Những cải tiến vượt bậc trong chi phí và năng suất giúp Henry Ford có thể giảm giá mạnh cho Model T, tăng lương (thực tế là gấp đôi), giảm số giờ làm việc trong ngày cho công nhân từ 10 giờ xuống còn 8 giờ mà vẫn bỏ túi khoản lợi nhuận khổng lồ.
Kinh tế là từ Hán Việt, rút gọn của “kinh bang tế thế”, có nghĩa “trị nước giúp đời”, chỉ công việc của vua, quan trọng cai trị đất nước: chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của dân. Nhưng từ kinh tế này được dùng để chỉ kinh tế học kiểu thị trường của phương Tây.
Với nhiều người kinh tế là khái niệm mơ hồ và xa xôi. Tuy nhiên hiểu biết về kinh tế giúp bạn cải thiện cuộc sống, tiêu dùng tốt hơn, khôn ngoan hơn. Tại sao lại có lạm phát? Tại sao một số người lại quá giàu, số khác quá nghèo? Những câu hỏi kinh tế này liên quan đến xã hội, hành vi con người, đời sống của bạn.
Nhờ hiểu biết kinh tế mà bạn có khả năng kiếm tiền, làm giàu. Ví dụ giá xăng tăng, người dân sẽ chuyển sang dùng xe đạp điện, để tiết kiệm nhiên liệu. Những người nhanh nhạy với tình hình sẽ nhập xe đạp điện về bán. Hay khi Chính phủ ra quy định dùng mũ bảo hiểm, những người này sẽ mua và bán mũ bảo hiểm ngay từ lúc quy định đó chưa được ban hành.

Từ khái niệm kinh tế học ai làm quản lý cũng phải hiểu
Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào hai điều: Thiết kế ra một sản phẩm hạng nhất rồi sản xuất nó với chất lượng cao và chi phí hợp lý. Năm 1908, Henry Ford đã xây dựng một nguyên mẫu xe hạng nhỏ, nhẹ và chắc, được đặt tên là Model T với sự trợ giúp của một sáng chế mới – thép va-na-đi, loại thép chắc hơn 3 lần so với thép thông thường. Nhiệm vụ tiếp theo của ông là sản xuất Model T nhanh hơn và rẻ hơn.
Sự thay đổi trong sản phẩm trung bình thường được sử dụng để theo dõi năng suất. Chúng ta hãy chú ý đến thành công đáng kinh ngạc của Henry Ford trong việc giảm số phút cần thiết để lắp ráp một chiếc xe – từ 12,5 giờ xuống còn 90 phút – và do đó tăng sản phẩm cận biên và sản phẩm trung bình của lao động lên cao.
Cần phải nói thêm khái niệm sản phẩm cận biên được sử dụng khi định lượng giá trị của lượng lao động và máy móc tăng thêm so với chi phí của chúng. Khái niệm này trả lời cho câu hỏi: Một giờ tăng thêm của lao động và máy móc đóng góp bao nhiêu cho sản lượng hàng hóa và dịch vụ của công ty?
Khi Ford mới bắt đầu tìm cách sản xuất ô tô nhanh hơn và rẻ hơn, chúng được lắp ráp tại một địa điểm với hàng đống linh kiện và cần 728 giờ. Trong thời kỳ đổi mới ban đầu của Ford, khung gầm (thân xe) của chiếc Model T được một chiếc tời kéo 76m dọc theo sàn nhà máy. Các công nhân đuổi theo nó, nhặt các bộ phận được đặt cẩn thận dọc theo 76m đó và lắp chúng vào thân xe.
Đây là dây chuyền lắp ráp đầu tiên. Nó làm giảm thời gian lắp ráp một chiếc xe đi một nửa, từ 12,5 giờ xuống 5,5 giờ. Một dây chuyền dài hơn với nhiều công nhân chuyên môn hóa hơn tiếp tục cắt thời gian lắp ráp đi một nửa nữa. Sau đó, một băng tải tự động – đầu tiên – dựa trên hệ thống xe đẩy dùng để chuyển thịt bò trong các nhà máy đóng gói thịt ở Chicago, đã được xây dựng và thời gian lắp ráp tiếp tục giảm đi một nửa một lần nữa, còn 93 phút – 1/500 thời gian lắp ráp đứng yên.

