Elon Musk lên tiếng về phong cách quản lý của mình, trong thời điểm nhiều quyết định phát triển công ty của CEO Twitter bị đặt nghi vấn.
Trong một cuộc thảo luận trên Twitter, Elon Musk đã chia sẻ về phong cách quản lý của ông. Theo ông, những chiến lược này đã được xem xét kỹ lưỡng hơn kể từ khi vị tỷ phú gốc Nam Phi nắm quyền điều hành mạng xã hội.
Vào ngày 7/4, một người dùng có tài khoản Twitter là TSLAFanMtl cho biết mình không chung quan điểm với Elon Musk về khả năng chi tiền của những người yêu thích Tesla và nhu cầu đối với xe điện của hãng.
Điều này đã được một người ủng hộ CEO Twitter phản hồi: “Thật không ngờ bạn lại thông minh hơn Elon Musk”.
“Tôi nghĩ mình thông minh hơn Elon không? Không. Vậy điều này có nghĩa là Elon Musk và quản lý làm đúng mọi thứ 100% sao? Không. Hãy cố gắng nhìn nhận một cách khách quan. Đây là chia sẻ từ một người có góc nhìn khác”, tài khoản TSLAFanMtl trả lời.
Trong khi đó, Whole Mars Catalog, một tài khoản thường tương tác với CEO Tesla, lại tỏ ra đồng tình và ca ngợi sự cởi mở trong phương pháp quản lý của Elon Musk.
“Điều tôi thích ở Tesla và Twitter là chúng ta có thể tranh luận cũng như thảo luận xem công ty nên làm gì, nhân viên làm việc như thế nào. Ban quản lý luôn cố gắng tham gia vào cuộc thảo luận đó, cuối cùng thúc đẩy sứ mệnh của công ty tiến lên phía trước”, tài khoản Whole Mars Catalog viết.
Đáp lại những bình luận trên, Elon Musk đã thừa nhận ông nhiều lần “ngu ngơ” hơn những gì mình dự tính. Kể từ khi tiếp quản Twitter vào cuối tháng 10/2022, các kế hoạch phát triển công ty của Musk đã bị đặt nghi vấn.
Theo CNBC, vị tỷ phú gốc Nam Phi đã cắt giảm hơn một nửa lực lượng lao động của Twitter, hiện chỉ còn khoảng 1.300 nhân viên.
Ngoài ra, Elon Musk cũng sa thải một số lãnh đạo cấp cao và nhiều nhân sự hàng đầu khi những người này chỉ trích cách quản lý của ông.
Trong tháng 11/2022, Musk đã đưa ra tối hậu thư cho nhân viên và yêu cầu cam kết với tầm nhìn về “Twitter 2.0”. Ông nói điều này sẽ khiến họ phải làm việc “nhiều giờ với cường độ cao” hoặc có nguy cơ bị sa thải.
Tới cuối tháng 3, vị tỷ phú lại gửi email cho các nhân viên Twitter và nói rằng họ không bắt buộc phải đến công ty để làm việc, sau khi ông kết thúc chính sách làm việc tại nhà vào tháng 11 năm ngoái.
Ngoài ra, phong cách quản lý của Elon Musk tại các công ty khác do ông điều hành cũng đang bị xem xét kỹ lưỡng. Vào tháng 6/2022, Musk đã yêu cầu các quản lý cấp cao của Tesla đến văn phòng và ngừng làm việc qua điện thoại hoặc nghỉ việc.
Vào thời điểm đó, Whole Mars Catalog đã hỏi Musk rằng ông sẽ phản ứng thế nào với những người coi làm việc trực tiếp là “lỗi thời”. “Họ nên cân nhắc một nơi làm việc khác”, CEO Tesla trả lời.
Những lần Elon Musk thất hứa
Vị tỷ phú nổi tiếng với việc công khai thời hạn hoàn thành các dự án, song không phải lúc nào kế hoạch cũng diễn ra suôn sẻ.
