“Tôi mong rằng, trong nhiều năm sắp tới, Việt Nam sẽ là cường quốc về trí tuệ nhân tạo. Và FPT đang nỗ lực để thực hiện điều đó”, ông Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định.
20 năm trước khi Việt Nam chưa từng làm phần mềm, ban lãnh đạo FPT mơ ước rằng trí tuệ Việt Nam sẽ mở mang bờ cõi và ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới. Thì đến nay, theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam có thể coi là “cường quốc” về phần mềm với hơn 1 triệu nhân lực và chỉ đứng sau Ấn Độ.
Vị thuyền trưởng vững tay chèo
Tại Lễ Công bố – Vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022, FPT vinh dự được xướng tên trong Top 10 thương hiệu xuất sắc và ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT được vinh danh là 1 trong 6 Doanh nhân xuất sắc – Giải thưởng dành cho các thuyền trưởng bản lĩnh vượt qua sóng gió, vững tay chèo, giữ doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Lễ Công bố, ông Trương Gia Bình cho biết, 3 năm vừa qua thế giới đứng trước đại dịch chưa từng có là Covid-19, nên thách thức lớn nhất với mỗi doanh nhân là trụ vững và tiến lên, hay nói cách khác là tinh thần kiên cường.
“Cũng cũng giống như đứng trước cơn bão, chúng ta không ước định được gió sẽ táp từ phương nào, nước sẽ từ đâu ập đến. Chúng ta chỉ có thể sẵn sàng. Doanh nhân là vậy, nhiệm vụ càng thách thức thì thành quả càng to lớn. Và Covid-19 là thách thức mà 100 năm mới có”, Chủ tịch FPT cho hay.
Ông Bình chia sẻ câu chuyện FPT đã kiên cường, vững vàng vượt qua những thách thức của đại dịch để có được những hợp đồng lớn hàng chục triệu USD, đảm bảo hoạt động thông suốt của hàng nghìn dự án, giữ vững tăng trưởng và phát triển bền vững.
Sau 20 năm xây dựng, FPT xây dựng được mạng lưới khách hàng quốc tế, là những đối tác có đòi hỏi cao nhất về chất lượng, thời hạn, chẳng hạn như: các tập đoàn sản xuất máy bay, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu, thậm chí là những cường quốc lớn.
“Bây giờ, nếu có sơ xuất nào mà không triển khai được dự án đúng hạn, thì coi như nỗ lực mấy chục năm mất đi. Việt Nam đã phải nỗ lực biết bao để có được những khách hàng như vậy, có tên trên bản đồ công nghệ thế giới và khi Covid-19 xảy đến, những nỗ lực này có nguy cơ mất trắng”, ông Bình kể lại.
Ngay khi “cơn bão” ập đến, điều đầu tiên mà Chủ tịch FPT thực hiện là ngồi xuống và viết 1,5 trang thông điệp gửi Tập đoàn như một lời tuyên bố, rằng toàn thể FPT đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng cho mỗi cán bộ nhân viên.
Với sự chuẩn bị về mặt nhân lực, cũng như hạ tầng công nghệ từ những làn sóng dịch bệnh đầu tiên năm 2020, FPT đã thích ứng nhanh chóng và tạo đà phát triển tốt cho các năm tiếp theo.
Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của FPT luôn tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2020 – 2022. Trong 8 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn đều tăng trưởng cao ở mức 24% so với cùng kỳ, tương đương 27.060 tỷ đồng và 4.951 tỷ đồng.
“Chúng tôi kiên định và tất cả không sợ hãi, nghĩ trăm phương ngàn kế để không vỡ trận trong bất cứ trường hợp nào. Kết quả là trong giai đoạn Covid-19, chúng tôi có hàng ngàn hợp đồng được tiến hành thường xuyên và bàn giao đúng hạn. Tăng trưởng trong giai đoạn đó còn cao hơn năm thường. Trong nguy có cơ, phải tìm bằng được cơ trong nguy”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Mơ ước một Việt Nam hùng cường
Khi được hỏi về ước vọng của một doanh nhân, Chủ tịch FPT bộc bạch: “Tôi luôn mơ ước một tương lai Việt Nam rất khác”.
Cụ thể, 20 năm trước khi Việt Nam chưa từng làm phần mềm, ban lãnh đạo FPT từng có mơ ước rằng trí tuệ Việt Nam sẽ mở mang bờ cõi và ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ thế giới. Thì đến nay, theo ông Bình, Việt Nam có thể coi là “cường quốc” về phần mềm với hơn 1 triệu nhân lực và chỉ đứng sau Ấn Độ.
Những năm gần đây, khi thị trường công nghệ bắt đầu có những sự chuyển dịch trong thầm lặng, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với những tên tuổi như: Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird, hay Nguyễn Thành Trung với Axie Infinity…
“Tôi mong rằng, trong nhiều năm sắp tới, Việt Nam sẽ là cường quốc về trí tuệ nhân tạo. Và FPT đang nỗ lực để thực hiện điều đó”, ông Trương Gia Bình khẳng định.
