Giải thưởng VinFuture mùa 2 đã trao giải chính trị giá 3 triệu USD – giải cao nhất – cho 5 nhà khoa học với các phát minh kết nối công nghệ mạng toàn cầu – thay đổi phương thức giao tiếp, làm việc và đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội hiện đại.
Tối ngày 20/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu – VinFuture 2022 với chủ đề “Tái thiết và Hồi sinh”.
Tham dự Lễ trao giải có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nhà khoa học quốc tế kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới.
Hàng trăm nhà khoa học danh tiếng thế giới hội tụ tại Việt Nam
Tối nay, tại Nhà hát lớn Hà Nội, chủ nhân của bốn giải thưởng Khoa học công nghệ VinFuture mùa 2 sẽ lộ diện. Giải thưởng vinh danh tác giả 4 công trình khoa học có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu người trong và sau đại dịch.
Trong đó, một giải chính trị giá 3 triệu USD và 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD mỗi giải với 3 hạng mục: Nhà khoa học nữ, Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực tiên phong.
Bước sang năm thứ 2 tổ chức, giải thưởng VinFuture với chủ đề “Hồi sinh và tái thiết” thu hút 970 đề cử từ 71 quốc gia (gấp 1,5 lần so với mùa 1). Giáo sư Sir Richard Henry Friend – Chủ tịch hội đồng giải thưởng VinFuture đánh giá, các đề cử mùa giải 2022 có chất lượng rất tốt.
Trong đó, công trình đoạt giải 3 triệu USD là một thành tựu đột phá, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu với hàng triệu người được hưởng lợi. “Tiềm năng tác động của công trình này tới nhân loại trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất lớn”, giáo sư Sir Richard nói.
Lễ trao giải thu hút hàng trăm nhà khoa học trong nước và thế giới, trong đó có những người có tầm ảnh hưởng trong giới nghiên cứu toàn cầu, chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá như Nobel, Millennium Technology, Turing…
Sự kiện năm nay còn có sự góp mặt của diva Christina Aguilera, chủ nhân của 5 giải Grammy cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi như nhạc trưởng Honna Tetsuji, NSƯT Bùi Công Duy, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh, NSƯT Linh Nga, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam.
Giải thưởng do Quỹ VinFuture trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Quỹ ra mắt vào 20/12/2020 hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập với mục tiêu tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới.
‘VinFuture khám phá cách tạo nên thay đổi’
Giáo sư Sir Richard Henry Friend – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture thay mặt Ban Tổ chức phát biểu khai mạc Lễ trao giải VinFuture 2022.
Ông xúc động nhắc lại lễ trao giải đầu tiên, diễn ra trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khi các biến thể delta và omicron tạm lắng, và việc đi lại vẫn còn khó khăn. “Nhưng đó là một dịp đặc biệt khi chúng ta rất vui mừng chào đón chào những Chủ nhân Giải thưởng VinFuture đến Hà Nội”, ông nói.
Giải thưởng Chính đầu tiên: Tiến sĩ Katalin Kariko, Giáo sư Drew Weissman và Giáo sư Pieter Cullis với thành tựu của mình đã minh họa rõ nét cho hành trình đi từ những đổi mới sáng tạo cơ bản để tạo ra tác động toàn cầu – giá trị mà giải thưởng VinFuture vinh danh. Vaccine mRNA thực sự đã thay đổi thế giới: cứu mạng người dân, phục hồi nền kinh tế, và khôi phục những tương tác xã hội.
“Và chúng tôi rất vui mừng khi trong buổi tối ngày hôm nay, nhờ một phần vào thành quả mà VinFuture đã vinh danh tại mùa 1 – rất nhiều người có thể đến Hà Nội để tham dự buổi Lễ trao giải mùa 2”, giáo sư chia sẻ.
