Trong số ít đại gia tỷ phú Việt Nam đi lên từ hai bàn tay trắng thì Đoàn Nguyên Đức là người gặp nhiều trở ngại và đầy khó nhọc nhất. Ông xuất thân từ nhà nghèo đông anh em và bắt đầu sự nghiệp bằng nghề đóng bàn ghế học sinh cho một xưởng nhỏ vùng quê và thi trượt Đại học cả 4 lần.
Có lần khi được phóng viên hỏi rằng: “Anh điều hành nhiều công ty như vậy thì liệu Anh có thời gian để thư giãn, bên gia đình không?”, thì được Ông chia sẻ rằng: “Tôi làm việc bất kể giờ giấc, chỉ tính hết việc mà không tính hết giờ. Thời gian làm việc hầu như chiếm gần hết quỹ thời gian của tôi. Tôi làm việc bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu, trên đường ra sân bay, ngồi trên máy bay, khi ăn, khi ngủ, không có nhiều thời gian bên gia đình”.
Tuổi thơ đầy gian khó và nghèo khổ nhưng luôn quyết tâm vươn lên
Ông Đoàn Nguyên Đức (hay còn gọi là Bầu Đức) sinh năm 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió.
Lúc bấy giờ Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.
Lớp 12, năm 1982, cậu vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt. Năm ấy, Đức trượt đại học…
Không nản lòng, cậu lại vùi đầu vào sách vở. Sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Đức vẫn không thể vào được cổng trường đại học. Như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.
“Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó”, ông Đoàn Nguyên Đức nhớ lại. Khi ấy, ông nhớ đến hình ảnh của mẹ, người phụ nữ miền sơn cước tần tảo nuôi 9 anh em Đức ăn học.
Và ông chợt nhận ra rằng có nhiều con đường để dẫn đến thành công. “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức nói.
Quyết tâm thay đổi cuộc đời và khởi nghiệp từ nghề đóng bàn ghế
Cuộc sống càng nghèo khó càng làm cho Ông Đoàn Nguyên Đức càng phấn đấu vươn lên để thoát cảnh nghèo khổ, và càng chứng tỏ được bản lĩnh con người Ông. Năm 1990 Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công Ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG.
Cũng trong năm 2008, với việc sở hữu hơn 55% số cổ phiếu HAG đang lưu hành, bầu Đức đã trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, đồng thời ông cũng tiến hành mở rộng quy mô kinh doanh bằng việc sang Lào và Campuchia trồng cao su.
Khi đó, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, trong năm 2011 mức giá còn có lúc lên tới 6.000 USD/tấn. Cùng với cây cao su, HAGL còn trồng nhiều cây công nghiệp khác, như cọ dầu, mía, bắp quy mô mỗi cây trồng lên đến hàng nghìn hecta.
Tính từ năm 2009 đến nay, HAGL đã chi 750.000 USD cho bóng đá Lào. Cụ thể năm 2009 tài trợ 200.000 USD thuê HLV Alfred Rield, năm 2010 và 2011 tài trợ 200.000 USD thuê HLV nước ngoài và năm 2013 là 200.000 USD, đồng thời tài trợ Lào League 2013 150.000 USD.
Trước đó, HAGL đã giúp Lào xây dựng Làng VĐV phục vụ SEA Games 2009 với trị giá 19 triệu USD, trong đó có 4 triệu USD tài trợ không hoàn lại, số còn lại là cho vay không tính lãi.
Câu chuyện bằng Đại học của bầu Đức
Câu chuyện bằng Đại học của bầu Đức xuất phát từ việc tiêu chí để ứng cử vị trí phó Chủ tịch tài chính của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF nhiệm kỳ VIII quy định: “Am hiểu và có kinh nghiệm trong hoạt hoạt động tài chính, thương mại; trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên”.
Ngoài ra, Chủ tịch và các vị trí phó Chủ tịch khác cũng ràng buộc bằng cử nhân. Một tiêu chí mới của VFF nhưng được xem là sớm gạch tên bầu Đức khỏi VFF, theo kiểu bóng chưa lăn đã biết tỷ số. Bởi cả nước ai cũng biết ông Đức không có bằng Đại học với 3 lần ôm sách vở đi thi thố nhưng trượt.
Ông chủ HAGL tâm sự rằng: “Tôi không có bằng Đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc…”.
Bầu Đức và 1 thập kỷ với những nốt trầm trên thương trường
sau khi lập đỉnh vào năm 2011, giá cao su thế giới bất ngờ lao dốc mạnh cùng với đó, thị trường bất động sản Việt đóng băng, ông chủ HAGL bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn.
