Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ: Chẳng biết vì cuộc sống dễ dàng hơn, hay do lười suy nghĩ, tôi thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam mà tôi từng tiếp xúc có tính hài lòng với sự qua loa.
Làm việc mà sơ sơ vậy cũng được rồi, hay làm cho có là được rồi, khỏi mất công suy nghĩ, sợ tốn thêm thời gian hay công sức.
Họ cứ lơ ngơ nổi lều phều trên bề mặt, chẳng đầu tư nghiên cứu, suy nghĩ, phản biện, phản tư. Cứ tâm thế đó họ vật vờ trôi nổi, và chẳng làm gì ra trò, và cả đời cũng chỉ phất phơ như thế.
Vậy thì đòi hỏi gì người khác phải quan tâm bạn? Vậy thì yêu cầu gì người khác phải giúp đỡ bạn? Vậy thì sao đòi hỏi người ta phải dâng cho bạn cơ hội thăng tiến hay cơ hội kinh doanh?
Nếu đang là kẻ qua loa như thế, bạn biết không người thuê bạn đang bực mình lắm đấy. Còn người có tầm thì chẳng ai chọn bạn làm mentee, nhân viên, hay cộng sự cho bất kỳ dự án nào.
Bạn cứ là lục bình trôi nổi trong đời, cứ thảnh thơi cuốn theo dòng chảy cuộc sống, nhưng đừng bao giờ mong có ai nghĩ tới mình khi cần cộng tác. Còn nếu không muốn chảy lêu phêu như thế, có lẽ nên nghĩ cách để hết qua loa sau cơn khủng hoảng Covid.
Chia sẻ vài cách cho các bạn đây:
1. Pack your schedule – Bắt đầu mỗi ngày với lịch làm việc kín:
Nếu chưa bao giờ ngồi xuống đầu ngày để sắp xếp lịch làm việc trong ngày, năm 2018 là năm bạn cần bắt đầu thói quen này đấy. Không sắp xếp thì chẳng bao giờ làm được hay làm xong. Không có lịch thì chẳng biết phải làm gì.
Nếu thấy lịch của mình còn trống quá, bắt đầu fill in the blank – điền vào chỗ trống đi nhé. Hãy làm việc, tham gia vào nhiều hoạt động hơn nữa, xung phong nhận nhiều trách nhiệm hơn nữa để giúp bản thân luôn suy nghĩ, hành động, học hỏi trong ngày.
2. Do things no one else is willing to do – Làm việc người khác không thích làm:
Người có tố chất lãnh đạo là người luôn nhận lãnh trách nhiệm về mình. Người xuất sắc là người luôn làm những việc mà người thường không thích. Bởi vậy, khi đi tìm người giỏi, tôi luôn tạo hoàn cảnh mà câu hỏi là ai sẽ xung phong đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này. Đa số người thường sẽ tránh né.
Người có tố chất sẽ không ngại việc nhỏ, việc có vẻ boring – chán ngắt, việc nhiều trách nhiệm mà né tránh. Việc người khác né, họ nhận. Và tôi luôn trân trọng, phát triển, cộng tác với những người biết nhận làm những việc mà người khác né. Họ mới là người nên được cho thêm cơ hội, vì tâm thế họ đã sẵn sàng.
3. Learn more than anyone else – học nhiều hơn người khác:
Người giỏi học hỏi mỗi ngày, mọi nơi, về nhiều phương diện. Vì họ biết cách sắp xếp thời gian để dành riêng thời gian học cho bản thân mỗi ngày, nên họ tiến xa hơn người khác. Đừng nói em không có thời gian.
Câu này tôi nghe nhiều rồi. Bạn nghĩ tôi có thời gian không với lượng công việc, công tác cộng đồng, cam kết viết lách của mình? Vậy mà ngày nào tôi cũng có thời gian để học.
4. Read between 2-4 books per month – Đọc từ 2 đến 4 quyển sách mỗi tháng:
Có người cả năm chả đọc 1 quyển sách. Trung bình thì các bạn đọc 2-4 quyển sách mỗi năm. Người giỏi đọc nhiều hơn, đa dạng hơn, nên họ tiến nhanh hơn người thường từ 6-12 lần. Bạn cứ qua loa đi không sao. Cứ để người ta qua mặt và phát triển, và thành công, nhưng đừng trách nhé.