Ông nhận định, 2022 là một năm khó khăn khi ngày càng nhiều người nhận thức rằng sự nóng ấm toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, nhận ra rằng cơ hội ổn định khí hậu chỉ tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp dường như đang vuột đi. “Cam kết toàn cầu sau hội nghị COP27 ở Ai Cập hồi tháng 11 vừa qua đặt câu hỏi về việc có đưa con người đến với mục tiêu phi carbon đủ nhanh hay không.
“Tuy nhiên, các bộ công cụ khoa học và kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện – những tiến bộ công nghệ mới đóng vai trò còn khiêm tốn, và trong vài thập kỷ tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến quá trình tái cấu trúc năng lượng ở mức độ quy mô nhất – từ việc phát điện đến việc lưu trữ và sử dụng điện – kể từ thời đại hơi nước và sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp”, ông nói.
“Những cơ hội để đạt được mục tiêu đó, một cách hợp lý về chi phí và sự công bằng, là có thật và hoàn toàn nằm trong tay chúng ta”, ông nói và cho biết lần trao giải này, cùng khám phá làm cách nào để tạo nên một số thay đổi, thông qua những buổi diễn thuyết truyền cảm hứng và chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”
970 đề cử từ khắp các châu lục
Tiếp nối vấn đề về năng lượng, theo giáo sư GS Sir Richard Henry Friend, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đang tăng lên nhanh chóng và ngày càng rẻ hơn – đây hiện là những phương án có chi phí thấp nhất cho công suất phát điện mới. Điều đó dẫn đến thách thức về lưu trữ năng lượng, chủ yếu cho việc vận chuyển.
Ông đánh giá những pin lithium ion ngày nay không chỉ đạt chất lượng tốt mà còn rẻ, mở ra con đường dẫn đến một nền vận tải phi carbon.
“Nhưng hôm qua, chúng ta cũng học được một điều, rằng sẽ có nhiều loại pin hơn nữa với giá rẻ hơn, có thể mở rộng hơn để lưu trữ ngoài lưới và cấp lưới. Những thách thức đối với sự bền vững và duy trì mức carbon thấp cũng mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp. Và trong tuần này, chúng ta đều đã được nghe trình bày về những bước tiến đáng chú ý, được cải thiện đáng kể so với thực tiễn hiện tại”, ông điểm lại.
“Những thách thức toàn cầu đòi hỏi những sự hợp tác và tầm nhìn toàn cầu. Những khát vọng này được thể hiện rõ trong Giải thưởng VinFuture, hướng tới vinh danh sự kết nối giữa những phát minh sáng tạo có tầm nhìn xa với những tác động thực tế mà phát minh đó đem lại cho sự thịnh vượng bền vững toàn cầu. Đội ngũ của Giải thưởng VinFuture đã vươn ra khắp thế giới để tìm kiếm những người tham gia công tác đề cử”, ông nhấn mạnh.
Ông cho biết, năm nay, Giải thưởng VinFuture nhận được 970 đề cử từ khắp các châu lục và đa dạng lĩnh vực. “Chúng tôi – những thành viên Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo – vui mừng được chào đón những Chủ nhân Giải thưởng của Lễ trao giải mùa 2 cùng đến Hà Nội tối hôm nay”, ông nói. Ông ghi nhận sự chào đón nồng hậu tại Việt Nam, cùng tinh thần lạc quan hiện hữu rõ rệt khắp nơi, tại một đất nước trẻ trung và luôn hướng về tương lai. Ông cho rằng đây là dịp đặc biệt đối với các nhà khoa học quốc tế khi cùng tề tựu tại Hà Nội.
“Vấn đề cấp thiết của 2022 là ‘tái thiết và hồi sinh'”
Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, điều khác biệt của Giải thưởng VinFuture 2022 so với mùa giải trước là sự thoải mái, an toàn khi Covid-19 gần như đã được kiểm soát hoàn toàn ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Điều này có được là nhờ sự đóng góp quan trọng của các công trình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống Covid-19. Trong đó, nổi bật là công trình phát triển công nghệ mRNA, nền tảng của vaccine Covid-19. Công trình được chứng minh sức ảnh hưởng với hơn 150 quốc gia hưởng lợi từ nghiên cứu này và các nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học này đã được vinh danh với Giải thưởng Chính tại Lễ trao giải thưởng VinFuture 2021.
