Chủ tịch Lê Thanh Thản giờ đang quản lý 27.000 nhân viên Tập đoàn Mường Thanh. Quản lý doanh nghiệp hàng trăm nhân viên đã khó, với hàng chục nghìn con người – độ khó càng tăng theo cấp số nhân.
Từ một chàng lính rời quân ngũ với vết sẹo to đùng ở lưng vì mảnh bom cắt hồi chiến tranh, sau gần 45 lập nghiệp, “lăn lộn” trên thương trường – Lê Thanh Thản, người thường được gọi bằng biệt danh “đại gia điếu cày” giờ đang quản lý 27.000 nhân viên Tập đoàn Mường Thanh.
Quản lý doanh nghiệp hàng trăm nhân viên đã khó, với hàng chục nghìn con người – độ khó càng tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng, nếu có bí quyết – mọi chuyện “đâu sẽ vào đó”…
Sinh ra ở miền Trung – lập nghiệp tận Tây Bắc
Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An. Đến năm 20 tuổi thì nhập ngũ, chiến đấu khắp các chiến trường ở Quảng Trị – cùng đồng đội nhiều phen nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử. Năm 1976, khi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng – ông Thản ra quân với vết tích để lại là vết sẹo to đùng ở lưng vì mảnh bom cắt.
Cũng nhờ có chút “nhà nòi”, ông Thản được trưởng thành từ phong trào Đoàn, sau đó làm Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong huyện Diễn Châu và được cử đi học làm cán bộ nguồn. Bất ngờ, năm 1978, ông được điều chuyển ra Lai Châu để tăng cường cán bộ cho các vùng sâu – vùng xa khó khăn. Chuyến đi đó là “mối duyên” để có được cái tên Mường Thanh bây giờ.
Làm việc tại Lai Châu, ông được giao đảm nhận vị trí Phó chánh văn phòng huyện Mường Lay rồi tham gia vào Ban quản trị tài chính tỉnh. Những năm 1986, khi nhà nước có chính sách cho phép Đảng viên làm kinh tế, ông Thản xin thôi việc và ra ngoài lập công ty riêng với tên gọi “Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu”.
Ban đầu, ông Thản nhận thầu các công trình nhà đơn lẻ, các tuyến đường nhỏ ở Huyện… mà chẳng có máy móc gì hỗ trợ, bằng sức người hoàn toàn và kỹ thuật thì tự mày mò, học lỏm.
Trong giai đoạn đó, khi có các chuyên gia Liên Xô sang giúp xây cầu Thăng Long, doanh nghiệp Hàn Quốc sang xây khách sạn Deawoo… hễ ở đâu có công trình lớn, ông lại lặn lội đến để nghiên cứu, mày mò học hỏi.
Cũng chính nhờ đó mà ông Thản dần dần xây dựng uy tín riêng, mặc dù quy mô chưa lớn nhưng công ty ông được giao xây dựng nhiều công trình, từ nhà ở – làm đường – trường học cho đến trụ sở ngân hàng, cơ quan nhà nước…
Nhận thấy nhu cầu xây dựng ở Lào khá nhiều và bên đó máy móc công trình cũng phổ biến hơn do được nhập bằng đường độ từ Thái Lan, Lê Thanh Thản quyết định mở rộng địa bàn hoạt động sang Lào.
Được lãnh đạo các địa phương nước bạn tin tưởng, công ty ông đã xây dựng nhiều công trình trọng yếu như trường học, trụ sở huyện – tỉnh, cửa khẩu, mở đường mới,…
Bước chân vào “địa hạt” khách sạn là quyết định “thời thế – thế thời – phải thế”
Những năm đầu thập niên 90, với suy nghĩ đơn giản tỉnh Lai Châu chưa có cái khách sạn nào, ông Thản quyết định đầu tư xây một khách sạn nhỏ ở thị xã Điện Biên. Năm 1994 là thời điểm tròn 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách đổ về rất đông khiến khách sạn chật kín người thuê.
Hai năm sau đó, khách sạn Điện Biên được tỉnh Lai Châu đề nghị nhượng lại và cấp cho ông Thản một lô đất khác đối ứng – nơi đó chính là khách sạn Mường Thanh Điện Biên bây giờ.
Đến năm 1999, sau khi đã tích góp được một số vốn, ông Thản xuôi xuống Hà Nội nghiên cứu thị trường bất động sản. Cơ duyên kinh doanh đầu tiên của ông tại thủ đô là hợp tác cùng Tổng công ty HUD xây nhà chung cư và song song với đó là mở siêu thị, kinh doanh cây xăng và xây khách sạn thứ 2 tại khu Linh Đàm. Từ đó, Lê Thanh Thản bắt đầu định hướng xây dựng chuỗi khách sạn quy mô.
