Trung Nguyên – thương hiệu cà phê thuần Việt của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Nổi tiếng với chuỗi cửa hàng cà phê từ bình dân đến cao cấp, hay các dòng cà phê pha sẵn như G7, Trung Nguyên từng bước chinh phục thị trường Việt và dần lấn sân sang các thị trường nước ngoài.
Trong bài viết này, hãy cùng khám phá mô hình Marketing Mix 4Ps của Trung Nguyên Coffee giúp sản phẩm của họ vươn ra chinh phục hơn 60 nước toàn thế giới nhé!
Mô hình Marketing Mix 4P của Trung Nguyên Legend
1. PRODUCT (SẢN PHẨM)
Là một thương hiệu cà phê thuần Việt, Trung Nguyên luôn chú trọng vào mùi vị và chất lượng của từng hạt cà phê, đặc biệt là những loại cà phê đã làm nên tên tuổi cho ngành cà phê Việt Nam như Arabica, Robusta, cà phê chồn,…
Vào năm 2003, Trung Nguyên ra mắt sản phẩm cà phê chồn hòa tan G7. Sau khi sản phẩm được thị trường chấp nhận, Trung Nguyên lập tức đầu tư nghiên cứu, tạo ra dòng cà phê sáng tạo với 5 loại dựa theo gu thưởng thức của các khách hàng gồm: Robusta, Arabica Sẻ, Arabica, Culi Robusta, Culi thượng hạng, Culi Arabica hảo hạng.
Từ đó đến nay, thương hiệu Trung Nguyên G7 đã trở thành một nhận diện mạnh mẽ trên cả thị trường Việt Nam lẫn quốc tế, cạnh tranh công bằng với những dòng sản phẩm hoà tan khác đến từ nước ngoài.
2. PLACE (ĐỊA ĐIỂM)
Ngoài các kênh phân phối truyền thống như hệ thống siêu thị, các nhà bán sỉ lẻ, cửa hàng trực tiếp, Trung Nguyên còn áp dụng mô hình nhượng quyền cho chuỗi cà phê. Hình thức nhượng quyền đã được thương hiệu triển khai từ năm 1998.
Ngoài ra, Trung Nguyên cũng phân phối sản phẩm qua hệ thống G7 Mart. Đây là hệ thống bán lẻ kiểu nhượng quyền với hơn 200 nhà cung cấp trên cả nước. Cuối cùng, với mục tiêu tiếp cận người dùng trẻ tuổi, Trung Nguyên triển khai “Trung Nguyên Coffee Store” – một dạng Online Store.
Bên cạnh hệ thống gồm 77 cửa hàng trong nước, Trung Nguyên hiện có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới. Tháng 9/2022, thương hiệu cà phê Việt ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải, dự kiến các địa điểm tiếp theo sẽ là Bắc Kinh và Trùng Khánh.
Mở rộng thị trường là xu hướng của các thương hiệu F&B Việt Nam những năm gần đây. Được biết, trước khi ra mắt cửa hàng chính thức, thương hiệu đã dành 5 năm để xây dựng văn phòng đại diện, mở bán online và xây dựng hệ thống bán sỉ cho các siêu thị tại đất nước tỷ dân.
3. PROMOTION (TIẾP THỊ)
Trung Nguyên tập trung chủ yếu vào PR thay vì đẩy mạnh hoạt động quảng cáo. Thương hiệu “thổi hồn” truyền thống Việt Nam vào slogan, logo, từng sản phẩm nhằm đề cao niềm tự hào dân tộc. Điều này giúp Trung Nguyên ghi dấu thiện cảm với người Việt, đồng thời thu hút tốt khách hàng ngoại quốc.
Bên cạnh đó, Trung Nguyên cũng thực hiện các TVC quảng cáo chiếu vào khung giờ vàng trên những kênh truyền hình lớn, thuộc đài truyền hình quốc gia như VTV3, VTV1,…
Từ đó đến nay, Trung Nguyên đã thành công định vị mình là một thương hiệu giàu khát vọng, tính dân tộc cũng như mang vác sứ mệnh vì con người và đất nước Việt Nam.
4. PRICE (GIÁ CẢ)
Phân khúc khách hàng mục tiêu của Trung Nguyên tập trung vào nam giới có độ tuổi từ 25 đến 45, thu nhập trung bình đến cao. Do đó, thương hiệu cũng phát triển đa dạng loại sản phẩm, mô hình cửa hàng trực tiếp với nhiều mức giá khác nhau để tiếp cận nhiều nhóm khách hàng khác nhau về nhân khẩu học.
Điển hình như chuỗi cà phê Trung Nguyên Legend chuyên phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập cao, yêu thích trải nghiệm cà phê trong không gian sang trọng.
Dòng sản phẩm cà phê đóng gói G7 lại được định mức giá tầm trung, thích hợp với nhiều người Việt Nam.
Chiến lược kinh doanh của Trung Nguyên Legend ở Trung Quốc
Tháng 9 vừa qua, Trung Nguyên Legend vừa có một ngày khai trương bận rộn trên đất Thượng Hải.
Cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên trên thế giới được đặt tại một địa chỉ rất đẹp ở Thượng Hải – 699 đường Nanjing.
Quán cà phê rộng 500m2 tái hiện lại không gian cà phê Việt Nam với đá núi lửa, đất đỏ bazan, gốm, đồ dùng mây tre đan, hình ảnh nón lá, đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của những người yêu cà phê tại Thượng Hải trong ngày đầu mở cửa, phía Trung Nguyên cho biết.