Do đó, thông qua Lễ trao giải VinFuture lần thứ 2, ông bày tỏ sự trân trọng biết ơn vì cống hiến, phụng sự nhân loại của Tiến sĩ Katalin Karikó, Giáo sư Pieter Cullis và Giáo sư Drew Weissman.
Theo Chủ tịch quốc hội, nếu bảo vệ sức khỏe là thách thức của nhân loại năm 2021, “Tái thiết và Hồi sinh” là vấn đề cấp thiết mà thế giới phải đối mặt năm 2022 và trong tương lai. Đây cũng là chủ điểm VinFuture 2022 đặt ra hậu Covid-19, thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh “Khoa học phụng sự nhân loại” nhất quán của giải thưởng.
Đánh giá cao số hồ sơ tham dự tăng, ông cũng nhấn mạnh, một trong những điểm khác biệt nổi bật của VinFuture là tác động lan toả toàn cầu và truyền cảm hứng tới cộng đồng khoa học ở khắp nơi trên thế giới. Cụ thể, tỷ lệ đối tác đề cử đến từ các nhà khoa học châu Á cũng đạt 34,6%. Đặc biệt, tỷ lệ đối tác đề cử đến từ châu Phi cũng đạt đến 12,4%, tăng hơn 6 lần so với năm 2021.
Những con số này góp phần chứng minh nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt Nam khởi xướng, đồng thời, mang tới niềm hy vọng về những công trình khoa học hữu ích với cuộc sống của hàng triệu người, hướng tới một thế giới phát triển công bằng hơn.
Ông cũng khẳng định, khoa học công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc văn minh nhân loại, đồng thời, giúp con người vượt qua những cơn đại hồng thủy – như đại dịch vừa qua. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ trở thành động lực thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại, giúp cho con người có cuộc sống tốt đẹp, ấm no và hạnh phúc hơn.
“Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture, với việc tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai, đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông, VinFuture là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới và cũng là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hoá những khát vọng khoa học để phụng sự nhân loại.
Qua đây, Chủ tịch quốc hội cũng đánh giá cao sáng kiến, những nỗ lực của Quỹ VinFuture và người sáng lập Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và bà Phạm Thu Hương khi góp phần tôn vinh giá trị của khoa học công nghệ.
Tri ân Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2022
Các thành viên Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo của VinFuture là những nhà khoa học uy tín có tầm ảnh hưởng bậc nhất trên thế giới, cùng lựa chọn ra những đề cử xuất sắc nhất cho giải thưởng. Đó là những công trình nghiên cứu góp phần thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại, có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, hướng tới mục tiêu Hồi sinh và Tái thiết.
Trước tràng pháo tay của khán giả trong khán phòng, các thành viên Hội đồng bước lên sâu khấu để ban tổ chức gửi lời tri ân tới những cống hiến to lớn của họ với Giải thưởng VinFuture 2022.
Hai nhà sáng lập Quỹ VinFuture, ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương, bước sân khấu, bắt tay và trao tặng từng người những đóa hoa sen – biểu tượng văn hóa của Việt Nam.
“Hi vọng những bó hoa sen sẽ đưa hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và giải thưởng VinFuture đọng mãi trong trái tim các nhà khoa học”, MC nói trong tiếng vỗ tay tri ân phía dưới khán đài.
Nhà khoa học Ấn Độ nhận giải thưởng đặc biệt đầu tiên
Giải thưởng đầu tiên được trao trong buổi lễ là Giải Đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Vinh quang này thuộc về tác giả Thalappil Pradeep (Ấn Độ) với công trình phát triển hệ thống lọc nước chi phí thấp để loại bỏ asen khỏi nước ngầm.