5. Never surrender on the things you truly want – Đừng bao giờ bỏ cuộc khi bạn thực sự muốn làm:
Người qua loa bỏ cuộc nhanh lắm. Họ cứ negative kiểu không được đâu, khó lắm, trời ơi vầy thì thua rồi…. Họ sợ tốn sức suy nghĩ giải pháp, và họ cho rằng thế giới này khan hiếm giải pháp lắm. Nói nghe nè, điều bạn muốn chỉ có bạn mới làm.
Chẳng ai rảnh và dại gì mà đi giúp bạn vì bạn không làm được. Người ta chỉ đưa bàn tay ra nâng đỡ khi ta cố gắng hết sức, khi ta quyết chí không bỏ cuộc, khi ta tìm cách vượt qua mọi khó khăn trở ngại để thành công. Khi qua loa, đừng trách người đời hờ hững.
Don’t settle for mediocrity – Đừng cứ qua loa cho xong chuyện. Nếu muốn có một khởi đầu mới hay ho, đầy hứng khởi và thành công, cứ phải thay đổi cái tính qua loa của bản thân mình trước đã.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Người tiêu cực sợ mất việc chỉ biết nói xấu công ty, người thông minh biết biến nỗ lực thành chìa khoá thành công!
Sự việc giống nhau, hai thái độ và cách tiếp cận khác nhau, chia thành người giỏi, vươn lên không ngừng và kẻ lơ mơ ngồi than trách sao phận mình ngang trái.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia…
Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp”, và “Con đường ngắn để bước ra thế giới”.
Mới đây, nữ chuyên gia đã “rút ruột” chia sẻ về tâm thế làm việc của người trẻ. Trong đó, nhiều bạn coi đi làm chỉ là “cần câu cơm”, đi làm đầy đủ cả tháng chỉ để nhận lương cuối tháng chứ không hề là công việc để sáng tạo, để cống hiến.
Theo quan điểm nữ chuyên gia, chẳng có công việc nào sinh ra để làm hài lòng với chúng ta, chỉ có chúng ta là người thay đổi và nỗ lực để biến công việc đó trở nên phù hợp. Người tích cực chắc chắn sẽ biết được chìa khoá của thành công còn người tiêu cực mãi mãi chỉ nhìn công việc giống như một nghĩa vụ phải làm mỗi ngày mà thôi!
“Ngày xưa khi còn đi làm thuê cho tập đoàn, tôi được cất nhắc lên rất nhanh nhờ 2 cách tiếp cận vô cùng đơn giản. Một là luôn làm việc với tâm thế xem công ty đó là công ty của mình. Hai là khi được giao việc, luôn tìm hiểu tại sao người ta giao cho mình việc đó, mục đích muốn đạt được là gì, và nhờ hiểu chữ “tại sao” nên luôn nghĩ ra được thêm một mớ cách nữa để giúp đạt được mục đích.
Ai đi làm thuê cũng hay nghĩ kiểu, trả nhiêu đó tiền, làm nhiêu đó việc, công ty của người ta làm ăn ra sao là chuyện của người ta, chả liên quan gì đến cuộc đời mình. Người có cách nghĩ như thế là người tự lột bỏ cơ hội học hỏi, tiến thân của cá nhân và trong sự nghiệp. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi làm công ăn lương.
Tôi nghĩ thật cám ơn lòng dũng cảm của người ta vì đã dám thuê mình, cho mình cơ hội được trả tiền để đi học MBA. Trời ơi đi học đóng tiền muốn xỉu. Ở đây vừa được học vừa có tiền. Làm sai hậu quả người ta chịu. Có cái trường nào mà nó vô lý như vậy hay không?
Tâm thế vậy, nên tôi đi làm bằng lòng biết ơn, bỏ qua những sự linh tinh bon chen ganh ghét chốn đông người. Công ty nào cũng thế. Tập thể nào cũng thế. Hơi đâu mà để ý phí thời gian và công sức. Để thời gian lo học cho hết cái khoá sung sướng vừa học vừa được trả tiền này.
Và vì biết ơn, nên nghĩ như người làm chủ, hiểu nỗi đau của họ, chia sẻ nỗi đau đó bằng cách luôn tìm nhiều cách để đạt được mục tiêu đề ra. Giao 5 việc, tự nghĩ ra thêm 5 việc nữa để hoàn thành mục tiêu. Làm với tinh thần say mê sáng tạo, xây dựng ý tưởng và thử nghiệm cách mới không ngừng để hoàn thành mục tiêu hơn mong đợi, nhanh hơn, tốt hơn, hay hơn, vui hơn, wow hơn.
