Nhà đầu tư huyền thoại William J. O’Neil vừa qua đời vào ngày 29/05/2023 ở tuổi 90. Ông nổi tiếng với phương pháp đầu tư CANSLIM và là tác giả của cuốn sách “Làm giàu từ chứng khoán”.
William O’neil sinh năm 1933 tại Oklahoma và lớn lên tại Texas. Ông được giới đầu tư lâu năm trên thế giới biết tới là một nhà đầu tư tài ba, nhà đầu tư huyền thoại ở nước Mỹ.
Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà môi giới chứng khoán tại Hayden, Stone, & Co. ở Los Angeles vào năm 1958.
Khi xây dựng danh sách khách hàng và danh mục đầu tư của mình, ông nhận thấy phân tích dữ liệu là chìa khóa dẫn đến thành công trong đầu tư.
Do đó, vào năm 1963, ông thành lập William O’Neil Co. Inc., công ty phát triển cơ sở dữ liệu chứng khoán hàng ngày được vi tính hóa đầu tiên, theo dõi hơn 70,000 công ty trên toàn thế giới. Cũng trong năm này, O’Neil mua một chỗ trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) khi ông mới 30 tuổi và là người trẻ nhất làm việc này.
Ở giai đoạn đầu, công ty William O’Neil & Co. quản lý tiền cho khách hàng với mức vốn ít nhất là 75,000 USD. Với những nhà đầu tư không có đủ số tiền này, ông O’Neil lập ra quỹ đầu tư dành cho họ vào năm 1966. Sau hai năm, quỹ đầu tư này có tổng tài sản 10 triệu USD, theo một bài báo trên New York Times.
Quỹ O’Neil đạt hiệu suất 116% trong năm 1967 và là quỹ tương hỗ thành công nhất của năm đó, theo bảng xếp hạng của tạp chí FundScope. Tuy nhiên, ông không thể duy trì được thành tích và cuối cùng quyết định bán quỹ vào năm 1975. Tổng tài sản của quỹ đã giảm xuống 6 triệu USD, từ mức đỉnh 49 triệu USD, theo Los Angeles Times.
Trong năm 1992, ông O’Neil lập ra một quỹ đầu tư khác có tên New USA và nhanh chóng huy động được 170 triệu USD. Đến năm 1996, quỹ đầu tư này đạt hiệu suất 67% kể từ ngày thành lập, vượt xa chỉ số S&P 500. Đến năm 1997, ông bán lại quỹ này cho MFS Investment Management.
Là cha đẻ của phương pháp CANSLIM
O’Neil cũng nổi tiếng với nhiều tựa sách về chứng khoán, trong đó tiêu biểu nhất là cuốn “How to Make Money in Stocks: A Winning System in Good Times or Bad” (ở Việt Nam có tên là “Làm giàu từ chứng khoán”).
Trong cuốn sách này, O’Neil nói rõ hơn về phương pháp đầu tư do chính ông tạo ra mang tên CANSLIM, kết hợp giữa 7 yếu tố cơ bản và kỹ thuật.
CANSLIM đại diện cho 7 thành tố:
– C: Current Quaterly Earnings per Share (Thu nhập hàng quý)
– A: Annual Earnings Increases (Tăng trưởng thu nhập hàng năm)
– N: New Products, New Management, New Highs (Sản phẩm mới, dịch vụ và quản lý mới, đột phá về giá)
– S: Supply and Demand (Quy luật cung cầu).
– L: Leader or Laggard (Dẫn đầu hay tụt hậu)
– I: Institutional Sponsorship (Nhà đầu tư tổ chức)
– M: Market Direction (Xu hướng thị trường)
Theo phương pháp này, ông tìm kiếm các doanh nghiệp sở hữu tăng trưởng thu nhập hàng quý tối thiểu 25%; lợi nhuận hàng năm tăng tối thiểu 25% trong 3 năm liên tiếp; có sản phẩm mới, dịch vụ và quản lý mới, đột phá về giá; lượng cổ phiếu đang lưu hành ít hơn 25 triệu cp; là cổ phiếu dẫn đầu trong ngành; có nhà đầu tư tổ chức; đang có xu hướng tăng.
Hãy là người suy nghĩ độc lập
Ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá chú ý tới nhận định của chuyên gia và hãy là người suy nghĩ độc lập trong đầu tư.
Trong cuốn “Làm giàu từ chứng khoán”, ông viết: “Tôi chưa bao giờ chú ý tới các quan điểm cá nhân của các chuyên gia. Chúng chỉ tạo ra sự bối rối và có thể khiến bạn mất tiền”.
5 triết lý của nhà đầu tư đáng học hỏi của William O’Neil
1. Tỷ lệ xuất hiện siêu cổ phiếu thực sự rất thấp
William O’neil từng chia sẻ rằng, cứ 10 cổ phiếu ông mua, may ra chỉ có 1 hoặc 2 là siêu cổ phiếu thực sự. Siêu cổ phiếu được định nghĩa là những cổ phiếu nhân hai, nhân ba hoặc nhiều hơn giá trị của nó.
Trong khi nhìn vào các diễn đàn chứng khoán hiện nay, bạn sẽ thấy nhan nhản các broker giới thiệu về siêu cổ phiếu hay bình luận một dấu chấm để được nhận thông tin về siêu cổ phiếu xuất hiện, vậy nên hãy cẩn trọng và có sự tìm hiểu trong đầu tư.
2. Học hỏi từ những sai lầm
William đã học từ Jesse Livermore rằng “Cách duy nhất để có được bài học thực sự trên thị trường là đầu tư bằng tiền thực, ghi chép chúng và học hỏi từ những sai lầm.”
Hãy ghi lại sai lầm trên đồ thị để có cái nhìn trực quan và bao quát hơn, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân gây ra sai lầm và sửa chữa nó.
3. Xác định xu hướng thị trường chung
Không phải giá trị của cổ phiếu mà chính các nhà đầu tư lớn mới giúp cổ phiếu tăng giá. Theo nghiên cứu của O’Neil và một số fund khác, 40% nguyên nhân khiến cho cổ phiếu tăng giá đến từ thị trường chung, 30% là do sóng ngành, và 30% còn lại là do giá trị nội tại của cổ phiếu. Do đó, một cổ phiếu dù tốt, nhưng bản thân nó cũng không thể tăng giá, nó cần phải chờ thủy triều mới lên được.
4. Cắt lỗ nhanh và để lãi chạy
Là câu nói sấm truyền và luôn luôn đúng trên phố Wall. O’neil thấu hiểu chân lý này và khuyên các nhà đầu tư không nên làm ngược lại.
Hy vọng chẳng có chỗ để tồn tại trên thị trường tài chính. Tốt hơn hết là cắt lỗ sớm khi nó vẫn đang còn nhỏ, hơn là ngồi chờ và hy vọng giá tăng trở lại.
5. Quy tắc bán
Quan trọng không kém gì quy tắc mua, rất nhiều nhà đầu tư mắc phải sai lầm quá chú trọng đến việc mua cổ phiếu mà quên đi làm thế nào để bán hay là cách cắt lỗ và chốt lãi.
Trong cuốn sách “ Làm Giàu Từ Chứng Khoán ”, William O’Neil đã dành ra riêng Chương 11 của cuốn Sách Làm giàu từ chứng khoán để hướng dẫn nhà đầu tư cách bán chốt lãi cổ phiếu.