Sau khi nhận cúp, chứng nhận từ Giáo sư Nguyễn Thục Quyên và Giáo sư Albert Pisano, Giáo sư Pradeep chia sẻ, ông biết vẫn còn một khoảng trống lớn nhân loạt cần vượt qua để có nước sạch cho tất cả mọi người trên toàn câu. “Tôi hy vọng giải thưởng có thể giúp tôi làm đạt được mục tiêu đó”, ông nói.
Ông gửi lời cảm ơn đến cơ quan đang công tác, nghiên cứu, hội đồng giải thưởng, đất nước ông sinh ra và Việt Nam. Đặc biệt, Giáo sư Ấn Độ bày tỏ lòng biết ơn đến người vợ giúp ông vượt qua khó khăn, ngay cả khi không còn ánh sáng trong đường hầm.
Nghiên cứu của ông bắt nguồn từ vấn đề của bang Punjab – phía bắc của Ấn Độ, nơi có nguồn nước ngầm dồi dào, chảy xuống từ dãy Himalaya. Tuy nhiên, phần lớn nước tự nhiên ở đó bị nhiễm asen và sắt. Người dân ở các vùng nông thôn, hay những người nghèo sống dựa vào nước giếng ở Punjab từ lâu đã phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc mỗi khi uống nước. Để giải quyết mối nguy hại lớn về sức khỏe và môi trường này, GS. Pradeeep phát hiện ra các hạt nano kim loại có thể sử dụng để phá vỡ các liên kết kết nối và vận chuyển asen trong nước ngầm. Công nghệ phá vỡ liên kết này làm sạch nước ngầm với chi phí rất thấp – điều cần thiết để giúp hàng triệu hộ gia đình đang bị ảnh hưởng có thể tiếp cận công nghệ.
Công việc của Pradeep là tìm ra các vật liệu phù hợp và tiên tiến nhất để loại bỏ các chất gây ô nhiễm cụ thể trong nước, không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của những người khác, theo cách bền vững và tiết kiệm chi phí nhất. Các công nghệ này có khả năng loại bỏ tạp chất, giúp những người nghèo nhất ở khu vực nông thôn. Từ năm 2007, công nghệ loại bỏ thuốc trừ sâu ước tính tiếp cận hàng triệu người.
Vào năm 2020, hơn 80 hệ thống máy lọc nước sử dụng công nghệ do GS. Pradeep phát triển được lắp đặt ở Punjab, cung cấp nước uống không chứa asen cho khoảng 150.000 người dân. Các máy lọc cũng được lắp đặt ở các bang khác như Uttar Pradesh, Bihar và Tây Bengal, cung cấp nước uống sạch cho hơn 7,5 triệu người.
Thalappil Pradeep nhận bằng cử nhân, Thạc sĩ tại Đại học Calicut và bằng Tiến sĩ tại Viện Khoa học Ấn Độ, Bangalore. Ông từng là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Đại học California Berkeley, Đại học Purdue, West Lafayette, Indiana.
Hiện, ông hiện là giáo sư, Chủ tịch Viện Deepak Parekh và giáo sư tại Khoa Hóa học, Viện Công nghệ Ấn Độ Madras, Chennai.
Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới
2 chủ nhân của giải là Tiến sĩ Demis Hassabis, Anh và Tiến sĩ John Jumper, Mỹ cho công trình AlphaFold, một hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán cấu trúc 3D của protein vì đã lãnh đạo nhóm DeepMind đã phát triển AlphaFold 2, sử dụng phương pháp học sâu để dự đoán cấu trúc protein, thúc đẩy những tiến bộ trong y sinh, y tế và nông nghiệp.
Tại sự kiện, Giáo sư Leslie Gabriel Valiant là người nhận giải thay do 2 chủ nhân giải thưởng có việc bận phải quay về nước sớm. Ông đã chia sẻ bài phát biểu của hai tác giả. Theo bức thư của Tiến sĩ John Jumper: “Tôi rất vinh dự khi nhận được giải thưởng và rất tiếc vì không thể có mặt ngày hôm nay. Nhưng tôi rất phấn khích với sự triển của trí tuệ nhân tạo trong sinh học. Xin được cảm ơn cả nhóm đã giúp công trình AlphaFold giành giải thưởng hôm nay”.
Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ thuộc về Giáo sư Mỹ
Giáo sư Pamela Christine Ronald được trao giải đặc biệt dành cho Nhà Khoa học nữ của VinFuture 2022 với công trình phân lập được gene lúa đặc hiệu (Sub1A) để tạo ra các giống lúa năng suất cao có khả năng chống chịu được ngập úng. Đây là giải đặc biệt thứ hai, trị giá 500.000 USD của Giải VinFuture.
Cầm trên tay cúp giải thưởng, GS. Pamela C. Ronald nói lời cảm ơn: “Tôi rất vinh dự khi nhận giải thưởng VinFuture hôm nay. Cảm ơn những đóng góp của các nhà khoa học trong suốt 50 năm qua, khi lần đầu tiên giống lúa này được nghiên cứu, cảm ơn nhóm các sinh viên làm việc trong phòng thí nghiệm, các cộng sự, những người hướng dẫn trong nhiều năm qua”.
Đặc biệt, bà gửi lời cảm ơn tới gia đình, những “người với tình yêu thương vô điều kiện”, và người bạn đã cùng bà cùng tới Việt Nam chia sẻ niềm vui.
“Giải thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ sinh trong nông nghiệp, khi giải quyết thách thức về lương thực trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, mà không ảnh hưởng tới môi trường. Đây là loại lúa giúp giảm phát thải nhà kính, có khả năng chống chịu được ngập úng”, bà nói.
Nữ giáo sư nhấn mạnh: “Giải thưởng thúc đẩy tình yêu khoa học và truyền cảm hứng tới thế hệ các nhà khoa học nữ. Khoa học cần phụ nữ và phụ nữ cần khoa học”.
Pamela C. Ronald có công trong việc phát triển các giống lúa mới chịu ngập dựa trên công trình nghiên cứu cơ bản của bà về gene chịu ngập đặc hiệu. Nghiên cứu này có tầm quan trọng rất lớn vì gạo là thực phẩm thiết yếu cho một nửa dân số thế giới.
Bà có công trình tiên phong nghiên cứu phân lập gene lúa (Sub1A) để phát triển các giống lúa năng suất cao, chịu ngập vượt trội, đặc biệt phù hợp với điều kiện trồng trọt ở Lào, Bangladesh, và Ấn Độ và có thể được áp dụng thêm trong việc trồng lúa của các quốc gia khác. Đây là một phát hiện đột phá trong lĩnh vực trồng và thu hoạch lúa.
Với tình trạng căng thẳng của việc biến đổi khí hậu ở một số quốc gia, kéo theo sự xuất hiện của các trận lụt lớn không thể dự báo trước được ở nhiều quốc gia, nơi gạo là lương thực chính, các giống lúa mới của Ronald với tính chống ngập đã mang lại giải pháp lâu dài và có hệ thống cho các vấn đề dinh dưỡng xảy ra ở nhiều quốc gia bao gồm cả những quốc gia tính đến nay vẫn chưa chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Do đó, trong tương lai các giống lúa được tạo ra nhờ những khám phá của Ronald sẽ ngày càng có lợi ích lớn hơn. Người ta dự đoán rằng các giống mới sẽ được tạo ra còn có khả năng kháng một số tác nhân gây bệnh.
Pamela C. Ronald nhận bằng Cử nhân Sinh học tại Đại học Reed, 1 bằng Thạc sĩ Sinh học tại Đại học Stanford, một bằng Thạc sĩ Thực vật học Sinh lý tại Đại học Uppsala và 1 bằng Tiến sĩ trong Sinh học thực vật phân tử và sinh lý tại Đại học California, Berkeley. Bà là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về lai tạo giống cây trồng tại Đại học Cornell và giảng viên Khoa Bệnh học thực vật của Đại học California, Davis vào năm 1992.
