Tuy sắc sảo là thế, nhưng với tâm hồn của một người phụ nữ làm thời trang, dễ rung động trước yếu tố cảm xúc, đã đôi lần, sếp Elise, bà Lưu Nga đã rơm rớm nước mặt, suýt bật khóc trong chương trình.
Là vị Sếp khá kỹ lưỡng khi lựa chọn ứng viên nhưng Sếp Lưu Nga (Elise) – “bóng hồng” duy nhất ở Cơ hội cho ai từng không ít lần bật khóc trên ghế nóng. Theo bà, thay vì tuyển dụng tại công ty, thì việc phỏng vấn trên sân khấu cũng là lúc ứng viên bộc lộ hết con người thật của bản thân, từ đó nhà tuyển dụng có thể đưa ra quyết định chính xác hơn.
Là “bóng hồng” duy nhất trong suốt 3 mùa phát sóng của “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?”, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang Elise – Sếp Lưu Nga gây ấn tượng bởi những phát ngôn sắc bén, quyền lực trên ghế “nóng” khi cạnh tranh cùng 5 sếp nam.
Tuy sắc sảo là thế, nhưng với tâm hồn của một người phụ nữ làm thời trang, dễ rung động trước yếu tố cảm xúc, đã đôi lần, sếp Elise rơm rớm nước mặt, suýt bật khóc trong chương trình.
Xuất hiện trong tập 7 mùa 3, Đào Kim Loan, 26 tuổi là ứng viên tài năng nhưng có hoàn cảnh khá khó khăn, nhà nghèo, bản thân lại nhiều bệnh tật. Cô chia sẻ trong quá khứ từng có thời gian nằm liệt giường gần 2 năm, một ngày uống hơn 70 viên thuốc.
Đồng cảm trước câu chuyện của ứng viên và hồi tưởng lại hoàn cảnh của một người thân khác, sếp Lưu Nga trải lòng: “Chị có một bạn nhân viên, năm 27 tuổi, cô ấy về làm với chị. Một năm sau, cô ấy phát hiện mình mắc phải một căn bệnh, không chữa được. Lúc ấy, nếu có thể chữa được thì dù phải mang cô ấy sang Mỹ, sang Singapore thì bao nhiêu tiền chị cũng sẵn sàng bỏ tiền. Sau đó, cô ấy về quê một thời gian, phải nằm một chỗ và không nói chuyện được nữa. Sau đó nữa, bỗng nhiên cô ấy khỏe mạnh và lên Hà Nội. Đến giờ, cô ấy trở thành cánh tay phải đắc lực của chị. Thật kỳ lạ là cô ấy chưa bao giờ gục ngã. Chị nhìn thấy cô ấy ở em và chị khát khao có được những người như em trong hành trình xây dựng doanh nghiệp của mình”.
Ninh Loan là ứng viên xuất hiện trong tập 14 mùa 2. Cô là một nữ MC có nhiều năm kinh nghiệm làm marketing, gây ấn tượng bởi ngoại hình dịu dàng, xinh đẹp cùng giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm.
Ninh Loan được sếp Thuấn và sếp Nga cùng lựa chọn, nhưng kết quả cuối cùng, nữ MC quyết định đầu quân Elise bởi lý do vô cùng bất ngờ và cảm động: “Có một lần em đã đọc được trên Facebook của người sếp này kể về hoàn cảnh khá khó khăn ngày xưa và có được thành công như bây giờ. Ngày Tết thì người sếp này đã về quê và mang theo tiền mặt để gửi tặng cho bà con hàng xóm chung quanh và trở thành niềm tự hào của người cha của mình. Em thấy có rất nhiều điểm tương đồng với em. Em hy vọng cũng sẽ trở thành 1 người bản lĩnh như vậy”. Người sếp mà ứng viên đề cập trong câu chuyện được xác định chính là sếp Nga.
Trước trải lòng đầy chân thành của Ninh Loan trên sân khấu, sếp Nga cảm động, nghẹn ngào cho biết: “Chị nói rất nhiều khi mà chị thích một ứng viên nào đấy, nhưng với riêng em thì chị không nói”. Sau đó, bà tiến lên sân khấu ôm choàng lấy ứng viên.
