Những chia sẻ của chủ tịch Phạm Nhật Vượng có thể xem là bài học thực tế giá trị về quan điểm “hiểu người mới dùng được người” trong quản trị mà người lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng cần học hỏi.
Chuyện mời người tài của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Trong nhiều năm gần đây, ‘ Phạm Nhật Vượng ‘ và ‘Vingroup’ đã trở thành những từ khóa nóng bỏng trên Google với nhiều sự kiện đình đám, như ra mắt xe hơi VinFast tại Paris, giới thiệu những mẫu xe máy điện VinFast, ra mắt điện thoại thông minh Vsmart, khánh thành hạng mục đầu tiên của tòa nhà chọc trời Landmark…
Để làm được điều này, điều mà Vingroup không thể thiếu chính là những nhân tài. Trong một bài viết trên báo Tuổi trẻ năm 2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ để thu hút được người tài thì cách làm duy nhất của ông tinh thần yêu nước và trao quyền.
Cụ thể sau nghe tin giáo sư Vũ Hà Văn là người rất giỏi hiện đang về nước và nghỉ ngơi tại Đà Nẵng, ông Vượng ngay lập tức cử vị phó tổng giám đốc phụ trách vào gặp và chia sẻ với anh ấy mong muốn của chuyển hướng sang công nghệ của mình.
Ông Vượng nhớ lại: “Cô ấy báo về với tôi là anh Văn muốn gặp anh Vượng để nghe thêm. Ok, gặp ngay. Thế là anh Văn ra Hà Nội. Tôi nói hết là mình muốn gì, như đã nói ở trên về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ và tôi kết: “Anh có dám làm không?”. Anh Văn trả lời ngắn gọn: “Chơi thôi”!
Con người đấy (giáo sư Vũ Hà Văn) cũng rất tâm huyết. Anh ấy tâm sự rằng: “Tôi từ xưa đến nay rất muốn làm một cái gì đó cho đất nước nhưng mà chưa có điều kiện, chưa có cơ hội. Còn bây giờ tôi thấy là như thế này tôi có thể làm được”.
Giáo sư Vũ Hà Văn chỉ là một trong nhiều giáo sư và nhà khoa học cùng tham gia với Vingroup. Tập đoàn này cũng đã thành lập hội đồng khoa học mà nhiều giáo sư đã nhận lời tham gia như: GS Dương Nguyên Vũ (Air traffic control, AI, NTU, Singapore), GS Ngô Bảo Châu (Mathematics, U. Chicago), GS Phan Dương Hiệu (Cryptography, U. Limoges, France), GS Trần Duy Trác (Electrical Engineering, Machine Learning, AI, John Hopkins), GS Đỗ Ngọc Minh (Electrical Engineering, Machine Learning, AI, UIUC), GS Nguyễn Thục Quyên (BioChemistry, UC Santa Barbara)…
Ngoài ra, có một vài nhân sự cao cấp Việt kiều hiện đang là những người kiến trúc chính cho Microsoft chuyên về điện toán đám mây cho doanh nghiệp.
Theo ông Vượng, lý do khiến những nhân tài Việt Nam trở về không phải vì tiền, bởi lương Vingroup trả ban đầu có trường hợp còn thấp hơn so với những gì họ nhận ở nước ngoài. Họ trở về vì được cống hiến, được ghi nhận chính danh thay vì làm được rất nhiều thứ nhưng đều phải đứng dưới tên của người nước ngoài.
Còn đối với lãnh đạo nữ, dường như vị tỷ phú tin vào phụ nữ và sử dụng phái nữ để “hái ra tiền”. Thật thú vị nếu điểm qua các nữ tướng của Vingroup trong hiện tại.
Nữ tướng ở Vingroup nhiều tới mức chẳng cần phải có lời đề nghị của nhóm nghị sĩ nữ trong quốc hội nước nhà lâu nay kêu gọi và mong chờ. Có lẽ ông Nhật Vượng tự thấy họ là những người rất có tài năng, lại luôn mẫn cán với công việc và giỏi thực sự.
Ông hiểu rằng, họ lại giỏi cả… chịu đựng trước ông và tính cách mạnh mẽ, quyết liệt trong các ý tưởng kinh doanh. Họ nể trọng ông bởi cung cách dám nghĩ, dám làm và không bao giờ chịu bằng lòng với chính mình.
Bản thân ông Nhật Vượng cũng luôn tự nhận “có một chút liều lĩnh” trong các ý tưởng kinh doanh (trong cuộc đối thoại với Tập đoàn Viettel năm nào).
Mà biết đâu, cái sự “điều hòa âm dương” giữa tính cách thận trọng của những phụ nữ dưới quyền, cộng với tính cách quá mạnh mẽ, táo bạo, bản lĩnh nơi ông chủ đã góp phần làm nên những đột phá ngoạn mục nhưng lại chắc chắn như Vingroup hôm nay.
Việc dùng người là các nữ tướng giỏi – thành viên của ban tổng giám đốc cùng ban giám đốc các đơn vị thành viên thuộc Vingroup đã trợ giúp ông Vượng đi đến thành công trong những năm qua. Điều này đã được ông đúc kết kinh nghiệm chứ không hề vô tình làm thế.
Hiểu người và dùng người
Những chia sẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể xem là bài học thực tế giá trị về quan điểm “hiểu người mới dùng được người” trong quản trị mà người lãnh đạo doanh nghiệp có thể học hỏi: Chân thành cầu thị, tầm nhìn rõ ràng, chí công vô tư và tạo điều kiện tối đa cho việc phát huy sở trường của nhân tài và khai thác tài năng tiềm ẩn của họ.
Nhân tài giống như tảng băng trôi, 10% nổi còn 90% chìm. Nhân tài dễ bị chôn vùi do chịu sự hạn chế bởi những nhân tố như kinh nghiệm, thâm niên, tư cách và các vấn đề hiện thực khác.
Lãnh đạo khi nhận biết người tài, nếu nhầm gian thần thành trung thần, nhầm ác thành thiện, nhầm ngu si thành thông thái, thì việc tất sẽ thất bại. Ngược lại thì kết quả cũng tương tự như vậy.
Tính cách của mỗi người mỗi khác là bởi họ chịu ảnh hưởng của môi trường sống, kinh nghiệm sống và thụ hưởng nền học vấn khác nhau.
Cụ thể hơn, có rất nhiều nhân tố quyết định tính cách con người, bao gồm xuất thân, hoàn cảnh gia đình, thói quen, bạn bè, giai tầng xã hội, nghề nghiệp, tâm lý, động cơ, mong muốn…
Vì thế, người làm lãnh đạo phải biết được tính cách của cấp dưới, phải khách quan tìm hiểu những đặc điểm tướng mạo, thân thể, đạo đức, tính cách, tu dưỡng, trình độ,… đồng thời phải đặt mình vào vị trí của cấp dưới để hiểu hơn về bản thân và hoàn cảnh của họ, từ đó có được những đánh giá hợp tình hợp lý, chứ không được dựa vào ấn tượng chủ quan ban đầu.
Muốn trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa thì phải hiểu được những tính cách và đặc trưng riêng của cấp dưới mới có thể quản lý tốt được. Người xưa đã nói rằng: “Dùng ngựa tốt bắt chuột không bằng dùng mèo; kẻ đói nhận được vàng bạc châu báu, không bằng có được một bát cháo”.
Dùng vật, dùng người phải hợp lý, nếu không sẽ không những chôn vùi bảo vật, mai một nhân tài, mà còn không thu được kết quả gì.
Về phương diện này, có rất nhiều lời khuyên cũng như bài học, dưới đây là tám điều cơ bản cần chú ý được đúc rút trong cuốn sách Tứ thư lãnh đạo:
– Người có đức không quá coi trọng tiền bạc, không thể dùng lợi ích vật chất để mê hoặc họ, có thể để họ quản lý tài chính.
– Người dũng cảm không sợ khó khăn, gian khổ cũng không đánh gục được họ, có thể để họ giải quyết những công việc cấp bách.
– Người tài trí, nhìn xa trông rộng, lễ độ, hiểu lý lẽ, không thể giả vờ chân thành, tin tưởng mà lừa họ, có thể để họ phụ trách những công việc quan trọng.
– Người ngu ngốc, dễ bị lừa phỉnh, không thể làm công việc đàm phán hay nhận xét đánh giá.
– Người bất trung, dễ dao động, không nên để họ biết về cơ hội kinh doanh.
– Người ham muốn tiền tài, dễ bị dụ dỗ, mê hoặc, không nên để phụ trách quản lý tài chính.
– Người nặng về tình cảm, dễ thay đổi ý kiến, không nên để họ phụ trách công việc phải ra quyết sách.
– Người tùy tiện, dễ khiến sự việc rối loạn, không thể phụ trách công việc có tính lâu dài hoặc đòi hỏi trật tự, ngăn nắp.
Mời tướng không bằng khích tướng
Người xưa có câu: “Mời tướng không bằng khích tướng”. Trong tuyển dụng nhân tài, nếu khéo léo sử dụng phương pháp khích tướng thì sẽ nhận được những hiệu quả bất ngờ.
Phương pháp này rất hiệu quả khi muốn tìm hiểu tâm lý của nhân tài là nam hoặc những người có tính cách mạnh mẽ. Bí mật của phương pháp khích tướng nằm ở việc vận dụng tâm lý chống đối.
Tâm lý này là chỉ trong điều kiện đặc biệt nào đó, lời nói cử chỉ của một người trái ngược hoàn toàn với mong muốn chủ quan của người người đó, sinh ra một loại phản ứng chống đối, ngược lại với tính chất thông thường. Hiện tượng này vốn rất hay gặp trong cuộc sống thường ngày.
Theo Trí thức trẻ, Doanh nghiệp và tiếp thị
Xem thêm bài liên quan
- Chuyện tỷ phú Phạm Nhật Vượng mời nhân tài về Vingroup để “chơi lớn” với thế giới: Thuật dùng người đáng học hỏi cho bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào
- Chuyện tỷ phú Phạm Nhật Vượng mời nhân tài về Vingroup để “chơi lớn” với thế giới: Bài học bậc thầy về dùng người cho bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào
- Thuật quản trị “chọn người và dùng người” của chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Mời tướng không bằng khích tướng, loại bỏ ngay nếu không làm được việc!