Theo thống kê của Forbes, khối tài sản của 6 tỷ phú giàu nhất Việt đã “bốc hơi” hơn 6,1 tỷ USD trong một năm 2022 qua khi thị trường chứng khoán suy giảm.
2022 là một năm đầy biến động đối với những người giàu nhất thế giới. Theo Forbes, các tỷ phú đã mất hơn 1.900 tỷ USD, chủ yếu do giá cổ phiếu lao dốc, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Các tỷ phú Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi thị trường chứng khoán trong nước suy giảm. Theo danh sách tỷ phú của Forbes công bố hồi tháng 3, Việt Nam có 7 người – số lượng nhiều nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, theo thống kê đến ngày 26/12 của Forbes, Việt Nam chỉ còn 6 tỷ phú là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang và Trần Đình Long.
Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn không còn là tỷ phú USD. Ông Nhơn lần đầu góp mặt trong danh sách năm nay với khối tài sản 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 thế giới. Đến ngày 11/11, Forbes ước tính ông Nhơn chỉ còn sở hữu hơn 970 triệu USD.
Do phải đối mặt nhiều khó khăn trên thị trường bất động sản, cổ phiếu NVL của Novaland bắt đầu giảm mạnh từ cuối tháng 10, ảnh hưởng đến khối tài sản của ông Nhơn. Đà giảm của mã này hiện vẫn chưa dừng lại. Chốt phiên 26/12, cổ phiếu NVL giảm hết biên độ, còn hơn 14.000 đồng, kém gần 5 lần so với thị giá hồi đầu tháng 11.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng bị Forbes đưa ra khỏi danh sách tỷ phú cùng thời điểm với ông Nhơn khi chỉ sở hữu khối tài sản trên 950 triệu USD. Hồi đầu tháng 11, cổ phiếu HPG giao dịch ở mức đáy từ tháng 7/2020 khi ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn của vua thép lần đầu báo lỗ quý sau hơn 13 năm khi ghi nhận mức lợi nhuận quý III âm xấp xỉ 1.790 tỷ đồng.
Nhưng khác với ông Nhơn, ông Long đã nhanh chóng lấy lại danh hiệu tỷ phú đôla Mỹ chỉ hơn một tuần sau đó khi giá cổ phiếu HPG tăng mạnh. Theo thống kê ngày 18/11, ông Long sở hữu tổng tài sản trị giá khoảng 1,1 tỷ USD.
Hiện tại, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát đã tăng lên 1,4 tỷ USD. Dù vậy, so với đầu năm, khối tài sản của “vua thép” vẫn giảm 1,8 tỷ USD và khiến ông rời top 1.000 người giàu nhất thế giới.
Đến ngày 26/12, tổng giá trị tài sản của 6 tỷ phú Việt khoảng 12,3 tỷ USD, giảm gần 6,1 tỷ USD so với quý đầu năm. Trong đó, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, giảm khoảng 2,2 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VIC của Vingroup đã giảm gần một nửa, chốt phiên giao dịch 26/12 ở mức gần 53.000 đồng mỗi đơn vị.
Hiện tại, ông Vượng chỉ sở hữu khối tài sản trị giá 4 tỷ USD – mức thấp nhất kể từ năm 2017. Chủ tịch Vingroup đang là người giàu thứ 685 trên thế giới, giảm hơn 270 bậc so với hồi tháng 3.
Tài sản của ông Trần Đình Long giảm mạnh, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đã trở thành người giàu thứ nhì Việt Nam dù cũng mất khoảng 800 triệu USD trong 9 tháng qua. Bà Thảo đang sở hữu 2,3 tỷ USD, đứng thứ 1.267 thế giới.