Ở một diễn biến khác, được truyền cảm hứng từ những chia sẻ chân thành về đam mê từ những ứng viên trong tập 8 mùa 2, sếp Nga cũng lần đầu tiết lộ về cuộc sống sinh viên của mình trên truyền hình: “Thời sinh viên, mỗi một tháng tôi chỉ có 300 nghìn thôi. Tôi không có tiền mua quần áo nhưng tôi rất đam mê với thời trang. Tôi nhớ lúc ấy ở chợ Kim Liên, một bộ quần áo chỉ tầm 50 – 100 nghìn thôi. Cuối tuần nào tôi cũng lượn lờ để xem, nếu có tiền thì sẽ mua. Tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, không liên quan gì đến thời trang cả. Thầy Hiệu trưởng bảo rằng tôi là một trường hợp vô cùng đặc biệt, vì những người thành công nhất của trường thường là lĩnh vực Tài chính hoặc Bất động sản. Khi tôi theo đuổi đam mê, thì thành công tự theo đuổi tôi”.
Mặt khác, Phan Thị Ý Nhi, 23 tuổi, xuất hiện trong tập 5 mùa 1 là cô gái mắc căn bệnh trầm cảm vì biến cố gia đình. Việc phải tự lo cho bản thân khiến cô có thành tích học tập không bằng những người bạn trang lứa.
Câu chuyện của Ý Nhi chạm đến trái tim của các Sếp. Khi nghe các chia sẻ của cô gái trẻ này, Sếp Nga hào hứng: “Em đáng yêu đến mức chị quên mất chị định hỏi gì rồi. Em rất giống Hoa hậu Đặng Thu Thảo”. Đồng thời, Sếp nữ duy nhất tiết lộ lý do cô có cảm tình với Ý Nhi vì có hoàn cảnh giống như vậy.
“Ngày xưa tôi rất sợ tiếng Anh. Cứ ai hỏi đến môn học tiếng Anh là tôi sợ lắm. Đến lúc ra trường tôi vẫn dốt, nhưng tôi xin việc được. Chính nỗi sợ hãi đó, đến ngày hôm nay, tôi không giỏi tiếng Anh, tôi vẫn ngồi đàm phán không cần phiên dịch. Nỗi sợ hãi là động lực để mình làm nên sự nghiệp. Chưa bao giờ tôi nói tôi là người phụ nữ giỏi, nhưng tôi là người quyết tâm. Nếu bạn về với tôi thì chắc bạn sẽ có nhiều cơ hội”, Sếp Nga chia sẻ một cách đầy chân thành, cảm xúc.
Sếp Elise Lưu Nga: “70% nhân sự tôi tuyển trên truyền hình thu nhập tăng 2 – 3 lần sau vài năm”
“Tôi có xu hướng lựa chọn những người giống mình, tức là sống cảm xúc, chân thật và quyết liệt, mạnh mẽ trong công việc. Tuy cách lựa chọn của tôi rất cảm tính, nhưng cũng rất ít khi sai. Những nhân sự “Cơ hội cho ai” đồng hành với Elise đến giờ, hơn 70% trong số đó thu nhập tăng gấp 2 – 3 lần chỉ sau vài năm”, sếp Elise Lưu Nga chia sẻ.
Đằng sau lời khuyên du học sinh “Bằng cấp chỉ là tờ giấy”…
* Ngồi ghế “Sếp” xuyên suốt 4 mùa và là nhà tuyển dụng lâu năm, chị nhìn nhận thế nào nếu đem lên bàn cân năng lực của các du học sinh và các sinh viên tốt nghiệp trong nước?
Tất nhiên, du học sinh, đa số là những bạn may mắn hơn rất nhiều các bạn trong nước, là những bạn có thành tích học tập xuất sắc, là gia đình có điều kiện kinh tế hơn hẳn mức trung bình cao của đất nước. Các ứng viên là du học sinh, các bạn ấy được trải nghiệm đa quốc gia, sự tự lập, độc lập trong môi trường quốc tế ở các nước phát triển, các bạn ấy may mắn được tiếp cận với công nghệ mới.