Năm 1910, Model T có giá 780 đô-la; 4 năm sau, nó có giá chưa đến một nửa, 360 đô-la và doanh thu hằng năm của Ford vượt qua con số 100 triệu đô-la. Nhà máy của Ford hoạt động ngày càng năng suất hơn – nơi đã từng mất 12,5 giờ để làm một chiếc xe, Ford đã giảm thời gian đó xuống còn 1 phút và cuối cùng là 10 giây.
Những cải tiến vượt bậc trong chi phí và năng suất này đã giúp ông có thể giảm giá mạnh cho Model T, tăng lương (thực tế là gấp đôi), giảm số giờ làm việc trong ngày cho công nhân từ 10 giờ xuống còn 8 giờ mà vẫn bỏ túi khoản lợi nhuận khổng lồ.
“Cách sản xuất ô tô,” ông chia sẻ vào năm 1903, “là làm chiếc ô tô này giống chiếc ô tô khác; cũng giống như chiếc đinh ghim này giống chiếc đinh ghim khác…”
Chuyện về công nhân sản xuất đinh ghim năm 1776
Chuyện về những chiếc đinh ghim mà Henry Ford nhắc đến đã được nhà kinh tế học Adam Smith viết ngay trong chương đầu tiên trong cuốn sách nổi tiếng của ông, Wealth of Nations (tạm dịch: Sự thịnh vượng của các quốc gia) (1776). Ông miêu tả chi tiết về một nhà máy đinh ghim, trong đó “mỗi người có thể được coi như đã đang làm 4.800 đinh ghim một ngày.”
Nhà máy đinh ghim là ví dụ đầu tiên trong kinh tế học về thứ mà Adam Smith gọi là “sự phân công lao động” – tăng năng suất bằng cách chia các công việc lớn thành những công việc nhỏ hơn và giao từng công việc nhỏ này cho một công nhân. Khi công nhân làm công việc đó ngày càng tốt hơn, họ sẽ làm dần tốn ít thời gian hơn và do đó, chi phí trên mỗi đơn vị hoặc công việc sẽ giảm.
Smith đã giải thích tại sao các công nhân lại có năng suất vậy. Để làm ra một chiếc đinh ghim, cần thực hiện 18 hoạt động riêng biệt và chúng được giao cho 18 công nhân khác nhau. Việc này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển từ kệ làm việc này đến kệ làm việc khác và khiến mỗi công nhân thực hiện từng công việc riêng lẻ nhanh hơn và trôi chảy hơn. Smith cho hay sự phân công lao động của ông đã khiến năng suất của công nhân làm đinh ghim tăng hơn 240 lần so với khi một công nhân làm cả 18 công đoạn – đây có thể là một sự phóng đại.

