Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Nếu anh không làm ra tiền thì cái trí của anh chỉ là trí nhớ. Bề dày thành tích, tốt nghiệp trường xịn, học hàm học vị là cái vớ vẩn. Một là chơi luôn kỳ tích (tức thành tích vượt bậc), hai là thành tựu cụ thể, mới có chỗ đứng trong xã hội ngày nay”.
Một người Singapore nọ từng học rất giỏi nhưng cuộc đời không có thành tựu như anh ta mong muốn. Khi gặp ông Lý Quang Diệu, người đó mới than thở là “Tôi là người có trí, nhưng vì không có tiền nên mới không làm được việc lớn”.
Xong ông Lý nói lại ngay “cả đời gặp hàng ngàn người, tôi chưa thấy ai có trí mà không có tiền cả. Nếu anh không làm ra tiền thì cái trí của anh chỉ là trí nhớ, chỉ là kiến thức, thông tin.
Bề dày thành tích, tốt nghiệp trường xịn, học hàm học vị là cái vớ vẩn. Một là chơi luôn kỳ tích (tức thành tích vượt bậc), hai là thành tựu cụ thể, mới có chỗ đứng trong xã hội”.
Cuộc đời mình đã gặp rất nhiều người có trí nhưng không có tiền, và bản thân mình cũng đã từng trải qua cảm giác đó, đó là khoảng thời gian hơn cả khủng khiếp.
Người có đủ trí để biết mọi lời khuyên khôn khéo, chẳng hạn như “hãy vui với những gì mình có, nhìn lên chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình. Họ có tiền nhưng chưa chắc an yên”.
Nhưng tất cả chỉ là cảm giác an ủi phút giây, sau đó lại rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, giữa một bên là nhu cầu khẳng định giá trị bản thân (nhu cầu cao nhất của tháp Maslow) và một bên là không thực hiện được vì không biết triển khai thế nào, bắt đầu từ đâu, tiền đâu? Lực bất tòng theo tâm mình muốn thì có gì đau đớn bằng.
Chúng ta thường gặp nhóm người này ở các quán cà phê đô thị lớn, các quán nhậu hơn mức bình dân nhưng dưới mức sang, và rất nhiều người đang sống trên mạng, cầm điện thoại hay laptop cả ngày và mắt đắm chìm nhìn vào đó, xem hết tin này tới tin khác, coi hết Facebook người này tới người khác, bình luận nêu ý kiến cũng sắc sảo lắm. Rồi đói bụng, rồi ăn, rồi đọc, rồi ý kiến nhưng chẳng biết làm gì nữa cho hết ngày.
Thà không có trí nhiều, như 1 anh nông dân ngây thơ, cứ xong việc đồng áng thì lăn ra ngủ, nông sản ế thì khóc, nông sản cao giá thì cười, không có tiền thì ra đồng bắt ốc hái rau.
Với họ, việc không có tiền không có gì khủng khiếp, hàng ngàn năm qua họ đã thế. Như chú công nhân vui vẻ với tiền công nhật kiếm được, chủ ứng tiền thì ghé vỉa hè làm chai bia, xài hết tiền rồi về ngủ, mất việc với họ cũng nhẹ nhàng, thôi đi xin việc khác kiếm cơm.
Nếu đời vậy thì cũng bình yên, không có gì đáng chê trách. Nhưng với người có trí, khi nhìn thấy người khác có được cái mà mình mong muốn, mà mình lại không có được, một cảm giác vô cùng khó chịu giằng xé trong đầu họ.
Cảm giác ganh ghét, đố kỵ và tự nhủ không nên ganh ghét đố kỵ nữa, vậy là xấu lắm đó tôi ơi. Và thấy người thành công ngã ngựa, cảm giác đan xen là vừa hả hê lại vừa buồn thương.
Và với bản thân mình, vừa tự tìm cách an ủi lại tìm cách trách móc. Cảm giác này thường sẽ dẫn con người theo 2 hướng:
1. Hướng tiêu cực là trở thành NGƯỜI BẤT ĐẮC CHÍ, cho rằng ai cũng dở kém, nhưng họ thành công vì gặp thời, may mắn, thực dụng kiếm tiền (tìm 1 số lý do khách quan nào đó), còn mình thì “sẽ có hướng đi riêng, không ai thành công hơn ai”.
Họ chỉ nể những người nào đó mà thật sự họ không biết rõ (ví dụ các danh nhân lịch sử học đọc được qua trang sách, hoặc các tỷ phú USD họ cũng đọc được trên sách báo chứ họ làm gì có cửa quen biết với họ).
Một cảm giác vừa cay đắng vừa xót xa vừa kiêu hãnh, rất đặc trưng của nhóm người này. Và họ tự ái dữ dội, bất cứ lời chê nào cũng là ngòi nổ thùng thuốc súng chất chứa trong lòng họ bấy lâu.
TỰ ÁI là tự mình yêu mình, chỉ có ở nhóm người còn ở vị thế rất thấp. Còn người có thành tựu thực sự, hoặc ở tầm cao, họ không hề có tự ái.