Tâm thế luôn là như thế. Thái độ luôn là như thế. Thời đi làm có lẽ tôi học được về quản trị kinh doanh gấp vạn lần so với thời ngáp dài ngồi trong lớp học MBA.
Trên tâm thế đó, và vì nghĩ mình làm chủ, nên làm gì cũng bắt đầu từ cái gốc mà suy nghĩ. Khi được giao việc, câu đầu tiên sẽ hỏi là tại sao cần làm việc này, để đạt được mục đích gì?
Tôi chưa bao giờ làm việc như thiên lôi, ai bảo sao làm vậy, ai chỉ đâu đánh đó. Nếu không hiểu tại sao cần làm một việc nào đó, làm sao bạn có thể sáng tạo hơn và làm tốt hơn? Không thể nào! Không xác định được mục đích muốn đạt được là gì, làm sao suy nghĩ được nhiều hướng tiếp cận?
Đây chính là tử huyệt của giáo dục Việt Nam, đào tạo những thế hệ nói sao nghe vậy, bảo sao làm vậy, không biết hỏi chỉ học vẹt, không biết sáng tạo vì chả hiểu nguyên lý, mục đích chính của bản thân không quan tâm toàn lo nhiều chuyện, drama, chửi bới thiên hạ mà không biết khiêm cung nhìn lại bản thân mình.
Ngày nay, người ta xài chữ trending là ‘intra-preneur’, doanh nhân làm thuê. Thật ra, ý nghĩa chỉ đơn giản là suy nghĩ, tư duy, hành động như một người làm chủ.
Cũng là đi làm 8 tiếng, có người nghĩ mình làm chủ, luôn xông pha, đưa ra sáng kiến mới liên tục để hoàn thành mục tiêu, cô chỗ làm như trường học. Có người như con zombie, ngồi chờ hết giờ bấm nút, coi việc đi làm như ngồi tù.
Sự việc giống nhau, hai thái độ và cách tiếp cận khác nhau, chia thành người giỏi, vươn lên không ngừng và kẻ lơ mơ ngồi than trách sao phận mình ngang trái.
Người có tâm thế làm chủ, họ luôn tích cực, bỏ qua chuyện nhỏ nhặt linh tinh, thấy môi trường không tốt không học được thì dễ dàng bỏ đi, vì họ biết còn rất nhiều nơi khác sẵn sàng chào đón họ.
Người ngồi một chỗ, sợ mất việc, nhưng than phiền, nói xấu, càm ràm đủ thứ về công ty đã đóng học phí cho mình là kẻ vô dụng, làm không được, học không xong.
Sau này trong đời, nghe ai mắng chửi, than phiền, chỉ trích nơi họ vẫn cứ lết tới lãnh lương không dám bỏ hàng ngày, tôi biết đó không phải là người dùng được.
Tôi đi làm thuê nhiều nơi, làm chủ cũng nhiều nơi. Với tôi, tất cả mọi chỗ làm, mọi cơ hội đều là nơi đã đóng học phí cho tôi lớn lên, cho tôi thành người, cho tôi lãnh bằng MBA trường đời, cho tôi có được tất cả những gì ngày hôm nay có.
Mỗi năm, đến ngày sinh nhật ông chủ tịch tập đoàn vẫn nhắn tin cám ơn hai ông bà đã cho tôi cơ hội được làm việc và lớn lên, cám ơn sự tin tưởng và học phí họ đã đóng cho tôi.
Cả đời này, tôi luôn nợ họ lời cám ơn như thế.”
Nguồn: Trí Thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Jack Ma khuyên người trẻ: 20 tuổi đi làm thuê, 30 tuổi theo đuổi đam mê và 40 tập trung chuyên môn
- Cha đẻ đế chế Daewoo Kim Woo Choong: Các bạn trẻ muốn thành công, phải cúi thấp đầu xuống!
- 10 lời khuyên của “Cụ tỷ phú huyền thoại” Warren Buffett về kiếm tiền – chi tiêu: Muốn giàu bền vững thì đừng bỏ qua!