Tập đoàn bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng số 1 Việt Nam đặt mục tiêu thị trường toàn cầu sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu, đẩy mạnh cho các thương hiệu Chinsu, Omachi và Vinacafe.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sáng 24/4, Tập đoàn Masan (MSN) thông tin có chiến lược “Go Global” nhằm đưa các thương hiệu quan trọng của tập đoàn ra các thị trường trên thế giới.
Tổng giám đốc Masan Danny Le tin rằng nhu cầu của người tiêu dùng đang phát triển rất nhanh và có thêm nhiều nhu cầu khác. Masan hướng đến tăng trưởng kinh doanh cả kênh hiện đại lẫn truyền thống, từ cung cấp nhu yếu phẩm đến phục vụ nhu cầu khác.
15% từ thị trường nước ngoài
Lãnh đạo Masan nhấn mạnh lộ trình tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025 tập trung vào động lực chính là chiếm lĩnh thị phần bán lẻ hiện đại và hợp tác với bán lẻ truyền thống để phục vụ 30-50 triệu hội viên WIN.
Cụ thể, tập đoàn sẽ tăng quy mô hội viên ở cả offline và online với mục tiêu có 10 triệu thành viên vào năm 2023 và 30 triệu thành viên vào năm 2025, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho 5 triệu người tiêu dùng chưa được phục vụ đầy đủ trong vài năm tới.
Masan đang mở rộng phục vụ nhu cầu khác như Phúc Long, thí điểm Dr.Win và dịch vụ tài chính của Techcombank. Chẳng hạn Dr.Win đang có tốc độ tăng trưởng 30%/năm, 2.000 tài khoản Techcombank mở mới mỗi ngày tại hệ thống Winmart, làm chủ hệ thống kho bãi thông qua The Supra…
Về sự hợp tác giữa Wincommerce và Lazada, ông Danny Le tự tin có thể mang đến thành công dựa trên cơ sở là những đơn vị hàng đầu về hệ thống bán hàng offline và online, tháng 6 sẽ thông tin chi tiết.
Tổng giám đốc The CrownX Trương Công Thắng thông tin Masan Consummer hướng tới mục tiêu doanh thu 80.000-100.000 tỷ đồng giai đoạn 2023-2027, với thị trường trong nước chiếm 85% và nước ngoài chiếm 15%.
“Các sản phẩm về đồ uống và hoá mỹ phẩm rất khó có thể đưa ra thế giới nhưng các sản phẩm của Chinsu, Omachi, Vinacafe sẽ được đẩy mạnh đưa ra thị trường nước ngoài”, ông Thắng khẳng định.
Dự kiến đến năm 2027, hoạt động kinh doanh thị trường toàn cầu sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu của Masan Consumer Holdings. Tập đoàn mới ra mắt bộ sưu tập các sản phẩm gia vị Chinsu tại Nhật Bản hồi tháng 3.
Thực tế, Masan đã bán một vài sản phẩm ra thế giới theo các hợp đồng xuất khẩu và nhận về kết quả tương đối tốt, doanh thu hàng nghìn tỷ và suất lợi nhuận cao trong một vài năm gần đây.
Ông Thắng nói phải lựa chọn nhãn hiệu và ngành hàng phù hợp, tập trung các sản phẩm mang yếu tố Việt Nam để ra nước ngoài. Do đó, các sản phẩm phải thử khi du lịch Việt Nam như đồ ăn, gia vị, cafe là mặt hàng xuất khẩu chiến lược.
Giá trị bán ra nước ngoài tương đối cao. Chẳng hạn, nước mắm Chinsu đã bán được trên Amazon với giá lên đến 10 USD và từ đó có thể xâm nhập vào các nền tảng bán hàng khác để đưa thương hiệu ra nước ngoài.
Không chỉ “ngồi ở Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm mà lãnh đạo Masan khẳng định sẽ xây dựng hệ thống ở nước ngoài như đang đặt nền móng về sản xuất sản phẩm, nhân sự đồng loạt ở các nhãn hàng.
Với riêng thị trường Trung Quốc, ông Thắng nói thêm đang kinh doanh tại đây nhưng quy mô khiêm tốn do chưa tập trung trọng điểm.
“Trung Quốc nằm trong lộ trình chung tổng thể của 3 thương hiệu Chin su, Omachi và Vinacafe”, ông tiết lộ và thông tin thêm ngành hàng cafe có triển vọng tốt nhất, phở cũng là mặt hàng gần gũi, còn nước mắm chưa có vị thế tốt tại quốc gia tỷ dân.
Thương hiệu Phúc Long cũng có chiến lược Go Global khi đang có những bước đầu tiên để xây dựng quy trình bán hàng trên toàn cầu, chuẩn hóa các chuẩn mực chất lượng và vận hành sản phẩm.
Kế hoạch thu 100.000 tỷ đồng
Theo tờ trình, Masan Group lên kế hoạch doanh thu 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18-31% so với thực hiện trong năm 2022. Lợi nhuận kế hoạch trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng (dao động nhẹ với con số thực hiện năm ngoái là 4.754 tỷ đồng).
Kế hoạch được Masan đề ra trong bối cảnh thị trường bán lẻ đối mặt với khó khăn nhu cầu giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu. Tập đoàn sẽ mở rộng danh mục thịt gà và thịt lợn, đặc biệt là thịt chế biến và tăng cường phân phối qua Wincommerce.
Trong đó, WinCommerce dự kiến đóng góp 36.000-40.500 tỷ đồng, tăng 23-38% so với cùng kỳ. Động lực chính của sự tăng trưởng này là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
Masan Consumer dự kiến đem về 30.500-33.500 tỷ đồng, tăng 15-30% nhờ tập trung vào nỗ lực R&D. Mảng kinh doanh này đặt mục tiêu tung ra 12 nhãn hiệu mới với doanh số 50.000 tỷ vào năm 2025.
Phúc Long sẽ mang lại 2.500-3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc 58-90% so với năm 2022 nhờ mở thành công 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu suất doanh thu cửa hàng mới như các cửa hàng hiện có.
Masan MeatLife dự kiến đóng góp 8.500-9.000 tỷ đồng nhờ mở rộng danh mục sản phẩm thịt lợn và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến và tăng cường phân phối qua kênh Wincommerce
Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 16.500-18.200 tỷ đồng, tăng trưởng 6-17% so với kỳ trước nhờ tập trung vào tối ưu hóa chi phí, tích hợp với Nyobolt và chuẩn bị liên tục cho phế liệu vonfram và tái chế khối đen.
Tập đoàn còn trình kế hoạch phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Số trái phiếu này là trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.
Mục đích huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi dự kiến để thực hiện các chương trình đầu tư và dự án kinh doanh (bao gồm việc góp hoặc mua cổ phần tại các công ty con), bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài.
HĐQT nhận được thư từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Ji Han Yoo. Cổ đông bầu bổ sung bà Chae Rhan Chun vào vị trí thay thế, bà đang là giám đốc khu vực Việt Nam của SK Supex Council và giám đốc tại Maroon Bells.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Sau 3 năm về với Masan, WinCommerce với chuỗi siêu thị trở thành hệ thống bán lẻ hiện đại có số lượng lớn nhất tại Việt Nam
- Chuỗi đồ uống Phúc Long như “hổ mọc thêm cánh” khi về dưới trướng Tập đoàn Masan, cứ thu 4 đồng sẽ có lãi 1 đồng
- Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đều nhận thù lao 0 đồng