Trong những năm qua, Pamela C. Ronald đã trở thành một người ủng hộ mạnh cho khoa học và nông nghiệp bền vững. Phòng thí nghiệm của bà là nơi giúp phát triển các giống lúa có khả năng kháng bệnh và chịu được các điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, và ngập mặn.
Lộ diện chủ nhân Giải thưởng chính trị giá 71 tỷ đồng
Sau màn trình diễn đầy cảm xúc của nữ ca sĩ Christina Aguilera, cả khán đài cùng ngóng chờ màn trao giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD của Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture 2022 (tương đương hơn 71 tỷ đồng).
Đây là hạng mục trao cho phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu, đã thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp, làm việc của con người, và đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế – xã hội hiện đại.
Những nhà khoa học sở hữu công trình đáp ứng những tiêu chí trên và xuất sắc giành giải thưởng danh giá là Giáo sư Sir. Timothy John Berners-Lee (Anh); Tiến sĩ Vinton Gray Cerf (Mỹ); Tiến sĩ Emmanuel Desurvire (Pháp); Tiến sĩ Robert Elliot Kahn (Mỹ), Giáo sư Sir. David Neil Payne (Anh).
Năm nhà khoa học này đã giúp biến Internet và mạng lưới toàn cầu thành hiện thực, nhờ đó, thay đổi mãi mãi cách chúng ta sống, giao tiếp và làm việc, đồng thời đặt nền móng cho sự tiến bộ của nền kinh tế xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, đến tham dự buổi lễ chỉ có bốn nhà khoa học, Tiến sĩ Robert Elliot Kahn vắng mặt vì lý do sức khỏe. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao cúp và chứng nhận giải thưởng danh giá nhất.
Toàn hội trường đã đứng lên và vỗ tay chúc mừng nhóm nhà khoa học tạo nên công nghệ gắn bó với hàng triệu người dân toàn cầu.
Thay mặt nhóm, Giáo sư Sir. David Neil Payne chia sẻ, cảm ơn những nhà khoa học đã giúp thế giới thay đổi tốt đẹp hơn. Internet giúp mọi người có thể làm việc trong đại dịch. Những điều khán giả đang thấy qua màn hình thể hiện sự thành công của công trình nghiên cứu này. “Chúng ta có thể làm việc trong dịch nhờ bộ khuếch đại quang.
“Chúng tôi cảm ơn quỹ VinFuture, trường đại học cho tôi làm trong 60 năm và người vợ chịu đựng việc tôi cống hiến cho khoa học suốt nhiều năm”, ông nói thêm.
Tiến sĩ Emmanuel Desurvire cũng cho biết, ông chỉ là một trong những người làm laser và cáp laser trên toàn cầu. Ông biết ơn vì có óc tò mò, điều rất cần thiết trong nghiên cứu, đi theo những điều ngay cả khi mọi người tin đó là vô lý.
Ông Tiến sĩ Vinton Gray Cerf cũng thay mặt ông Robert Elliot Kahn cùng cảm ơn VinGroup, tầm nhìn và sự hỗ trợ của hội đồng trong việc trao cho nhóm giải thưởng để tiếp tục nỗ lực này.
Giáo sư Sir. Timothy John Berners-Lee lần nữa khẳng định nghiên cứu là câu chuyện của sự hợp tác chặt chẽ của VinFuture và các nhà khoa học, kết nối và mang lại hy vọng cho thế giới.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học được thực hiện trên nhiều tầng lớp khác nhau của mạng lưới toàn cầu đã cho phép giao tiếp, truyền tải và chia sẻ đáng tin cậy mọi dạng thông tin trên toàn thế giới với tốc độ ánh sáng, cũng như tương tác, cộng tác và đồng sáng tạo trong thời gian thực giữa các cá nhân và nhóm trên toàn thế giới.
