Tỷ phú Elon Musk từng bất ngờ yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà máy của SpaceX tại họp khẩn lúc 1h sáng.
Tỷ phú Elon Musk, người đang điều hành hãng xe điện Tesla và công ty công nghệ vũ trụ SpaceX, vốn nổi tiếng với việc luôn đặt ra những mục tiêu không tưởng. Rạng sáng một ngày Chủ nhật vào tháng 2/2020, CEO SpaceX đã tổ chức cuộc họp lạ lùng này vì muốn biết lý do nhà máy không làm việc 24/7 để sản xuất hệ thống tên lửa Starship.
Nhóm nhân viên sau đó đã giải thích rằng họ cần thêm người để xoay ca làm việc. Chỉ trong vòng 2 ngày sau, SpaceX đã tuyển dụng 252 công nhân, nâng số người tại nhà máy lên gấp đôi, Ars Technica cho biết.
Đây chính là viễn cảnh thực tế khi làm việc cho Musk.Musk từng thừa nhận với Guardian về thời gian làm việc kéo dài của nhân viên.
Áp lực tạo nên thành công
Chủ tịch Gwynne Shotwell của SpaceX gia nhập hãng tên lửa vào năm 2002 với vai trò là nhân viên số 7. 15 năm sau, khi được hỏi bà vẫn cho biết mình thích làm việc cho Musk. Tuy nhiên, nữ chủ tịch thừa nhận công việc này rất khắc nghiệt.
“Rất dễ thấy lịch trình sinh hoạt của Elon Musk rất căng thẳng. Nhưng nhờ vậy mà nhân viên chúng tôi hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn”, Shotwell chia sẻ trong một buổi hội thảo TED vào năm 2018.
“Tôi cho rằng nếu chỉ đổ hàng đống thời gian và tiền bạc thì chưa chắc sẽ thu được thành quả gì lớn lao. Vì thế, việc tạo áp lực lên nhân viên thật sự rất quan trọng”, nữ kỹ sư tài năng giải thích thêm.
Bà cũng cho biết mình đã phải học cách lắng nghe và ngẫm nghĩ trước khi bác bỏ bất cứ yêu cầu “ngang ngược” nào của Musk.
“Mỗi lần Musk nói điều gì đó, chúng tôi cần phải dừng lại một chút để không buột miệng trả lời ‘Chà, ý tưởng này không khả thi tí nào đâu’ hay ‘Chúng ta không cách nào làm được điều này’”. Điều một cấp dưới của Musk nên làm lúc này là im lặng, suy nghĩ và tìm cách để thực hiện điều đó, Shotwell đưa ra lời khuyên.Tờ Huffington từng cho rằng lịch làm việc của Elon Musk là thiếu khoa học.
Max Hodak, CEO của Neuralink, công ty công nghệ khoa học thần kinh do Elon Musk sáng lập, cũng trải qua những điều tương tự.
“Elon Musk là một người rất lạc quan. Anh ấy sẽ xuyên thủng mọi giới hạn và mở ra những khả năng mới và chúng đều đã trở thành hiện thực”, Hodak tâm sự vào năm 2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Trong một bài đăng tuyển dụng nhân tài trên Twitter, Elon Musk cũng thẳng thắn nói rằng làm việc với mình sẽ rất áp lực.
“Ngoài kia thiếu gì nơi làm việc dễ thở hơn. Nhưng làm việc 40 giờ/tuần là chẳng đủ để thay đổi thế giới. Nhưng một khi bạn thích điều bạn làm, công việc sẽ không chỉ đơn thuần là công việc”, vị CEO chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Tự “làm gương” về thời gian biểu
Elon Musk cũng từng tiết lộ lịch trình làm việc dày đặc của mình với tờ New York Times. Ông thừa nhận mình làm việc 120 giờ/tuần và chưa có một tuần nghỉ ngơi nào kể từ trận sốt rét năm 2001.
“Có lúc tôi thậm chí còn không rời khỏi nhà máy trong vòng 3 hoặc 4 ngày”, Musk cho biết. Điều này đã khiến ông không thể gặp gỡ bạn bè và con cái.Elon Musk tiết lộ có giai đoạn ông làm việc tới 120 giờ/tuần, gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
Mặt khác, vì thiếu thời gian nghỉ ngơi nên năng suất làm việc của vị tỷ phú đã giảm. Sau đó, ông đành phải “cắt giảm” thời gian dành cho công việc xuống còn 80-90 giờ/tuần và cảm thấy “cân bằng và bền vững” với số giờ làm việc này. “Bạn sẽ phát điên nếu bạn làm việc 120 giờ một tuần”, Musk trả lời phỏng vấn của Recode.
Là một người “tham công tiếc việc”, Musk còn đặt ra những yêu cầu không tưởng với cấp dưới của mình. Theo Bloomberg, một số nhân viên của Tesla làm việc nhiều đến mức họ dáng đi của họ vật vờ và ánh nhìn vô định như những con zombie. Nước tăng lực được hãng cung cấp miễn phí để công nhân không đuối sức sau 12-16 tiếng làm việc liên tục.
Reuters cũng cho biết nhân viên tại Tesla đã phải chịu đựng môi trường làm việc căng thẳng trong nhiều giờ liền để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất Tesla Model 3 vào cuối tháng 6/2018. Nhiều người thậm chí còn phải làm thêm giờ vào cuối tuần.