Người tự ái còn nguy hiểm ở chỗ là suy diễn rất kinh, vì họ nghĩ “ai ai cũng nói đến họ”, câu nào cũng “chắc là nói mình đây”…trong khi thực tế là mình vô danh, đâu có đáng để người ta nói.
2. Hướng tư duy tích cực, họ NGỘ ra và tự mình có giải pháp một cách quyết liệt, triển khai ngay và luôn. Bàng hoàng nhận ra mình không giỏi, không ngon, không cao sang, không quý hiếm như mình nghĩ.
Mình đã rất tào lao, đã lãng phí thời gian. Thường là có 1 cú sốc gì đó rất lớn ví dụ bản thân bị bệnh nan y, hoặc người thân qua đời mà họ không giúp được.
Họ thấy được cái chết là cái chính bản thân họ sẽ phải đối diện trong tương lai, QUỸ THỜI GIAN ĐỜI NGƯỜI KHÔNG CÒN DÀI NỮA, và bắt đầu trưởng thành.
Không còn bàn bạc chuyện phiếm nữa. Không còn lý luận và giảng đạo nữa. Không còn kể lể dí dỏm rồi ngồi đếm like nữa.
Họ hạ cái tôi, bỏ sĩ diện hão, bắt đầu lao ra làm một cách thực tế, vội vã làm, bắt đầu chẻ củi rang gạo, lau nhà, bán hàng…(vốn những việc mà họ cho là không xứng với họ, họ sẽ thuê người làm vì họ đặt mình ở vị thế cao, chỉ tiếc là không có tiền để thuê).
Họ sẽ bớt lười biếng (vì nhóm này thích đọc sách, đọc tin tức, thấu hiểu nội dung và hiểu biết rất nhiều đông tây kim cổ, thích viết và thích nói, chỉ có làm là không được vì bản thân có bệnh lười biếng, nhất là hoạt động thể chất).
Thất bại là chắc chắn khi ra làm, vì họ là người thiếu kỹ năng, bệnh SĨ, bệnh không hoà nhập (khiến họ rất khó làm việc với người khác). Nhưng nếu họ bỏ cuộc, thì quay trở lại như cũ. Nếu không bỏ cuộc, cuối cùng họ có thành tựu.
Các kỳ thi chữ nghĩa chỉ kiểm tra được trí nhớ và năng lực suy luận logic, không thể tìm được người tài. Tài hay không thì thông qua làm mới biết. Nói hay – viết giỏi – bằng cấp cao – học Tây học Tàu – đi khắp nơi trải nghiệm nhiều vô kể…. nhưng cả thảy đều vô nghĩa nếu không để lại bất cứ thành tựu gì, không giúp được ai. Cứ nhìn bản thân mình và bất cứ ai, đặt 2 câu hỏi:
– Có thành tựu gì?
– Có giúp được ai?
Thành tựu là cái đáng phấn đấu. Tiền theo sau thành tựu, tự động có (thành tựu là những cái mà người đó tạo ra, ví dụ nhà khoa học thì thành tựu là công trình nghiên cứu, nếu doanh nhân là nhà máy xí nghiệp, nếu giáo viên là phương pháp học tập mới, nếu bác sĩ là phát minh về cách điều trị, nếu nhà xã hội học là những dự án giúp người vùng sâu vùng xa…tức những cái thực tế, trước đó chưa có.
Còn thành tích học tập chỉ là những mốc nhỏ về học hành, không có gì đáng khen ngợi, vì rốt cục, học giỏi vậy để làm gì? Có thành tựu gì, có giúp được ai?)
Theo Tony Buổi Sáng
Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923. Theo cuốn hồi ký của ông, Lý Quang Diệu là thế hệ thứ tư thuộc một gia đình người Khách Gia định cư tại Singapore.
Thủ tướng Lý Quang Diệu – người khai sinh ra quốc đảo Singapore, được biết đến như là một huyền thoại của Châu Á. Từ một quốc đảo nhỏ bé với nền kinh tế lạc hậu, ông đã kiến thiết Singapore trở thành một quốc gia thịnh vượng và giàu có bậc nhất Châu Á, trở thành kỳ tích của thế giới.
Nhưng trước khi trở thành thủ tướng, cuộc đời ông cũng trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là vụ việc may mắn thoát chế trong cuộc thảm sát của Phát Xít Nhật ở Singapore. Chính sau biến cố này, Singapore mới có được một nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Xem thêm bài liên quan
- Chuyện “Trí và Tiền” của Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: Chưa ai có trí mà không có tiền cả!
- Câu chuyện “Trí và Tiền” của Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: Chưa ai có trí mà không có tiền cả!
- Cha đẻ Singapore Lý Quang Diệu: “Nếu anh không làm ra tiền thì cái trí của anh chỉ là trí nhớ, bề dày thành tích, tốt nghiệp trường xịn, học hàm học vị là cái vớ vẩn”