Ngày nay, một công nhân trong một nhà máy đinh ghim ở Anh có thể làm nhiều đinh ghim hơn 167 lần – hơn 800.000 đinh ghim một ngày – so với một công nhân năm 1776. Sự gia tăng năng suất này rất có ý nghĩa vì hai lý do có liên quan đến nhau. Nó khiến đinh ghim –và gần như mọi thứ khác – rẻ hơn nhiều xét về số giờ lao động trên một chiếc đinh ghim và nó khiến một giờ lao động có giá trị hơn, từ đó cung cấp cho người lao động thu nhập cần thiết để mua đinh ghim và những thứ khác, với số lượng lớn hơn rất nhiều so với năm 1776.
Nhà máy ô tô của Henry Ford là một bước tiến vĩ đại nhưng nó cũng chỉ là một sự kế thừa phức tạp nhà máy đinh ghim của Adam Smith. Công thức thành công của Henry Ford là kết hợp một cách sáng tạo nguồn vốn và nguồn nhân lực sao cho có thể tận dụng tối đa năng lực của cả hai.
Dù Ford nhanh chóng đánh mất lợi thế cạnh tranh của chính nó vào tay các công ty ô tô khác – đầu tiên là General Motors, sau là Chrysler – nhưng nước Mỹ đã dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp này đến tận những năm 1970. Nó đánh mất vị thế dẫn đầu khi quên mất bài học chủ đạo mà Henry Ford đã dạy – đó là giá trị có tính quyết định của những công nhân giỏi, có khả năng tạo ra các sản phẩm chi phí thấp, giá trị cao, mà sinh lời nhiều – một bài học có thể nói là ngày càng rõ ràng và đúng đắn hơn trong thời đại ngày nay.
Từ những ví dụ trên có thể thấy việc cải thiện năng suất, dù là nhờ công nghệ (máy làm đinh ghim tốt hơn) hay các sáng chế khác (chia nhỏ công việc để chuyên môn hóa), phụ thuộc vào kỹ năng, khả năng và nền tảng học vấn của người lao động, trong cuộc đấu tranh liên tục để khiến những công việc tẻ nhạt ngày một tốt hơn.
Henry Ford – một người Mỹ ảnh hưởng nhất mọi thời đại
Henry Ford không chỉ đổi mới ngành công nghiệp ôtô, mà còn là người có tác động đến ngành kinh tế thế kỷ 20 khi kết hợp được sản xuất hàng loạt với lương cao nhưng vẫn có những sản phẩm tốt với giá thành thấp.

Time số ra ngày 14/1/1935 đã sử dụng hình ảnh của Henry Ford làm trang bìa. Năm nay, khi xây dựng danh sách 100 nhân vật thế giới có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại, tạp chí này một lần nữa xướng tên ông. Nếu tính riêng trong danh sách 20 người Mỹ có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại, Henry Ford đứng thứ 8. Theo số liệu từ danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes đưa ra hồi tháng 2/2008, tổng tài sản của Henry Ford đạt 188,1 tỷ USD.
Trong danh sách 20 người Mỹ này, còn có tên Steve Jobs, cố CEO của công ty Apple. Phần đông còn lại là các chính khách như George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Franklin D. Roosevelt,… và những nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 20 gồm Alexander G. Bell, Thomas Edison, anh em nhà Wright, Albert Einstein,…
Sinh ngày 30/7/1863 tại Dearborn, Michigan (Mỹ), Henry Ford không chỉ được biết đến như một nhà sáng chế và người sáng lập thương hiệu ôtô Ford, ông còn là kỹ sư và doanh nhân đưa nhiều cải cách vào lao động. Ông không phải là người đã phát minh ôtô, nhưng luôn được xem là nhân vật đã góp phần tạo ra một thế giới hiện đại, người đã thay đổi các phương thức giao thông và vận tải, đem sản xuất dây chuyền lắp ráp vào ngành ôtô.
Lee Iacocca, một trong các nhân viên tại Ford trong những năm 40 của thế kỷ trước nhận xét rằng Henry Ford thực sự là một thiên tài dù ông có đôi chút lập dị, và những ảnh hưởng của ông đến lịch sử là không thể chối cãi. Henry Ford mất ngày 7/4/1947 ở tuổi 83, tại quê nhà Dearborn, Michigan (Mỹ).