So với cổ phiếu các doanh nghiệp của 5 tỷ phú còn lại, VJC của Vietjet cũng đang có thị giá cao nhất. Mã này hiện giao dịch quanh mức gần 110.000 đồng. Trong báo cáo gần nhất, công ty chứng khoán VNDirect dự tính Vietjet có thể lãi hơn 1.300 tỷ đồng năm nay. Hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng được kỳ vọng hưởng lợi lớn thời gian tới nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Bộ đôi Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang lần lượt mất 700 triệu USD và 500 triệu USD mỗi người. Chủ tịch Techcombank hiện sở hữu khối tài sản trị giá 1,6 tỷ USD, còn Chủ tịch Masan sở hữu khoảng 1,4 tỷ USD.
Tài sản của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương biến động ít nhất trong các tỷ phú Việt Nam năm nay. Theo Forbes, ông Dương và gia đình đang nắm giữ tổng tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, kém 100 triệu USD so với quý đầu năm.
Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) do gia đình ông Dương nắm hơn 70% vốn là một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khác với những tỷ phú còn lại, tài sản của ông Dương không thể xác định biến động hàng ngày như giá cổ phiếu trên thị trường. Vì thế, tài sản của ông thường chỉ thay đổi trong mỗi kỳ đánh giá của Forbes.
Nhiều tỷ phú Việt không nhận thù lao
Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên của Tập đoàn Vingroup (VIC), doanh nghiệp này đã chi hơn 24 tỷ đồng thù lao cho các thành viên lãnh đạo, gồm Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và các thành viên quản lý khác.
Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và nhiều thành viên Hội đồng quản trị không nhận thù lao. Báo cáo cũng cho biết, tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng không nhận thù lao trong nửa đầu năm 2021. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), Chủ tịch Vingroup hiện có tài sản gần 5 tỷ USD.
Nửa đầu năm nay, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt hơn 31.600 tỷ đồng, giảm gần nửa so với cùng kỳ chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng.
Trong khi đó, các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%; y tế và giáo dục tăng lần lượt 43,6% và 14%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong sáu tháng đầu năm nay của tập đoàn đạt gần 3.500 tỷ đồng.
Tương tự Chủ tịch Vingroup, nhiều tỷ phú Việt khác cũng không nhận thù lao.
Báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và các thành viên không nhận thù lao trong nửa đầu năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, khoản chi các nhân sự HĐQT là hơn 17 tỷ đồng.
Các khoản chi lương và thưởng cho các lãnh đạo của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm vì thế cũng giảm mạnh, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, bằng một phần tư cùng kỳ, chủ yếu cho các thành viên ban giám đốc.
Nửa đầu năm nay là một giai đoạn khó khăn cho Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung. Quý II, Hòa Phát chỉ lãi hơn 4.000 tỷ, giảm mạnh so với mức 9.700 tỷ của cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng giai đoạn năm trước.
Kết quả này cũng được phản ánh qua đà giảm của giá cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, thép là một trong những nhóm bị điều chỉnh mạnh nhất. Riêng cổ phiếu HPG đã giảm gần 35%, khiến tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long hiện còn 2 tỷ USD, giảm 1,2 tỷ USD so với số liệu Forbes công bố trước đó.
Một tỷ phú khác là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) cũng không nhận thù lao.
Báo cáo tài chính kiểm toán của Masan cho biết, doanh nghiệp này đã chi gần 106 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên quản lý chủ chốt trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn không nhận thù lao.
Việc không nhận thù lao với các thành viên HĐQT Masan đã diễn ra từ năm 2020 đến nay.
Tại Techcombank, báo cáo tài chính kiểm toán cho biết, nhà băng này đã chi ra hơn 210 tỷ đồng trả thù lao cho nhân sự lãnh đạo. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank và các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhận về gần 19 tỷ đồng.
Tương tự, với Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam và các thành viên Hội đồng quản trị, ban giám đốc nhận tổng thu nhập 12,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Với Novaland, quỹ lương và các phúc lợi khác cho các thành viên lãnh đạo chủ chốt trong nửa đầu năm nay ghi nhận hơn 10,4 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm trước. Ngoài ông Bùi Thành Nhơn giữ chức Chủ tịch, Hội đồng quản trị NVL còn 5 thành viên khác.
Theo Vnexpress