Đi làm vì tiền hay đam mê vẫn luôn là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ mới ra trường gặp phải. Trước những ngã rẻ, ông Hoàng Nam Tiến và Shark Hưng đã đưa ra những lời khuyên cho các bạn trẻ.
Đi làm thì phải có thu nhập
Chủ tịch Hoàng Nam Tiến, lãnh đạo FPT Telecom được nhiều người biết đến nhờ những chia sẻ “thẳng và thật”.
Những bài học kinh doanh hay câu chuyện về đời sống, khởi nghiệp… của ông thường được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhiều bình luận cho rằng, trong chia sẻ của ông Tiến có nhiều yếu tố và cái nhìn sâu sắc, được đúc kết từ những trải nghiệm trong cuộc sống từ một vị lãnh đạo tập đoàn lớn.
Trong tập 1 của chương trình “Cơ hội cho ai” mùa 4, Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh:“Tôi khuyên 2 bạn nhé, mới ra trường, còn trẻ thì hãy cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích. Nếu bây giờ làm việc mình thích trước, về cơ bản thì không ra tiền đâu”.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng nhiều lần nói về câu chuyện thu nhập.
“Tôi cũng phải thừa nhận với các bạn là chúng ta ai cũng đi làm, cũng đều muốn được nhận nhiều tiền hơn. Chúng ta mong muốn được xã hội đánh giá ở mức cao hơn. Khi chúng ta tự hào là mức lương cao hơn các bạn đồng học, ý nói là với trình độ, với năng lực, với khả năng của chúng ta đã được xã hội công nhận và được đánh giá cao hơn”, ông Tiến trải lòng trong một talkshow.
“Với kinh nghiệm của tôi, tôi muốn nói các bạn khi làm được nhiều tiền hơn tôi cảm thấy có ích hơn cho xã hội này. Khi làm được nhiều tiền hơn tôi cảm thấy mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho gia đình, tất nhiên cả nỗi buồn nữa. Để làm được nhiều tiền ta phải hy sinh nhiều thứ lắm. Và khi làm được nhiều tiền ta cũng làm được nhiều thứ cho bản thân mình hơn”.
Trong cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê”, tác giả Cal Newport đã đưa ra những lập luận về câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Theo tác giả, theo đuổi đam mê là đúng, nhưng nó là một lời khuyên tồi. Câu nói này không giúp mọi người tìm được một công việc hấp dẫn phù hợp với bản thân. Thậm chí, đối với nhiều người, việc lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê lại trở nên thật tồi tệ khi mộng tưởng bị phá vỡ, công việc thực tế khác xa so với mong đợi, từ đó phải “nhảy việc” liên tục và luôn chìm đắm trong những lo lắng cơm áo gạo tiền.
Chăm chăm vào tiền sẽ khó giàu
Ở một góc độ khác, Shark Hưng từng bày tỏ quan điểm rằng làm kinh doanh đừng chăm chăm nghĩ đến tiền, khi bạn tạo ra giá trị cho cộng đồng tiền tự nhiên sẽ tới!
Thông thường, nói đến chuyện làm giàu, nhiều người thường nghĩ đến việc làm làm cách nào để kiếm được thật nhiều tiền. Những người thường hay thắc mắc rằng, không hiểu những doanh nhân làm thế nào mà có được nhiều tiền đến vậy. Lý giải điều này, shark Hưng chia sẻ: “Thường những người kinh doanh thành công họ có vẻ không quan tâm đến tiền đâu. Các bạn cứ để ý mà xem, họ thường chỉ coi tiền như một công cụ chứ không phải mục đích”.
Theo shark Hưng, tiền rất quan trọng, nhưng chỉ là công cụ giúp chúng ta thực thi mục tiêu của mình. Khi đạt được thành công, tiền có thể được coi là một công cụ để đo lường sự thành công đó. Nhưng đó cũng không phải là thước đo duy nhất của sự thành công.
Shark Hưng khuyên những người trẻ đang khao khát thành công, làm giàu rằng, hãy cứ phấn đấu vì mục tiêu đem lại các giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, làm những điều có ích cho khách hàng, cộng đồng thì tiền tài tự nhiên sẽ tới. “Còn nếu không làm được gì tốt cho xã hội, không làm điều gì có giá trị cho cộng đồng, cho cuộc sống thì chắc chắn chúng ta chẳng bao giờ có tiền cả”, “Cá mập” nhận định.
“Dù tiền lương là yếu tố quan trọng nhưng bạn không thể làm một công việc chỉ vì tiền. Làm việc cho người mình ngưỡng mộ, người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, bạn sẽ học hỏi được vô số điều có ích cho sự nghiệp. Mặt khác, bạn không bao giờ nên làm việc cho hoặc cùng những người khiến bạn không thoải mái.