Tất nhiên, không thể phủ nhận là nền kinh tế thế giới đang trải qua những giai đoạn bất ổn. Ông Bình gọi đó là CHAOS – thuật ngữ hỗn loạn trong toán học.
Chẳng hạn như tại Việt Nam, vấn đề thương hiệu, môi trường, năng lượng “xanh” đang rất nóng. Hay như tại Mỹ và Trung Quốc, biểu hiện của lạm phát và suy thoái là rất cao. Đó là chưa kể đến những diễn biến xoay quanh Nga và Ucraina.
“Dù có bao nhiêu khó khăn bủa vây, chúng ta vẫn phải sẵn sàng trong mọi điều kiện, đấy chính là tính kiên cường của Việt Nam. Bước vào giai đoạn mới, FPT luôn sẵn sàng chuyển đổi trạng thái, chuyển từ thời bình sang thời chiến. Mỗi lãnh đạo trước đây chủ yếu là triển khai công việc đảm bảo theo quy trình, thì giờ mỗi người chỉ huy là một chiến sĩ với các nhiệm vụ rất rõ ràng. Dù sẵn sàng biến đổi trước thách thức, nhưng cái bất biến chính là tinh thần kiên cường, trụ vững, tiến lên”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Doanh nhân, doanh nghiệp phụng sự cộng đồng
Tận dụng những cơ hội được mở ra nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số tăng mạnh trên toàn cầu thời gian gần đây, FPT đã tích cực đẩy mạnh phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, gia tăng hoạt động bán hàng tại các thị trường trong và ngoài nước, cũng như thúc đẩy hợp tác ở các mảng kinh doanh khác nhau.
Đồng thời, Tập đoàn cũng không ngừng kiến tạo những động cơ tăng trưởng mới, đón đầu nhu cầu và giải quyết các khó khăn bức thiết nhất giúp khách hàng thích ứng linh hoạt trước những biến động bất thường của kinh tế xã hội, bất ổn chính trị cũng như thiên tai, đại dịch.
Song song với việc đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, FPT cũng không ngừng chuyển đổi số chính các hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp hướng đến mô hình doanh nghiệp số, hoạt động, vận hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Riêng trong năm 2021, đã có 43 dự án chuyển đổi số nội bộ liên quan đến tự động hóa, số hóa quy trình nghiệp vụ; quản lý chăm sóc khách hàng; quản lý nhân sự; quản lý các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh…. được triển khai trên toàn Tập đoàn và tại các công ty thành viên giúp tiết kiệm 98 tỷ đồng chi phí và đóng góp 141 tỷ đồng doanh thu.
Đơn cử như Nền tảng dữ liệu khách hàng (Customer Data Platform), phân tích dữ liệu của hơn 48 triệu khách hàng sử dụng các nền tảng dịch vụ của FPT.
Từ đó, FPT có thể hiểu hơn về nhu cầu, hành vi tiêu dùng của khách hàng và đưa ra những giải pháp phù hợp, kịp thời trong tương lai.
Không chỉ đảm bảo tăng trưởng bền vững về kinh tế, FPT cũng là một trong những doanh nghiệp luôn quan tâm đến các hoạt động vì cộng đồng.
Năm 2021, cùng với sự chung tay của 37.180 cán bộ nhân viên, FPT đã hỗ trợ 183,6 tỷ đồng cho hơn 100 sự kiện, hoạt động trách nhiệm xã hội, mang lại những giá trị cả về vật chất và tinh thần thiết thực nhất cho 134.494 người trên phạm vi toàn quốc.
Các hoạt động chủ yếu tập trung vào hỗ trợ cộng đồng phòng, chống Covid-19; đào tạo nguồn nhân lực số/nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn; hiến máu nhân đạo….
Đặc biệt, trước cảnh hơn 4.000 em nhỏ không may mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã đưa ra ý tưởng thành lập trường nuôi dạy trẻ em mồ côi do Covid-19 với mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh chinh phục những đỉnh cao.
Năm học 2022 – 2023 đã có 200 em học sinh đầu tiên được nuôi dưỡng và đào tạo dưới mái trường mang tên Hy Vọng.
Trước đó, tháng 9/2021, ông Trương Gia Bình khởi xướng ý tưởng xây dựng ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19, với mong muốn tạo ra môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai.
Chia sẻ khi công bố ý tưởng này, ông Bình nói: “Chúng tôi cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng”.
Quỹ Hy Vọng (Hope Foundation) là thành viên sáng lập với nguồn tài chính được cam kết bởi những người FPT.
Cho tới nay, Trường Hy vọng đã nhận được sự hỗ trợ, góp sức từ nhiều đơn vị đồng hành như: Trung ương Đoàn phối hợp trong Chương trình đỡ đầu chăm sóc, bảo trợ trẻ em; một số doanh nghiệp tặng hàng nghìn phần quà dụng cụ học tập và vui chơi, sáng tạo cho học sinh hay hỗ trợ các em di chuyển về quê thăm nhà ít nhất hai lần một năm.
The Theleader