Gửi email lúc nhân viên đang ngủ
Một số nhân viên của Twitter cho biết họ nhận được email sa thải của công ty vào tối 4/11 khi đang ngủ và không thể đăng nhập nhóm làm việc trên Slack vào sáng hôm sau.
“Thức dậy mà không có quyền truy cập slack/gmail/office và máy tính xách tay bị khóa từ xa. Bị sa thải mà không có email xác nhận khi đang ngủ?”, Jaseem Abid, cựu nhân viên Twitter, chia sẻ bức xúc.
Không chỉ riêng đối với Twitter, Elon Musk cũng thích gửi email lúc nửa đêm đối với các nhân viên của mình tại Tesla.
Theo Wall Street Journal, tháng 2/2019, các nhân viên của Tesla đã nhận được thông báo về việc công ty cắt giảm nhân sự vào lúc 1h20 (theo múi giờ ở California, nơi Tesla đặt trụ sở).
Hồi tháng 6, Musk tiếp tục gửi email đến nhân viên Tesla vào giờ nghỉ ngơi, cụ thể là lúc 22h50. Nội dung email yêu cầu các nhân viên phải làm việc ít nhất 40 giờ/tuần trong văn phòng.
Giải thích về sở thích gửi email lúc nửa đêm của Musk, André Spicer, trưởng khoa và là giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Bayes, Đại học London, nói rằng vị tỷ phủ có thể đang cố gắng gửi đi một thông điệp.
“Rõ ràng đó là biểu tượng cho thấy ông chủ luôn làm việc bất kể ngày đêm và nhân viên cũng được kỳ vọng như vậy”, Spicer nói.
Musk được mệnh danh là “CEO nghiện việc nhất thế giới” khi từng tuyên bố mình làm việc 120 giờ/tuần và chưa có một tuần nghỉ ngơi nào kể từ trận sốt rét năm 2001.
Không chỉ dừng ở việc gửi email lúc nửa đêm, vị tỷ phú này thậm chí từng bất ngờ yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà máy của SpaceX họp khẩn cấp lúc 1h, theo Ars Technica.
Nhân viên bức xúc
Dù ý định của Musk là gì, đa số nhân nói nói rằng email lúc nửa đêm không được chào đón. Một nhân viên tại văn phòng Bờ Tây của Twitter nói rằng email, và đặc biệt là thông báo nhân viên quay lại văn phòng, đã khiến mọi người suy sụp.
“Ông ấy đang hủy diệt nơi này và chắc chắn sẽ đặt dấu chấm hết cho Twitter”.
Các nghiên cứu cho thấy email sau giờ làm thúc đẩy cảm giác rằng một tin nhắn liên quan tới công việc có thể đến bất cứ lúc nào, bất kể thời gian trong ngày hay ngày nghỉ trong tuần. Điều này khiến người lao động gia tăng lo lắng, giảm chất lượng giấc ngủ và giảm mức độ hài lòng trong công việc.
Một nhà nghiên cứu của Virginia Tech, gọi đây là “căng thẳng có thể đoán trước được”, chỉ cảm giác luôn mường tượng mình nhận được email công việc vào giờ nghỉ, ngay cả khi email đó không tồn tại.
Theo một nghiên cứu của Organizational Behavior and Human Decision Processes, các nhà quản lý sử dụng điện thoại cho mục đích làm việc sau 21h nhận thấy bản thân kiệt sức vào buổi sáng, bắt đầu một chu kỳ nguy hiểm: mất tập trung vào ban ngày nhưng cố nhồi nhét công việc vào ban đêm.
Email công việc lúc đêm khuya là vấn đề nhạy cảm trong thời gian dài. Tuy nhiên, với sự gia tăng của quyền ngắt kết nối, việc sếp gửi email hay nhắn tin cho nhân viên vào giờ nghỉ đang bị coi là bất hợp pháp ở nhiều nơi.
Bồ Đào Nha cấm nhà tuyển dụng liên lạc với nhân viên sau giờ làm. Pháp đã thông qua một luật tương tự cho phép nhân viên bỏ qua các email công việc được gửi sau giờ làm việc vào năm 2017.
Philippines, Italy, Slovakia và gần đây nhất là Ontario (Canada) cũng ban hành quy định về quyền ngắt kết nối để phân tách công việc và cuộc sống của người lao động.
Tuy nhiên, riêng tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng không dễ để thông qua luật tương tự.
Olivia Martindale, Giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư bất động sản FixedProperties, nói: “Bất cứ khi nào nói về tính khả thi của việc thông qua một đạo luật ở Mỹ, bạn phải cân nhắc xem luật tác động đến các lãnh đạo doanh nghiệp nhiều hơn dư luận. Sẽ rất khó khăn để thông qua một đạo luật hạn chế như vậy. Nhiều người coi nó là mối đe dọa đối với lợi nhuận”.
Còn theo Phil Strazzulla, người sáng lập SelectSoftware Reviews, mặc dù không có luật nào về cân bằng công việc/cuộc sống, điều đó không có nghĩa là nhân viên không thể tự thương lượng.
“Trên thị trường việc làm hiện nay, người tìm việc chiếm thế thượng phong. Tình trạng thiếu nhân công đã xảy ra ở hầu hết mọi ngành, vì vậy, là một nhà tuyển dụng, bạn sẽ phải thay đổi tích cực nếu muốn có được những nhân tài tốt nhất. Tôn trọng cuộc sống gia đình, cá nhân của nhân viên là một cái giá nhỏ phải trả để có được những người tài giỏi nhất trong công ty của bạn”, Strazzulla giải thích.
Theo Zingnews/CNBC