Warren Buffett là một trong những tỷ phú hàng đầu thế giới. Với kinh nghiệm sống và kinh doanh dày dạn, ông đã nhiều lần đưa ra những lời khuyên có ích cho giới trẻ.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp và chưa kiếm được hàng tỷ USD, Buffett từng làm việc cho Benjamin Graham – người thầy vĩ đại của ông, mà không hề hỏi thù lao là bao nhiêu. Chỉ khi đến cuối tháng nhận lương, ông mới biết con số cụ thể.
Nên làm vì đam mê hay vì tiền?
Mỗi người một cuộc đời, một theo cách riêng và có những trải nghiệm riêng.
Nếu mỗi ngày đi làm căng thẳng, chán nản, ủ rũ và thiếu vắng niềm vui, điều đó có nghĩa bạn đang đánh đổi chất lượng cuộc sống để kiếm tiền. Nếu bạn chạy theo tiền cả một cuộc đời, từng giây từng phút mà bạn đang trải qua đều không có ý nghĩa.
Mặt khác, nếu bạn dốc sức theo đuổi đam mê nhưng không ra kết quả thì mọi nỗ lực sẽ trở thành vô nghĩa.
Cuộc đời là một chuỗi kéo dài của những sự lựa chọn. Đặc biệt là với người trẻ.
Không có ai quy định chúng ta phải sống thế nào mới là hạnh phúc, bởi định nghĩa khái niệm này trong tim mỗi người là khác nhau. Khi bạn hiểu thế mạnh của mình, chọn lựa con đường đúng đắn và cho bản thân đủ thời gian để theo đuổi những gì mình yêu thích, chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ phải hối tiếc vì mình đã dám sống thật sự.
Sếp FPT Hoàng Nam Tiến nói về giới trẻ Việt: Có người sở hữu hàng chục triệu USD vẫn làm 15-20 tiếng mỗi ngày, chưa bao giờ hưởng thụ
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến tin rằng giới trẻ hiện nay sẽ đi xa hơn thế hệ trước, với nỗ lực lao động không ngừng để đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh tháng 12 có nhiều dấu mốc lịch sử của dân tộc, chương trình “Đối thoại” do Vietnamnet tổ chức đặt ra vấn đề thế hệ ngày nay sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ trước như thế nào.
“Chúng tôi tin rằng thế hệ trẻ chắc chắn sẽ vượt chúng tôi”, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến bày tỏ.
Với kinh nghiệm làm việc cùng nhiều startup, vị Chủ tịch này cho biết giới trẻ hiện nay không còn giới hạn mình ở thị trường 100 triệu dân Việt Nam, mà mơ ước vươn ra thị trường toàn cầu gồm 8 tỷ người. Họ mong muốn người dân trên thế giới mỗi khi tải một ứng dụng sẽ biết đó là sản phẩm từ Việt Nam.
“Có những chàng trai trẻ đã sở hữu tài sản hàng chục triệu USD, nhưng tôi thấy chưa bao giờ họ hưởng thụ. Họ lao động 15-20 tiếng mỗi ngày, còn nhiều hơn tôi. Họ học cái mới mỗi ngày và quyết tâm làm những điều mà thế hệ tôi chưa làm được”, ông Tiến chia sẻ.
Ông cũng cho biết FPT đặt mục tiêu tự làm được những sản phẩm “made in Vietnam” sau khi ra nước ngoài, chứng kiến thành quả của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Giờ đây, công ty đã bắt đầu làm ra những sản phẩm được thế giới sử dụng, nhưng còn rất nhỏ.
“Bây giờ khi ra nước ngoài, họ tôn trọng chúng tôi hơn xưa rất nhiều, cách nói chuyện, làm việc và giao việc cũng khác. Nhưng dù sao, những người thuộc nhóm xuất sắc, có thể ngang hàng với các kỹ sư, chuyên gia tại Mỹ, Nhật hay Úc còn chưa nhiều. Có lẽ chúng tôi phải chờ các bạn gen Z”, ông Tiến cho hay.
Theo Nhịp sống thị trường, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Sếp FPT Hoàng Nam Tiến khuyên người trẻ: Đại học không dạy 3 điều nên phải “tự thân vận động”, mới ra trường đừng làm điều này vì sẽ không ra tiền
- Có nên yêu khi đang khởi nghiệp không? Shark Hưng bảo “có”, Sếp lớn FPT Hoàng Nam Tiến bảo “khó”
- Muốn thoát cảnh mãi chỉ “bán mình” với lương vài triệu như lời khuyên của Shark Hưng, người trẻ mới ra tường có thể làm giàu bằng 3 cách