Nhưng thực tế các công ty Việt Nam lại cần những ứng viên năng động, dễ hoà nhập và hiểu rõ văn hoá của người việt nhiều hơn. Bởi vậy, tôi cho rằng, du học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường cần thêm vài năm ở các doanh nghiệp Việt Nam để nắm rõ hơn về con người và cách làm việc của người Việt.
Có như vậy, mới có thể dễ dàng hoà nhập và từ đó đưa kiến thức tiên tiến mình học được kết hợp với môi trường Việt Nam để phát huy điểm mạnh của mình, lúc đó tôi hy vọng rằng các bạn du học sinh sẽ có nhiều đóng góp thực sự cho doanh nghiệp mà kg dễ gì học sinh trong nước có được.
Đó là lý do tôi khuyên du học sinh hãy khiêm tốn – coi bằng cấp chỉ là một tờ giấy chứng nhận, để hoà nhập dễ dàng và lấy đà cho phát triển bản thân.
Đối với các con tôi cũng vậy, tôi tạo điều kiện cho các con đi du học nhưng tôi cũng luôn nhắc nhở các con phải biết lợi thế của các bạn học trong nước, phải khiêm tốn khi trở về và tìm cách hoà nhập một cách dễ dàng nhất.
* Gu tuyển dụng của chị là gì?
Tôi không cho rằng tuyển dụng có gu, mà tuyển dụng theo nhu cầu và theo đặc thù công việc của mỗi doanh nghiệp. Như Elise của chúng tôi là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, lấy tiêu chí cái đẹp, sự phù hợp và cảm xúc để dẫn dắt xu hướng thời trang cho khách hàng. Nên tiêu chí của tôi là những ứng viên ngoài trình độ, kinh nghiệm, năng khiếu thì còn phải là có cùng ý chí và cảm xúc làm nghệ thuật giống tôi.
Tôi dễ dàng tìm thấy những ứng viên đồng cảm với mình và xuyên suốt tất cả 4 mùa tôi không thay đổi cách tôi tuyển dụng. Và thực tế tôi gặt hái được những thành quả nhất định khi hợp tác với các nhân sự tuyển dụng được trên chương trình.
* Tôi được biết từ những mùa trước đến nay, có một số ứng viên hiện vẫn đang cộng tác cùng Elise. Theo chị, điều gì ở Elise đã thu hút và giữ chân những nhân sự như vậy?
Có lẽ đó là tình yêu thương hiệu mà ứng viên đó có được trong quá trình làm việc ở Elise. Tôi có xu hướng lựa chọn những người giống mình, tức là sống cảm xúc, chân thật và quyết liệt, mạnh mẽ trong công việc. Tuy cách lựa chọn của tôi rất cảm tính, nhưng cũng rất ít khi sai.
Những nhân sự “Cơ hội cho ai?” đồng hành với Elise đến giờ, hơn 70% trong số đó thu nhập tăng gấp 2-3 lần chỉ sau vài năm.
Điều đó chứng minh rất rõ cho môi trường làm việc của Elise là tiềm năng và lợi thế phát triển cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhân sự đó với thương hiệu.
Offer lương 50 triệu cho ứng viên không bằng cấp và kinh nghiệm làm việc với một thế hệ hay “bật sếp”
* Nói về câu chuyện bằng cấp, tôi nhớ cũng trong “Cơ hội cho ai?” mùa 4, cô gái không bằng cấp Huỳnh Hà My (cô nàng producer của kênh youtube ẩm thực nổi tiếng) được chị offer tới 50 triệu đồng để chiêu mộ… Về câu chuyện bằng cấp, chị thật sự nhìn nhận thế nào?
Với quan điểm cá nhân của tôi, bằng cấp quan trọng nhất khi bạn mới ra trường, khi đó doanh nghiệp có xu hướng sẽ nhìn vào bằng cấp để tuyển dụng lao động trong vòng xét tuyển hồ sơ, cốt lõi vẫn là kiến thức bạn thể hiện với nhà tuyển dụng. Còn khi đã là những nhân sự lâu năm thì tính hiệu quả và logic khi ứng biến các công việc quan trọng hơn bằng cấp.