Timothy John Berners-Lee phát minh ra mạng lưới toàn cầu World Wide Web, viết trình duyệt web đầu tiên, dẫn dắt thiết kế và thiết lập ba tiêu chuẩn Internet quan trọng, gồm: HTML, HTTP và URL. Những điều này đã làm cho việc chia sẻ và sử dụng liền mạch tất cả các tài nguyên thông tin của toàn thế giới trên internet.
Robert Elliot Kahn và Vinton Gray Cerf dẫn đầu việc thiết kế, triển khai giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức Internet (TCP/IP) là cơ sở cho internet hiện tại. Các nhà khoa học này đã xây dựng các nguyên tắc thiết kế cơ bản của mạng. TCP/IP được cụ thể hóa và tạo nguyên mẫu để đáp ứng các yêu cầu này, giám sát một số triển khai giao thức cho phép trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho Internet.
Internet ngày nay dựa vào giao tiếp cáp quang. Sự phát triển của chúng được kích hoạt bởi công việc do David Neil Payne dẫn đầu trong hơn ba thập kỷ về thiết kế fiber, bộ khuếch đại quang, sợi đặc biệt, laser, bộ khuếch đại công suất cao; và bởi công việc đột phá của Emmanuel Desurvire đối với bộ khuếch đại sợi pha tạp Erbium, sự phát triển ban đầu của chúng.
Công trình của họ cho phép tăng cường tín hiệu nội tuyến ánh sáng đa màu sắc trong mạng cáp nội bộ, cáp xuyên lục địa, và cáp ngầm dưới biển, rất cần cho cơ sở hạ tầng cáp quang để tạo nền tảng cho mạng World Wide Web và Internet.
Mạng lưới toàn cầu World Wide Web và Internet đã trở thành công cụ không thể thiếu cho tất cả các hoạt động truyền thông và xử lý thông tin trên toàn thế giới.
World Wide Web, Internet và Internet cáp quang trở thành công cụ giao tiếp thống trị trên toàn thế giới, được hàng tỷ người sử dụng để lấy thông tin, trao đổi và kết nối dễ dàng, biến đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ quản lý cơ bản các công việc hàng ngày đến mọi thứ chúng ta làm trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế, chính trị nói chung, giúp trong các cuộc khủng hoảng và đại dịch nói riêng.
2 nhà sáng lập VinFuture tại lễ trao giải mùa 2
Sự kiện lần này có sự xuất hiện của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đây là một trong những dịp hiếm hoi bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) xuất hiện trước công chúng.
Bà Phạm Thu Hương xuất hiện trong trang phục áo dài truyền thống màu hồng, tóc ngắn. Hai vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngồi ở hàng ghế đầu tiên trong khán phòng.
Được biết, bà Phạm Thu Hương sinh ngày 14/6/1969. Bà cũng trực tiếp tham gia sâu vào công tác điều hành của Vingroup.
Xuất thân từ miền quê nghèo nhưng giàu truyền thống hiếu học, chàng thanh niên trẻ Phạm Nhật Vượng đã nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo.
Năm 1987, sau khi thi đỗ vào trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội với thành tích Toán học vượt trội, chàng thanh niên tròn 18 tuổi đã được Chính phủ cử sang nước Nga để tiếp tục nghiên cứu về ngành Địa chất học. Đây thực sự là cơ hội, là bước ngoặt lớn giúp ông Vượng định hình cho sự thành công trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sau này.
Ông được xem là tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011, với giá trị tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1 tỷ USD tại thời điểm đó.
Theo Vnexpress, Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Hãng xe Việt VinFast dự kiến lên sàn chứng khoán Mỹ từ tháng 8/2023 với định giá 27 tỷ USD
- Cận cảnh “binh đoàn” xe đạp điện, VinFast VF3, VF6, VF7 vừa trình làng để thực hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe xanh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
- “Vua thép” Trần Đình Long bỏ túi gần 3.000 tỷ, giá trị cổ phiếu nắm giữ vượt qua Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng