Bầu Đức chia sẻ về khát vọng lớn lao nhất của mình: “Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu Việt Nam. Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng tất cả doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này”.
Khát vọng của bầu Đức
Khi hỏi cánh chim đầu đàn Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức về khát vọng, ông nói: “Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu Việt Nam. Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng tất cả doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này”.
Đúng là giấc mơ thì vẫn chỉ là giấc mơ. Nhưng nếu là giấc mơ tích cực, nó tạo ra động lực để mọi người phấn đấu thì vẫn đáng trân trọng. Và với bầu Đức, (tên gọi thân thuộc mà cộng đồng từng gọi chủ tịch HAGL) thì con đường biến ước mơ thành hiện thực bắt đầu từ những ngày làm việc miệt mài, không có ngày nghỉ.
Ông say mê làm việc đến quên cả bản thân như để trả món nợ cuộc đời, trả nợ cho tuổi thơ nghèo khó.
48 năm qua, dù đã có lúc nắm trong tay Tập đoàn HAGL với nhiều lĩnh vực đa ngành, kinh doanh cao su, thủy điện, bất động sản và là một trong những tập đoàn lớn vào năm 2015, là công ty bất động sản số một lúc bấy giờ, từng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và trồng hơn 80.000ha cao su tại Lào và Campuchia với vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD, có trong tay một câu lạc bộ bóng đá lừng danh với những chân sút nổi tiếng được mua về, mở Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG, sở hữu máy bay riêng trị giá 7,5 triệu USD, từng là người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán… nhưng hành trình “bay” của cánh chim Đoàn Nguyên Đức cũng nhiều lúc mỏi.
Năm 2009, dù lợi nhuận HAGL đạt 1.700 tỷ đồng năm nhưng phải đối mặt với thị trường tiền tệ 2008-2009 quá tồi tệ, chứng kiến hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của thế giới tuyên bố phá sản, có cảm giác khủng hoảng như đang đến sát mình, bầu Đức cũng đã rơi vào trạng thái bi quan thực sự, có lúc tính chuyện buông xuôi.

Từng bị “ngã ngựa” vào năm 2016 khi HAGL mất thanh khoản, bị ngân hàng “cấm vận”. Lý do là năm 2012, giá cao su 5.200 USD/tấn nên quyết định bán hết bất động sản để làm cao su nhưng sau đó thì giá cao su lại rớt… thê thảm.
Thế là lỗ nhưng bầu Đức vẫn không bỏ cuộc. Sau 5 năm “lặn sâu”, bầu Đức quyết không thể buông tay với nghiệp kinh doanh, ông bắt đầu cuộc “trở lại” vì không thể để “Tập đoàn HAGL mất được”, ông khẳng định.
Năm 2022, HAGL đã trở lại với dự án “Heo ăn chuối, gà đi bộ”. Tự hào vì heo ăn chay của HAGL là “độc nhất vô nhị” nhưng lại bán bằng giá thị trường, bầu Đức thật lòng bộc bạch: “Hay là thời của mình tới rồi…”.
Chuyện được bắt đầu vào năm 2021, trong lúc trà dư tửu hậu, một người bạn nói với ông Đức: “Dù HAGL đã có những nốt trầm trên chặng đường phát triển nhưng anh có uy tín cá nhân khắp cả nước mà không có sản phẩm gì thì hơi tiếc.
Nhiều doanh nghiệp dư tiền cũng không có được điều đó”. Lời nói đó đã thức tỉnh doanh nhân Đoàn Nguyên Đức và ông bắt đầu nghĩ đến nuôi heo “nhưng phải độc đáo”, ông nói.
Có người nói, heo ăn chuối không có gì đặc biệt, chỉ là PR cho lần trở lại của bầu Đức. Bởi lâu nay ở vùng quê người ta vẫn cho heo ăn bắp chuối. Thế nhưng, cái độc đáo và khác của “heo ăn chuối” HAGL là công thức trộn thức ăn cho heo gồm bột chuối, đậu nành, vitamin và thảo dược (thay thế kháng sinh trong thức ăn công nghiệp). Heo nái thì ăn chuối chín để có sữa nhiều; heo thịt thì ăn bột chuối.
Nghe thì đơn giản nhưng để có công thức thành công, ông Đức đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần cho đến khi chỉ số FCA (hệ số chuyển đổi thức ăn thành một đơn vị sản phẩm trong ngành chăn nuôi, nghĩa là người chăn nuôi cần tiêu tốn bao nhiêu kg thức ăn để cho ra cho 1kg tăng trọng lượng ở heo thịt…).
Chia sẻ về lộ trình xa hơn, HAGL đặt mục tiêu cung ứng 1 triệu con heo ăn chuối và 5 triệu con gà ăn chuối ra thị trường và tiến đến xây dựng nhà máy chế biến thịt, tham vọng trở thành một thế lực mới trên thị trường thịt thương hiệu (trị giá khoảng 10 tỷ USD).

Có một điều mà rất nhiều người vẫn trân quý và đồng cảm với bầu Đức, dù HAGL lâm vào nợ nần, nhưng ông vẫn chân thành, giản dị, hình ảnh một doanh nhân luôn phong trần với chiếc áo sơmi và quần jean (đã thành hình ảnh của ông), một ông chủ thương hiệu lớn như HAGL và tên tuổi của một ông bầu trong làng bóng đá nhưng ông vẫn dám công khai tuyên bố thất bại.
Hành động đó được cộng đồng xem như một sự dũng khí, khí khái, dám làm, dám chịu – một phẩm chất, một tinh thần không khuất phục và tự trọng cần có của doanh nhân và cần lan tỏa cho cộng đồng doanh nhân.
Chia sẻ về hành trình đúc kết thành công, thất bại của một doanh nhân và truyền cảm hứng cho cộng đồng, bầu Đức tóm gọn: “Không lùi bước và khuất phục, sống phải có bản lĩnh và đam mê, dám ngẩng cao đầu dù thất bại”.
10 năm làm nông thăng trầm của bầu Đức
Tham vọng lớn
Giữa những năm 2000, tên tuổi bầu Đức gắn liền với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng những dự án bất động sản lớn và khối tài sản kếch sù. Bầu Đức là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, doanh nhân đầu tiên sở hữu máy bay riêng và sớm chuyển hướng kinh doanh, từng bước chuyển lấn sân đầu tư nông nghiệp vốn giàu tiềm năng, nhiều cơ hội phát triển và có thể mang lại biên độ lợi nhuận gộp cao.

Năm 2008, bầu Đức dồn sức lực, tiền bạc cho cao su – cây trồng đầu tiên trong hành trình hơn 10 năm thăng trầm cùng nông nghiệp. Khắc phục hạn chế cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, bầu Đức với tiềm lực kinh tế lớn đã “chơi” lớn đầu tư hàng tỷ USD để trồng cao su bài bản như nhập thiết bị hiện đại từ Isazel – quốc gia đứng đầu về nông nghiệp công nghệ cao, thuê nhân sự nước ngoài có kinh nghiệm để điều hành 51.000 ha diện tích cao su và cây cọ.
Trong giai đoạn 2010 – 2011, Hoàng Anh Gia Lai thành lập công ty CP cao su Hoàng Anh Gia Lai có vốn điều lệ 200 tỷ đồng và tiếp tục “rót” tiền đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đường, nhà máy Ethanol, nhà máy nhiệt điện công suất 30MW để chạy bằng nguồn nhiên liệu là bã mía để tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.
Dày dặn kinh nghiệm thương trường, tâm huyết lớn, đầu tư mạnh nên phần đông đều cho rằng, bầu Đức làm nông là thắng. Thực tế, cao su đã mang lại trái ngọt, góp phần cải thiện biên độ lợi nhuận ròng của tập đoàn từ 9,64% năm 2012 lên 36% năm 2013 và tăng mạnh đến 57,3% vào năm 2014.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro và biến động, nhất là khi thị trường một số sản phẩm chủ lực, trong đó có cao su phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới. Khi thị trường thế giới có biến động sẽ tác động ngay đến thị trường trong nước và “sức khoẻ” của doanh nghiệp.
Vì thế, năm 2014, khi giá cao su thế giới bắt đầu sụt giảm, thời điểm giảm mạnh nhất, giá chỉ còn 1/4, từ 6.000 USD/tấn còn khoảng 1.500 USD/tấn khiến lợi nhuận của tập đoàn đã giảm theo, doanh thu cao su không bù được giá vốn trong khi lợi nhuận mía đường không như kỳ vọng.
Trái cây không mang lại vị ngọt
Mất lợi nhuận từ cao su, bầu Đức chuyển sang nuôi bò quy mô lớn theo tiêu chuẩn quốc tế. Đàn bò nhập từ Australia đã góp phần mang lại doanh thu gấp đôi cho tập đoàn trong năm 2015. Trong định hướng chiến lược, tập đoàn dự tính dành khoảng 6.000 tỷ đồng để nhập đàn bò từ Australia với số lượng dự kiến hơn 40.000 con.
Nhưng, những khó khăn để lại từ cao su, cộng với biên độ lợi nhuận gộp của chăn nuôi bò không cao để đủ giải quyết nợ cho tập đoàn.
Từ năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai gặp nhiều thách thức khi với khoản lỗ gần 2.000 tỷ đồng, một phần do dự phòng giảm giá lại tài sản doanh nghiệp lỗ 1.082 tỷ đồng, một phần do giá vốn và chi phí tài chính tăng vọt. Nhiều tài sản lớn của bầu Đức lần lượt chuyển nhượng như dự án bất động sản, máy bay.

Ngã đâu đứng dậy ở đó. Với nhiều ý tưởng start-up nông nghiệp, bầu Đức xoay sang trồng cây ăn trái với một số sản phẩm chủ lực như chanh leo, chuối, thanh long, xoài, mít, ớt… cho thu hoạch nhanh, nhu cầu thị trường lớn, dòng tiền kinh doanh luân chuyển nhanh. Chỉ có điều, khác với cao su và chăn nuôi chịu tác động của thị trường, những biến động của trái cây lại đến từ yếu tố thời tiết bất lường.
Trận lụt ở Lào năm 2019 khiến doanh thu trái cây của tập đoàn giảm hơn 1/2, từ 2.897 tỷ đồng còn 1.275 tỷ đồng. Kế đó là cú bồi của dịch bệnh COVID-19 vừa khiến tập đoàn giảm mạnh doanh thu vừa làm các vườn trái cây xuống cấp, cần khoản đầu tư lớn để cải tạo.
Trong cả giai đoạn khá dài từ năm 2016 – 2021, kinh doanh không thuận lợi, lợi nhuận giảm, tập đoàn chật vật với các khoản nợ lớn, thậm chí có nguy cơ phá sản nếu không tính đến chuyện tái cơ cấu.
Heo ăn chuối sẽ tạo nên đột phá?
Sau dịch bệnh, Hoàng Anh Gia Lai trở lại thị trường bằng việc bắt tay với tập đoàn Thaco để hợp tác chăn nuôi heo. Trong rổ thực phẩm của các gia đình người Việt, thịt heo chiếm 70%. Nhu cầu thịt heo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cao, trước Hoàng Anh Gia Lai, một số đại gia đã “nhảy” vào lĩnh vực này và ngày càng mở rộng kinh doanh.
Ở thời điểm bầu Đức chuyển sang nuôi heo, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn báo lãi với doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 529 tỷ đồng.
Khác với những ngành nghề đã đầu tư trước đó, mô hình nuôi heo tận dụng một phần lớn nguyên liệu của vườn cây ăn trái đã không thành công. Đó là lượng rất lớn chuối thải loại được đưa vào sản xuất thành bột chuối để phối trộn trong thức ăn chăn nuôi.

Giải thích về mô hình kinh doanh mới, bầu Đức cho biết: ông đã tìm được phương pháp đưa bột chuối vào 40% thức ăn chăn nuôi giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành chăn nuôi bởi thức ăn chăn nuôi chiếm 75% giá thành. Trong khi đó, sản lượng chuối được trồng để xuất khẩu tại trang trại của tập đoàn có thể đạt sản lượng lên đến 200.000 tấn.
Ngoài các loại đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, chuối thải loại được đưa vào chăn nuôi, góp phần giảm giá thịt thương phẩm. Đây chính là lợi thế cạnh tranh và giúp tập đoàn giải quyết cả hai mảng việc.
Vì thế, ngoài đàn heo, với cách thức này, tập đoàn đang mở rộng chăn nuôi gia cầm, dự kiến cho ra mắt sản phẩm gà chạy bộ ăn chuối vào cuối năm nay. Vấn đề bầu Đức quan tâm hiện nay là hệ thống cửa hàng phân phối để đưa sản phẩm chăn nuôi đến người tiêu dùng.
Sau 1 thập kỷ dấn thân vào nông nghiệp, biểu đồ mô hình kinh doanh của bầu Đức giống như đồ thị hình sin: lợi nhuận cao trong năm đầu và giảm dần rồi thay thế bằng mô hình kinh doanh khác. Ở lần ra mắt mô hình heo ăn chuối gần đây, bầu Đức khá lạc quan và tin tưởng vào doanh thu đạt được để từ đó từng bước chi trả các khoản nợ.
Sự cạnh tranh của phân khúc thịt heo trên thị trường khá gay gắt. Không chỉ là mặt hàng mới, tập đoàn bầu Đức chưa có sự hậu thuẫn lớn của hệ thống phân phối riêng của mình.
Ở lần thử sức mới này, sự chờ đợi nhiều nhất với tập đoàn có lẽ này chiến lược kinh doanh phù hợp, phương pháp quản trị, trong đó quan trọng là quản trị rủi ro phù hợp để tránh “vết xe đổ”.
Tổng hợp: Doanh nhân Sài Gòn, Doanh Nghiệp Trẻ, Zingnews