Tesla hiện là hãng xe hàng đầu thế giới với vốn hóa thị trường cả nghìn tỷ USD. Thành công của công ty này gắn liền với vị tỷ phú nổi tiếng “lập dị” Elon Musk. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Elon Musk không phải là người sáng lập Tesla.
Tesla được thành lập vào năm 2003 bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning. Theo một thỏa thuận được công bố năm 2009, 5 người được coi là đồng sáng lập Tesla, bao gồm Elon Musk, JB Straubel, Martin Eberhard, Marc Tarpenning và Ian Wright.
Ngày 1/7/2003, Eberhard và Tarpenning quyết định đồng sáng lập công ty mới của họ. Khi hẹn hò với vợ tại Disneyland vài tháng trước, Eberhard đã nảy ra cái tên Tesla Motors – vừa thể hiện lòng kính trọng với Nikola Tesla, nhà phát minh kiêm nhà sản xuất mô tơ điện tiên phong, vừa chọn được một cái tên nghe rất “chất”.
Hai nhà sáng lập đã thuê một văn phòng với ba bàn làm việc và hai phòng nhỏ tại số 845 Đại lộ Oak Grove, khu Menlo Park – vốn là một tòa nhà đổ nát từ thập niên 1960. Vài tháng sau, chiếc bàn thứ ba đã được Ian Wright, một kỹ sư sinh trưởng tại một nông trang ở New Zealand, sử dụng.
Anh vốn là hàng xóm của các nhà sáng lập Tesla tại Woodside và từng làm việc với họ nhằm khởi sự một công ty nối mạng. Khi công ty này không thể huy động vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, Wright gia nhập Tesla.
Khi ba anh chàng bắt đầu chia sẻ với những người thân cận xung quanh về kế hoạch của mình, họ đã phải đối mặt với sự giễu cợt của mọi người.
“Chúng tôi gặp một người bạn tại quán rượu vùng Woodside này và kể cô ấy nghe về điều chúng tôi quyết định làm sẽ là một chiếc ôtô điện”, Tarpenning cho biết. “Cô ấy nói, ‘Chắc các anh đang đùa tôi’”.
Bất kỳ ai cố gắng thành lập một công ty xe hơi tại Mỹ đều được nhắc nhở ngay rằng công ty khởi nghiệp cuối cùng thành công trong ngành này là Chrysler (thành lập năm 1925). Thiết kế và chế tạo một chiếc xe hơi từ đầu đến cuối là công việc đầy thách thức, nhưng thật sự hái ra tiền và biết cách chế tạo nhiều xe đã ngăn cản những nỗ lực trước đây để một công ty mới có thể tồn tại.
Các nhà sáng lập Tesla ý thức được thực tế này. Họ biết Nikola Tesla từng chế tạo mô tơ điện từ một thế kỷ trước và sáng chế một bộ truyền động để lấy năng lượng từ mô tơ và truyền tới các bánh, nên họ cũng sẽ làm được. Điều thực sự đáng lo ngại chính là công ty của họ phải xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi cùng các phụ tùng đi kèm.
Nhưng càng nghiên cứu về ngành này, hai chàng trai Tesla càng ý thức được rằng các hãng sản xuất xe hơi lớn thực ra không còn tự chế tạo xe nữa. Cái thời Henry Ford còn nhập nguyên vật liệu thô từ đầu vào rồi xuất xe hơi ở đầu ra của nhà máy Michigan đã qua từ lâu.
“BMW không còn chế tạo kính chắn gió, chất liệu bọc ghế hay kính chiếu hậu nữa”, Tarpenning cho biết.
“Công việc duy nhất mà các công ty xe hơi lớn còn duy trì chính là nghiên cứu sự cháy bên trong, bán hàng, marketing và lắp ráp thành phẩm. Chúng tôi cứ ngây thơ cho rằng mình có thể tiếp cận những nhà cung cấp tương tự cho các bộ phận của mình”.