Giữa năm 2018, ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuống núi sau 5 năm “ở ẩn”, Tập đoàn Trung Nguyên đã chính thức công bố danh xưng mới “Trung Nguyên Legend – Tập đoàn Chuyên Cà Phê Năng Lượng – Cà Phê Đổi Đời”.
Các chuỗi cà phê ra đời sau đó cũng khoác lên mình thiết kế mới và nhận diện thương hiệu mới với 2 tông màu đen – trắng, với 3 chuỗi thương hiệu: Hệ thống Trung Nguyên Legend Café (thường gọi là Trung Nguyên Legend), Trung Nguyên E-Coffee, và mới đây là Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend.
Cửa hàng tại Thượng Hải thuộc mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend, mới ra mắt đầu năm 2022. Hiện tại Việt Nam, mô hình này mới có 2 cửa hàng Trung Nguyên Legend tự mở, là Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Đồng Khởi (Quận 1, TPHCM), và Thành phố cà phê (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải có gì đặc biệt?
Theo Trung Nguyên, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend định vị không gian không gian cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, kết hợp hệ sản phẩm cà phê bán lẻ đa dạng, các công cụ dụng cụ, cùng không gian thưởng lãm khác biệt, đặc biệt theo 3 nền văn minh cà phê Ottoman – Roman – Thiền do tập đoàn nghiên cứu và chắt lọc.
Với cửa hàng tại Thượng Hải, các trang trí sử dụng hoa văn, vật liệu truyền thống quen thuộc của người Việt như đá núi lửa, đất đỏ bazan, gốm, các đồ dùng bằng mây tre đan, hình ảnh nón lá đặc trưng của văn hóa Việt Nam được kết hợp hài hòa cùng những yếu tố bản địa.
Khách thưởng lãm sẽ được nghe câu chuyện về hành trình của hạt cà phê Robusta Việt Nam từ khi được gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, rang, chế biến, pha chế…
Bên cạnh cà phê, cửa hàng Thượng Hải còn mang đến những món ăn truyền thống, đặc sắc của ẩm thực Việt Nam như Phở, Bánh Mỳ, Bún chả Hà Nội, Bún bò Huế… cho người Trung Quốc thưởng thức.
Vì sao là Thượng Hải?
Đại diện Trung Nguyên Legend cho biết, 26 năm trước, tại Buôn Ma Thuột – Thủ phủ cà phê Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – khi ấy là một sinh viên y khoa đã khởi nghiệp, lập ra Trung Nguyên Legend với khát vọng đưa hạt cà phê cùng những cách thưởng lãm mới mẻ, đặc biệt tới hơn 2,5 tỷ tín đồ yêu và đam mê cà phê toàn cầu.
“Trong hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Trung Nguyên Legend đã xuất khẩu đến, Trung Quốc là một thị trường đặc biệt quan trọng, không chỉ vì chia sẻ chung nền tảng văn hóa, triết lý phương Đông, mà còn vì đây là thị trường có sức tăng trưởng nhanh, xu hướng cà phê có khả năng nắm bắt các xu hướng cà phê mới nhanh chóng, năng động, đặc biệt tại Thượng Hải – nơi Trung Nguyên Legend chọn làm địa điểm đặt văn phòng trụ sở cũng như giới thiệu flagship store đầu tiên trên thế giới – nơi hội tụ 3 nền văn minh cà phê Ottoman – Roman – Thiền đã được Trung Nguyên Legend nghiên cứu và tinh lọc”, đại diện Trung Nguyên Legend chia sẻ.
Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend không phải cửa hàng đầu tiên Trung Nguyên vươn ra thế giới. Thực tế, cửa hàng Trung Nguyên đầu tiên đã có mặt trên thế giới từ đầu những năm 2000, với mô hình nhượng quyền tại Nhật Bản và Singapore. Tên các cửa hàng cà phê khi ấy là Trung Nguyên, với sắc đỏ đặc trưng của nhận diện thương hiệu cũ.
Tham vọng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Trung Quốc
“Sau khi cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải đi vào hoạt động ổn định, tập đoàn Trung Nguyên Legend sẽ triển khai mở rộng mô hình chuỗi quán giai đoạn 1 thông qua hình thức hợp tác đầu tư (nhượng quyền) với kế hoạch phát triển 1.000 quán tại khắp các tỉnh thành tại Trung Quốc”, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết.
Theo thông tin từ website chính thức của Trung Nguyên Legend, tại Việt Nam, tính đến ngày 23/9, hệ thống Trung Nguyên Legend Café hiện có 46 cửa hàng, hệ thống chuỗi E-Coffee có 538 cửa hàng, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend có 2 cơ sở được Tập đoàn trực tiếp đầu tư.
Tại Trung Quốc, các sản phẩm, thương hiệu của Trung Nguyên Legend nhận được sự yêu thích của những người yêu cà phê. Đặc biệt, cà phê G7 của Trung Nguyên Legend đã trở thành thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng và tin dùng nhất tại thị trường này (theo báo cáo năm 2019 của Chnbrand – cơ quan xếp hạng thương hiệu hàng đầu Trung Quốc), giữ thị phần lớn thứ 2 trên thị trường thương mại điện tử.
“Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 800 triệu ly cà phê Trung Nguyên Legend được bán ra tại Trung Quốc. Trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra trên toàn Trung Quốc thì có 1 ly cà phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend”, phía Trung Nguyên Legend cho hay.
Theo Marketer Zone, Tổng hợp