Năm 2013 và 2014, doanh thu lập tức sụt giảm mạnh trong khi vay nợ vẫn ở mức cao, thanh khoản công ty gặp khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào cao su khi giá sản phẩm công nghiệp này đang ở đỉnh cao 6.000 USD nhưng đến khi thu hoạch thì giá cao su ‘bốc hơi’ 80% về còn 1.000 USD.
Khó khăn chồng chất, trong năm 2013, bầu Đức tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Kế hoạch tái cấu trúc HAGL lúc ấy bao gồm 2 việc chính là thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam đồng thời chỉ đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar.
Sau khi bán đi mảng bất động sản trong nước và thuỷ điện, mía đường, trong bối cảnh giá cao su vẫn chưa hồi phục, Hoàng Anh Gia Lai quyết định đầu tư vào các sản phẩm có vòng đời nhanh giúp mang về dòng tiền duy trì hoạt động.
Đầu tiên là bò thịt, rồi đến rau củ quả. Tuy nhiên chiến lược này chỉ giúp HAGL tạm thời cầm cự, chứ không thể giúp tập đoàn của ông bầu nổi tiếng thoát khỏi khó khăn.
Năm 2017, bầu Đức đưa ra hướng đi mới với lĩnh vực trái cây và tham vọng rằng thương hiệu trái cây của Hoàng Anh Gia Lai sẽ vươn ra tầm thế giới. Vào thời điểm đó, không có nhiều người tin vào tham vọng của ông Đoàn Nguyên Đức.
Có người còn cho rằng chắc ông bầu đam mê bóng đá vì nợ nần mà hoá ‘lẫn’, bởi Hoàng Anh Gia Lai trước nay được biết đến với các dự án địa ốc, thuỷ điện hay mía đường, chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đoàn Nguyên Đức – Hoàng Anh Gia Lai và con đường phía trước
Việc chuyển hướng đầu tư kịp thời và kiên định với hướng đi đã chọn đã mang về ‘quả ngọt’ cho Hoàng Anh Gia Lai cùng doanh nhân Đoàn Nguyên Đức.
Trong năm 2017, sản phẩm nông nghiệp của vị doanh nhân này chính thức được xuất ngoại, trong đó mặt hàng chuối đã được các siêu thị lớn tại Campuchia tiếp nhận và bán đến tay người tiêu dùng. Không dừng lại tại đó, các sản phẩm chanh dây, thanh long, chuối và ớt của HAGL cũng lần lượt được xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ trái cây số 1 thế giới là Trung Quốc.
Sau một thời gian mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn trái và thu về tín hiệu khả quan nhưng HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Và để xử lý dứt điểm khoản nợ tỷ đô, HAGL đã chọn cách hợp tác với Tập đoàn Trường Hải (Thaco) của đại gia Trần Bá Dương.
Giữa tháng 8/2018, HAGL Agrico đã tiến hành tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và sau đợt chuyển đổi, Thaco trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 26,29% vốn.
Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 8/2019, HAGL Agrico đã tiến hành chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại các công ty con cho Công ty Nông nghiệp Đông Dương (Thadi), bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương; Công ty TNHH Đông Pênh và Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên.
Với việc quyết liệt tinh giản hệ thống các công ty con, giới đầu tư kỳ vọng công ty của Bầu Đức có thể “gọn nhẹ” bộ máy, tập trung hoạt động trong mảng kinh doanh được công ty coi là cốt lõi hiện nay là hệ sinh thái nông nghiệp.
Câu chuyện thành công của ông Đoàn Nguyên Đức còn tiếp nối trong tương lai. Một lần nữa khi nhắc đến bầu Đức không chỉ nổi tiếng với những thương vụ đình đám trong làng bóng đá như mua cầu thủ nổi tiếng Kiatisuk, sở hữu phi cơ… người ta còn biết đến ông với danh hiệu người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008. Thế nhưng có một bầu Đức khác mà ít ai biết, đó là cậu bé nghèo khổ của mấy chục năm trước, với những trải nghiệm đắng cay đã trở thành ký ức hằn sâu trong con người ông cho đến tận bây giờ.
Thật là phi thường: 40 năm trước cậu bé Đoàn Nguyên Đức hàng ngày chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định quê hương, ước mơ một ngày nào đó sẽ được cưỡi và tậu cho mình một máy bay riêng. Ước mơ tưởng như viển vông đó nay đã thành hiện thực.
Ở phố núi, chẳng ai gọi ông Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) bằng cái tên cúng cơm Đoàn Nguyên Đức, mà là Ba Đức vì cái tên này đã trở nên gần gũi, thân quen với mọi người.
Tổng hợp