Elise của tôi khởi nghiệp từ những nhân sự còn rất trẻ, trong số đó nhiều nhân sự bằng cấp không đồng đểu, nhưng sự thành công của họ không thực sự tỷ lệ thuận với bằng cấp xếp hạng chủ quan, mà nó tỷ lệ thuận với ý thức, đạo đức và nhân cách của mỗi người trong công việc, cái đó tôi gọi là văn hoá của nhân sự.
* Gen Z được nhìn nhận là một thế hệ dám nói, dám làm, hay “bật sếp”. Chị nghĩ sao về nhận định này?
Các bạn cần phân định rõ ràng giữa hai khái niệm cãi và trình bày quan điểm. Đây là hai cái khác nhau hoàn toàn. Trình bày quan điểm với thái độ không đúng, vô lễ, hằn học, vùng vằng… là sai. Còn tranh luận là cần thiết để cùng trình bày quan điểm, thống nhất nội dung nhưng không bật, cãi với thái độ thiếu tôn trọng bởi đó là chuẩn mực đạo đức trong giao tiếp mà không nên sai phạm.
Tôi cho rằng thế hệ nào thì cũng cần tôn trọng sếp. Và khi tôn trọng thì sẽ tìm ra được sự kết hợp tốt nhất giữa nhân viên và người lãnh đạo.
* Được biết Elise hiện tại vẫn áp dụng chính sách đi làm sáng thứ 7 hàng tuần, trong khi Gen Z phần lớn chuộng cơ chế làm việc linh hoạt. Theo chị, chính sách này của doanh nghiệp có gặp hạn chế trong việc thu hút nhân tài Gen Z?
Bản thân tôi là một người phụ nữ giàu cảm xúc, sống bằng cảm xúc. Tôi hay nói với nhân viên của mình rằng, nếu không có cảm xúc, tôi không thể làm được trong lĩnh vực thời trang cũng như bất kì công việc nào khác. Cũng thật may mắn, lĩnh vực mà tôi chọn lựa là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và xúc cảm.
Thế hệ gen Z là thế hệ của sự hội nhập, được bày tỏ quan điểm, được công nhận giá trị và được tự do trong thế giới của riêng các bạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng có nội quy, quy định. Việc chấp hành theo quy định là nhiệm vụ, nghĩa vụ của mỗi nhân sự.
Tuân thủ không có nghĩa là gò bó, ép buộc, nó hình thành nên tiêu chuẩn văn hóa mỗi doanh nghiệp. Và việc đi làm sáng thứ 7 cũng vậy. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, Elise vẫn có những bộ phận không áp đặt thời gian làm việc tại văn phòng, như truyền thông, thiết kế… cái các bạn thực sự cần là cảm xúc dành cho sự sáng tạo, và chúng tôi quản trị trên hiệu quả công việc các bạn xây dựng.
* Nếu như 8X, 9X ngày trước thường có quan điểm cố gắng bám trụ với công ty, thì Gen Z ngày nay sẵn sàng từ bỏ công ty/từ bỏ sếp nếu nhận thấy công việc không mang lại cho mình nhiều giá trị tinh thần. Chị nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?
Đó là sự phát triển tất yếu của xã hội, không phải là cấp tiến cũng chẳng phải “sướng quá hoá hư”. Mọi sự vật luôn luôn vận động và phát triển, nhu cầu sống và mức sống thay đổi, yêu cầu xã hội cũng không còn như trước.
Chúng ta không thể so sánh phương thức làm việc của những thế hệ cũ so với thế hệ trẻ hiện nay. Cá nhân tôi phù hợp tất với cả thế hệ cũ lẫn thế hệ Gen Z. Tôi dạy được con nghĩa là tôi hiểu được các con mình, và hiểu được thế hệ Gen Z cần gì.
* Xin cảm ơn chị!
Theo Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance, Doanh Nghiệp Tiếp Thị, Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- “Bà trùm” thời trang Lưu Nga: Thu nhập không phải mục tiêu cuối cùng của người lao động, thành quả mới là mục tiêu cuối cùng
- Gửi đến mấy bạn hở chút là đòi nghỉ việc: Ai cũng có thể bị thay thế, làm việc chuyên nghiệp thì cũng hãy nghỉ việc một cách chuyên nghiệp!
- Vì sao không nên cố làm thân với sếp? Thân thiết với sếp có thể khiến các quyết định công việc thiếu khách quan?