể hôm nay bạn nhét tiền căng ví (bóp), nhưng ngày mai lại chả được đồng nào. Nếu bạn là người bị cảm xúc chi phối nhiều, hay lo nghĩ nhiều thì làm nghề này một thời gian bạn sẽ trai lỳ dần đi. Và tự khắc bạn sẽ hiểu câu ” đời là vô thường” như thế nào. Không thể tự mãn vào thành quả trước mắt được.
– Dạy bạn sự linh hoạt và giúp bạn khám phá những tố chất tiềm ẩn trong bạn
Khi ngồi lề đường nguy hiểm luôn dình dập bạn, ngoài việc mắt bạn lúc nào cũng phải đảo láo lia để quan sát dân phòng hay trật tự, và khi có biến phải nhanh chóng ôm đồ vọt lẹ nếu không muốn cơ nghiệp của bạn về đồn.
Sau nhiều lần chạy như vậy, nội công của bạn đã chuyển biến phi thường bạn trở thành vận động Viên chạy cự ly ngắn có hạng lúc nào không hay. Bạn còn phải canh thời tiết, đôi khi lúc bạn chất hàng lên xe trời con cao vời vợi, vậy mà vừa trải ra nửa tiếng trời đã đổ mưa, chưa hết vỉa hè không phải đất nhà bạn, bạn không thể cắm bảng : CHỖ CỦA TAO để đánh dấu lãnh địa của mình vì thế cuộc chiến dành vị trí ” đắc địa” cũng rất khốc liệt, đôi khi là đổ máu.
Biết đâu sau vài tháng trải nghiệm công việc này bạn sẽ trở thành một vận động Viên karate hay Vovinam không chừng.
Còn rất nhiều, rất nhiều những thứ khác mà bạn có thể học được. Nếu bạn dám một lần thử, có khi bạn sẽ yêu nghề này không chừng. Hì
Đôi khi thử thách bản thân sẽ giúp bạn có nhiều trải nghiệm thú vị lắm. Thử bán dạo một lần, bạn có dám không bạn của tôi??
Tác giả: Vit Triky
Bán hàng rong, bán vé số dạo có cần đăng ký kinh doanh không?
Theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về đối tượng hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng. Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại).
2. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động thương mại của cá nhân hoạt động thương mại.”
“Điều 3. Giải thích từ ngữ. Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.”
Theo đó, người bán hàng rong, bán vé số dạo không có địa điểm cố định là đối tượng hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và không phải đăng ký kinh doanh.
Xem thêm bài liên quan
- Đẳng cấp “thao túng tâm lý” của anh bán mận vỉa hè: Học bí quyết kinh doanh từ những “bậc thầy” gánh hàng rong
- Đẳng cấp “thao túng tâm lý” từ anh bán mận vỉa hè: Học hỏi bí quyết kinh doanh từ những “bậc thầy” gánh hàng rong
- Làm thuê thì có gì xấu nhưng muốn giàu hãy làm chủ? Cách xây dựng tư duy làm chủ cho tất cả mọi người