Ngay từ thuở nhỏ, Ford đã yêu thích việc lắp ráp máy móc. Công việc tại nông trại của gia đình và trong một cửa hàng máy tại Detroit giúp ông kiếm đủ tiền để theo đuổi đam mê cơ khí của mình. Năm 1896, Henry Ford lắp thành công mẫu xe kéo không dùng sức ngựa, và sau đó bán đi để có tiền phát triển thêm sản phẩm này.
Năm 1901, Ford được mời về làm kỹ sư tại công ty Edison Illuminating và sau đó được giới thiệu với thiên tài Thomas Edison. Chính sự động viên và ủng hộ của Edison đã giúp Henry có thêm động lực để nghiên cứu và phát triển công việc về sau.
Năm 1903, Ford thành lập công ty Ford Motor với tuyên bố: “Tôi sẽ tạo ra xe hơi cho tất cả mọi người”, số vốn ban đầu là 28.000 USD. Vào năm 1905, khi các ngân hàng đầu tư cho công ty của ông cho rằng cách tốt nhất để gia tăng lợi nhuận là chế tạo xe cho người giàu, thì Ford khẳng định những công nhân lắp ráp xe hơi cũng phải có tiền để mua xe cho riêng mình.

Tháng 10/1908, lời nói của Henry Ford thành hiện thực khi cho ra mắt mẫu xe hơi Model T với giá 950 USD, và sau 19 năm bán ra, giá của sản phẩm chỉ còn 280 USD. Gần 15,5 triệu xe đã bán hết trên thị trường Mỹ thời bấy giờ. Model T đã mở ra thời kỳ xe hơi khi tiếp cận được với phần đông khách hàng chứ không tập trung vào giới nhà giàu như các mẫu xe trước đây.
Năm 1914, nhà máy của Ford Motor tại Michigan (Mỹ) đã áp dụng công nghệ đột phá vào sản xuất, cho phép tạo ra một bộ khung xe hoàn chỉnh chỉ sau 93 phút, trong khi công việc này trước đây chiếm tới 728 phút.
Cùng với việc phân chia các khâu lắp ráp, chuyên biệt lao động và đảm bảo tốt về kỹ thuật cũng như vận hành của sản phẩm, công ty của ông nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng và doanh số tăng đáng kể.

Cũng trong năm này, Ford trả lương công nhân 5 USD một ngày, cao hơn gần gấp đôi so với các công ty khác, đồng thời giảm giờ làm từ 9 xuống còn 8 tiếng. Những cải tiến của Ford đã đẩy mạnh thời kỳ cách mạng công nghiệp tại Mỹ, và giúp ông trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới.
Sự ra đời của dòng xe hơi giá rẻ Model T đánh dấu nhiều biến chuyển trong xã hội Mỹ. Khi số người sở hữu xe ngày càng tăng thì cũng là lúc giai cấp trung lưu được hình thành: những cư dân ngoại ô sở hữu mức lương cao, phương tiện đi lại cá nhân và có nhiều thời gian hơn để sử dụng đồng tiền mình làm ra. Các khu ngoại thành cũng trở nên phát triển hơn, và hệ thống đường cao tốc quốc gia cũng bắt đầu hình thành từ thời điểm này.
Năm 1921, sản phẩm của Ford Motor chiếm 55% tổng lượng xe hơi đầu ra trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, thời kỳ sau đó không còn khả quan khi Ford để đối thủ General Motors vượt qua mình, trở thành công ty sản xe hơi hàng đầu của Mỹ. Nhưng nếu xét về những ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp ôtô và vận tải, thì Henry Ford vẫn là người được nhắc đến đầu tiên.
Theo Doanh Nghiệp Tiếp Thị, Vnexpress
Xem thêm bài liên quan
- “Vua xe hơi” Henry Ford: Ông chủ không phải là người trả lương, ông chủ chỉ là người phát tiền lương, chính khách hàng mới là người trả lương cho bạn
- Cách 5 đại tài phiệt kiến tạo nước Mỹ dạy ta kinh doanh sinh lời trong lúc khủng hoảng kinh tế
- 3 kinh nghiệm “Xương máu” từ CEO BOLD Worldwide Brian Cristiano khi suýt trắng tay và phải gánh khoản nợ 250.000 USD trở mình xây dựng nên công ty triệu đô