Năm 2015, Elon Musk tuyên bố xe tự lái hoàn toàn của Tesla sẽ ra mắt vào cuối năm 2017, nghĩa là ôtô có thể di chuyển đến điểm đón, chở người dùng đến vị trí mong muốn mà không cần can thiệp. Thời gian được dời sang 2018, 2019 và 2020.
Cuối năm 2020, vị tỷ phú cho biết đến 2021, xe Tesla có thể tự lái mà không cần người bên trong. Đến 2022, Tesla mới cung cấp tính năng tự lái, tuy nhiên ôtô vẫn không thể lái nếu thiếu người ngồi bên trong. Ảnh: Car and Driver.
Năm 2019, Musk cho biết công nghệ cấy chip vào não người của Neuralink sẽ diễn ra trên người thật vào năm 2020, với lời hứa con chip có thể sạc không dây, mang đến “cảm giác hoàn toàn bình thường”.
Tuy nhiên trước những khó khăn kỹ thuật và làn sóng chỉ trích về đạo đức, kế hoạch trên vẫn chưa thể diễn ra. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thậm chí từ chối cấp phép để Neuralink thử nghiệm công nghệ này trên não người.
Semi là xe tải điện được Tesla ra mắt vào năm 2017. Thời điểm đó, công ty tuyên bố sẽ thương mại hóa Semi vào năm 2019. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Phải đến 2022, Semi mới được sản xuất hàng loạt. Đến đầu tháng 4, Tesla kêu gọi thu hồi 35 triệu chiếc xe do lỗi phanh khẩn cấp.
Năm 2019, Musk tuyên bố Tesla sẽ có “một triệu taxi robot” trên đường vào năm 2020. Song đến tháng 4/2022, vị tỷ phú cho biết cần thêm 2 năm để taxi tự động xuất hiện.
Sau khi thâu tóm Twitter vào tháng 10/2022, Musk hứa hẹn công bố thuật toán của mạng xã hội. Ngày 21/2, vị tỷ phú khẳng định sẽ tiết lộ trong “một tuần nữa”, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Đến 31/3, Twitter mới công bố một phần mã nguồn thuật toán gợi ý nội dung, bao gồm nguyên tắc và quá trình đề xuất tweet cho người dùng.
Hyperloop là ý tưởng đường hầm chứa tàu di chuyển siêu tốc do Musk sáng tạo. Vị tỷ phú từng hứa sẽ đào 10 km đường hầm đến năm 2020. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở một số đường hầm ngắn cho trình diễn.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 8/2022, Musk thừa nhận chưa từng có ý định đưa Hyperloop thành hiện thực. Kế hoạch được dựng lên nhằm đánh lạc hướng giới chức California khỏi dự án đường sắt cao tốc do Musk không thích phương tiện công cộng.
Khi sở hữu Twitter, Musk tuyên bố tích hợp dịch vụ cấp tick xanh vào gói thuê bao Twitter Blue. Ngay khi ra mắt vào ngày 9/11/2022, Twitter chứng kiến sự hỗn loạn khi nhiều người nổi tiếng, chính trị gia bị mạo danh bởi tài khoản mua tick xanh.
Dịch vụ này bị tạm ngừng ngay sau đó, với lời hứa sẽ trở lại vào ngày 29/11/2022. Tuy nhiên trên thực tế, Twitter Blue mở đăng ký trở lại từ tháng 12/2022.
Xem thêm bài liên quan
- “Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản quản lý 27.000 nhân viên chuỗi khách sạn Mường Thanh như nào: Nếu có bí quyết, mọi chuyện sẽ đâu sẽ vào đó!
- Vì sao “sếp tổng” Elon Musk gửi Email cho nhân viên vào 2h30 đêm: Trái khoáy hay phong cách lãnh đạo đỉnh cao?
- Làm việc với “thiên tài ngông” Elon Musk: Không bao giờ được phép nói 2 chữ “không thể”!