Kế hoạch mà hai nhà sáng lập Tesla đề ra là xin cấp phép một vài công nghệ từ AC Propulsion liên quan đến chiếc xe tzero và sử dụng khung gầm Lotus Elise cho phần thân xe của họ.
Lotus, một hãng sản xuất xe hơi Anh, đã cho ra mắt dòng xe Elise hai cửa vào năm 1996, và hãng này đã có lời chào mời ngọt lịm đến mức sẵn sàng cúi rạp để chào hàng với những khách mua xe sành điệu.
Sau khi trao đổi với một số nhân vật trong ngành buôn bán xe hơi, đội Tesla đã quyết định không bán xe của họ qua các đại lý mà sẽ bán trực tiếp. Sau khi chốt lại những điều cơ bản trên trong kế hoạch, tháng một năm 2004, họ bắt đầu săn tìm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.
Để làm mọi thứ có cảm giác xác thực hơn trong mắt nhà đầu tư, hai nhà sáng lập Tesla đã mượn một chiếc tzero từ AC Propulsion và lái nó đến con đường của giới đầu tư mạo hiểm tại phố Sand Hill. Chiếc xe tăng tốc nhanh hơn cả Ferrari, và cảnh tượng này gợi nên sự phấn khích bản năng ở các nhà đầu tư.
Song, mặt trái nằm ở chỗ giới đầu tư mạo hiểm không phải là những kẻ quá mơ mộng, và họ khó lòng nuốt trôi thứ sản phẩm bằng nhựa xấu tệ là chiếc xe tự ráp được tô vẽ này.
Hai nhà đầu tư hiếm hoi đặt cược vào nó là Compass Technology Partners và SDL Ventures, nhưng họ có vẻ không hoàn toàn bị ấn tượng. Đối tác hàng đầu tại Compass có thiện cảm với NuvoMedia và cảm nhận được phần nào lòng kiên định từ Eberhard và Tarpenning.
“Ông ấy nói, ‘Thứ này thật ngu ngốc, nhưng tôi đã đầu tư vào mọi công ty khởi nghiệp trong ngành xe hơi suốt 40 năm qua, vậy tại sao lại không’”, Tarpenning hồi tưởng.
Tesla vẫn cần một nhà đầu tư chính, người sẽ thanh toán khoản tiền kếch xù 7 triệu USD cần thiết để sản xuất ra thứ được biết đến như một chiếc xe lai, hay một chiếc xe nguyên mẫu. Đó cũng sẽ là cột mốc đầu tiên của họ, giúp họ có được thứ gì đó hữu hình để trưng ra và hỗ trợ cho vòng cấp vốn thứ hai.
Ngay từ đầu, Eberhard và Tarpenning đã nghĩ đến cái tên Elon Musk như một nhà đầu tư chính khả dĩ. Hai năm trước, họ đã cùng chứng kiến anh phát biểu tại hội nghị của Hội Hỏa tinh được tổ chức tại Stanford, nơi Musk vạch ra viễn cảnh đưa đàn chuột vào không gian; họ có ấn tượng rằng anh suy nghĩ khác người đôi chút và hẳn sẽ mở lòng với ý tưởng về một chiếc xe hơi điện.
Ý tưởng giới thiệu với Musk về Tesla Motors được củng cố khi Tom Gage từ AC Propulsion gọi cho Eberhard và bảo rằng Musk đang tìm nơi đầu tư cho mảng xe hơi điện. Eberhard và Wright đã bay đến Los Angeles và gặp Musk vào thứ sáu.
Cuối tuần đó, Musk bỗng hỏi dồn Tarpenning – người vừa có một chuyến đi – về mô hình tài chính. “Tôi chỉ nhớ mình cứ thế trả lời, trả lời rồi trả lời,” Tarpenning kể lại. “Thứ hai tiếp theo, Martin và tôi bay đến gặp anh ấy một lần nữa, và anh ấy đáp, ‘Okay, tôi tham gia'”.
Ashlee Vance / Alpha Books và NXB Thế giới