Tính đến nay, ông Thản đang sở hữu gần 60 khách sạn, trong đó có tại nhiều địa phương, số lượng khách sạn hiện diện không chỉ có một: Nghệ An (11 cái), Nha Trang (4 cái), Hà Nội (3 cái), Quảng Ninh (3), Đà Nẵng (2)… với các phân khúc từ 3 đến 5 sao (Luxury, Holiday, Grand, Mường Thanh) nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Bí quyết quản lý 27.000 nhân viên của “đại gia điếu cày” Mường Thanh – Lê Thanh Thản
Có không ít người băn khoăn, một tập đoàn mang thiên hướng gia đình như Mường Thanh – sở hữu tới hàng chục khách sạn cao cấp cùng hàng trăm tòa chung cư tại nhiều dự án, khu đô thị thì làm thế nào mà quản nhân viên cho nổi?
Chia sẻ về bí quyết quản trị nhân viên của mình, ông Thản cho biết: “Đúng là không hề đơn giản để quản lý 27.000 nhân viên trong toàn tập đoàn. Quan điểm của tôi là quy về một mối, giao trách nhiệm trực tiếp cho từng thủ lĩnh, cứ thế cứ nhân bản theo bậc thang. Chẳng hạn với một khách sạn thì tôi giao cho giám đốc chịu trách nhiệm, ông giám đốc thì phải lo các ông giám đốc con khác, ông giám đốc con thì lo quán xuyến các ông trưởng phòng, ban chuyên môn. Cứ đầu mối đứng đầu phải chịu trách nhiệm, không làm được tôi thay ngay, còn làm được tôi không tiếc, đãi ngộ xứng đáng.
Nhiều người cho rằng Mường Thanh là doanh nghiệp gia đình nhưng không hẳn vậy, như riêng mảng khách sạn chúng tôi sở hữu đội ngũ nhân sự khá lớn được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nhiều người là lãnh đạo cấp cao, cấp trung của nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng quốc tế…”.
Để quản lý tốt cơ ngơi kinh doanh và lực lượng nhân viên khổng lồ này, ông Thản có sự giúp sức, hỗ trợ của cô con gái cả Lê Thị Hoàng Yến – người hiện được biết đến với vai trò Tổng giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh. “Hoàng Yến có 7 năm học chuyên ngành tài chính tại Anh trước khi về gắn bó với Tập đoàn. Cháu là cánh tay phải đắc lực cho tôi, thậm chí bây giờ Yến còn làm chủ hoàn toàn ở nhiều mảng, phần việc ở tập đoàn.”
Lãnh đạo một tập đoàn với hàng chục nghìn nhân viên, điều khiến ông Thản luôn được nhân viên kính trọng, yêu mến chính bởi suy nghĩ: “Suy cho cùng, tiền bạc không phải là tất cả, cái sống còn là thu nhập cho 27.000 cán bộ, nhân viên kia.
Tôi có bao tiền không quan trọng bằng việc tôi có đủ tiền trả đủ, trả tốt cho nhân viên hay không. Theo tôi được biết, không ít doanh nghiệp tên tuổi trong làng bất động sản, du lịch còn nợ lương của cán bộ, nhân viên nhiều lắm.”
Thừa nhận việc làm khách sạn lợi nhuận không nhiều nhưng ông Thản vẫn muốn đầu tư với mục đích chủ yếu là tạo ra giá trị lao động, công ăn việc làm cho xã hội, góp phần phát triển ngành du lịch trong nước và thông qua đó bổ trợ nguồn lực khi tập đoàn đầu tư các dự án bất động sản khác.
Nói về con người “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, ngoài suy nghĩ của một thương nhân có tâm – có tầm, vẫn còn đó nhiều điều khiến người khác phải ấn tượng.
Nắm trong tay một cơ ngơi bề thế, những tưởng ông Thản sẽ thích một cuộc sống xa hoa – nhưng không, ông là người “nghiện thuốc lào, nghịch lý đến nỗi nghỉ hút thuốc lào 3 ngày là bị ho – sài điện thoại “cục gạch” mấy trăm nghìn – thích uống rượu táo mèo, ăn cơm cùng gia đình với những món ăn dân dã: cà pháo muối mặn, cá bống – cá rô đồng kho nồi đất…
Dù tự nhận mình là người “quê một cục” nhưng bên trong ông Thản vẫn có góc nhỏ cho sự lãng mạn. Mê thơ – thời trai trẻ ông Thản đã sáng tác bài thơ có tựa “Phố núi” để “tán đổ” cô giáo viên – người bây giờ là vợ ông:
“Bình minh núi hạt sương xe nỗi nhớ
Bỗng vọng về câu hát người ơi… người ở
Anh không biết hát câu mạn thuyền gối tựa
Để mà hẹn em đừng đứng, đừng ngồi
Em đốt lòng anh bằng nửa vời câu hát
Anh xin làm sợi tơ vàng mượt
Nối cõi lòng chia sẻ ở hai nơi
Em sẽ hiểu tận cùng câu hát người ở người ơi…”
Một số bài thơ của ông Thản cũng được phổ nhạc thành bài hát – được lưu hành nội bộ trong Tập đoàn để “vui và lấy khí thế” là chính…
Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam